Ngày nay, việc sử dụng hoa đậu biếc đã dần trở nên quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Bởi lẽ loài thực vật này không chỉ là nguyên liệu thực phẩm bổ dưỡng mà còn có giá trị tuyệt vời đối với sức khỏe. Vậy hoa đậu biếc có tác dụng gì và sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về loài cây này nhé.
Hoa đậu biếc là gì?
- Tên gọi khác: Bông biếc, hoa đậu tím, hoa mắt biếc, hoa ngọc biếc…
- Tên khoa học: Clitoria ternatea
- Họ khoa học: Thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Hoa đậu biếc mang vẻ đẹp cuốn hút cùng với ý nghĩa đặc biệt, sâu sắc. Chúng vừa đại diện cho sự duyên dáng, dịu dàng vừa mang đến cảm giác thân thuộc, gần gũi.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái của Hoa đậu biếc
Theo nhiều tài liệu ghi nhận, nguồn gốc của cây đậu biếc là từ châu Á. Ngày nay, loài phân bố ở khắp thế giới, xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,… Ở Việt Nam, ta dễ dàng bắt gặp đậu biếc ở hàng rào, sân vườn, công viên… Tùy vào địa phương, có thể dùng cây làm cảnh, che bóng mát, phân bón, che phủ, cải tạo đất.
Loài thích hợp sinh sống và phát triển mạnh mẽ nơi khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Có khả năng chịu nắng tốt, nhiệt độ trung bình khoảng 30 độ C và được nhân giống bằng hạt.
Từ lúc gieo trồng đến thu hoạch trong khoảng 3-5 tháng. Ra hoa thường vào tháng 6 đến tháng 11 hằng năm.
Mô tả cây Hoa đậu biếc
Thân thảo, mềm, sống nhiều năm, thường leo nơi hàng rào tạo thành giàn hoa, trang trí đẹp mắt. Lá mọc đối, dạng bầu dục, sắc xanh đậm. Phiến lá có gân nổi rõ, lông tơ bao phủ, cuống dài.
Hoa mọc thành chùm ở nách lá. Hình dáng hoa được mô tả giống bộ phận sinh dục nữ, kích thước khoảng 4×3 cm. Cánh hoa có thể thuộc loại cánh đơn hoặc kép. Trong thực tế, màu sắc hoa khá đa dạng có thể xanh lam đậm, trắng, nhưng có lẽ phổ biến hơn cả là sắc xanh tím. Hương hoa dịu nhẹ đặc trưng, nếu ngâm vào trong nước sẽ tạo thành loại nước màu xanh biếc, hầu như không có vị. Quả dẹt, dài khoảng 5 cm, lúc non sắc xanh, chuyển nâu đậm dần khi già. Bên trong quả có khoảng 6-10 hạt, đen, bóng.1
Bảo quản Hoa đậu biếc
Sau khi hái hoa trực tiếp từ trên cây, dùng nước rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn. Tiếp theo nên để hoa tươi vào trong bọc kín, cất giữ nơi thoáng mát, tránh côn trùng. Tuy nhiên, để kéo dài thời gian bảo quản, tránh ẩm mốc, ta nên phơi hoa khô ráo để tủ lạnh ngăn mát dùng dần.
Thành phần hóa học của Hoa đậu biếc
Theo nhiều tài liệu, hoa đậu biếc có thành phần hóa học khá phong phú và đa dạng. Với nhiều chất hữu cơ vừa tạo sắc hoa rực rỡ vừa mang lại giá trị sức khỏe cao như:
- Flavonoid gồm anthocyanin-hoạt chất tạo nên màu sắc hoa đặc trưng.
- Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học còn tìm thấy các hoạt chất như: glycosid, este, saponin, tannin, alkaloid, carbodydrate, protein, tinh dầu, chất chống oxy hóa, nucleotide, acetylcholine, xyclotides…
- Ngoài ra phần hạt chứa nhiều acid amin và chất dầu có độc tính.2
Hoa đậu biếc có tác dụng gì?
1. Tăng sức đề kháng, bổ sung chất chống oxy hóa
Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao mà hoa đậu biếc nói chung và các thành phẩm chiết xuất từ loại thực vật này có khả năng tạo nên hệ miễn dịch mạnh mẽ. Chúng bảo vệ hồng cầu cũng như bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố bất lợi bên ngoài. Cụ thể anthocyanin vừa làm tăng sản xuất cytokine, đồng thời bảo vệ DNA không tổn thương.3
2. Bảo vệ chức năng gan, thận
Theo tạp chí Journal of Zhejiang Univerity – Science B, khi nghiên cứu trên động vật đã ghi nhận: Chiết xuất từ hoa đậu biếc chống lại tổn thương tinh hoàn và bảo vệ gan ở chuột. Bên cạnh đó, dược liệu này còn có thể chống lại các tác dụng phụ của acetaminophen, khi hoạt chất này gây tổn thương cho mô thận. Đây là cơ sở cho thấy khả năng thanh nhiệt, giải độc gan, bảo vệ chức năng thận… hiệu quả của dược liệu.
3. Khả năng kháng khuẩn, giảm đau, hạ sốt
Nghiên cứu trên Tạp chí quốc tế về dược phẩm cho rằng: Các flavonoid trong loài cây này chứa các hoạt chất giúp kháng khuẩn, giảm viêm, giảm đau, hạ sốt hiệu quả. Cơ chế của chúng là làm giãn nở các mạch máu dưới da, tăng lưu lượng máu, kích thích đổ mồ hôi, lợi tiểu, giải cảm nhanh chóng.
Một số nghiên cứu còn đánh giá tác dụng này có thể tương tự như sử dụng các thuốc kháng viêm non-steroid. Vì vậy, mà thực vật này sẽ hỗ trợ cơ thể trước các bệnh lý cấp và mãn tính. Hơn nữa, thành phần xyclotides có tác dụng kháng các vi khuẩn in vitro như Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Klebsiella pneumonia, Bacillus subtilis, Streptococcus agalactiae…
4. Hỗ trợ các nguy cơ bệnh lý tim mạch
Các công dụng của loài trên hệ tim mạch cũng có nhiều bằng chứng rõ ràng. Chúng giúp cải thiện tình trạng xơ vữa mạch máu, điều hòa huyết áp và giảm giảm đáng kể nguy cơ tử vong đột quỵ liên quan đến vấn đề tim mạch.
Ngoài ra, tác dụng của đậu biếc còn được so sánh với một số dược chất kháng viêm bền thành mạch và giảm lipid máu như atorvastatin, gemfibrozil… Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ số xơ vữa và tỷ lệ HDL/LDL trở nên bình thường sau khi điều trị ở chuột tăng lipid máu do chế độ ăn uống, bằng loài thực vật này.
5. Bảo vệ và hỗ trợ tình trạng loét dạ dày
Những thí nghiệm chiết xuất đậu biếc trên chuột, đã cho thấy các dấu hiệu khả quan đáng kể về các thông số như pH, lượng tiết acid dạ dày, chỉ số vết loét… Đây là tín hiệu đáng mừng về khả năng hỗ trợ hệ tiêu hoá của cây trên cơ thể người.
6. Tăng cường trí não, cải thiện trí nhớ
Khi càng lớn tuổi, quá trình lão hóa sẽ khiến lượng acetylcholine ngày càng suy giảm. Điều này khiến những vấn đề về trí nhớ và nhận thức giảm dần và trở nên trầm trọng hơn. Nhờ chứa hoạt chất proanthocyanidin, một chất chống oxy hóa, mà hoa đậu biếc có tác dụng tăng lưu thông máu não và dẫn truyền thần kinh. Từ đó, nâng cao hiệu suất bảo vệ tế bào não, duy trì trí nhớ, giảm lo âu,…
7. Nuôi dưỡng “cửa sổ tâm hồn”, tăng cường thị lực
Nhờ khả năng tăng cường lưu thông mạch máu khắp cơ thể mà dược liệu hỗ trợ nuôi dưỡng các tế bào của mắt. Điều này còn giúp cho thị lực được cải thiện, giảm tổn thương do các gốc tự do. Do đó, các nguy cơ gây ra bệnh lý như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp… sẽ được hạn chế.
8. Thân thiện với người mắc bệnh đái tháo đường
Theo nhiều nghiên cứu chứng minh, hoa đậu biếc có khả năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Các nhà khoa học đã phát hiện tác động tích cực của chúng với bệnh nhân đái tháo đường như:
- Kích thích tuyến tụy sản sinh insulin – chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tăng insulin huyết thanh.
- Ngăn cản sự hấp thụ glucose từ thực phẩm.
- Hạn chế nguy cơ biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
- Ngoài ra, một số các kết quả khả quan khác được ghi nhận như giảm chỉ số HbA1c, tăng hoạt động glycogen ở gan, cơ và các enzym đường phân…
9. Hỗ trợ điều trị ung thư
Nhiều nghiên cứu bước đầu đã nhận định khả năng hỗ trợ điều trị ung thư của hoa đậu biếc. Điều này được lí giải bởi khả năng chống oxy hóa cao, làm giảm tối đa sự hình thành các gốc tự do, tăng cường khả năng nhận diện tế bào ung thư của bạch cầu và thực bào. Vì vậy, chúng làm hạn chế được sự phát triển của tế bào ung thư và bảo vệ bệnh nhân trong quá trình xạ trị.
10. Chăm sóc da, ngăn ngừa quá trình lão hóa
Trong thực tế, nhân dân đã sử dụng hoa đậu biếc với mục đích làm đẹp, chống lão hóa da. Thực ra, điều này cũng đã được các nghiên cứu khoa học ghi nhận về khả năng tăng sản sinh collagen, độ đàn hồi da và tạo mô liên kết… nhờ hoạt chất flavonoid của loài cây này. Từ đó, không chỉ có làn da giảm nếp nhăn, mịn màng hơn và còn giúp ngăn rụng tóc hay các trạng thái bạc tóc, hói đầu sớm.4
11. Hỗ trợ kiểm soát cân nặng, phù hợp người ăn kiêng
Nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Obesity and Related Metabolic Disorders đã công bố: Về khả năng hỗ trợ kiểm soát cân nặng, cải thiện bệnh lý gan nhiễm mỡ hiệu quả của hoa đậu biếc. Chính nhờ những tác dụng tuyệt vời này mà người thừa cân, béo phì có thể sử dụng dược liệu nhằm cản trở hấp thụ chất béo trong thực phẩm và giữ vóc dáng thon thả.
12. Hoa đậu biếc và tác dụng Y học cổ truyền
Từ lâu, nhân dân đã sử dụng đậu biếc không chỉ trong ẩm thực mà còn dùng điều trị bệnh dưới các dạng: thuốc sắc uống, dạng bột, dùng ngoài da… Người ta dùng phần hoa để an thần, giảm căng thẳng.
Ngoài ra, các bộ phận khác cũng có giá trị cao:
- Phần rễ mang vị đắng, chát giúp nhuận tràng, lợi tiểu, thanh nhiệt…
- Còn phần lá có thể dùng ngoài, băng bó vết thương…
- Một số nơi sử dụng quả đậu biếc như vị thuốc tự nhiên nhằm giải nhiệt, nhuận tràng…
Cách sử dụng Hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc trong điều trị bệnh
Đa số hoa đậu biếc được sử dụng dưới dạng tươi, khô, bột… Mỗi ngày, lấy khoảng 5 hoa khô, pha với 200-400 ml nước sôi để uống. Sau khoảng thời gian ngắn, ta thu được dung dịch màu xanh biếc đẹp đặc trưng, mùi hương nhẹ nhàng.
Đây cũng được xem là bài thuốc đơn giản mà hiệu quả, nhằm hạn chế được các tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị bệnh khác.
Hoa đậu biếc trong ẩm thực
Trong ẩm thực hằng ngày, nhân dân dùng hoa đậu biếc với mục đích chủ yếu tạo màu thực phẩm. Bởi lẽ, màu sắc đặc trưng của hoa làm tăng thêm sự hấp dẫn của các món ăn, thay thể màu tổng hợp bằng hương liệu, bảo vệ sức khỏe. Một số món ăn có thể kể đến như sữa, bánh, rau câu, xôi, mứt…
Liều lượng và kiêng kỵ khi sử dụng Hoa đậu biếc
Liều lượng
Vậy mỗi ngày, ta có thể sử dụng bao nhiêu lượng hoa đậu biếc? Dù dược liệu tốt cho sức khỏe với công dụng trị bệnh cao, nhưng cần lưu ý rằng:
- Mỗi ngày nên dùng khoảng 1-2 gram hoa khô, khoảng 5-10 bông.
- Không nên sử dụng, dung dịch hoa đậu biếc ngâm quá lâu. Bởi có thể làm mất đi hương vị màu sắc vốn có và cả công dụng của hoa.
- Nhiệt độ để pha trà là nước ở nhiệt độ khoảng 90 độ C. Bởi lẽ nếu nước có nhiệt độ quá cao dễ làm mất đi hương vị của hoa và có thể làm ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa.
Kiêng kỵ
Có thể nói rằng, hoa đậu biếc là dược liệu khá an toàn đối với sức khỏe chúng ta. Tuy nhiên, anthocyanin có tác dụng thúc đẩy co bóp tử cung đồng thời ức chế kết tập tiểu cầu. Do đó, một số trường hợp vẫn nên cẩn thận khi sử dụng loại thực vật này. Cụ thể như:
- Phụ nữ đang mang thai, cho con bú và phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh.
- Người đang dùng các thuốc chống đông máu hay đang chuẩn bị cho phẫu thuật (khoảng 2 tuần).
- Các trường hợp huyết áp và đường huyết thấp cần cẩn trọng.
- Phần hạt đậu biếc chứa 12% chất dầu, có độc tính. Cần cẩn thận, bởi nếu nuốt phải dễ bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy.
Không thể phủ nhận rằng, hoa đậu biếc là loại thực vật không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao, là nguyên liệu ẩm thực tuyệt vời mà đây còn là dược liệu trị bệnh hiệu quả. Dù đây là loại cây thân thuộc và gần gũi đối với chúng ta, tuy nhiên để phát huy tối đa các tác dụng của hoa đậu biếc, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên môn nhé. Cuối cùng, hi vọng bài viết có thể giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Hoa đậu biếc có tác dụng gì” đối với sức khỏe.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!