Cây sống đời có tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam) Pers, thuộc vào họ thuốc bỏng (Crassulaceae), là loại cây mọng nước có nguồn gốc từ Madagascar. Ở Việt Nam, cây sống đời còn được gọi với nhiều tên khác nhau: cây bỏng, trường sinh, diệp sinh căn, đả bất tử. Hãy cùng khám phá những kỹ thuật trồng cây sống đời đơn giản tại nhà nhé!
Cây sống đời (Nguồn: Internet)
Ý nghĩa của cây sống đời
Cây sống đời được trồng rất phổ biến tại Việt Nam vì khí hậu nhiệt đới thích hợp cho cây phát triển và sinh sản. Cây sống đời được dùng chủ yếu dùng làm cảnh và chữa bệnh. Đặc biệt là vào những dịp lễ tết được lựa chọn để làm quà tặng cho người thân và họ hàng.
Cây sống đời mang ý nghĩa sum vầy, đoàn kết, gắn bó trong gia đình bởi đặc tính sinh sản nhiều và nhanh, các cây sống đời thường sống theo khóm chụm lại. Bên cạnh đó, nó còn đem lại ý nghĩa về sự sung túc, hạnh phúc. Trồng một cây sống đời trong căn phòng sẽ giúp thư giãn và cải thiện tinh thần bởi nó tượng trưng cho sức sống dồi dào và mạnh mẽ.
Cây sống đời đem đến nhiều tài lộc (Nguồn: Internet)
Những điều thú vị về cây sống đời
Cây sống đời là loài cây hoang dã, dễ thích nghi, dễ trồng, dễ sinh sản, không tốn quá nhiều công sức để chăm sóc. Chỉ cần bẻ một lá già cắm xuống đất là có thể trồng được nhiều cây. Cây sống đời có khả năng tạo cây con từ những kẽ lá của cây mẹ. Cây thường có vòng đời khá dài, trung bình từ vài năm.
Cây sống đời con mọc lên từ lá cây sống đời mẹ (Nguồn: Internet)
Sống đời có nhiều loại, một số loại hiện đang được thị trường rất ưa chuộng như: sống đời ta (bông lồng đèn), sống đời Đà Lạt (bông trổ lồng đèn nhưng lá lớn), sống đời đỏ (bông nhuyễn, đỏ thẫm trổ tập trung vào dịp Tết Nguyên đán), sống đời 5 màu (bông nhuyễn, 5 màu trổ tập trung vào dịp Tết Nguyên đán)…
Cây sống đời được trồng để đem tặng, trang trí vào dịp tết (Nguồn: Internet)
Cách trồng cây sống đời tại nhà
Tùy vào từng loại cây sống đời mà có những phương pháp khác nhau. Nhưng có hai phương pháp trồng cơ bản đó là: Gieo hạt và giâm lá (giâm cành, tách cây con)
Phương pháp gieo hạt (nhân giống hữu tính): Gieo hạt trực tiếp xuống đất, có thể mua tại các cửa hàng hạt giống. Là cách nhân giống cần nhiều thời gian, công sức, nên vì vậy không phổ biến. Bài viết này sẽ đề cập chủ yếu đến phương pháp giâm lá.
Phương pháp giâm lá (giâm cành, tách cây con): là phương pháp nhân giống vô tính
Lưu ý:
-
Loài sống đời ta và sống đời Đà Lạt: giâm lá
-
Loài sống đời đỏ và sống đời 5 màu: giâm cành
Giâm lá
-
Cắt/ngắt lá già từ cây mẹ đã trưởng thành và ra hoa. Nên ngắt từ 2 – 3 lá trở nên để giâm.
-
Cắm lá trực tiếp xuống đất ẩm và thường xuyên tưới nước
Lá cây sống đời (Nguồn: Internet)
Giâm cành
-
Cắt nhánh từ cây mẹ (trưởng thành có hoa), lưu ý nhánh được cắt là nhánh có từ năm cặp lá trở lên.
-
Đem cành đi ươm: giâm cành vào đất tơi xốp, để trong bóng râm (khoảng 1 tháng), khi thấy cây ra rễ mạnh thì mang vào bầu để nuôi. Nuôi trong thời gian 1.5 tháng, khi cây cứng thì bấm đọt để tạo tán.
Nhiệt độ trồng cây
Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng và phát triển là từ 12.7 – 32 độ C.
Đất trồng cây
Cây sống đời là loài cây ưa đất ẩm nhưng phải thoát nước tốt, tránh ngập úng. Cây dễ trồng và phù hợp với mọi loại đất. Nên chọn đất tơi xốp, độ thoáng cao, nhiều mùn. Trộn đất trồng với hỗn hợp phân chuồng, phân lân và tro trấu, xơ dừa để cây phát triển tốt nhất.
Cách tưới nước
-
Lưu ý cây sống đời là cây ưa đất ẩm nhưng thoát nước tốt vì vậy khi tưới cần đảm bảo tưới vào gốc cây cho đến khi nước rút ra khỏi đáy chậu. Loại bỏ hết nước đọng lại trong khay hoặc đĩa trồng để tránh gây ngập và thối cây.
-
Tần suất tưới: cây con (1 – 2 lần vào sáng và chiều tối), cây trưởng thành (1 lần vào buổi chiều).
Cách bón phân
Bón phân tùy vào thời gian phát triển của cây:
-
Cây con, lá còn xanh mướt: không cần bón
-
Bón lần đầu sau 5 ngày kể từ khi trồng ( gồm 1/2 – 1 chén phân chuồng hoai mục, 1 – 2 muỗng cà phê bánh dầu/giỏ)
-
Bón lần tiếp theo sau 15 ngày trồng (ngâm bánh dầu và phân NPK vào nước sau đó tưới lên cây)
Lưu ý: Không nên bón phân vào hoa vì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình nở hoa.
Cách trồng cây sống đời
-
Theo luống: khi cây lên luống cao từ 25 – 30 cm, thì tiến hành gieo trồng. Nên trồng cây xen kẽ với cây có tán rộng để tận dụng bóng râm của cây.
-
Trồng theo chậu/bịch ni-lông: hỗn hợp cho vào chậu gồm đất + tro trấu + xơ dừa + vôi bột theo tỉ lệ 1:1:1:1. Sau khi trồng thì tưới cây và thoát nước cho cây phát triển.
Trồng cây sống đời trong chậu (Nguồn: Internet)
Những lưu ý khi trồng cây
Cây sống đời trưởng thành có những đặc điểm sau:
-
Hoa có màu đỏ, cam hoặc vàng, nở từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau
-
Thân cây cao trung bình 40 – 60cm, thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đối nhau, chéo hình chữ thập, mọc đơn hoặc mọc theo 3 – 4 lá chét dày. Lá có răng cưa tròn, không sắc.
-
Cách đặt vị trí cây đón nắng:
-
Đặt cây nằm ở hướng Đông hoặc cửa sổ đón nắng ở hướng Tây vào suốt mùa xuân, hè.
-
Đặt cây ở cửa đón nắng hướng Nam từ tháng 11 – tháng 3 năm sau, khoảng vào mùa thu, đông.
-
Hoặc có thể đặt cây ở những khu vực có bóng râm nhẹ trong nhà hay ngoài trời.
Cách chăm sóc cây sống đời
-
Bấm ngọn cho cây: bấm ngọn giúp cây phát triển tốt hơn, ra nhiều cành, nhiều hoa. Bằng cách ngắt bỏ 2 – 3cm ngọn trên của cây mẹ. Bấm trung bình 2 lần/cây.
-
Phòng trừ sâu bệnh cho cây: cây thường có những loại bệnh (rầy mềm, sâu ăn lá, bọ trĩ,…) Nếu thấy cây có biểu hiện nhiễm bệnh thì cần dùng Sherzol, Cyber, Ofunack hoặc Confidor phun lên cây.
Cây sống đời màu tím (Nguồn: Internet)
Cây sống đời là loài cây dễ trồng, có nhiều màu sắc sặc sỡ, được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Trên đây là những kỹ thuật trồng cây đơn giản mà bạn có thể áp dụng tại nhà, chúc các bạn có thể áp dụng thành công!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!