Hướng dẫn cách làm bàn ghế đá theo 5 bước tối ưu nhất – Ghế Đá Trường An

Với nhiều ưu điểm như tính bền bỉ, chịu lực tốt và giá thành rẻ, bàn ghế đá đang ngày càng được ưa chuộng và trở nên quen thuộc trong cuộc sống.

Vậy cách làm bàn ghế đá và bàn ghế giả gỗ như thế nào? Sau đây, là các bước hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể nhất.

Lưu ý: Mỗi xưởng khác nhau sẽ có quy trình và cách làm khác nhau. Tuy nhiên cũng đều gần giống với các bước mà tôi trình bày hiện đang được Cơ Sở Trường An áp dụng nhằm tạo ra các sản phẩm có tính thẩm mỹ và đảm bảo chất lượng nhất.

Nhìn chung, bàn ghế đá và bàn ghế đá giả gỗ có các bước làm gần tương đương nhau, tuy nhiên sẽ có một vài điểm khác biệt cần lưu ý mà tôi sẽ đề cập cụ thể ở từng bước.

cách làm bàn ghế giả gỗ

Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu và khuôn

Tuy là bước đầu tiên nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng để làm thành công:

  • Nguyên vật liệu: bao gồm cát, đá dăm, bột màu, xi măng, sơn và dầu phủ bóng.
  • Đối với cát nên chọn cát mịn dùng để đổ bê tông trong ngành xây dựng, tránh dùng cát san lấp nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm sau này.
  • Xi măng có thể sử dụng các hãng xi măng phổ biến hiện nay như Hà Tiên, Holcim, Vicem, SCG, Thăng Long,… Ở Trường An, chúng tôi thường sử dụng xi măng đen của Holcim và xi măng trắng Thái Lan SCG.
  • Khuôn: Tùy vào kiểu dáng và cấu tạo của bàn ghế nên sẽ có nhiều mẫu khuôn khác nhau. Nên chọn khuôn làm bằng thép chất lượng tốt đảm bảo độ cứng chắc để tránh bị cong móp biến dạng khi làm.
khuôn làm bàn ghế đá
khuôn làm bàn ghế đá

Lưu ý: khâu chuẩn bị tốt chính là yếu tố rất cần thiết để làm ra sản phẩm chất lượng và bền đẹp. Luôn luôn thực hiện việc vệ sinh khuôn nhằm loại bỏ các hạt bơ dính lại từ lần làm trước. Đối với bàn ghế đá mài granito, điều này sẽ giúp công đoạn mài bóng dễ dàng hơn, đỡ mất thời gian và công sức của thợ mài. Còn khi làm bàn ghế đá giả gỗ việc làm sạch khuôn sẽ giúp sản phẩm có bề mặt vân gỗ mịn hơn vì không có công đoạn mài.

Bước 2: Trộn vật liệu và đổ vào khuôn bàn và ghế đá

Tiến hành trộn nguyên liệu gồm cát. đá, xi măng với nước. Khâu phối trộn vật liệu đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề của người thợ làm bàn ghế để tạo ra hỗn hợp với tỷ lệ tối ưu và không bị bề mặt rỗ khi mài. Nếu vật liệu pha quá loãng sẽ mất độ cứng và lâu khô, còn quá đặc sẽ giòn và dễ nứt.

Đặt khuôn lên mặt sàn phẳng mịn (ở Trường An dùng mặt đá Granite) đã được quét một lớp nhớt đen để hỗn hợp khi đổ vào khuôn không bị dính xuống mặt sàn khi hỗn hợp khô và cứng lại hoàn toàn.

sản xuất bàn ghế đá

Sau đó, đặt các thanh sắt vào khuôn theo khoảng cách đều nhau. Tùy độ dày và kích thước bàn ghế đá sẽ sử dụng sắt có đường kính Ø khác nhau. Bàn ghế đá công viên thông thường sẽ sử dụng sắt Ø4, khoảng cách 15×15 cm.

Lưu ý: Khi làm bàn ghế đá xi măng giả gỗ, các thanh sắt cần được uốn cong theo hình dáng của sản phẩm để đảm bảo sự chắc chắn (xem hình phía dưới). Khi làm các bộ bàn ghế đá mài bình thường có hình dáng uốn lượn cũng cần phải thực hiện điều này để đảm bảo chất lượng.

cách làm bàn ghế đá xi măng giả gỗ
Bẻ cong sắt theo hình dáng bàn ghế đá

Tiếp theo, đổ hỗn hợp vật liệu đã phối trộn vào khuôn đã được đặt sẵn các thanh sắt. Sau đó, ta đợi cho hỗn hợp khô cứng lại hoàn toàn trong vòng tối thiểu 12 tiếng.

Tại Trường An, khi làm các sản phẩm bàn ghế đá mài granito cao cấp, chúng tôi còn ngâm chân ghế trong nước 24h sau khi khô giúp tăng độ cứng và chịu lực tốt hơn.

Bước 3: Ráp bàn ghế đá

Khi thành phẩm đã khô và cứng lại, ta tiến hành tháo khuôn và tách ra khỏi mặt sàn.

Sau đó ráp chân ghế đá vào băng ngồi và băng tựa. Lưu ý lúc này băng ngồi được đặt úp xuống ở trên một khung cao rồi ráp chân ghế cũng được úp ngược lên.

Dùng hồ xi để ghép các bộ phận lại với nhau. Khi mối ghép đã khô và dính chắc, ta lật ngược bán thành phẩm lại về tư thế bình thường rồi tiền hành ghép băng tựa.

khuôn làm chân ghế đá
chân ghế đá thành phẩm khi tháo khuôn

Bạn có thể tham khảo thêm các mẫu bàn ghế đá thực tế để hình dung được cách ghép chuẩn xác nhất.

Lưu ý: Đối với bàn giả gỗ hình nấm cần thực hiện thêm bước buộc kẽm hoặc sắt lại giữa chân bàn và mặt bàn trước khi ghép bằng hồ xi để đảm bảo chắc chắn.

Bước 4: Mài bóng bàn ghế đá

Sau khi ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh, đối với bàn ghế đá thường, ta thực hiện việc mài bóng theo hai công đoạn riêng biệt:

  1. Mài thô bằng đá mài hiệu Tailin để làm phẳng bề mặt của bàn ghế.
  2. Mài mịn bằng đầu số nhựa Chao Chang để giúp bề mặt nhẵn bóng. Đặc biệt là phẩn mặt bàn, băng tựa và băng ngồi của ghế.

Đối với bước bàn ghế đá giả gỗ sẽ không có bước mài bóng mà thay vào đó là dùng bay để đắp hồ xi và tạo kiểu dáng vân gỗ cho thành phẩm.

thợ mài bóng bàn ghế đá
thợ mài bóng bàn ghế đá

Bước 5: Sơn hoàn thiện bàn ghế đá

Với bàn ghế đá mài, ta thực hiện quét phủ bóng bảo vệ bằng dầu bóng 2K. Sau đó thực hiện các công đoạn cuối cùng như khắc chữ hoặc in chữ hoặc tên logo cty theo yêu cầu của khách hàng lên ghế đá.

Đối với quy trình làm bàn ghế đá giả gỗ, ta cần thực hiện theo các công đoạn sau:

  1. Sơn lớp sơn lót màu vàng tạo nền.
  2. Pha sơn màu giả gỗ theo màu của từng mẫu bàn ghế cụ thể. Sau đó thực hiện việc quét tạo vân giả gỗ theo yêu cầu hoàn thiện. (Các bạn có thể tham khảo một số mẫu bàn ghế đá giả gỗ để có thêm ý tưởng tạo hình vân gỗ)
  3. Quyét dầu phủ bóng 2K ngoài cùng để làm nổi bật màu sơn giả gỗ và đồng thời bảo vệ các lớp sơn phía trong, chống phai màu và thấm nước.
sơn giả gỗ bàn ghế đá
sơn giả gỗ bàn ghế đá lần lượt theo hai bước 1 và 2

Như vậy là bạn đã nắm khá rõ các bước chi tiết để làm ra bàn ghế đá và bàn ghế đá giả gỗ rồi. Tất nhiên không ai làm việc gì đầu tiên cũng dễ dàng cả nhưng hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu và nắm vững các công đoạn một cách rõ ràng và thực tế nhất.

Cơ sở Trường An thường có nhu cầu tuyển dụng thợ làm bàn ghế đá, thợ mài bóng (không yêu cầu kinh nghiệm, sẽ được học việc và đào tạo cụ thể). Liên hệ số hotline để biết thêm thông tin 0901.859.268