Giải phèn cho đất – Báo Khánh Hòa điện tử

Sử dụng vôi, lân, phân chuồng kết hợp rửa chua liên tục là 2 giải pháp mà nông dân Cao Hữu Lý và Trần Châu Sử đã làm thành công để cải tạo đất phèn, mặn. 2 giải pháp này được Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2012 – 2013) trao giải khuyến khích.

“Giải phèn” cho ruộng

Ông Cao Hữu Lý – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Đông TP. Cam Ranh là người trực tiếp vận động đồng bào Raglai sản xuất lúa nước tại cánh đồng Xóm Mới và xóm Suối Hai rộng 39ha (thôn Giải Phóng). Ông luôn trăn trở bởi đất bị phèn, mặn, lúa đạt năng suất thấp. Sau thời gian nghiên cứu, ông nhận thấy, vùng đất này thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, không có thảm thực vật bao phủ khiến nước bốc hơi nhanh; mạch nước mặn ngầm từ dưới đi lên làm đất chua và mặn. Đồng thời, nông dân bón phân không cân đối nên đất càng ngày càng suy thoái, sản xuất lúa kém hiệu quả.

Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, ông Lý vận dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo và giảm độ phèn, mặn của ruộng lúa bằng cách bón vôi, lân, bón phân cân đối, kết hợp các biện pháp khác như: Quản lý dịch hại tổng hợp, “1 phải, 5 giảm” để tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư. Để xử lý đất phèn, ông sử dụng vôi cung cấp canxi giải độc cho lúa. Canxi có tác dụng xây dựng vách tế bào, tăng sức đề kháng, tăng độ pH của đất và nước. Ông xử lý bằng cách cho rút nước trên ruộng rồi bơm nước mới vào thay thế để hòa loãng sắt hoặc nhôm trong đất; bón 200 – 300kg vôi bột/ha để nâng độ pH của đất và nước, giúp cho bộ rễ phát triển thoát khỏi tình trạng nhiễm phèn. Đối với đất phèn, mặn, ông bón vôi nung để vừa rửa mặn, hạ phèn; chân ruộng nhiễm mặn không có phèn, bón vôi thạch cao liều lượng 300 – 500kg/ha rải đều sau khi đã cày, xới xáo và để ngập nước; tiếp tục rải vôi, cày bừa lại cho đều, ngâm nước 1 – 2 ngày rồi rút bỏ. Sau đó, bón lót phân chuồng hoai trộn với phân super lân. Khi lúa 20 ngày, tiếp tục rút nước ra và phun phân bón lá Hydrophos để cải tạo bộ rễ; đồng thời áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và chương trình “1 phải, 5 giảm” trong canh tác lúa để giảm giá thành đầu tư và tăng năng suất. Kết quả, ruộng của ông Bo Tấn Sinh và ông Cao Đen (thôn Giải Phóng) – những ruộng thí nghiệm – cho năng suất tăng từ 44 lên 60 tạ/ha; lợi nhuận tăng thêm 13 triệu đồng/ha. Mô hình giải phèn, nâng năng suất lúa của ông Lý được nhân rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở cánh đồng Xóm Mới và Suối Hai, áp dụng rộng rãi ra toàn xã, góp phần ổn định sản lượng lúa tại xã Cam Phước Đông.

Ruộng lúa của ông Sử đạt năng suất ổn định sau khi cải tạo. Ruộng lúa của ông Sử đạt năng suất ổn định sau khi cải tạo.

“Rửa phèn” cho vùng hoang hóa

Từ chiến trường Campuchia trở về, ông Trần Châu Sử (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) ngán ngẩm nhìn cả vùng đất hoang hóa quê mình bị phèn, mặn trong khi trong tay không một tấc đất. Mày mò tìm kiếm giải pháp, ông đã phát hiện khoảnh đất trồng rau muống tại nhà cũng bị phèn, nhưng khi đắp bờ đến đâu thì cỏ dại mọc đến đó. Ông nghĩ, mình có thể cải tạo đất phèn bằng cách đắp bờ, rửa chua trong khu vực láng phèn đang hoạt động. Thế là ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua máy cày tay để cải tạo vùng hoang hóa. Ông thuê máy cày đại chảo sâu, rồi dùng máy cày tay phay đi phay lại. Phay đến đâu rải vôi, rửa chua đến đó, ngâm, xả liên tục ít nhất 5 lần. Xung quanh khu vực 5ha đất hoang hóa tại Gò Giữa (thôn Chánh Thanh), ông thuê đắp bờ bao, làm mương thoát nước ra bàu. Sau khi đã “rửa chua, khua mặn” một cách cơ bản, ông đưa giống vào sản xuất nhưng chỉ sống được 1/3. Không nản chí, ông tiếp tục cải tạo. Lần này ngâm nước 2 ngày 2 đêm, dùng máy cày tay phay đi phay lại và xả nước, lấy nước thêm vài lần. Sau khi thấy nước không còn váng, ông dùng 2 tấn phân chuồng, 1 tấn phân lân/ha rải đều. Lúc này, lượng giống gieo xuống mọc đạt 100%. Nhiều người thấy ông cải tạo đất phèn thành công cũng tham gia cải tạo những khu vực hoang hóa khác. Kết quả, sau năm thứ 5, năng suất lúa ổn định 50 – 55 tạ/ha.

Nhờ ý chí và nghị lực, bạn bè, họ hàng giúp đỡ, ngân hàng cho vay vốn, ông Sử đã thành công khi cải tạo vùng đất hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa. Đến nay, vùng đất hoang hóa thôn Chánh Thanh với diện tích hơn 200ha đã được người dân cải tạo, cho năng suất lúa ổn định như nhiều vùng đất khác.

V.L