E2.8 HƯỚNG DẪN BUỔI NHÓM THỜ PHƯỢNG

Chương 8: HƯỚNG DẪN BUỔI NHÓM THỜ PHƯỢNG

A. NHỮNG CHỨC NĂNG QUAN TRỌNG NHẤT CỦA MỘT HỘI THÁNH

Hội chúng thờ phượng là yếu tố cực kỳ quan trọng của Hội Thánh thời Tân Ước. Sự kêu gọi chủ yếu của Cơ đốc nhân thời Tân Ước là sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Những chức năng quan trọng nhất của Hội Thánh theo thứ tự ưu tiên là:

1. Sự thờ phượng.

2. Phục vụ Thân Thể – gây dựng các thánh đồ.

3. Phục vụ thế gian – Truyền giáo.

Mỗi Hội Thánh phải là một cộng đồng đang thờ phượng. Trong sự phát triển của sự thờ phượng tập thể, nhiều điều phải dựa trên người hướng dẫn buổi nhóm.

B. NHỮNG PHẨM CHẤT TRONG NGƯỜI HƯỚNG DẪN THỜ PHƯỢNG

1. Hướng Dẫn Thờ Phượng Là Chức Vụ Đặc Biệt

Không phải ai cũng có chức vụ này. Thường thì mục sư không có khả năng đặc biệt này. Trong trường hợp đó, ông nên tìm một ai đó trong Hội Thánh có ân tứ này và phải sẵn sàng trở thành người hướng dẫn trong lĩnh vực đặc biệt này.

2. Người Hướng Dẫn Phải Là Người Thờ Phượng

Điều quan trọng là người được mời để hướng dẫn người khác vào sự thờ phượng phải nhuần nhuyễn và thông thạo trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời.

Người hướng dẫn không thể hướng dẫn người khác đến một điều gì đó trừ phi người ấy đã học qua những yêu cầu và kỹ năng của sự thờ phượng. Người hướng dẫn phải được tự do trong tâm linh của mình và có thể tự do ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa Trời trong đời sống cá nhân của mình.

3. Trưởng Thành Thuộc Linh

Người hướng dẫn thờ phượng phải là người có kinh nghiệm và trưởng thành trong Thánh Linh. Sự phát triển thuộc linh của người ấy phải tương đương với (tốt hơn là nên trổi hơn) số người mà người ấy đang hướng dẫn.

Sự trưởng thành như vậy giúp cho người hướng dẫn tự tin hơn và cảm thấy an tâm hơn trước Hội Thánh. Người ấy cũng có thể điều khiển tâm linh của mình để những tư tưởng, tình cảm và cảm xúc riêng không xen vào trong buổi nhóm.

Đó là người có đức tin, không những để biện biệt sự dẫn dắt của Thánh Linh mà còn bởi đức tin có thể thực hiện được những gì mà Thánh Linh có thể muốn nói với các thánh đồ. Người ấy cũng là người biết thúc đẩy và động viên các tín đồ.

4. Nhạy Bén Thuộc Linh

Người hướng dẫn lý tưởng là người có lỗ tai nhạy bén để nghe tiếng của Thánh Linh. Chính Thánh Linh sẽ hướng dẫn buổi nhóm nếu người hướng dẫn tích cực chuyển động theo sự dẫn dắt mà Thánh Linh chỉ cho.

Những buổi nhóm thờ phượng phải được Thánh Linh hướng dẫn. Tuy nhiên Ngài luôn sử dụng con người làm ống dẫn. Vì vậy cần phải có sự nhận thức thuộc linh sâu sắc trong người hướng dẫn.

Điều này cũng được truyền đạt cho Hội Thánh. Họ sẽ bắt đầu phát triển khả năng lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Linh và lặng lẽ, tin cậy bước theo.

5. Sự Khiêm Tốn Thật

Một người hướng dẫn tốt luôn tìm cách “giấu mình sau thập tự giá”.

Không có gì phá hủy không khí thuộc linh của buổi nhóm nhanh cho bằng người hướng dẫn tự cao và luôn tỏ mình ra trong buổi nhóm.

Thánh Linh thích tôn vinh Đấng Christ, và Ngài hoàn toàn không chịu nhường vinh hiển cho con người.

Không một xác thịt nào được vinh hiển trong con mắt của Đức Chúa Trời. Thay vì lôi cuốn sự chú ý của Hội Thánh vào chính mình, người hướng dẫn phải tìm cách làm cho họ chú tâm đến Đấng Christ.

6. Chuẩn Bị Bằng Sự Cầu Nguyện

Người hướng dẫn phải biệt riêng nhiều thì giờ để cầu nguyện trước buổi nhóm. Bằng cách này chủ đề của buổi nhóm sẽ được phát hiện ra trước.

Tâm linh của người hướng dẫn có thể được điều chỉnh trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời, và bằng cách này, buổi nhóm có thể chuyển động đúng theo mục đích của Đức Chúa Trời ngay từ bài hát hoặc lời cầu nguyện đầu tiên.

Trong buổi nhóm thờ phượng không nên có một hình thức “mở đầu” nào. Toàn bộ buổi nhóm, kể từ giây phút đầu tiên, đều được dùng để ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Trời.

Nhiều diễn giả xem những phần trước bài giảng chỉ là sự mở đầu, cũng cần thiết nhưng không quan trọng. Nhưng thật ra những gì ở trước bài giảng là quan trọng hơn, vì bài giảng là hướng tới con người, còn sự thờ phượng là hướng đến Đức Chúa Trời.

7. Dành Đủ Thì Giờ Để Thờ Phượng

Cách thức “buổi nhóm thờ phượng” vội vàng thông qua là sự xúc phạm đến sự oai nghi của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của sự thờ phượng tập thể và nên dành nhiều thì giờ để làm điều đó.

Về phần người hướng dẫn không nên lãng phí thì giờ thờ phượng bởi những lời nói không cần thiết. Nhiệm vụ thực sự của người ấy là đem hội chúng hòa hợp với Thánh Linh của Đức Chúa Trời càng nhanh, càng ngọt ngào càng tốt. Những lời nói và bình luận không cần thiết có thể làm giảm giá trị của mục đích này. Người ta đến là để thờ phượng Ngài và muốn tự dâng mình cho Ngài bằng sự ngợi khen, thờ phượng, tôn vinh. Thật là đáng buồn khi họ bị ngăn trở và trì hoãn bởi chính người hướng dẫn.

8. Mở Lòng Ra Với Thánh Linh

Cần phải có đức tin thật để dẫn dắt buổi nhóm vào sự thờ phượng thật, bởi vì sự thờ phượng như vậy không thể dự định hoặc lên chương trình trước.

Nhiều người hướng dẫn cảm thấy họ phải có một chương trình trước. Họ muốn biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong buổi nhóm và khi nào thì điều đó xảy ra. Sự thờ phượng thuộc linh đòi hỏi sự linh động hơn nhiều.

Khi sự thờ phượng bắt đầu thì phải tìm kiếm cách Thánh Linh đang hướng dẫn trong yên lặng. Hãy sẵn sàng theo Ngài từng bước. Ngài sẽ hướng dẫn bạn ngay khi buổi nhóm bắt đầu.

Không phải mọi buổi nhóm đều giống nhau. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của mọi sự khác nhau. Không phải lần nào Ngài cũng làm như vậy cả đâu. Ngài có một mục đích đặc biệt cho mỗi buổi nhóm.

Người hướng dẫn phải học biết phân biệt mục đích buổi nhóm đó là gì và làm theo khi Thánh Linh bày tỏ từng bước. Thậm chí Đức Chúa Trời có thể thay đổi trật tự và phương hướng của buổi nhóm trong khi buổi nhóm vẫn đang tiến hành. Người hướng dẫn tốt có thể phân biệt được những bài hát nên hát, hát bao nhiêu lần và nhấn mạnh điều gì!

Nhiều khi một buổi nhóm sẽ bừng sáng và đầy sự vui mừng, nhưng lần khác thì Thánh Linh lại dẫn dắt theo cách yên tĩnh hơn, có khi đi vào những khoảng yên lặng mà lại chứa đầy ý nghĩa và thâm thúy.

9. Nhận Biết Mọi Sự Đang Chuyển Biến

Người hướng dẫn nên tránh nhắm mắt và bị “lạc trong sự thờ phượng”. Thật là kỳ diệu khi bạn có thể vừa gắn liền với sự thờ phượng vừa nhận biết được mọi người.

Người hướng dẫn nên có sự nhạy bén với Thánh Linh và đồng thời cũng thực hiện được sự kiểm soát nhẹ nhàng nhưng chính xác trên buổi nhóm.

C. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN ĐƠN GIẢN VỀ HƯỚNG DẪN BUỔI THỜ PHƯỢNG

1. Bắt Đầu Ngay Chỗ Mọi Người Đang Nhóm Lại

Hãy tìm cách tiếp xúc ngay với hội chúng. Hãy thiết lập sự lãnh đạo của bạn cách yên lặng. Giúp họ nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã chỉ định bạn hướng dẫn buổi nhóm này, và nếu họ cộng tác và cùng đi với bạn thì họ sẽ được dẫn vào nơi chí thánh và nhận được kinh nghiệm kỳ diệu về sự thờ phượng.

2. Hướng Dẫn Hát Nhưng Không Nhất Thiết Là Hướng Dẫn Thờ Phượng

Có nhiều người hướng dẫn hát tốt nhưng lại không có khả năng dẫn dân sự vào sự thờ phượng. Tuy nhiên người hướng dẫn thờ phượng phải có khả năng hướng dẫn hát và sau đó lại hướng dẫn dân sự vào sự thờ phượng.

Hầu hết các buổi nhóm thờ phượng đều bắt đầu bằng sự ca hát. Hát những bài thích hợp để ca tụng Đức Chúa Trời, nói về sự vĩ đại, quyền năng và uy nghi của Ngài sẽ giúp người ta thoát khỏi suy nghĩ và nan đề của chính họ và hướng về Chúa. Những bài hát ngợi khen và cảm tạ thường rất thích hợp.

Hát cộng đồng cũng là một cách tốt để đem dân sự vào sự hiệp một. Khi tiếng hát của họ được hòa lẫn vào nhau thì ý tưởng và tâm linh của họ cũng được hiệp một. Một khi đã đạt được sự hiệp một rồi thì họ sẽ được đưa vào trong lĩnh vực thờ phượng. Chúng ta bắt đầu bằng sự ngợi khen và đi dần vào sự thờ phượng.

3. Hãy Để Thánh Linh Hướng Dẫn

Điều này có thể xảy ra bằng bất kỳ cách nào trong số những cách này. Điều này có thể bắt nguồn ngay từ bài hát đầu tiên. Bài hát này có thể nêu lên chủ đề cho toàn bộ buổi nhóm. Thường thì Thánh Linh sẽ dẫn dắt từ bài hát này đến bài hát khác. Tất cả đều nói lên cùng một chủ đề hoặc những chủ đề thích hợp.

Nếu có nhiều người hiện diện với những ân tứ của Thánh Linh thì Ngài có thể dùng những ân tứ này để chỉ ra chủ đề của buổi nhóm. Điều này có thể được truyền đạt qua lời tiên tri hoặc sự mặc khải.

Đôi khi ý muốn của Thánh Linh là muốn buổi nhóm yên lặng và không có ấn tượng mạnh. Chỉ sau buổi nhóm, hồi tưởng lại, người ta mới thấy rõ sự dẫn dắt của Thánh Linh mới kỳ diệu làm sao, sự hiệp một và hài hòa đã quyện chặt trong cả buổi nhóm là như thế nào.

4. Tránh Sự Chen Vào Và Cắt Ngang

Đây là lúc rất cần sự trưởng thành thuộc linh của người hướng dẫn. Người ấy phải có khả năng phân biệt một khởi xướng mới mà không do Thánh Linh dẫn dắt. Người ấy phải đủ nhạy bén thuộc linh để nhận ra được xu hướng như thế.

Nếu chúng ta không cẩn thận, chú tâm thì buổi nhóm sẽ bị đổi hướng một cách tinh tế. Một khi Thánh Linh đã khởi xướng và dẫn dắt thì hãy nhạy bén với những sự chen ngang nào có thể thay đổi chiều hướng đó.

Có thể sự chen ngang hoàn toàn vô hại xuất hiện dưới hình thức một bài đồng ca hay đúng với nội dung Kinh Thánh, nhưng nó đã thay đổi hoàn toàn hướng đi của buổi nhóm mà Đức Chúa Trời muốn dẫn dân sự đến. Người hướng dẫn phải nhẹ nhàng nhưng phải vững vàng để giữ buổi thờ phượng đến mục tiêu.

Có nhiều cách để đem buổi nhóm trở lại chiều hướng cũ. Người hướng dẫn có thể nói “Thưa anh em, chúng ta hãy đeo đuổi hướng mà Thánh Linh đang hướng dẫn. Chúng ta đừng xoay qua hướng khác”. Người hướng dẫn có thể bắt đầu bắt một bài hát khác để xoay lại hướng mà Thánh Linh đã dẫn. Cũng có thể nói một lời tiên tri để hướng sự chú ý trở lại chủ đề ban đầu.

Người hướng dẫn cần phải có đức tin và sự can đảm để làm điều này và phải thận trọng và khéo ứng xử nhưng không được thỏa hiệp mục tiêu của Đức Chúa Trời trong trường hợp đó. Điều này cần phải có sự khôn ngoan và dịu dàng. Đức Thánh Linh sẽ cung cấp điều này nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Ngài.

5. Nhận Ra Sự Chuyển Tiếp Và Thay Đổi

Thánh Linh có thể hướng dẫn buổi nhóm theo bất cứ cách nào Ngài muốn. Điều này có nghĩa là có thể có sự thay đổi chủ đề trong suốt buổi nhóm. Thật vậy điều này có thể xảy ra nhiều lần.

Những giai đoạn chuyển tiếp này rất quan trọng. Người hướng dẫn phải dẫn đầu dân sự, đoán trước được những gì Thánh Linh đang muốn làm. Người ấy phải đưa ra những hướng dẫn rõ ràng trong suốt giai đoạn chuyển tiếp do đó buổi nhóm sẽ không rơi vào tình trạng lang thang không có mục đích.

Nếu thời gian chần chừ kéo dài thì một người nào đó sẽ bị cám dỗ để đưa ra sự hướng dẫn và như thế thì sự sai lầm bắt đầu xuất hiện. Người hướng dẫn phải nhớ rằng Đức Chúa Trời đã xức dầu và chỉ định cho mình hướng dẫn dân sự và do đó phải có trách nhiệm làm đúng như vậy.

Đừng hướng dẫn buổi nhóm bằng một cánh tay nặng nề. Đừng cố áp đặt ý chí của mình lên dân sự. Hãy dịu dàng nhưng vững vàng giữ chiều hướng và tiến trình của buổi thờ phượng.

6. Nhớ Giữ Mục Đích

Đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn về mục tiêu của buổi nhóm: Trước hết là để ngợi khen và tôn vinh Chúa. Thứ hai là để gây dựng và làm cho dân sự được phước. Đừng bao giờ để cho buổi nhóm lệch khỏi những mục tiêu căn bản này.

7. “Làm Cho Chúng Con Trở Thành Bản Giao Hưởng”

Một trong những bài hát hay mà Thánh Linh đang giới thiệu hôm nay là “Lạy Chúa, hãy làm cho chúng con trở thành một bản giao hưởng, một bản giao hưởng thờ phượng”. Từ “giao hưởng” (symphoneo), có nghĩa là “hiệp ý nhau”.

Chúa Jesus phán “Nếu có hai người dưới đất hiệp lại (symphoneo)… mà cầu xin. .. thì điều đó sẽ được thực hiện “.

Từ symphoneo này có nghĩa là “tạo ra một sự giao hưởng về âm thanh”. Buổi nhóm thờ phượng phải giống như một buổi giao hưởng. Mọi sự nên được hòa hợp với nhau. Giọng ca phải hòa nhịp, tiếng đàn phải hòa nhịp, các phần khác của buổi nhóm cũng phải hòa nhịp.

Đây là một trong những mục đích căn bản mà Đức Chúa Trời muốn có được qua sự thờ phượng tập thể của chúng ta: Đem tất cả chúng ta vào trong một sự hòa hợp kỳ diệu. Khi làm như vậy, Ngài sẽ gợi lên và thúc giục sự hiệp nhất ở mức độ sâu sắc nhất của bản thể chúng ta.

Một tu sĩ nổi tiếng đã nói “Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình hòa thuận”. Và chúng ta cũng có thể nói “Một Hội Thánh thật sự thờ phượng chung với nhau thì sẽ hiệp một với nhau”.

8. Khích Lệ Tham Gia

Ngày nay thay vì đến để dự phần thì Hội Thánh chỉ đến như những khán thính giả. Thường thì chúng ta thấy vị mục sư làm mọi sự còn Hội Thánh chỉ theo dõi và lắng nghe.

Kinh Thánh Tân Ước khích lệ mỗi chi thể đều dự phần. Tuy nhiên trước hết cần phải có sự giảng dạy rõ ràng về điều này. Cần phải dạy cho dân sự của Đức Chúa Trời biết rằng Ngài muốn nghe tiếng nói của họ trong buổi thờ phượng.

Chúng ta phải dạy cho họ biết cách tham dự và tạo cơ hội để họ làm điều đó. Hãy dùng lời nói để khích lệ họ tham gia. Khuyến khích họ cất tiếng ngợi khen. Hãy tạo cơ hội để họ bày tỏ sự ngợi khen.

9. Hãy Làm Mọi Sự Cho Phải Phép Và Trật Tự

Nhiều Hội Thánh đã dùng câu Kinh Thánh này (1Cô-rinh-tô 14:40) như là lời bào chữa để không cho phép anh em dự phần. Họ cứ khăng khăng rằng “phải phép và trật tự” đến nổi họ không cho phép làm gì cả.

Điều này không đúng theo Kinh Thánh.

Kinh Thánh KHÔNG nói rằng “không làm điều gì phải phép và trật tự”. Nhưng nói rằng “hãy làm MỌI SỰ cho phải phép và trật tự. ..”. Phải có sự tham gia. Phải có nói tiên tri, sự mặc khải, thi thiên, thánh ca và bài hát thuộc linh.

Nhưng hãy làm những điều đó cho phải phép và không nên hỗn loạn vì Đức Chúa Trời không phải là tác giả của sự hỗn loạn (14:33).

10. Đạt Tới Mức Độ Xuất Sắc

Như chúng ta đã học sự ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa Trời, mục tiêu của chúng ta phải đạt tới mức độ xuất sắc về những điều này. Chúng ta nên nhắm đến tiến trình và sự phát triển trong những lĩnh vực quan trọng này.

Sự xuất sắc như vậy không phải là sự xuất sắc của con người và cũng không phải là sự phát triển tài năng và khả năng con người. Cũng không phải là công việc của những người chuyên nghiệp với sự đúng đắn và chính xác.

Đó là sự sâu sắc của đời sống thuộc linh, sự nhạy bén thuộc linh sắc bén, sự tăng trưởng nhận thức thuộc linh và khả năng phản ứng thuộc linh đối với sự dẫn dắt của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Mục đích cuối cùng của sự thờ phượng của chúng ta là tôn cao và qui vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Chúng ta càng làm điều này tích cực bao nhiêu, sự ngợi khen của chúng ta càng dễ được chấp nhận bấy nhiêu.