Một vấn đề được những người đang tìm đặt bao bì nhựa quan tâm, là làm thế nào để biết một chiếc túi nhựa đặt riêng theo kích thước và độ dày mà mình mong muốn sẽ cân nặng bao nhiêu, và một kilogram túi nhựa sẽ bao gồm bao nhiêu đơn vị sản phẩm. Nhu cầu này là kết quả tất yếu của việc đại đa số các cơ sở sản xuất bao bì nhựa thường tính giá thành trên mỗi kilogram. Việc biết được cân nặng chính xác của loại bao bì mình cần dùng sẽ giúp người mua tính được giá thành của mỗi chiếc túi đơn lẻ, tức là chi phí bao bì dành cho mỗi đơn vị sản phẩm mà họ dự định sẽ chứa đựng trong đó. Từ đó họ cũng có thể tính được tổng chi phí bao bì dành cho dự án, cũng như thuận lợi hơn cho việc so sánh giá thành giữa các chất liệu bao bì khác nhau.
Vậy làm thế nào có thể tính toán được cân nặng của một chiếc túi nhựa, hay bất kỳ một chất liệu nào khác, khi chúng ta đã có các thông số về kích thước cũng như độ dày của chúng?
Có một phương pháp ước lượng vẫn thường được các nhà sản xuất bao bì áp dụng để tính trọng lượng của bao bì nhựa, hay bất kỳ chất liệu nào khác dựa trên công thức khối lượng riêng hay còn gọi là mật độ khối lượng (Density) của vật chất.
a. Khối lượng riêng hay mật độ khối lượng là gì
Khối lượng riêng hay mật độ là khối lượng của vật chất trong một thể tích nhất định, được tính bằng cách chia khối lượng của vật chất cho thể tích của nó.
Ở đây ta có công thức:
D= m/V
với D (Density) là khối lượng riêng, m là khối lượng và V là thể tích.
b. Chỉ số khối lượng riêng có ý nghĩa gì?
Khối lượng riêng của một chất giúp ta tính được trọng lượng của chúng trên một đơn vị thể tích, biết được chất này nặng hơn chất khác bao nhiêu lần dựa trên mật độ của chúng. Lấy ví dụ như xăng có khối lượng riêng là 700 kg/m3, nghĩa là lượng xăng chứ trong một chiếc bồn có thể tích 1 mét khối sẽ cân nặng 700 kg. Sắt có khối lượng riêng là 7800 kg/ m3, nghĩa là một mét khối sắt sẽ cân nặng chính xác là 7800 kg.
Các nguyên tố hóa học mà con người từng biết đến đều đã được tìm ra khối lượng riêng bằng cách đo lường thử nghiệm nhiều lần.
c. Cách tính trọng lượng của túi nhựa bằng khối lượng riêng
Ở trên chúng ta đã có công thức tính khối lượng riêng, và khi sắp xếp đảo ngược lại phương trình, chúng ta có thể tính được cân nặng khi biết khối lượng riêng và thể tích. Công thức sẽ là:
m= D x V
Khối lượng riêng được tính bằng kilôgam trên mét khối (kg/ m3) hoặc gam trên centimet khối (g / cm3). Với trọng lượng rất nhẹ của bao bì nhựa, quy đổi sang hệ g/ cm3 sẽ giúp đơn giản hóa công thức tính khối lượng của chúng.
Khối lượng riêng (D) của từng loại vật liệu nhựa có thể được tìm hiểu dễ dàng trên môi trường internet, hoặc từ chính nhà cung cấp bao bì của bạn. Thông số này cũng được in trên chính bao bì hạt nhựa mà họ sử dụng để tạo nên sản phẩm. Ví dụ như: Mật độ khối lượng (D) của màng co POF là 0,92 g/ cm3, của LDPE là 0,91 và PVC là 1,4.
Thể tích của túi sẽ được tính bằng dài x rộng x cao, và chiều cao ở đây chính là độ dày của túi (của cả 2 mặt bên của túi cộng lại). Bạn đừng quên quy đổi độ dày sang hệ cm. Nếu độ dày đang được tính bằng mm, hãy chia nó cho 10, và nếu là micron thì sẽ phải chia chúng cho 10000.
Hãy lấy một ví dụ: kích thước của túi nhựa LDPE là 80 cm x 150 cm x 70 micron, chúng ta có công thức tính cân nặng là D x V = 0.91 x 80 x 150 x 0,007 = 76,44 gram/ túi.
1 kg bằng 1000 gram, chia 1000 cho 76,44 ta sẽ được con số 13,08. Nghĩa là với quy cách túi LDPE 80 x 150 cm dày 70 micron nói trên, một kilorgram sẽ bao gồm khoảng 13 chiếc túi.
Cần lưu ý độ dày trong trường hợp này là của cả 2 mặt của túi, tức là mỗi lớp màng của một túi chỉ dày 35 micron.
d. Tuy nhiên các con số trên không tuyệt đối chính xác
Trong thực tế, rất nhiều yếu tố có thể khiến khối lượng của túi không hoàn toàn chính xác như chúng ta đã tính toán. Mật độ khối lượng của vật liệu có thể thay đổi do các tạp chất bị nhiễm vào trong quá trình sản xuất, các sai sót khi thổi túi khiến độ dày không đồng đều, hoặc do các chất phụ gia được thêm vào để tăng cường các đặc tính cho túi.
Mật độ khối lượng của cùng một loại hạt nhựa nhưng được sản xuất từ những nhà máy khác nhau cũng có thể có sự chênh lệch nhỏ, và chúng được quy định nằm trong một khoảng giá trị chứ không phải một trị số nhất định. Thí dụ như khối lượng riêng của HDPE sẽ từ 0,94 đến 0,97 g/ cm3. Khi áp dụng công thức để tính toán, người ta thường sẽ tính giá trị trung bình, ở mức 0,95 g/ cm3.
Các tính trên cũng chỉ áp dụng cho loại túi trơn miệng bằng không có quai xách. Với túi đục lỗ quai xách hoặc đục lỗ thông hơi, phần diện tích bề mặt phải được trừ đi diện tích của phần đục lỗ. Còn với túi zipper thì khối lượng mỗi túi cần được cộng thêm cân nặng của phần khóa zip được gắn vào túi.
Tuy nhiên tất cả những điều đó chỉ làm cho công thức rối rắm và phức tạp thêm vấn đề, trong khi chúng lại có ý nghĩa không quá quan trọng. Người ta chỉ cần chúng để ước lượng giá trị sơ bộ về cân nặng bao bì của họ, và biết được một kg bao bì sẽ gồm bao nhiêu chiếc túi. Do đó, sai số không đáng kể trong cách tính khối lượng túi nhựa vẫn được chấp nhận.
e. Mật độ khối lượng riêng của một số loại nhựa thường gặp:
- Mật độ của HDPE là khoảng 0,95 g / cm³ (giá trị trung bình của 0,94 – 0,97 g / cm³)
- LDPE khoảng 0,92g /cm3 (0,91 – 0,94g /cm3)
- LLDPE khoảng 0,93g /cm3 (0,91 – 0,95g /cm3)
- PET khoảng 1,4g /cm3 (1,4 – 1,5g /cm3)
- PP khoảng 0,9g /cm3 (0,9 – 0,91g /cm3)
- Ps khoảng 1,04g /cm3 (1,04 – 1,05g /cm3)
- Pvc khoảng 1,5g /cm3 (1,3 – 1,7g /cm3)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!