Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cấu trúc đề thi gồm hai phần đọc hiểu và làm văn. Trong đó, phần đọc hiểu chiếm 3/10 điểm. Học sinh cần lưu ý những điều sau để có thể lấy điểm tuyệt đối ở phần này.
Theo đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngữ liệu phần đọc hiểu cho một đoạn trích thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ, sau đó yêu cầu trả lời bốn câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (dạng thấp).
Từ năm 2015 đến nay, ngữ liệu thơ thường cho đoạn thơ, bài thơ của một số tác giả quen thuộc, học sinh đã được làm quen ở bậc phổ thông như: Trần Đăng Khoa (2015); Lưu Quang Vũ (2016); Nguyễn Duy (2018); Vũ Quần Phương (2019).
Câu hỏi nhận biết (câu 1) thường hỏi về thể thơ, cũng có thể hỏi về hình ảnh, từ ngữ. Về thể thơ, học sinh nắm một số thể thơ cơ bản: thể thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ (còn gọi là thể thơ tự do); thể thơ tự do; thể thơ lục bát… bằng cách đếm số chữ của từng câu thơ để trả lời.
Nếu câu hỏi yêu cầu xác định các từ ngữ, hình ảnh, học sinh chỉ cần trả đúng, đủ, không viết dài dòng. Câu hỏi nhận biết chiếm 0,5 điểm, rất dễ lấy điểm nhưng nhiều học sinh vẫn làm sai vì không nắm vững thể thơ, dẫn đến đoán mò để trả lời. Hoặc các em viết dài dòng (kể cả viết sai) các từ ngữ, hình ảnh, sẽ bị trừ điểm, mất điểm tùy theo mức độ sai sót.
Câu 2 cũng ở mức độ nhận biết, có sẵn trong văn bản, học sinh chỉ cần xác định đúng nội dung, vấn đề và ghi ra là đạt yêu cầu. Nếu học sinh trả lời dài dòng thì vừa thiếu chính xác, vừa mất thời gian vô ích.
Câu 3, mức độ thông hiểu, yêu cầu học sinh phải hiểu nội dung, nghệ thuật (thường sử dụng phép ẩn dụ) của đoạn thơ (bài thơ), cần vận dụng cả kiến thức và tư duy thì mới có thể làm bài tốt. Đề thi cũng có thể hỏi kiến thức liên quan đến tiếng Việt, đó là nhận diện và nêu hiệu quả của một biện pháp tu từ nào đó, như thế học sinh phải nắm chắc một số phép tu từ quen thuộc như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp, liệt kê…
Tôi lấy ví dụ câu 3 đề thi tham khảo năm 2022 trên. Để lấy trọn 1 điểm ở câu hỏi này, học sinh cần giải mã biện pháp tu từ thông qua các từ ngữ, hình ảnh và trả lời 3-5 câu thì mới diễn đạt đủ ý.
Ta thấy, hình ảnh “trong trang thơ”, ẩn dụ (dòng sông) nguồn cảm hứng cho văn học. Tương tự, “làm nên xóm thôn…”, nghĩa là dòng sông tạo nên cuộc sống và sự sống; “tạo sắc áo, màu cây, tiếng Việt”, dòng sông mang lại những giá trị văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nhiều học sinh mất điểm vì chỉ viết một câu ngắn (thiếu ý) hoặc một câu dài (dễ viết lủng củng). Các em cần trả lời trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, tránh viết lòng vòng, lan man.
Ở câu 4, mức độ vận dụng thấp, yêu cầu học sinh rút ra một thông điệp, bài học có ý nghĩa từ văn bản, hoặc cũng có thể hỏi bản thân có đồng ý với ý kiến nào đó hay không.
Ví dụ, đề tham khảo hỏi: “Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị? (Máu ta mang sắc đỏ sông Hồng/ Nỗi khổ và niềm vui bất tận)”.
Tương tự câu 3, sinh cần trả lời đủ ý, tránh viết ngắn quá hoặc dài quá. Học sinh có thể tham khảo phần trả lời của thầy Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Phúc): “Ý nghĩa của hai dòng thơ giúp ta hiểu dòng sông đỏ phù sa bồi đắp màu mỡ cho đất, bờ bãi phù sa của đồng bằng phì nhiêu, màu máu đỏ còn gợi về nguồn dinh dưỡng dồi dào của phù sa sông Hồng. Nghĩa hàm ý hai câu thơ giúp ta hiểu về giá trị tinh thần, giá trị văn hóa (nỗi khổ và niềm vui bất tận). Dòng sông vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là niềm tự hào về đất nước, tự hào về văn minh lúa nước sông Hồng”.
Ngoài ra, muốn lấy điểm tuyệt đối ở phần đọc hiểu, học sinh nhất thiết phải tránh tình trạng vừa đọc câu hỏi, vừa trả lời. Các em cần đọc hết ngữ liệu để hiểu nội dung. Tiếp đến, các em đọc lần lượt 4 câu hỏi và sau cùng là trả lời các câu hỏi theo thứ tự, tránh trả lời lộn xộn – đảo thứ tự các câu, giám khảo rất khó chấm bài.
Bên cạnh đó, học sinh cần phải biết phân phối thời gian hợp lý. Phần đọc hiểu chỉ nên làm trong khoảng 15 phút. Nếu dành nhiều thời gian cho phần này, các em sẽ không đủ thời gian khi chuyển sang phần làm văn (nghị luận xã hội, nghị luận văn học).
Ngoài ra, học sinh phải nắm chắc các kiến thức liên quan đến phần đọc hiểu và cần rèn luyện kỹ năng qua các bài luyện tập, các em sẽ tiến bộ từng ngày, vì “văn ôn võ luyện”.
Các em có thể làm thử phần đọc hiểu qua bài luyện tập do thầy Phan Thế Hoài, trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM biên soạn:
Đọc đoạn trích sau:
Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được, Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào… Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt, Cửa nhà con, đang nhộn nhịp xuân trào…
Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón, Mẹ biết con đang bận rộn bao điều… Mẹ biết lắm, nên chỉ cần chút ít, Mẹ muốn con biết mẹ ngóng con nhiều…
Nếu con về, mẹ pha trà, nướng bánh, Mẹ nhớ con thuở bé thích ăn chi… Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận, Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi…
Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp, Mọi thứ đủ dùng… Mẫu tử tình sâu… Mẹ còn sống, thì con còn được bé, Thấu điều này, phải tới những ngày sau…
Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết, Ngày của đời, con ạ, rất mau qua… Mai, tự sớm, lỡ đâu con muốn gọi, Tuyết ngập trời… Mãi chả thấy ai thưa…
(Tanya Alelasjitsuk, Hồng Thanh Quang dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra hình ảnh đối lập giữa “nhà mẹ” và “nhà con” trong khổ thứ nhất.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc trong bài thơ.
Câu 4. Khổ thơ cuối có ý nghĩa gì với anh/chị?
Phan Thế HoàiGiáo viên Ngữ văn, trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!