Mách mẹ cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú

Sữa mẹ được biết đến là nguồn thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của con, do đó tất cả các bà mẹ đều mong muốn có nhiều sữa để cho con bú. Tuy nhiên, đôi khi chính vì quá nhiều sữa lại gây nên những vấn đề không mong muốn, đặc biệt là tình trạng sữa chảy nhiều khi cho con bú. Vậy cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú là gì?

1. Vì sao sữa chảy nhiều khi cho con bú?

Tình trạng sữa chảy nhiều khi cho con bú có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các nguyên nhân từ chính thể chất của bà mẹ và cách sinh hoạt, cho con bú hằng ngày. Các nguyên nhân chủ yếu khiến sữa chảy nhiều khi cho con bú kể đến như:

– Khoảng cách giữa các lần cho bú quá dài

Khoảng cách giữa các lần cho bú quá dài là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sữa chảy nhiều khi cho con bú. Sữa trong cơ thể của người mẹ sẽ được tạo nên liên tục và được dự trữ trong hai bầu vú để có thể bài xuất khi con bú.

Khi khoảng cách giữa hai lần cho bú quá xa nhau sẽ khiến sữa vẫn được sản xuất nhưng lại không được tiêu thụ. Điều này khiến lượng sữa tích trữ nhiều và căng, tạo thành hiện tượng sữa chảy nhiều khi cho con bú, đặc biệt hay xảy ra vào cữ bú của con khi mới thức dậy vào buổi sáng sau một đêm ngủ với tần suất bú ít hơn ban ngày.

– Cơ địa của người mẹ

Người ta ước tính rằng, mỗi bên vú sẽ có khoảng từ 100 000 – 300 000 tuyến sữa. Trong phần lớn trường hợp, số lượng tuyến sữa hoạt động sẽ không phải là con số tối đa mà cơ thể có. Tuy nhiên nếu số lượng tuyến sữa hoạt động quá nhiều sẽ khiến lượng sữa được tạo nên nhiều hơn và sữa căng hơn. Khi này hiện tượng sữa chảy nhiều khi cho con bú xảy ra dễ dàng hơn.

– Sử dụng máy hút sữa

Sử dụng máy hút để giải quyết tình trạng căng sữa hoặc lấy sữa ra để dự trữ ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, sử dụng máy hút cũng chính là nguyên nhân kích thích cơ thể mẹ tiết sữa. Chính vì thế, nó giống như một vòng luẩn quẩn rằng mẹ cố gắng dùng máy hút để giảm bớt sữa nhưng máy hút lại kích thích sản sinh ra nhiều sữa hơn. Hậu quả của lạm dụng máy hút sữa chính là sữa được sản sinh quá nhiều và dễ dẫn đến căng sữa quá mức gây sữa chảy nhiều khi cho con bú.

– Mất cân bằng hormone

Hai hormone chính liên quan đến sản xuất sữa là prolactin (bài tiết sữa) và oxytoxin (bài xuất sữa). Khi hàm lượng hai hormone này trong cơ thể bị rối loạn và tiết ra quá nhiều sẽ khiến sữa được sản xuất nhiều quá mức và bài xuất ra ngoài quá nhanh chóng gây nên tình trạng chảy sữa nhiều khi cho con bú.

Sữa chảy nhiều khi cho con bú có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra giữ nguyên giá trị dinh dưỡng

Mẹ bị mất sữa đột ngột phải làm sao? Bật mí những cách gọi sữa về dành cho mẹ sau sinh

2. Hậu quả của sữa chảy nhiều khi cho con bú

Như đã nói, không phải quá nhiều sữa mẹ sẽ đại biểu do một tác động mang tính tích cực, sữa chảy nhiều khi cho con bú thậm chí còn có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau cho mẹ và bé, chẳng hạn như:

– Con dễ bị sặc

Khi sữa mẹ chảy quá nhiều và quá nhanh lúc con bú, dòng sữa đưa vào lớn quá mức khiến động tác nuốt của con con. Hậu quả chính là con nuốt sữa không kịp nên dễ bị sặc dẫn đến kích thích và nôn trớ khi bú. Thậm chí, nếu diễn ra lâu ngày thì còn có thể khiến cho con sợ bú mẹ.

– Con không nhân được đủ dưỡng chất có trong sữa mẹ

Sữa mẹ chảy nhiều khiến con bú rất nhanh no vì thể tích dạ dày còn nhỏ. Tuy nhiên chính vì thế lại dẫn đến việc con không nhận được đủ dưỡng chất có trong sữa mẹ.

Cần biết rằng, sữa mẹ trong mỗi cữ bú sẽ chia ra làm sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu chủ yếu chứa đường, đạm,… nên thường có vị ngọt và trong hơn. Còn đối với sữa cuối, do chứa nhiều lipid vì thế có cảm giác đặc và ít ngọt hơn. Sữa mẹ tiết quá nhiều khiến con bú no sớm ngay từ sữa đầu của người mẹ mà không bú được sữa cuối. Nên dù sữa mẹ có ra nhiều trong khi bú nhưng thực tế con vẫn cứ còi cọc và chậm lớn.

– Dễ bị tắc sữa

Sữa mẹ quá nhiều cũng là một trong các nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng tắc sữa, nặng nề hơn là có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc áp xe vú,..

– Gây bất tiện cho sinh hoạt

Một hậu quả khác của việc sữa chảy nhiều khi cho con bú chính là gây bất tiện cho sinh hoạt của mẹ. Sữa mẹ quá căng khiến sữa thường xuyên chảy ra làm ướt áo, gây mất tự tin cho người mẹ, khiến mẹ cảm giác luôn căng tức, nặng nề, thậm chí là đau nhức,… Những điều này khiến chất lượng sinh hoạt của mẹ bị giảm đáng kể.

Sữa chảy nhiều khi cho con bú gây nhiều hậu quả cho cả mẹ và con (Ảnh: Internet)

3. Cách nhận biết sữa chảy nhiều khi cho con bú

Thông thường, hiện tượng sữa chảy nhiều khi cho con bú có thể được nhận biết một cách tương đối dễ dàng bởi các biểu hiện tương đối trực quan và dễ dàng phát hiện. Các dấu hiệu chính bao gồm:

3.1. Dấu hiệu đối với mẹ

– Mẹ thường xuyên cảm thấy bầu vú căng tức, thậm chí là đau đớn.

– Sữa chảy ra ngoài thường xuyên, có thể thấm ướt áo.

– Ngực bên còn lại cũng tự tiết sữa khi con đang bú ở bên kia.

– Hay bị tắc tuyến sữa.

3.2. Dấu hiệu đối với con

– Con thường xuyên bị sặc khi bú.

– Con bú chưa hết sữa đã không bú nữa hoặc cố gắng cắn vào núm vú để sữa chảy chậm hơn.

– Con thường nhả sữa sau khi bú, nhõng nhẽo khi cho bú hoặc đôi khi tỏ ra sợ được cho bú.

– Con thường xuyên bị đầy bụng, chướng hơi, đi cầu phân xanh, bọt, nhiều lần,… do chỉ bú được phần sữa có nhiều lactose của sữa mẹ.

– Con chậm lớn dù được bú đủ và bú no.

4. Cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú

Chính bởi sữa mẹ chảy nhiều có thể gây nhiều vấn đề khác nhau. Do đó, cách ngăn sữa mẹ chảy nhiều khi cho con bú là vấn đề thực sự nhận được nhiều sự quan tâm từ các bà mẹ. Nếu bị sữa chảy nhiều, các mẹ có thể áp dụng một số cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú sau đây:

– Cho con bú sữa ở từng bên một

Các hướng dẫn cho con bú hiện nay đều khuyến cáo các mẹ nên cho con bú sữa ở từng bên một cho đế khi hết sữa mới chuyển sang bên còn lại, và đây cũng chính là một cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú. Bởi khi cho con bú sữa từng bên một trước khi chuyển bên sẽ giúp con có thể tận hưởng và sử dụng được toàn bộ cả sữa đầu và sữa cuối ở bên bầu vú mà con đang bú.

Sau khi con đã bú xong một bên hãy chuyển sang bên còn lại nếu con chưa no, còn nếu con đã no thì có thể cho con tạm nghỉ bú trong khoảng vài chục phút rồi cho con bú tiếp bên còn lại hoặc sử dụng máy hút để hút bớt một phần sữa giúp giảm căng tức sữa và giảm bớt cảm giác mất cân đối ở mẹ.

Cho bú từng bên một là cách để ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú (Ảnh: Internet)

– Cho con bú nhiều cữ hơn

Cho con bú nhiều cữ trong ngày hơn sẽ giúp lượng sữa mà mẹ tạo nên sẽ liên tục được làm vơi đi và giảm tích trữ sữa quá mức dẫn đến sữa nhiều khi cho con bú. Chính vì vậy đây cũng là một cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú mà các mẹ nên thử, hãy cho con bú thường xuyên hơn, mỗi cữ cách nhau khoảng 1-2 tiếng.

– Cho con bú đúng tư thế

Cho con bú đúng tư thế chẳng những giúp con có thể bú sữa thoải mái hơn, ít bị sặc hơn mà còn là cách ngăn sữa chảy nhiều khi con bú hiệu quả mà các mẹ nên thử.

Khi cho con bú, các mẹ nên để con ở tư thế ngồi ôm con sao cho con đối diện với ngực mẹ hoặc cho con nằm nghiêng để bú, miệng con cần phải ngậm hết cả quầng vú của mẹ, phần môi dưới hơi ra phía ngoài,… Và quan trọng chính là khi cho con bú thì nên cố gắng giữ đầu của con cao hơn chút ít so với bầu vú để dòng sữa chảy ra chậm hơn và con bú dễ hơn, ít bị sặc hơn.

– Nhấn nhẹ vào núm vú khi cho con bú

Khi cho con bú, các mẹ có thể dùng ngón tay nhấn nhẹ vào núm vú để cản lại đường đi của tuyến sữa làm sữa chảy chậm hơn và giúp con bú mẹ dễ dàng hơn.

– Vắt hoặc hút bớt sữa trước khi cho con bú

Trong trường hợp sữa quá căng, các mẹ nên vắt hoặc hút bớt một lượng sữa nhất định trước khi cho con bú. Điều này giúp giảm thể tích sữa trong bầu vú và là cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú.

– Ngưng cho con bú ngay nếu con bị sặc

Nếu con bị sặc khi đang bú do sữa chảy quá nhiều, cần dừng bú và rời bầu vú mẹ ngay. Sau đó nhanh chóng chặn dòng sữa đang chảy bằng khăn sạch. Khi con đã hết sặc và dòng sữa đã chảy chậm lại thì mới tiếp tục cho con bú.

Có thể thấy rằng, mẹ có nhiều sữa cho con bú là điều rất đáng mừng nhưng đôi khi quá nhiều sữa cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Hy vọng những cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú được giới thiệu trên đây sẽ có thể hỗ trợ nhiều cho các bà mẹ trong quá trình chăm sóc con.