Hình dáng đẹp lạ lại mang nhiều ý nghĩa, cây sen đá hiện nay là một trong những loài cây được nhiều người ưa thích lựa chọn để trưng bày, trang trí. Để sở hữu riêng mình chậu sen đá nhiều người chọn cách tiết kiệm chi phí nhất đó là tự nhân giống. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách nhân giống sen đá bằng nước, được đánh giá là cách dễ thực hiện nhưng lại có hiệu quả cao nhất.
Đặc điểm cây sen đá
Cây sen đá còn có tên gọi khác là liên đài hay hoa đá. Đây là một trong những loài thực vật có sức sống mãnh liệt, không cần nhiều công chăm sóc.
Cây thuộc chi Echeveria, họ thuốc bỏng ( Crassualaceae), thuộc loài sen đá xương rồng
Tên tiếng Anh: Succulent plant
Ước tính trên thế giới hiện nay có khoảng 60 họ sen đá khác nhau với gần 400 loài. 90% phân bố ở vùng gần xích đạo như Mexico, Nam Mỹ, châu Úc, châu Phi, một số loài đặc biệt thì sống ở vùng khí hậu lạnh như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Sen đá là giống cây nhỏ, gần như không có thân, chỉ thấy lá. Lá căng mọng nước ( một số loại thì lá mỏng, cứng)
Rễ có hai dạng rễ chùm và rễ cọc
Cây có hoa lưỡng tính, rất đa dạng phong phú về kiểu dáng, màu sắc, kết cấu thân lá
Thời điểm thích hợp để nhân giống sen đá
Thời điểm thích hợp để nhân giống sen đá là mùa xuân. Vào mùa này, thời tiết mát mẻ, dễ chịu tạo điều kiện thích hợp để cây con phát triển tốt. Bạn cũng có thể nhân giống vào các mùa khác, tuy nhiên, tỷ lệ nhân giống thành công phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Cách nhân giống sen đá bằng nước
Chuẩn bị
Trước khi tiến hành nhân giống sen đá bằng nước, bạn cần chuẩn bị những thứ sau:
- Cây sen đá có lá khỏe mạnh và cứng cáp
- Ly hoặc bình thủy tinh đựng nước, sử dụng loại trong suốt để có thể quan sát từ bên ngoài
- Nước, đổ gần đầy ly hoặc bình, nếu sử dụng nước máy thì nên để qua đêm
- Màng bọc thực phẩm
- Dao lam hoặc dao nhỏ sắc
Cách nhân giống sen đá bằng nước
Như đã đề cập, đây là cách dễ làm, không tốn nhiều công sức nhưng lại mang lại hiệu quả rất cao.
- Bước 1: Dùng lưỡi dao để cắt lá, cành từ cây mẹ một cách dứt khoát, tránh xước dập. Để cây không bị nhiễm khuẩn từ dao, trước khi thực hiện, bạn nên khử trùng dao qua nước sôi hoặc các chất khử trùng.
- Bạn cũng có thể dùng tay để bứt lá, cầm vào chiếc lá giữ chặt rồi đưa sang bên trái, đưa sang bên phải đến khi lá rụng. Chọn những lá bạn cảm thấy có thể dễ dàng bứt và khỏe mạnh, để lá cây có thể tách rời cây sát thân và không bị gãy ở giữa lá và nhớ thực hiện thật nhẹ nhàng
- Bước 2: Bạn để lá hoặc cành vừa mới cắt ở nơi khô ráo, thoáng mát từ 3-4 ngày để vết cắt được lành lặn và khô hoàn toàn. Làm như vậy sẽ tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn đồng thời kích thích khả năng ra rễ mới của lá, cành mà bạn cắt. Khi khô, vết cắt sẽ hơi nhăn lại, sờ vào sẽ không còn cảm giác có nhựa hay bị ẩm.
- Bước 3: Sử dụng màng bọc thực phẩm bọc miệng ly, bình có chứa nước lại. Chú ý bọc kín.
- Bước 4: Dùng dao đục những lỗ nhỏ trên màng bọc sau đó cắm những cành, lá vào những lỗ đó.
- Lưu ý: Khi cắm phải để cành, lá chạm 50% vào nước, còn 50% nằm trên màng bọc.
- Cuối cùng, bạn chờ trong vòng vài ngày đến 1 tuần hoặc lâu hơn, tùy theo từng loại sen đá. Nếu cành, lá nào trong vòng 1 tuần vẫn chưa ra rễ bạn nên thay nước. Sau khi ra rễ, bạn chỉ việc lấy ra và trồng xuống đất bình thường.
Cách nhân giống sen đá bằng đất
Bên cạnh cách nhân giống sen đá bằng nước, còn cách nhân giống bằng đất cũng đơn giản và hiệu quả không kém.
- Bước 1, bước 2 bạn cũng thực hiện như cách nhân giống bằng nước.
- Thay vì chuẩn bị ly, bình đựng nước và màng bọc thực phẩm các bạn chuẩn bị đất trồng. Đất trồng cần tơi, xốp, giữ ẩm tốt để tạo điều kiện cho rễ phát triển. Đất trồng thường dùng để nhân giống: hỗn hợp mùn dừa ( đã qua xử lý) giúp giữ ẩm, phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng và trấu làm đất tơi xốp
- Lưu ý: Mùn dừa đã qua xử lý khá khó mua. Vì vậy bạn có thể tự xử lý tại nhà. Sau khi mua mùn dừa về, bạn ngâm với nước và bóp vắt nhiều lần để xả độ chát. Ngâm trong 2 ngày, mỗi ngày bóp 2 lần, sau đó lại thay nước ngâm mới. Sau đó phơi khô là đã có thể sử dụng được
- Sau khi đã có cành, lá sen đá khô hoàn toàn, bạn đặt lá xuống mặt đất đã chuẩn bị sẵn để rễ phát triển và cắm xuống đất.
- Tưới nước: Thời gian đầu này thì bạn có thể xịt phun sương nhẹ mỗi ngày 1 lần để rễ phát triển tốt hơn. Đừng để đất quá ướt, nên tưới khi đất đã khô hẳn
- Ánh sáng: Đặt chúng nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời, do rễ và cây con mọc ra từ lá đều rất non và yếu
- Sau 1-2 tuần bạn sẽ thấy rễ non màu hồng phát triển cùng với sự xuất hiện của những cây con. Sau 1-2 tháng cây con đã cứng cáp và phát triển khỏe mạnh.
- Khi cây con đã hoàn toàn cứng cáp thì lá sẽ héo dần, đến khi lá héo hẳn thì bạn có thể tách ra hoặc để lá mẹ tự rụng. Lúc này cây con có thể tiếp xúc dần với nắng nhẹ
Cách kích rễ sen đá an toàn bằng nha đam để cây phát triển nhanh
Thông thường, muốn kích thích rễ mọc nhanh, chúng ta thường tìm đến thuốc kích rễ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp cây chưa kịp thích ứng với thuốc thì đã chết, và thuốc kích rễ là chất hóa học cũng nên hạn chế sử dụng. Một biện pháp an toàn khác được sử dụng đó dùng nha đam ( lô hội). Trong lá của nha đam có chất nhờn kích thích tăng trưởng không chỉ cho sen đá mà còn là tất cả các loại cây khác.
Dùng dao cắt 1 phần nhỏ phía đuôi lá nha đam. Sau khi tách lá, cành sen đá từ cây mẹ, bạn lấy từng lá cho tiếp xúc với chất dịch trên lá nha đam. Sau đó để khô và thực hiện cách nhân giống như bình thường. Sau một thời gian bạn sẽ thấy phần lá, thân này sẽ ra ươm mầm và phát triển nhanh hơn.
Cách chăm sóc cây sen đá
Cách chăm sóc sen đá sau khi thực hiện nhân giống sen đá bằng nước và nhân giống bằng đất thành công:
Tưới nước
- Nếu tưới bằng cốc chén thì đổ thẳng và vùng đất xung quanh chậu cây sao cho nước ngấm vừa đủ vào toàn bộ đất.
- Nếu dùng bình tưới thì hãy vặn phần vòi của bình sang chế độ phun tia nước và phun nhẹ vào vùng xung quanh đất
- Bạn cũng có thể tưới ngấm cho cây bằng cách đặt cả chậu cây vào một xô nước, để nước ngập đến 2/3 chậu cây, sau 1 – 2 phút thì lấy chậu cây ra ngoài cho ráo nước
- Lưu ý: Tuyệt đối không để nước đọng lại trên lá, như vậy sẽ gây thối lá
Đất trồng và phân bón
Tuy sen đá có thể sống ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt và không yêu cầu cao về dinh dưỡng nhưng nếu muốn cây phát triển tốt, các tầng lá bóng khỏe thì nên thường xuyên cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Ban có thể bổ sung bằng các loại phân bón qua lá, phân tan chậm hay phân dynamic. Hằng năm nên thay đất định kì cho cây 1 đến 2 lần.
Ánh sáng
Cũng giống như các cây mọng nước khác, sen đá cũng cần rất nhiều ánh sáng. Mỗi ngày, sen đá cần trung bình cần từ 6-8 giờ ở ngoài nắng mới đủ cho sự phát triển và duy trì vẻ đẹp của cây. Nếu đặt cây trong phòng thì ít nhất phải 2 ngày mang cây ra ngoài phơi nắng 1 lần để lá không bị héo và rụng mất.
Nhiệt độ
Sen đá là loại cây ưa mát, phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 15-35 độ C
Phòng trừ sâu bệnh
Mặc dù sen đá có sức sống mãnh liệt nhưng vẫn bị nấm, rệp sáp tấn công.
Biểu hiện: Lá cây bị thối đen, lan dần qua những lá khác và toàn thân cây. Thường bệnh này dễ phát triển vào lúc giao mùa, khi mùa mưa kéo dài. Nếu phát hiện những biểu hiện bệnh của cây như thế này thì thường phải cắt bỏ đi.
- Nếu cây bị rệp thì diệt kiến trước, diệt rệp sau. Rệp chỉ xuất hiện khi có kiến tha tới. Các bạn thấy kiến bò nhiều ở chỗ trồng cây thì nên kiểm tra để diệt rệp kịp lúc. Dùng nước rửa chén pha thật loãng, lấy bàn chải đánh răng cũ chấm dung dịch đó chà nhẹ nhàng vào các chỗ rệp bám cho thật sạch, định kỳ mỗi tuần như vậy cho tới khi cây hết hẳn.
- Trường hợp cây sen đá bị nấm thì không được giữ vùng trồng cây bị ẩm ướt quá lâu. Lúc này cần loại bỏ hết các lá, dùng dao cắt bỏ phần thân bị thối, giữ lại phần khỏe mạnh. Sau 3 ngày tiến hành trồng lại và kết hợp phun các loại thuốc phòng bệnh như Anzil, COC85,…
Ý nghĩa cây sen đá
Nhân giống sen đá bằng nước xong, thành quả là những chậu sen đá đẹp đẽ. Vậy nhưng bạn đã biết ý nghĩa của nó chưa?
Ngày nay, các bạn có thể thấy cây sen đá được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Từ việc trang trí cho ngôi nhà, nơi làm việc thêm sinh động, sen đá còn được nhiều người lựa chọn làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Đặc biệt nhiều cặp đôi còn dùng sen đá để trang trí cho lễ đường đám cưới, ngày trọng đại trở nên thật ấn tượng và độc đáo.
Lý do sen đá được nhiều người yêu thích như vậy không những là nhờ vào vẻ đẹp mà còn vì ý nghĩa của nó.
Chính vì sức sống mãnh liệt, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn luôn là những cây sen đá rực rỡ, khỏe mạnh, nên cây đại diện cho tình yêu bền vững. Dù cuộc đời có bao nhiêu sóng xô thì tình yêu ấy vẫn vượt lên được và trường tồn.
Ngoài đai diện cho tình yêu vĩnh cửu, cây còn đại diện cho nghị lực mạnh mẽ phi thường. Dù trong nghịch cảnh vẫn nỗ lực hết mình vươn lên, tự mình “đâm chồi nảy lộc”. Đường đời chông gai, có bao nhiêu thử thách gian nan thì cũng không lùi bước.
Ý nghĩa phong thủy: Hình dáng sen đá như hình đài phật của Quan thế âm Bồ tát nên cây còn tượng trưng cho may mắn, tài lộc.
Không những mang lại bình an, cây còn giúp cho sự nghiệp của người sở hữu hanh thông, xua tan mọi điều xui xẻo, rắc rối.
Biết thêm một chút, lại yêu thêm rất nhiều. Đó là ý kiến của rất nhiều người khi nhắc đến sen đá. Loài cây nhỏ bé nhưng chẳng tầm thường tí nào. Cây sen đá đã và đang trở thành “con cưng” của rất nhiều người yêu thích cây cảnh. Hy vọng sau khi áp dụng cách nhân giống sen đá bằng nước, bạn sẽ có cho mình thật nhiều những “ thành quả” bé xinh nhé.
Xem thêm: Cách trồng cây xương rồng như chuyên gia
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!