Ông Phi tâm sự những gia đình có người thân không về sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007.
Không thèm khổ nữa
Người đàn ông tóc muối tiêu trong màu áo công nhân nhàu nhĩ xuất hiện bên kia hàng rào. Bên trong, hai phụ nữ tươi rói hỏi khách: “Nhận ra ổng không?”. Tôi lắc đầu.
Hơn 10 năm, ông Lưu Văn Khâm không ít lần là đề tài “tám” của dân xứ bưởi năm roi Mỹ Hòa. Người nói ông đào hoa, kẻ cho ông còn nghiệp duyên phận đời hay quá tốt bụng. Nhưng có hai người phụ nữ của ông biết ông đang mang thương tật nặng nề cả thể xác lẫn tinh thần. Họ cảm thông, chấp nhận.
Trong “sự cố trụ 15”, đến tận 80 ngày sau, ông Khâm (55 tuổi) nằm viện trở về thì trong 3 người con trai của ông, hai tử nạn, một bị thương tật. Riêng ông bị thương tật vĩnh viễn trên 70%. Cả 4 trụ cột trong nhà đều là nạn nhân sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Bà Lê Thị Dung, vợ ông, kể bận đó ông bà chịu cảnh khổ đau “sát đất”. Con chết, chồng trọng thương, gia đình tan nát. “Nhưng cũng an ủi là lúc khổ đau nhất, mình lại nhận được nhiều tình thương nhất” – bà Dung xúc động nhớ lại.
Số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm, bà mua lại mảnh đất gia đình đã bán trước đó, để thoát cảnh ở nhờ ở đậu. “Ông Khâm bận trước hiền từ, sau khi trọng thương, ổng đâm khó tánh. Nhưng mình nghĩ khổ thì đã khổ rồi, đau gì hơn khi mất một lúc hai con. Nên tui cảm thông” – bà Dung trải bày.
Thời gian sau, ông Khâm gá nghĩa với chị Nguyễn Thị Loan (44 tuổi), vợ một nạn nhân cũng tử nạn trong “sự cố trụ 15” để lại 4 con nhỏ. Bà Dung nói bà bình thản vì “ông khổ cũng khổ nhiều rồi, đau cũng đau nhiều rồi”.
Chị Loan thì cười ngại: “Hồi đó không biết sao tui lại chịu ổng. Chắc tại mình khổ quá”. Bà Dung, chị Loan vẫn tới lui như chị em thân thiết. Ông Khâm giãi bày: “Thấy cổ khó khăn quá, một mẹ bốn con nên tui thương”. Hiểu lòng trắc ẩn của chồng, bà Dung không ghen, không trách…
Đó cũng là khoảng thời gian vùng đất đau thương Mỹ Hòa là nơi tụ về của bao lòng nhân ái. Không chỉ ông Khâm mà các nạn nhân khác đều được sẻ chia. Ông Khâm gượng qua thương tật đã trở lại làm công nhân cầu đường như cũ.
“Thỉnh thoảng tui thấy nhớ tụi nhỏ” – ông tâm sự mình nhớ hai con trai không về, nhớ nhiều người quen trong xóm cũng không về, trong đó có cả cha của 4 đứa con trong gia đình mà ông cưu mang…
Bưởi xanh từ những tấm lòng
Một số gia đình nạn nhân đã tiêu cạn tiền ủng hộ như gió vào nhà trống. “Nhưng nhiều người cũng sống chắt chiu, giờ ổn lắm. Bà con ở đây nhờ trái bưởi đã có kinh tế vững” – ông Nguyễn Văn Phi nhắc đến các nhà nạn nhân rồi dẫn tôi đến vài gia đình.
Bà Lưu Thị Nhanh (59 tuổi), người có chồng tử nạn, con bị thương trong sự cố 12 năm trước, nói: “Chồng tui ra đi để lại cho mẹ con 2 công bưởi vừa đậu trái. Không hiểu có phải trời thương mà năm ấy vùng này bưởi trĩu trái”.
“Hồi đó, ba tôi trồng 8 công bưởi, nhưng nó không đủ nuôi sống gia đình. Nên ba mới đi làm thêm công trình cầu Cần Thơ…” – thầy giáo Phạm Minh Phương nhắc vườn bưởi ba để lại cho mẹ con anh đã sai trái từ khi ông không trở về. Sau 12 năm, vườn bưởi có đến 70-80% là cây lão, không cho trái tốt như trước nhưng anh Phương chưa nỡ thay cây do chính tay ba mình trồng.
“Hồi trước đó, bưởi 1.000 đồng/kg. Người trồng còn lỗ chi phí, nói chi đủ sống. Giờ gia đình nào còn giữ được bưởi thì không sợ nghèo khó” – ông Lê Trung Tín, bí thư ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ Hòa), nói từ khi cầu Cần Thơ vắt qua sông đã làm thay đổi quê nghèo. Những con lộ vắt qua vườn bưởi đã làm nhộn nhịp một viễn cảnh đô thị. Trong đó có những vườn bưởi được xanh tươi từ đồng tiền nhân ái.
Bà Nhanh tâm sự sau nỗi đau mất chồng, bà nhận được nhiều giúp đỡ. “Tôi không dám đụng tới tiền đó. Tui dành mua vườn, trồng bưởi để sau này cho con cháu”. Bưởi mấy bận được mùa, được giá. Bà dựng vợ gả chồng cho con. Nhà bà cách “trụ 15” một tầm mắt. Bà Nhanh trầm giọng kể thỉnh thoảng bà lại nhìn ra đó, như thấy bóng chồng mình…
Theo ông Nguyễn Văn Phi, trong nhiều gia đình ổn định nhờ bưởi Mỹ Hòa, có nhiều gia đình là nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Trước kia họ rất nghèo, nhưng đã ổn định nhờ biết quý đồng tiền giúp đỡ. Sau đau thương, nhiều gia đình đã cố gắng để vượt qua.
Đại đức Thích Phước Tấn – trụ trì chùa Bồ Đề cạnh cầu Cần Thơ – đưa tôi ra tấm bia đặt trong khuôn viên chùa khắc tên 55 nạn nhân vụ sập nhịp cầu này. Tấm bia không chỉ là nơi ghi lại đau thương cho nhớ, mà còn là nơi chứng kiến nhiều nghĩa cử sẻ chia.
“Người Nhật họ tử tế lắm. Sự cố không ai muốn, nhưng liên quan đến công trình của họ thì họ không quên. Năm nào đến dịp giỗ họ cũng đến, không đại sứ thì cũng tổng lãnh sự đến đây thắp nhang” – nhà sư kể tấm bia được lập, nhiều phụ nữ đã đến đây tưởng niệm người đã khuất…
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, khát vọng của bao thế hệ người đồng bằng để miệt vườn, miệt ruộng không còn cách trở với phần còn lại của đất nước. Cây cầu uốn lượn qua cồn bãi, vắt qua những vườn bưởi năm roi xanh tươi.
Nó cũng vắt qua những mảnh đời sau sự cố sập nhịp dẫn ở vị trí trụ 15 bên bờ bắc tỉnh Vĩnh Long. Nhiều nạn nhân là công nhân địa phương, phần lớn họ rất nghèo ở nơi những vườn bưởi năm roi trước đó không thể cho cuộc sống no đủ.
Nhưng thật kỳ lạ, từ sau sự cố đau thương, bưởi Mỹ Hòa thường được mùa, được giá hơn. Không thể nào gọi là bù đắp và thời gian cũng không thể nói phôi pha hết được nỗi đau. Nhưng dù thế nào thì những vườn bưởi cũng xanh và những mảnh đời vẫn hướng về phía trước…
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!