Cách ngâm rượu ô môi và các bài thuốc từ trái ô môi miền Tây

Mùa này là mùa ô môi ở các tỉnh miền Tây. Vâng, cây ô môi, bạn biết chứ? Nó là loài cây đặc trưng của Tây Nam Bộ và cũng là của Đông Dương. Ở Campuchia, nó được gọi là Rich chopeu và ở Thái Lan, nó được gọi là Brai xiêm.

Bạn đã ăn ô môi bao giờ chưa? Bạn có còn nhớ mùi vị của nó? Vâng, ô môi không dành cho những ai ăn vội và chỉ khi có đủ thời gian, bạn mới có thể nhấm nháp được hết cái chất đồng quê của nó.

Này nhé, quả ô môi rất cứng, thế nên bạn phải róc hai bên sườn, chỉ chừa lại cái khung xương rồi lấy tay vừa đẩy vừa ấn cho các mắc ô môi trượt ra. Khi các mắc ô môi đã lung lay thì bạn tách một mắc ra, cho vào miệng, lúc ấy cái cảm giác vừa đắng vừa ngọt, vừa chát vừa nồng (mà lại vừa thơm) sẽ hiện ra ngay. Thế là bóc thêm một miếng nữa và cứ thế, bao nhiêu thứ vị giác lôi kéo bạn ăn hết khúc này tới khúc khác cho đến khi no nê cái hương vị của nó mới thôi. Mà hương ô môi như thế nào nhỉ? Bạn hãy ăn đi, đó là một mùi hương không thể nào miêu tả bằng lời được. Ô môi càng chín thì càng ngọt, ngửi thì hôi mà ăn vào thì lại thơm ngon.

Và đó cũng là lý do mà rất nhiều người con xa quê, lên thị thành lập nghiệp, sau bao nhiêu năm bôn ba xứ người cũng chẳng thèm gì ngoài hương vị chân chất kèm cái cảm giác say say khi nhấm nháp miếng ô môi ấy. Còn nếu bạn thấy ô môi không ngon, đó không phải lỗi tại bạn và cũng không phải tại ô môi.

Vài nét về bông ô môi và cây ô môi

Lúc còn nhỏ, tôi hay đi chơi lang thang khắp các ngõ đường và chẳng để ý gì đến cây ô môi. Thế rồi, đến mùa hoa ô môi thì mới nhận ra bao nhiêu là hoa phủ đầy mặt đất, trông như một tấm thảm hồng. So với hoa kèn hồng thì hoa ô môi đẹp không thua kém. Bạn hãy thử hình dung xem, một ngày tình cờ đi trên đường thì thấy cả một trời hoa nhuộm hồng góc nhà ai đó. Và những cây ô môi hiên ngang mọc giữa cánh đồng nữa, đẹp không sao tả xiết:

“Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ…”. (Mùa hoa ô môi)

Ngoài tên gọi ô môi (Cassia grandis), cây còn có các tên gọi khác như cây bồ cạp nước, bọ cạp nước, cây cốt khí (khác với củ cốt khí),…

Cách dùng ô môi làm thuốc

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng ô môi chỉ có tác dụng ăn chơi. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, ô môi còn được dùng làm thuốc với hai cách thông dụng là ngâm rượu và điều chế thành dạng cao.

Cách ngâm rượu ô môi

  • Cách ngâm rượu ô môi rất đơn giản: Sau khi hái ô môi về, bạn róc bỏ vỏ rồi cạo lấy lớp cơm quả (có màu đen hoặc nâu đen, hơi sánh và có khi nhão).
  • Sau đó đem ngâm với rượu từ 25 đến 30 độ và ngâm càng lâu càng tốt.
  • Được biết, trong thịt quả ô môi không chỉ có đường mà còn có chất nhầy, tanin, tinh dầu, saponin… và đó cũng là lý do mà khi ăn, bạn lại cảm nhận được nhiều mùi vị khác nhau như thế!

Tác dụng: Rượu ô môi giúp dễ tiêu hóa, nhuận tràng và đồng thời cũng giúp giảm đau lưng, nhức mỏi. Bên cạnh đó, rượu ô môi còn có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp ăn uống ngon miệng hơn và giúp giảm tiêu chảy, lỵ. Được biết, rượu ô môi sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn với người cao tuổi và mỗi ngày, mỗi người chỉ cần uống 1 ly nhỏ trước bữa cơm và uống hai lần mỗi ngày (2) (3) (4).

Điều chế thành cao ô môi

Để dùng ô môi dưới dạng cao thì sau khi hái về, các bạn cạo lấy cơm quả đem ngâm với nước, cứ 1 kg cơm quả thì ngâm với 1 lít nước. Sau đó, các bạn đem lọc lại rồi chắt nước ấy ra và tiếp tục ngâm với một lít nước nữa rồi lọc lấy nước lần hai. Sau cùng, các bạn gom hai lần nước lại rồi nấu bằng lửa nhẹ cho đến khi nó đặc lại thành dạng cao mềm.

Tác dụng: Cao được làm từ cơm quả ô môi có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, điều trị nhức mỏi, đau lưng, tiêu chảy và lỵ (có thể hơi tẩy nhẹ). Mỗi ngày, mỗi người uống từ 4 – 8 g cao này và uống hai lần mỗi ngày (uống sau bữa ăn) (2) (3) (4).

Lưu ý

Theo kinh nghiệm của những đứa trẻ chuyên ăn ô môi thì nếu ăn quá nhiều loại quả này (trên 5 – 6 quả/ ngày), bạn có thể sẽ bị sốt. Bên cạnh đó, sau khi ăn ô môi, răng của bạn sẽ bị nhuộm màu từ lớp cơm quả, vì vậy, hãy nhớ đánh răng sau khi ăn, bạn nhé!