Trà cúc – hương vị ẩm thực đậm chất Hải Phòng

Dọc theo các tuyến phố Phan Bội Châu, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Minh Khai…, bạt ngàn hàng trà cúc mọc lên và phát triển theo thời thế. Người uống trà chẳng phân biệt tầng lớp, lứa tuổi, ai cũng có thể bớt chút thời gian thảnh thơi thưởng thức loại trà ngon như quà tặng của đất trời. Nhiều người nói nhịp sống ở Hải Phòng có chút tách biệt so với các đô thị lớn. Không quá hối hả, gấp gáp như ở Hà Nội, không quá náo nhiệt, sôi động như ở Sài Gòn, người Hải Phòng quen với nhịp điệu yên bình, lắng đọng của thường ngày. Trong sự tĩnh tặng ấy, người ta vẫn âm thầm lặn lội mưu sinh với guồng quay cơm áo gạo tiền nhưng vẫn đủ thong dong để tự thưởng cho mình cái đặc ân được thư giãn bên tách trà thơm. Và ly trà cúc ra đời như để hoàn thiện thêm “đặc ân” đó, giống một vị thuốc bất ly của người cao tuổi, như một thức giải khát ngon lành của cánh thanh niên.

Ghé thăm hàng trà cúc gia truyền nổi tiếng trên phố Phan Bội Châu, chúng tôi hòa mình vào đám đông, thưởng thức ly trà có công thức bí truyền trên 20 năm tuổi. Trà cúc ngon có màu vàng nâu đậm đà, thơm phức. Người sành uống trà nhận ra ngay vị đắng ngọt hơi ngai ngái nơi đầu lưỡi nhưng thanh tao của hoa cúc, vị ngọt thơm của những lát cam thảo và vị chát của trà Thái Nguyên. Để tăng cường hương vị, người pha trà còn thêm những lát quất thái mỏng chua dịu thả vào lúc trà không quá nóng. Nhấp một ngụm trà đầu tiên, người chưa quen có thể thấy khó uống bởi hương đăng đắng, chát nhẹ nhưng rồi chẳng mấy chốc, vị ngọt đậm của trà bỗng thấm lại nơi đầu lưỡi, càng uống càng đượm khiến cơ thể sảng khoái lạ thường.

Trà cúc thơm ngon 4 mùa

Chủ nhân hàng trà cúc gia truyền số 33 Phan Bội Châu, bà Khôi, năm nay đã ngoài 70 tuổi, hài lòng khi thấy thực khách trẻ yêu mến loại trà từ thời cha ông bà để lại: “Người Hải Phòng có thói quen uống trà cúc từ rất lâu rồi, trà cúc uống được quanh năm, 4 mùa xuân hạ thu đông. Đúng như tên gọi, thành phần của trà cúc đơn giản lắm, có trà, có hoa cúc, cam thảo thôi. Nhưng hương vị quyện lại khi pha thành tách trà thơm thì khó gì sánh nổi. Ai mất ngủ, huyết áp cao uống trà cúc đỡ ngay. Ai muốn mắt sáng, thanh nhiệt cơ thể, uống trà cúc là lựa chọn đúng…”.

Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt. Ngoài ra, hoa cúc còn rất tốt cho những người bị cao huyết áp hoặc có triệu chứng mất ngủ, người nóng bứt rứt khó chịu, tinh thần bị căng thẳng, tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, khó tập trung… Nhờ những công dụng tốt cho sức khỏe như vậy mà trà cúc pha rất được lòng mọi người, không kể già trẻ, trai gái..

Công đoạn chế biến trà cúc cũng tỉ mẩn, phức tạp và tinh tế đúng như hương vị của nó. Có tới hàng ngàn loại cúc khác nhau nhưng dùng để pha trà chủ yếu là bông cúc trắng hoặc vàng nhỏ xíu, bắt đầu nở độ thu sang. Sau khi hái về, hoa cúc được rửa nước cho thật sạch bụi bẩn rồi mới sấy khô. Những người trong nghề cho biết hoa cúc khô được lấy chủ yếu từ một làng bên Hải Dương. Hoa cúc sấy khô được sao thêm một lần nữa, khi sao phải chú ý đảo thật đều tay trên lửa nhỏ li ti để hoa không bị cháy, khét. Trước khi hãm cùng trà, hoa cúc lại tiếp tục được rửa sạch và để ráo.

Đến bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất: hãm trà, lúc này tỉ lệ hoa cúc – trà tùy thuộc vào công thức riêng của mỗi gia đình, đong đếm từng lạng sao cho phù hợp với đối tượng và nhu cầu của thực khách. Người cao tuổi thích uống đậm đà hơn nên có thể cho thêm nhiều trà, người trẻ tuổi thích vị ngọt nên có thể tăng phần cam thảo. Cũng để chiều lòng thực khách, trà cúc có thể uống nóng hoặc uống đá tùy khẩu vị. Trà cúc nóng thường uống ngay sau khi hãm khoảng 5-10 phút, trong khi đó trà cúc đá phải hãm trước khoảng hơn 2 tiếng và để nguội, đảm bảo khi thả đá vào, trà không bị loãng và vẫn giữ hương vị đậm đà, thơm ngon.

Hương vị ấm cúng ngày đông

Những ngày đầu đông, thực khách bắt đầu chọn uống trà cúc hãm nóng để được xuýt xoa, nhấm nháp hương vị nồng ấm từ tách trà tỏa khói nghi ngút. Đi kèm trà cúc là những đĩa hạt dẻ rang nóng, vừa bùi vừa ngậy, nhấp ngụm trà và cắn hạt dẻ ngày đông, bao nhiêu câu chuyện cũng trôi vèo. Tối tối, những “con đường trà cúc” đông nghịt khách đến không còn chỗ ngồi, ai cũng muốn kiếm cho mình một vị trí đẹp để thưởng trà, ngắm phố xá và tận hưởng những cơn gió lạnh hanh hao.

Quán trà cúc trở thành địa điểm tụ hội của giới trẻ

Anh Hùng, chủ quán trà cúc số 17 Phan Bội Châu, cho biết một ngày làm việc của quán bắt đầu từ 4 giờ sáng, anh phải hãm trà từ sáng sớm mới có đủ lượng trà để phục vụ cho cả ngày dài. Trung bình mỗi ngày quán trà cúc của anh Hùng bán được từ 400-500 cốc, mùa hè cao điểm có khi lên đến 1.000 cốc trà được tiêu thụ. Một vài vị khách đặc biệt của quán anh còn có thói quen uống trà cúc 3 lần một ngày, mỗi tuần không thiếu ngày nào. Thế mới biết với dân “nghiền” trà, cốc trà ngon đã thấm vào tiềm thức, máu thịt của họ tự khi nào.

Những năm gần đây, trào lưu uống trà chanh Hà Nội lan rộng và nở rộ tại Hải Phòng. Song phong trào mới lạ nhanh xuất hiện và cũng nhanh chìm xuống, người Hải Phòng vẫn quay về với thức uống mộc mạc, đặc trưng của thành phố quê hương: trà cúc. Chị Hoàng Thị Thủy (24 tuổi, nhân viên công ty quảng cáo), khách ruột của quán trà tâm sự: “Mỗi lần tụ tập bạn bè, mình đều chọn đi uống trà cúc, ngồi quán quen vỉa hè ngắm phố xá, bao nhiêu nỗi lo bộn bề cuộc sống bỗng vơi phần nào. Quan trọng hơn nữa là trà cúc ngon, bổ và an toàn cho sức khỏe. Giới trẻ bây giờ rộ lên trào lưu uống trà chanh – một thức uống đầy những hóa chất và hương liệu nhân tạo. So ra thì uống trà cúc bình dị và bổ dưỡng hơn nhiều”.

Đến Hải Phòng du lịch, khám phá văn hóa ẩm thực, đừng quên nơi đây không chỉ có bánh đa cua, bánh mì cay, nem cua bể… mà giờ đây còn có thêm ly trà cúc đậm đà, đượm hương thơm. .. (Thu Ninh – ANHP)