Tiểu đường thai kỳ là mối quan ngại của rất nhiều chị em phụ nữ. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với sức khỏe của thai nhi. Do đó, cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ hiệu quả hiện là thắc mắc được quan tâm hàng đầu. Hãy cùng các bác sĩ của YouMed tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa tiểu đường thai kỳ là “tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”.
Bệnh thường xảy ra ở tuần thai thứ 24 và sẽ làm cho lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng cao. Điều này gây ra nhiều tác hại cho cả mẹ và bé. Song, nồng độ đường huyết của thai phụ sẽ trở về bình thường sau khi sinh.
Khi mang thai, nhau thai tạo ra các hormone như cortisol, estrogen, lactogen,… Những hormone này sẽ làm giảm hoạt động của insulin và gây tình trạng đề kháng. Để chống lại hiện tượng này, tuyến tụy phải tăng sản xuất insulin nhiều gấp 3 lần so với bình thường. Khi lượng insulin sản sinh không đủ để điều hòa glucose huyết, phụ nữ sẽ mắc tiểu đường thai kỳ.
Đái tháo đường ở mẹ bầu thường không có bất kỳ triệu chứng điển hình nào. Do đó, cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ tốt nhất chính là tầm soát bệnh ở lần mang thai đầu tiên. Nếu thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn nên thực các xét nghiệm cần thiết để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Tác hại của tiểu đường thai kỳ
Tác hại của tiểu đường thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Đối với thai nhi
Trong giai đoạn mang thai, chất dinh dưỡng bé nhận được hoàn toàn đến từ người mẹ. Do đó, khi máu của mẹ có bất thường, trẻ có khả năng cao đối mặt với những vấn đề dưới đây:
- Thai tăng trưởng quá mức: Trẻ sẽ dễ bị kẹt vai hoặc chấn thương khi sinh.
- Hạ glucose huyết và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh.
- Suy hô hấp: hội chứng nguy kịch hô hấp.
- Tăng hồng cầu.
- Vàng da sơ sinh.
- Dị tật bẩm sinh.
- Các ảnh hưởng về lâu dài như béo phì hoặc rối loạn tâm thần vận động.
Đối với thai phụ
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Phụ nữ khi mang thai có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên, với mẹ bầu mắc bệnh, tỷ lệ có biến chứng sẽ cao hơn bình thường. Một số tác hại bao gồm:
- Tăng huyết áp: đây là tiền đề cho các biến chứng như tiền sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận,…
- Sinh non, sẩy thai hoặc thai lưu.
- Nhiễm khuẩn niệu.
- Đa ối.
- Các ảnh hưởng về lâu dài trên tim mạch, thận và mắt.
Phòng tránh tiểu đường thai kỳ
Theo các bác sĩ, mẹ bầu có thể phòng ngừa tiểu đường bằng phương pháp thay đổi lối sống. Chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất là các cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ chủ yếu.
Chế độ ăn lành mạnh
Thai phụ nên tham vấn các chuyên gia dinh dưỡng để có được thực đơn ăn uống phù hợp. Những nguyên tắc được đưa ra như sau:
- Mẹ bầu nên áp dụng chế độ ăn có hàm lượng glucid chỉ chiếm khoảng 55% – 60% khẩu phần.
- Nên ăn nhiều bữa trong ngày để tránh nồng độ glucose huyết tăng cao quá mức sau ăn.
- Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo và không đường).
- Bổ sung chất xơ vào bữa ăn. Các bác sĩ khuyến khích nên ăn ít nhất 400g rau củ quả/ngày. Những loại rau có hàm lượng chất xơ cao như rau muống, rau ngót,… nên được lựa chọn.
- Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức thay cho gạo trắng có chỉ số glucose huyết tương cao.
- Đảm bảo cung cấp đủ vitamin và chất khoáng theo nhu cầu của thai phụ. Mẹ bầu có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng nếu được bác sĩ cho phép.
- Hạn chế các thực phẩm có hàm lượng đường cao như bánh kẹo, chè, kem, trái cây sấy,…
- Tránh xa các thức ăn giàu chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa do sẽ gây tăng mỡ trong máu.
- Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối.
- Giảm rượu bia, nước ngọt và các đồ uống kích thích.
Ngoài ra, thai phụ bị thừa cân nên ưu tiên các thực phẩm luộc hoặc hấp so với các món chiên rán. Các loại thịt trắng như thịt cá, thịt gà cũng tốt cho sức khỏe hơn các loại thịt đỏ.
Điều quan trọng là thai phụ cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả sau khi sinh để giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Tăng cường vận động
Hoạt động thể chất là cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ được nhiều chuyên gia y tế tin dùng. Thai phụ nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục. Một số bài tập phù hợp là đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe. Sau mỗi bữa ăn, phụ nữ cũng nên đi bộ hoặc tập tay khi ngồi trong 10 phút.
Nếu không có đủ thời gian để luyện tập, mẹ bầu vẫn có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách làm việc nhà hoặc chơi với con trẻ. Để đảm bảo an toàn, thai phụ nên theo dõi nồng độ đường huyết trước và sau khi tập thể dục.
Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi có thai
Việc duy trì cân nặng lý tưởng trước khi có em bé sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh cũng như những biến chứng tiểu đường thai kỳ. Theo nhiều nghiên cứu, mẹ bầu thừa cân có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với những phụ nữ khác. Do đó, khi quyết định có thai, phụ nữ cần tích cực tập luyện để đưa cân nặng trở về mức lý tưởng.
Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến khích thai phụ giảm cân khi đang trong giai đoạn mang thai. Do ở thời điểm này, cơ thể cần nhiều năng lượng để hỗ trợ cho sự phát triển của bé.
Kết luận
Bài viết dưới đây đã giới thiệu đến bạn đọc những cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ được nhiều bác sĩ gợi ý. Mẹ bầu có thể cân nhắc và lựa chọn các giải pháp phù hợp với bản thân mình. Tuy nhiên, thai phụ vẫn nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ từ lần khám thai đầu tiên để đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!