Cách tính điểm trung bình học kỳ đại học

Ở đại học, sinh viên sẽ học theo hình thức tín chỉ, sẽ có những môn học 2 tín chỉ, nhưng cũng có những môn 3-4 tín chỉ. Số lượng tín chỉ càng nhiều, thì môn học đó sẽ càng chiếm trọng số cao khi tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học. Có thể đa số sinh viên đều đã nắm rõ cách tính điểm trung bình tích luỹ ngay từ năm nhất, vì đây là yếu tố quyết định đến xếp loại tốt nghiệp của các em. Còn nếu chưa rõ lắm, thì các em có thể tham khảo cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ trong bài viết này nhé!

>> Làm thế nào để sinh viên có kết quả học tập tốt?

1. Tính điểm trung bình từng môn học

Trước khi đi vào cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ, thì các em cần phải nắm được cách tính điểm trung bình từng môn học. Thông thường, điểm thành phần của các môn học ở đại học sẽ bao gồm điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ. Điểm quá trình thường chiếm từ 30% tới 50%, điểm thi cuối kỳ thường chiếm từ 50% tới 70% trong điểm trung bình môn học. Điểm thi cuối kỳ tất nhiên chính là điểm bài thi cuối kỳ của sinh viên. Còn điểm quá trình thì sẽ đa dạng hơn, nó có thể bao gồm điểm kiểm tra giữa kỳ, điểm bài tiểu luận nhóm, thuyết trình nhóm, điểm chuyên cần,…

Cách tính điểm trung bình môn học rất dễ, chẳng hạn như giữa kỳ 7 điểm, cuối kỳ 9 điểm, và môn học này chia điểm theo tỷ lệ 30% giữa kỳ, 70% cuối kỳ, thì sẽ tính như sau: 7*30% + 9*70% = 8.4 – Vậy thì 8.4 chính là điểm trung bình môn học đó. Còn nếu tỷ lệ 50% giữa kỳ, 50% cuối kỳ, thì sẽ là: 7*50% + 9*50% = 8.0 – Vậy thì 8.0 chính là điểm trung bình môn học.

2. Xác định số lượng tín chỉ từng môn học

Đa số trường đại học hiện nay giảng dạy theo hình thức tín chỉ, mỗi môn học sẽ được gán cho từ 2-4 tín chỉ, tuỳ theo thời lượng học của từng môn, riêng khoá luận tốt nghiệp có thể lên tới 10 tín chỉ. Đây được xem như trọng số để đánh giá mức độ quan trọng của môn học và mức độ ảnh hưởng tới điểm trung bình tích luỹ của từng môn học. Những môn nào có nhiều tín chỉ hơn, thì sẽ ảnh hưởng tới điểm trung bình tích luỹ nhiều hơn. Chính vì thế, để có thể tự tính chính xác điểm trung bình tích luỹ, thì sinh viên cần phải xác định rõ số lượng tín chỉ từng môn học.

>> Sinh viên được học lại tối đa bao nhiêu tín chỉ?

3. Cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ

Thật ra cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ rất dễ. Sau khi đã có được điểm trung bình và số tín chỉ của từng môn học, thì các em chỉ cần nhân nó với nhau, rồi cộng tổng lại, sau đó chia cho tổng số tín chỉ là được. Chẳng hạn như ví dụ sau:

  • Môn A: 8.0 – 2 tín chỉ
  • Môn B: 9.2 – 2 tín chỉ
  • Môn C: 8.5 – 3 tín chỉ
  • Môn D: 6.0 – 3 tín chỉ

Thì cách tính điểm trung bình tích luỹ sẽ là: (8.0*2 + 9.2*2 +8.5*3 + 6.0*3)/(2+2+3+3) = 7.79 – Vậy 7.79 là điểm trung bình tích luỹ cho 4 môn học này. Nếu số lượng môn học nhiều hơn thì cũng sẽ vẫn tính theo cách này như bình thường. Thông thường, nhà trường sẽ có bảng điểm online, tự động tính ra chính xác điểm trung bình tích luỹ cho sinh viên. Tuy nhiên, các em vẫn nên nắm được cách tính để có thể tự ước lượng điểm số, tự đưa ra mục tiêu điểm số để gia tăng cơ hội đạt xếp loại tốt nghiệp như mong muốn.

4. Trường hợp học lại, học cải thiện, học vượt

Trong trường hợp sinh viên học lại, học cải thiện, thì điểm trung bình tích luỹ sẽ được tính lại theo điểm trung bình mới của môn mà các em học lại, học cải thiện. Tức là mình chỉ thay đổi điểm trung bình của môn học đó, rồi tính lại điểm trung bình tích luỹ theo cách tính thông thường. Còn trường hợp sinh viên học vượt thì cũng chẳng sao, khi có điểm trung bình của môn học mà mình học vượt, thì các em cũng đưa nó vào công thức để tính điểm trung bình tích luỹ như bình thường.

Hy vọng rằng bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ, để có thể chủ động làm chủ kết quả học tập của mình. Chúc các em học tốt!

>> Gian lận điểm số ở đại học và cái kết không vui

Hỏi đáp nhanh