Kỹ thuật trồng nho trong chậu tại nhà đơn giản | Nông nghiệp phố

Kỹ thuật trồng nho trong chậu tại nhà đơn giản

Nho là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao được rất nhiều nông dân phố quan tâm và muốn sở hữu một giàn nho trĩu quả ngay tại không gian nhà mình. Tuy nhiên, để có được một giàn nho xanh tốt sai trĩu quả thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giống, đất trồng, phân bón và cách chăm sóc của mỗi người.

Trong bài viêt dưới đây Nông nghiệp phố sẽ hướng dẫn cho các bạn những kỹ thuật căn bản không thể bỏ qua khi trồng nho trong chậu tại nhà, các bạn cùng theo dõi nhé!

1. Chọn giống

Trên thị trường hiện nay nho có rất nhiều giống, tuy nhiên khi mới bắt đầu trồng chưa có nhiều kinh nghiệm bạn nên chọn mua những giống nho dễ trồng, dễ chăm sóc để sớm có được thành quả như mong đợi.

Các giống nho dễ trồng có thể nhắc đến như:

Giống nho Đen (Alden): trái nhỏ, đường kính khoảng 1cm, màu tím đen, ăn rất ngọt, thơm như nho hàn quốc. Do bản thân nho đen được thuần hóa từ nho rừng (nho dại) nên khả năng sinh trưởng rất nhanh, ít sâu bệnh, dễ ra trái mà không cần kỹ thuật bấm cành nên rất thích hợp cho nhưng người mới bắt đầu trồng. Dễ trồng nhưng vì kích thước chùm nhỏ nên không được trồng phổ biến lắm.

Giống nho Cardinal (nho đỏ): Trái màu đỏ, đường kính 1-1.5cm, chua chua, ngọt ngọt. Đây là loại nho phổ biến nhất hiện nay, một năm có thể thu hoạch được 3 vụ.

Giống nho xanh NH01- 48: trái hình giọt nước, dài khoảng 2cm, màu xanh, có vị ngọt thanh chùm từ 600 – 1kg.

Giống nho ngón tay hồng Nhật NH01-152: Trái hình giọt nước giống nho xanh, nhưng lại màu đỏ hồng, chùm to nhất có thể lên đến 1.8kg. Đây là một giống nho rất hot đang được rất nhiều nông dân phố săn đón và muốn sở hữu.

ky-thuat-trong-nho-trong-chau-tai-nha

2. Chậu trồng và đất trồng

Khi đã chọn được giống nho mình mong muốn, việc tiếp theo bạn cần làm đó là chọn chậu trồng và đất trồng thích hợp.

Nho là cây ăn trái trồng lâu năm nên chậu trồng nho cần phải có chiều sâu và rộng. Chậu phải có kích thước tối thiểu là 50x50x50cm thì mới đảm bảo đủ lượng đất và dinh dưỡng để cây sinh trưởng và phát triển.

Việc chọn đất trồng nho không quá khắt khe, có thể trồng bằng đất thịt, đất cát pha và đặc biệt phát triển tốt trên nền đất phù sa giàu dinh dưỡng. Đất trồng nho phải đảm bảo giàu dinh dưỡng và độ tơi xốp thoát nước tốt, tuyệt đối không để cho nho bị úng nước.

Với cuộc sống đô thị không phải ai cũng có đất sẵn để trồng, nên các nông dân phố có thể chọn mua đất tại các cửa hàng vật tư về phối trộn để tạo thành giá thể thích hợp.

Nhưng với thị trường đất và giá thể trồng phong phú, đa dạng nhiều loại như hiện nay, chọn loại đất nào cho phù hợp, phối trộn với giá thể, phân bón như thế nào để đảm bảo cho cây sinh trưởng và triển tốt là câu hỏi được rất nhiều khách hàng khi đến với Nông nghiệp phố đặt ra. Nông nghiệp phố xin được gợi ý, mời các bạn cùng tham khảo.

ky-thuat-trong-nho-trong-chau-tai-nha

Hỗn hợp giá thể cần có:

❃ Đất thịt.

❃ Phân hữu cơ: phân trùn quế, phân bò, phân dê…

❃ Giá thể giúp đất tơi xốp: mùn dưa, trấu sống…

❃ Viên đất nung/ xỉ than lót đáy chậu thoát nước.

Sau khi chuẩn bị đủ các loại trên bạn tiến hành trộn giá thể theo tỉ lệ như sau:

Trộn hỗn hợp giá thể với 2 bao đất thịt 22kg + 10dm3 xơ dừa đã qua xử lý + 1 túi phân trùn quế 2kg + 1 kg phân dê (ngoài ra có thể trộn phân bò, phân gà, phân rác bếp ủ hoai… để thay thế).

Bên cạnh đó bạn nên trộn thêm một ít nấm đối kháng Trichoderma để có thể ngăn ngừa các loại nấm bệnh trong đất được tốt hơn.

⫸ Bạn mua combo trộn đất trồng cây và dinh dưỡng trồng nho TẠI ĐÂY.

3. Trồng và chăm sóc

Khi đã chuẩn bị đất và chậu trồng xong bạn tiến hành trồng nho vào chậu. Trước khi trồng bạn nên rải ở đáy chậu một lớp viên đất nung/ sỏi nhẹ hay sỉ than để tạo độ thông thoáng, giúp chậu cây thoát nước tốt.

Tiếp theo, cho đất vào chậu (tùy theo kích thước bầu cây mà cho lượng đất vào chậu tương ứng) rồi nhẹ nhàng rạch bỏ bao nilon (tránh đụng chạm tới rễ) sau đó đặt cây ngay ngắn vào chậu, lấp đất lại và ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, trồng xong tưới thật đẫm nước. Cắm cọc để cố định nho, đồng thời định hướng cho nho khi leo giàn.

Để bộ rễ nhanh bén, nhanh thích nghi với môi trường đất mới bạn có thể sử dụng thuốc kích rễ để tưới cho cây ngay sau khi trồng.

Khoảng 10 ngày đầu mới trồng, nên để nho ở nơi bóng râm, ngày tưới nước cho nho 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Sau đó thì chọn nơi có nhiều nắng nhất để đặt chậu và cứ 3 – 5 ngày tưới 1 lần. Những ngày trời mưa nên tìm cách thoát nước cho cây nhanh nhất, tránh hiện tượng ngập úng gây thối rễ.

Sau khi trồng được khoảng một tháng lúc này rễ cây cũng đã quen với môi trường đất mới và hút chất dinh dưỡng. Lúc này bạn có thể tiến hành bón thúc thêm các loại phân hữu cơ kết hợp NPK để cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Đồng thời thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp.

Làm giàn cho nho, bạn có thể hàn khung sắt, bắt giàn cây căng kẽm… tùy theo điều kiện của mỗi người. Độ cao của giàn khoảng 1,8 – 2m để tiện việc đi lại, chăm sóc.

ky-thuat-trong-nho-trong-chau-tai-nha

Chọn ngọn khỏe nhất buộc vào cọc cho nho leo lên giàn, các ngọn hoặc cành còn lại cần cắt bỏ. Khi ngọn của thân chính đã leo cao khỏi giàn 20 – 30cm, tiến hành cắt bỏ ngọn thân chính, lúc này cây sẽ mọc nhiều cành mới (cành cấp 1).

Mỗi cây chỉ nên để lại 2 – 4 cành cấp 1 tùy giống và định hướng sao cho phân bố đều về các hướng trên giàn. Khi cành cấp 1 dài khoảng 0,8 – 1m, tiến hành cắt ngọn để cây mọc ra các cành cấp 2 (cành quả), mỗi cành cấp 1 để 10 – 20 cành cấp 2 tuỳ giống và mật độ trồng.

Các cành cấp 1 và cấp 2 cần được buộc chặt vào giàn tránh gió lay làm rách lá, rụng mắt và tránh để cành đè lẫn lên nhau.

Khi các cành cấp 2 đã hóa gỗ, có màu nâu, mắt đã nổi rõ thì tiến hành để trái bằng cách cắt hết cành lá đã có. Chỉ để lại cành quả, mầm dự trữ ở chân cành quả. Những cành to khỏe dài hơn 1m thì cắt cành ở vị trí mắt thứ 6 – 8, các cành nhỏ thì cắt ở vị trí mắt thứ 1 – 2 để tạo thành cành dinh dưỡng cho vụ thu hoạch sau.

Sau cắt cành khoảng 20 ngày cây bắt đầu ra hoa, 25 – 30 ngày đậu trái. Mỗi dây chỉ nên để 2 – 3 chùm quả để đạt năng suất và chất lượng tốt.

4. Thu hoạch

Một cây nho được chăm sóc tốt thì sau khoảng 1 năm trồng cây có thể cho trái. Từ khi bắt đầu cắt cành xử lý cho cây ra trái thì sau 3 – 4 tháng bạn có thể thu hoạch tùy theo giống nho bạn đang trồng. Do sau khi thu hoạch nho sẽ không chín thêm nữa, nên tốt nhất bạn hãy để cho chín hẳn trên cây rồi hãy thu hoạch để chất lượng trái được tốt nhất.

ky-thuat-trong-nho-trong-chau-tai-nha

Trên đây là những thông tin cơ bản về kỹ thuật trồng nho trong chậu tại nhà, qua bài viết này Nông nghiệp phố hy vọng rằng có thể giúp các bạn phân nào hiểu rõ hơn về cây nho cũng như cách chăm sóc như thế nào cho giàn nho có thể sai trĩu quả như mong đợi. Chúc các bạn thành công.

Nông Nghiệp Phố – chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.

➤ Website: https://nongnghieppho.vn/

➤ Hotline: 0865 399 986