Triệt Sản Cho Chó Đực – Nên Hay Không?

1. Có nên triệt sản chó đực hay không?

Ở thời điểm hiện nay, triệt sản cho chó đực nói riêng, hay thú cưng nói chung, là việc nên làm, nhưng có thật sự là như thế hay không? Các bạn cùng PetKung tìm hiểu thêm về vấn để này nhé!

Trước tiên, chúng ta hãy điểm nhanh qua các ưu và nhược điểm của việc triệt sản một chú cún đực nhé:

1.1. Ưu điểm:

  • Tránh việc tạo ra những “sản phẩm” là những chú cún con tuy vô cùng dễ thương, kháu khỉnh, tinh nghịch…nhưng “ngoài kế hoạch”.
  • Tránh được những bệnh tiềm ẩn liên quan đến các cơ quan sinh sản như: ung thư tinh hoàn, bệnh về tuyến tiền liệt…
  • Giảm bớt hoặc loại bỏ hẳn các thói quen “đi lang thang” biền biệt của chú cún khi đánh hơi được hóc-môn sinh sản (pheromone) của các bạn cún cái khi tới kỳ động dục. Ngoài ra việc “đánh dấu lãnh thổ” bằng cách đi tè khắp nơi của các chú cún đực cũng sẽ giảm, đây là hành vi thể hiện sự thống trị của giống đực nói chung.

1.2. Nhược điểm:

  • Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc triệt sản chú cún đực khi chưa đạt độ tuổi cần thiết có khả năng gây ra một số rối loạn về hóc-môn tăng trưởng, mà nói đến tăng trưởng chúng ta có thể liên hệ ngay đến: tuyến giáp! Việc suy tuyến giáp đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của cún cưng, gây ra nhiều bệnh về xương.
  • Cún đực triệt sản khi về già có nguy cơ tăng nặng các triệu chứng của bệnh tuổi già ở chó như: u mạch máu ở tim, tiểu đường…
  • Một số vaccine xuất hiện các triệu chứng phụ bất lợi ở chó đực triệt sản nhiều hơn những bé không triệt sản, nguyênnhân do sự sụt giảm sự kích thích hệ miễn dịch của hóc-môn sinh dục (testosterone).

Có nên triệt sản chó đực hay không?

Nhìn chung, việc các bé cún đực bị triệt sản nảy sinh ra các vấn đề mà người chủ nuôi phải đưa ra các quyết định dựa trên lối sống của môi trường sống của chủ và cún, mong muốn của chúng ta đối với các giai đoạn cuộc đời của các bé.

Tổng kết: Nếu chúng ta có thể kiểm soát được sự bất tiện về sinh sản ở cún đực thì tốt nhất, hãy để chúng tự nhiên như tạo hóa đã ban tặng. Ngược lại, nếu chúng ta muốn có một quãng thời gian bớt lo nghĩ nhiều về vấn đề sinh sản của thú cưng và sẵn sàng đối mặt với các nguy cơ (chỉ là nguy cơ thôi nhé) về các bệnh mãn tính và bệnh tuổi già của các chú cún của mình, hãy cân nhắc việc triệt sản một cách đúng đắn cho chúng.

2. Nên triệt sản chó đực khi nào?

Việc triệt sản ở độ tuổi nào hiện tại vẫn còn đang gây tranh cãi, nhiều nghiên cứu chuyên sâu trên từng giống chó đã và đang được thực hiện và đo lường các ảnh hưởng của nó, tuy nhiên, chúng ta có thể kết luận như sau:

  • Không nên triệt sản quá sớm.
  • Triệt sản ở cún đực nói riêng và cún cưng nói chung hãy nên thực hiện ở tuổi gọi là “trưởng thành sinh dục” để cún của bạn được phát triển đầy đủ, thời gian này được khuyến cáo bởi 2 nhà chuyên môn: nhà lai tạo giống (nhà cung cấp) cún cho bạn và bác sỹ thú y của bạn.
  • Triệt sản khi cún có kinh nghiệm về sinh sản (đã giao phối), trong nhiều trường hợp, vẫn giữ được các hành động như lúc chúng chưa bị triệt sản, ngược lại, nếu triệt sản khi cún chưa từng giao phối, chúng sẽ không có cái “muscle memory”, dịch nôm na là “quen tay”, do đó, thường không xuất hiện các hành vi giao phối.

3. Triệt sản chó đực có nguy hiểm không?

Bất cứ hành động can thiệp trái tự nhiên nào lên cơ thể của các chú cún hay thú cưng nói chung đều mang lại nguy cơ về sức khỏe. Các chú cún đực bị triệt sản ở những cơ sở kinh nghiệm yếu, không đủ vệ sinh và công tác chăm sóc hậu phẫu không tốt có thể khiến thú cưng bị nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng máu và sau cùng là tử vong. Tuy nhiên nhìn chung, việc triệt sản cún đực vẫn ít rủi ro hơn cún cái vì độ phức tạp ít hơn nhiều so với việc can thiệp sâu vào ổ bụng như của cún cái.

Cùng với sự tiến bộ về trang thiết bị, dụng cụ và thuốc men thời nay, thực sự thì chuyện biến chứng sau triệt sản ở cún đực cũng tương đối hiếm, chúng ta có thể an tâm khi lựa chọn những cơ sở uy tín để thực hiện phẫu thuật.

4. Cách thiến chó đực

Việc thiến chó đực hay triệt sản cún đực, tuy là tiểu phẫu vì thường diễn ra khá nhanh chóng nhưng cũng là loại phẫu thuật gây đau đớn cho cún rất nhiều và việc phẫu thuật cũng cần chuyên môn sâu của các bác sỹ nên Petkung khuyến cáo bạn chỉ nên tham khảo để nắm rõ quy trình nhé

Cách thiến chó đực

  • Gây mê, xếp đặt cún yêu ngay ngắn.
  • Lau rửa vệ sinh, cạo lông, sát trùng vùng cần rạch.
  • Chỉ rạch 1 đoạn ngắn khoảng từ 2-4cm ở phần da nằm giữa 2 tinh hoàn, mục đích của việc này là tạo 1 vết thương thật nhỏ cho cún cưng mau lành.
  • Nặn/lôi phần tinh hoàn rời ra khỏi vết rạch, thắt tại ống dẫn tinh.
  • Cắt bỏ tinh hoàn, thắt cầm máu
  • May lại vết rạch, sát trùng.

5. Chăm sóc chó đực sau khi Triệt sản

Việc chăm sóc hậu phẫu là việc quan trọng bậc nhất của bất cứ loại phẫu thuật nào, dù nhỏ hay lớn, chung ta đều biết, một vết xước nhỏ mà bị bội nhiễm thì cũng để lại hậu quả khôn lường, đại đa số các ca triệt sản gây tử vong đều do bước chăm sóc hậu phẫu, hiếm có ca nào cún cưng không qua khỏi khi thực hiện phẫu thuật. Vì thế là chủ của cún cưng, chúng ta cần thực hiện các công việc sau để bảo vệ chúng:

  • Kiểm tra, theo dõi vết mổ chặt chẽ.
  • Nói chuyện, vuốt ve cún cưng hàng ngày để nắm tình trạng sức khỏe tổng quan, phát hiện sớm việc cún bị ốm mệt. Lưu ý thuốc kháng sinh chỉ khiến bé bị mệt trong thời gian ngắn.
  • Giữ vệ sinh vết mổ bằng việc bôi thuốc sát trùng tại vết mổ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm bung chỉ khâu.
  • Việc tiêm kháng sinh là cần thiết, tuy nhiên, với cún đực thì việc này không phải làm liên tục 3-5 ngày như ở cún cái do tính chất vết thương nhỏ, nhanh lành, trường hợp cún có biểu hiện lạ như ốm mệt, vết mổ mưng mủ…thì nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở thú y ngay.
  • Cho cún ăn và uống theo chế độ hạt là tốt nhất, các loại hạt vốn không hề đắt tiền như quan niệm của một số người lớn tuổi, chính việc phải chạy chữa cho cún cưng vì ăn uống không vệ sinh mới tốn tiền. Tránh tuyệt đối cho ăn thức ăn sống, nên kiêng thức ăn dạng “nhà ăn gì cho cún ăn nấy” ở thời điểm này.

Nhìn chung thì những việc làm này vốn không khác gì nhiều ở những ngày thường, có chăng chúng ta cẩn thận hơn thêm một chút, nên đừng quá lo lắng bạn nhé!

6. Triệt sản chó đực bao nhiêu tiền?

Hiện tại triệt sản cún đực sẽ mất khoảng 300- 500k và thêm chi phí 1 vài loại thuốc, số tiền này không lớn so với lợi ích của nó mang lại nếu chúng ta thực hiện đủ 3 đúng:

  • Đúng thời gian sinh trưởng của cún.
  • Đúng cơ sở y tế uy tín.
  • Đúng cách chăm sóc hậu phẫu.

7. Nên triệt sản chó đực ở đâu?

Chỉ có một câu trả lời đúng và duy nhất cho câu hỏi này: các cơ sở thú y uy tín. Bạn có thể tham khảo những người thân bạn bè đã từng triệt sản hoặc có thể nhờ sự trợ giúp trên các diễn đàn chó mèo

Petkung khuyên bạn nên tránh tuyệt đối việc tự triệt sản cún yêu bằng các phương pháp thủ công tại nhà như: cột dây thun, cắt sống…cực kỳ nguy hiểm cho cả bạn lẫn cún.