Cách làm bài văn nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là dạng bài nghị luận phổ biến trong đề thi Ngữ văn các lớp cấp 2, cấp 3, thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh gặp khó khăn và thường mất nhiều thời gian, không đạt được điểm cao khi viết bài nghị luận xã hội. Nguyên nhân là do không biết cách làm bài văn nghị luận xã hội.

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ hỗ trợ các bạn học sinh thực hiện bài văn nghị luận xã hội đúng và hay. Mời Quý vị theo dõi:

Các dạng bài văn nghị luận xã hội

Vấn đề đầu tiên cần nắm được trong cách làm bài văn nghị luận xã hội là nắm được dạng bài văn nghị luận xã hội. Bởi khi nắm được các dạng bài, chúng ta sẽ có các triển khai ý phù hợp theo dàn bài của các dạng, đi đúng hướng và tiết kiệm thời gian khi làm bài.

Có hai dạng bài văn nghị luận xã hội thường gặp, đó là:

Thứ nhất: Bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống

– Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, một câu chuyện đẹp…);

– Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông, tham nhũng…);

– Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo…).

Thứ hai: Bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý

– Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…);

– Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…);

– Văn nghị luận xã hội về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề;

– Văn nghị luận xã hội về vấn đề có tính chất bàn luận, trao đổi;

– Văn nghị luận xã hội đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.

Các bước làm bài văn nghị luận xã hội

– Bước 1: Xác định yêu cầu đề bài

Cần đọc kĩ, xác định yêu cầu đề bài để biết được đề yêu cầu nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng của đời sống.

– Bước 2: Lập dàn ý

Mục đích:

+ Ghi lại những ý tưởng cho bài viết, tránh quên ý, bỏ sót ý.

+ Giúp trình bày khoa học, mạch lạc với nội dung thống nhất.

+ Chủ động trong việc triển khai các ý chính/luận điểm của bài viết, tập trung vào những luận điểm quan trọng, tránh được tình trạng lan man, dài dòng ở những nội dung chưa thực sự quan trọng.

– Bước 3: Viết bài

Dựa trên những luận điểm chính đã xây dựng trong phần dàn ý, các em có thể viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để bài văn có sức hấp dẫn, thuyết phục với người đọc, các em cần chú ý những điểm sau:

+ Tạo ra sự liên kết giữa các luận điểm, các ý nhằm làm nổi bật đối tượng, nội dung cần nghị luận.

+ Đưa vào những dẫn chứng phù hợp, đảm bảo tính thực tế, khách quan.

+ Lập luận chặt chẽ, cô đọng

+ Cần đưa vào những quan điểm, đánh giá của bản thân (đồng tình, không đồng tình, ca ngợi, phê phán…)

+ Chỉ ra bài học trong nhận thức và kêu gọi hành động.

Lập dàn ý bài văn nghị luận xã hội như thế nào?

Như đã chia sẻ trên đây, bước thứ hai để viết một bài văn nghị luận xã hội là lập dàn ý. Việc lập dàn ý giúp ghi lại những ý tưởng cho bài viết, tránh quên ý, bỏ sót ý, giúp trình bày khoa học, mạch lạc với nội dung thống nhất. Đồng thời, qua lập dàn ý, người viết hủ động trong việc triển khai các ý chính/luận điểm của bài viết, tập trung vào những luận điểm quan trọng, tránh được tình trạng lan man, dài dòng ở những nội dung chưa thực sự quan trọng.

Để giúp các bạn học sinh nhanh chóng lập dàn ý cho bài viết, chúng tôi chia sẻ dàn ý bài văn nghị luận xã hội theo hai dạng bài nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý một cách khái quát, dễ nhớ nhất:

Thứ nhất: Dàn bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống

HIỆN TƯỢNG XẤU HIỆN TƯỢNG TỐT I. MỞ BÀI: nêu vấn đề I. MỞ BÀI: nêu vấn đề II. THÂN BÀI II. THÂN BÀI 1. Giải thích hiện tượng 1. Giải thích hiện tượng 2. Bàn luận

a. Phân tích tác hại

b. Chỉ ra nguyên nhân

c. Biện pháp khắc phục

2. Bàn luận

a. Tác dụng ý nghĩa của hiện tượng.

b. Biện pháp nhân rộng hiện tượng.

c. Phê phán hiện tượng trái ngược.

3. Bài học cho bản thân 3. Bài học cho bản thân III. KẾT BÀI:đánh giá chung về hiện tượng. III. KẾT BÀI: đánh giá chung về hiện tượng.

Thứ nhất: Dàn bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: dẫn dắt câu nói, dẫn dắt vào nội dung.

2. Thân bài

a. Giải thích khái niệm

Đối với đề bài có câu nói: trích dẫn câu nói, phân tích câu nói.

Đối với đề bài không có trích dẫn câu nói (vd: bàn về tính kiên trì): phân tích từ khóa quan trọng.

→ Rút ra ý nghĩa, bài học từ câu nói.

b. Phân tích

Phần phân tích trả lời cho câu hỏi: tại sao? (vd: tại sao có chí thì nên?)

(Lưu ý: đảm bảo trả lời từ 2 – 3 ý trở lên).

c. Chứng minh

Dẫn chứng từ nhân vật (văn học, lịch sử, khoa học xã hội…)

Dẫn chứng từ thực tế đời sống: những tấm gương tiêu biểu từ đời sống.

d. Phản biện

Lật ngược vấn đề:

Đối với đề bài phân tích xuôi (vd: bàn luận về ý kiến: “có chí thì nên”) thì phản biện ngược (những người không có chí thì sẽ…).

Đối với đề bài phân tích ngược (vd: “cái giá của việc đánh mất chữ tín”) thì phản biện xuôi (giữ “chữ tín” sẽ giúp chúng ta có được những gì?)

3. Kết bài

Bài học nhận thức và phương hướng hành động.

Tóm tắt lại vấn đề (kết lại ý nghĩa của văn bản).

Liên hệ bản thân.

Một số lưu ý khi viết bài văn nghị luận xã hội

– Đảm bảo bố cục rõ ràng

Dù là bài văn thuộc dạng nào thì chúng ta cũng phải chia bố cục rõ ràng, đây không chỉ là vấn đề về hình thức mà nó còn là vấn đề về nội dung. Một bài văn với bố cục rõ ràng chứng tỏ người viết có tư duy logic và giúp bài văn mạch lạc, đồng thời đảm bảo được đầy đủ các phần của một bài văn như: dẫn dắt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề.

– Dẫn chứng phù hợp

Quý vị lưu ý không lấy những dẫn chứng chung chung (không có người, nội dung, sự việc cụ thể) sẽ không tốt cho bài làm. Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục (người thật, việc thật). Việc đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng).

– Lập luận chặt chẽ, lời văn cô động, giàu sức thuyết phục

Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn, lập luận phải chặt chẽ. Cảm xúc trong sáng, lành mạnh. Để bài văn thấu tình đạt lý thì phải thường xuyên tạo lối viết song song (đồng tình, không đồng tình; ngợi ca, phản bác…). – Trong bài những nhận xét, đánh giá của bản thân

Nghị luận xã hội chính là cơ hội để học sinh thể hiện quan điểm của mình. Vì vậy, bài văn nào có càng nhiều những góc nhìn đa chiều về vấn đề kèm những dẫn chứng thuyết phục thì càng được điểm cao. Để có thể làm tốt phần này và tránh có những cái nhìn sai lệch về vấn đề được nghị luận thì học sinh cần tham khảo thật nhiều thông tin qua sách, báo, tivi, internet để lấy tư liệu làm nhé!

– Độ dài cần phù hợp với yêu cầu đề bài

Khi đọc đề cần chú ý yêu cầu đề (hình thức bài làm là đoạn văn hay bài văn, bao nhiêu câu, bao nhiêu chữ…) từ đó sắp xếp ý tạo thành bài văn hoàn chỉnh.

Mong rằng với những chia sẻ về cách làm bài văn nghị luận xã hội của chúng tôi, Quý vị, các bạn học sinh đã có thêm cho mình những thông tin bổ ích để thực hiện bài nghị luận xã hội của mình, từ đó, đạt điểm cao về phần viết bài nghị luận xã hội.