Có nên làm tiếp viên hàng không ở Việt Nam không?

Tiếp viên hàng không là một trong những nghề được các bạn trẻ quan tâm. Có thể thấy rằng, dù cho trên thị trường có xuất hiện nhiều nghề mới nhưng cái tên “tiếp viên hàng không” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Để trả lời cho câu hỏi “Có nên làm tiếp viên hàng không” hay không, thì chúng mình cùng nhau tìm hiểu chi tiết hơn về nghề này qua bài viết dưới đây.

Nghề tiếp viên hàng không là làm gì?

Tiếp viên hàng không là những người thuộc phi hành đoàn và làm việc trên các chuyến bay thương mại của các hãng không. Họ sẽ là những người đảm nhận các công việc nhằm phục vụ khách hàng trong xuyên suốt chuyến bay.

Nhiệm vụ của tiếp viên hàng không sẽ bao gồm phục vụ, đảm bảo được sự an toàn và tạo cảm giác thoải mái cho hành khách. Trong một số trường hợp khẩn cấp, họ sẽ là người hướng dẫn và giải quyết các vấn đề phát sinh trong chuyến bay.

Chỉ cần nhắc đến ngành nghề này, thì hình ảnh các bạn trẻ vừa đẹp, vừa tài giỏi sẽ hiện lên đầu tiên. Đó cũng là lý do vì sao tiếp viên hàng không luôn là một trong những nghề đáng mơ ước.

Vì sao nghề tiếp viên hàng không lại HOT?

Nghề tiếp viên hàng không ở Việt Nam luôn là nam châm thu hút được đông đảo giới trẻ quan tâm. Cùng Glints tìm hiểu lý do vì sao việc làm này lại hot đến vậy qua thông tin dưới đây.

Trở thành hình mẫu lý tưởng trong mắt mọi người

Tiếp viên hàng không luôn gây ấn tượng bởi ngoại hình sáng, thần thái chuyên nghiệp. Đồng phục của họ cũng đa dạng về mẫu mã, thiết kế, tạo nên sự bắt mắt, thu hút ánh nhìn.

Chính vì vậy, hình ảnh tiếp viên hàng không với dáng đi thướt tha, chuyên nghiệp đã trở thành nhiều hình mẫu lý tưởng trong mắt mọi người.

Thu nhập cao

Một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước chính là nghề tiếp viên. Bên cạnh mức lương cơ bản, họ còn được nhận phụ cấp từ những chuyến bay.

Mức lương này cực kỳ xứng đáng cho những con người luôn sẵn sàng đồng hành và bảo vệ hành khách trong suốt hành trình.

Được du lịch đến nhiều nơi

Bên cạnh những chuyến bay nội địa, tiếp viên hàng không còn có cơ hội đặt chân đến những đất nước khác như Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, v.v.

Khi khám phá được nhiều nơi, họ sẽ học tập được nhiều thứ, làm cho cuộc sống của họ trở nên phong phú hơn. Họ sẽ có được một thanh xuân đáng nhớ với nhiều kỷ niệm đẹp.

Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp

Để trở thành một tiếp viên hàng không chuyên nghiệp thì từng ứng viên đã phải cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân.

Hơn thế nữa, môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ là nơi rèn dũa phẩm chất, tác phong, giúp họ ngày càng hoàn thiện và có được nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Kỹ năng và lưu ý giúp bạn trở thành tiếp viên hàng không tốt

Kỹ năng giúp bạn chuyên nghiệp hơn khi làm tiếp viên hàng không

  • Kỹ năng quan sát: Kỹ năng quan sát hành khách sẽ giúp họ có thể giải quyết các tình huống phát sinh nhanh chóng. Sự nhạy bén sẽ giúp họ đánh giá được tình trạng mà khách hàng gặp phải và đưa ra hướng giải quyết hợp lý cũng như tìm được sự giúp đỡ khi cần.
  • Kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp: Tiếp viên hàng không được xem là gương mặt đại diện cho thương hiệu nên họ cần phải có tác phong chuyên nghiệp. Chính vì vậy nên họ sẽ phải đón tiếp khách hàng bằng nụ cười và giải quyết các tình huống hòa nhã nhất có thể.
  • Kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản: Không giống như các tuyến đường giao thông dưới mặt đất, đường giao thông trên trời là nơi không thể có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bộ phận y tế.

Chính vì vậy, tiếp viên hàng không cần phải trang bị kỹ năng cấp cứu cơ bản để phòng các trường hợp phải sơ cứu gấp. Một số kiến thức mà một nhân viên hàng không cần có như băng bó, cầm máu, hô hấp nhân tạo, v.v.

Một số lưu ý cho bạn nếu ước mơ làm tiếp viên hàng không

Bên cạnh những trái ngọt mà ngành nghề này mang lại, bạn cũng cần biết một số lưu ý khi bạn theo đuổi ước mơ này:

  • Quá trình đào tạo khắc nghiệt: Vì đây là công việc mang tính dịch vụ cao nên quá trình đào tạo rất nghiêm khắc.

Bạn cần phải cẩn trọng trong từng lời nói, thái độ niềm nở khi gặp khách, nói chuyện nhẹ nhàng, học cách xử lý các tình huống phát sinh kỹ năng chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm,…

  • Làm việc với cường độ cao: Lịch trình làm việc của tiếp viên hàng không khá dày đặc và khi mới vào nghề bạn có thể bị choáng ngợp.

Bạn cần có mặt tại sân bay trước từ 1 đến 2 tiếng để chuẩn bị và đảm bảo công việc được diễn ra suôn sẻ. Bạn sẽ phụ khách hàng đẩy hành lý, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng nên đôi khi dẫn đến mất sức, trí nhớ kém, v.v.

  • Không có thời gian cho các mối quan hệ tình cảm: Vì công việc này thường xuyên phải di chuyển nên hầu như bạn sẽ không có thời gian để tìm yêu và hẹn hò.

Bạn có thể kết hôn trong thời gian làm việc, nhưng sau 3 năm mới được phép có con. Vì vậy nên đa phần tiếp viên hàng không thường có con khá muộn.

Thắc mắc và sự thật bất ngờ về nghề tiếp viên hàng không

Lương trung bình của một tiếp viên hàng không

Mức lương trung bình của tiếp viên hàng không làm việc tại các hãng bay trong nước sẽ dao động khoảng 21.000.000 VNĐ/tháng. Tuy nhiên, nếu như bạn là nhân viên của các hãng bay quốc tế sẽ có mức lương khá cao, có thể lên đến con số hàng tỷ/năm.

Bên cạnh đó nhân viên của các hãng cao cấp như Emirates, Etihad Airways, v.v., còn có các chính sách hỗ trợ khác hấp dẫn.

Lịch trình bay tối đa 5 chuyến 1 ngày

Có nhiều bạn khá ngạc nhiên về lịch trình bay của một tiếp viên hàng không. Tùy thuộc vào chính sách của từng hãng, mà một tiếp viên có thể nhận tối đa 5 chuyến/ngày.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi chuyên viên hàng không cần phải có được thể lực tốt mới có thể đáp ứng được cường độ công việc cao.

Không ở khách sạn xa hoa như lời đồn

Vì đây là một công việc đáng mơ ước nên nhiều người nghĩ rằng sẽ được ở khách sạn 5 sao khi dừng chân.

Thực tế cho thấy, không phải tiếp viên nào cũng được ở khách sạn xa hoa như lời đồn. Đa phần cơ sở lưu trú cũng ở mức tạm ổn, không quá tệ. Dù ở khách sạn thường nhưng vẫn được mọi người tiếp đón nồng hậu nên họ cũng cảm thấy an tâm.

Không cần di chuyển quá nhiều

Mọi người thường mặc định rằng, công việc tiếp viên thường xuyên phải di chuyển nên tần suất ở nhà rất ít. Sự thật thì tính chất công việc sẽ mang bạn đi đến nhiều nơi để trải nghiệm và không phải “đi biền biệt” như cách mọi người vẫn nghĩ.

Mỗi hãng bay sẽ có một chính sách khác nhau nên bạn có thể chủ động để đổi ca với những nhân viên khác. Một số trường hợp, bạn có thể xin ở nhà liên tục 2 – 3 ngày để dưỡng sức sau đó tiếp tục hành trình.

Học phí không quá đắt đỏ

Một trong những thắc mắc chung của các bạn trẻ chính là “Học tiếp viên hàng không tốn bao nhiêu tiền?”. Nhiều người lầm tưởng rằng công việc này có mức học phí khá đắt đỏ, tuy nhiên thực tế cho thấy mức học phí không quá cao.

Đầu tiên, các ứng viên sẽ phải tham gia các kỳ thi tuyển tiếp viên hàng không. Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, học viên sẽ tham gia các khóa học từ 2 đến 6 tháng để đào tạo về một số kỹ năng quan trọng khi bay.

Mức học phí sẽ phụ thuộc vào từng hãng hàng không, dao động từ 30 đến 80 triệu đồng/khóa.

Riêng đối với chương trình đào tạo các khóa hàng không quốc tế thì phí đào tạo sẽ cao hơn. Một số hãng hàng không quốc tế sẽ có các chương trình hỗ trợ mức học phí này hoàn toàn, thay vào đó, các học viên sẽ phải ký các hợp đồng ràng buộc liên quan của hãng.

Kết luận

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin cần thiết giúp bạn trả lời cho câu hỏi “Có nên làm tiếp viên hàng không” hay không. Mong rằng qua các thông tin hữu ích này, bạn sẽ có được cách nhìn tổng quát hơn về ngành nghề này.

Nếu như bạn đang có ước mơ làm tiếp viên hàng không thì hãy mạnh dạn theo đuổi công việc này. Glints chúc bạn thành công và đạt được thành tựu như mong muốn!

Tác Giả