Phương pháp luyện chim Cu gáy mồi

Từ trước đến nay, hầu như nghệ nhân nuôi Cu gáy “chuyên nghiệp” nào cũng có trong tay ít lắm là một vài con Cu mồi thật ưng ý, vì nó là phương tiện giúp mình đánh bắt được những Cu bổi tốt ở rừng về nuôi. Chuyện mượn Cu mồi của người khác để “hành nghề”, được coi là chuyện bất đắc dĩ mà thôi.

Đi gác Cu, dù là dùng lục treo, lục chạy, hay đánh trần, đánh rập đi nữa, người ta cũng phải dùng đến Cu mồi. Nếu không đem theo Cu mồi – mà phải Cu mồi thật hay, thì không dễ gì bắt được Cu bổi. Cũng như người đi câu cá, câu tôm, dù mang theo đủ cần, đủ nhợ, đủ lưỡi câu, nhưng không có mồi câu (mà phải là loại mồi thích hợp với loại tôm cá mình định câu) thì dù có chịu khó ngồi buông cần đến cả ngày, thì chiều tối cũng đành xách giỏ không mà về!

Con cá chết là vì tham mồi. Mồi câu là thứ tanh tưởi, có khi hôi thúi khó ngửi. Chất tanh này sẽ lan tỏa trong nước khiến cá đánh hơi rồi bơi ngược dòng chảy để tìm đến lưỡi câu mà…nộp mạng. Còn con Cu mồi ra rừng thì hết gáy đến bo, rồi gù tiền khiến con bổi từ xa nghe giọng mồi mà tìm đến kèo mà đậu. Cu mồi thất bổi thì chuyển sang gù hậu khiến bổi đứng ngoài tức tối nên mới đành…lỡ vận sa cơ!

Như vậy thì con Cu gáy mồi rất lợi hại trong việc dùng bẫy Cu bổi ngoài rừng. Nó phải là con mồi do chính mình nuôi dưỡng, chăm sóc, luyện tập để biết tính ý, khả năng của nó lợi hại đến đâu mà điều khiển cho đúng mức. Và chính nó cũng phải thuần thuộc trước mọi hiệu lệnh của chủ nuôi để khi sai đâu thì biết làm nấy. Tóm lại, phải “thầy nào tớ nấy” mới mong tiến hành công việc gác Cu nhuần nhuyển được.

Đó là lý do chính đáng khiến ai cũng phải tự luyện cho mình một số Cu mồi thiệt “chiến” để tiện… hành nghề. Theo tâm lý chung, không ai muốn cho người khác mượn Cu mồi của mình, dù chỉ là một vài hôm, vì nhiều lý do xét ra cũng chính đáng: rủi sơ sẩy bay mất thì sao? Rủi “hư” con mồi thì sao? Mất thì ít khi bị, nhưng hư thì thường bị xảy ra như chim mồi bị kiến cắn, bị bổi dữ làm cho rót…Trong khi đó việc luyện tập một con Cu mồi đâu phải là chuyện giản đơn và tốn ít công sức cũng như thời gian?

Với những con cu mồi thuộc loại sát thủ, chủ chim nào lại không quí hóa? Có người thương chim mồi như thương…con cái của họ, lúc nào cũng tận tâm chăm sóc, khi bệnh thì lo chạy thuốc chạy thầy đến nỗi quên ăn mất ngủ…Cu mồi thuộc loại “chiến đấu” dù được trả với giá nào người ta cũng không chịu bán, hễ “sống nuôi chết chôn”..

Trong dân gian người trong nghề thường truyền tụng nhiều mẩu chuyện khó tin nhưng lại có thật là có nhiều người nghèo đến độ không có một tấc đất cắm dùi, nhưng người ta gạ đổi cả mẫu ruộng để lấy con Cu gáy mồi mà cứ khăng khăng từ chối. Hoặc có người chạy giặc đến đâu thì lúc nào cũng kè kè lồng Cu gáy bên mình đến đó, không màng nghĩ đến mọi đồ đạc quí giá khác…Có vị sống chung thủy với con chim quí suốt hai ba chục năm trường, dù sống với cảnh nhà tranh vách đất, có lúc phải chạy ăn từng bữa, nhưng lại thẳng thừng chối từ khi có người chịu mua con Cu mồi với giá thật cao…Biết như vậy để thấy rằng cái thú chơi Cu gáy của người đời xưa nay đam mê đến mức nào!

Nếu có con Cu mồi dữ trong tay thì trong đời không lo đến chuyện chọn được Cu bổi tốt mà nuôi nữa.

Cách chọn Cu để làm chim mồi:

Những chim được chọn làm mồi phải là chim khôn và chim dữ, vàcó khôn, có dữ chúng mới chiến thắng được chim bổi. Những chim có đặc điểm tốt này phần nhiều cũngđược chọn từ những con bổi mà ta đánh được.

Như quí vị đã biết, có những Cu bổi rất khôn, nhiều lần sà xuống kèo nhưng không bao giờ chịu lọt bẫy, dù con mồi bên trong lục trổ hết tài năng ra phóng, rước, gù tiền, gù hậu liên tu bất tận mà nó cứ khôn khéo…đứng ngoài! Với những con Cu gáy khôn ngoan này, người đi gác Cu nào cũng ao ước bắt cho bằng được mới nghe. Có khi họ phải theo “sát gót” nó hàng tháng trường, ngày nào cũng quảy Cu mồi đi nhử mới bắt được! Con Cu đã khôn thì suốt đời nó vẫn là chim khôn, nếu huấn luyện làm chim mồi thì không gì tuyệt bằng.

Thường những con chim khôn cũng là con chim dữ, ít ra nó cũng không hề kiêng dè trước con mồi dữ của mình, khi nó còn là con chim bổi ngoài rừng. Không những tính gan lì mà tài nghệ qua giọng gáy bài bản của nó nhiều khi cũng làm cho con chim mồi bên trong khiếp sợ. Muốn bẫy được những con bổi khôn này, nhiều khi người ta phải dùng nhiều Cu mồi thay đổi, nay con này mai con khác chứ đâu phải dễ dàng gì! Do đó, khi gặp được con bổi thuộc hàng “cao thủ” như vậy thì người gác Cu nào cùng thích, cũng cố gắng bắt cho bằng được, và những con chim đó thế nào cũng dành làm mồi sau này…

Kinh nghiệm cho những nghệ nhân nuôi Cu gáy lâu năm đoán biết được rằng: chỉ cần nhìn những đặc điểm sau đây của Cu gáy, là đoán biết được đó là chim khôn, chim dữ để chọn làm Cu mồi:

– Xin quí vị nhớ lại câu: “Nhứt huỳnh liên, nhì liên giáp, tam quá khóe, tứ chân khô, ngũ liên hoàn và lục cườm rựng”, để thấy rằng những chim có đặc điểm sau đây là những chim dữ, có tài gáy đủ bài bản nên huấn luyện làm Cu mồi:

Chim có cườm vòng kín quanh cổ.

Cườm màu vàng cườm màu đen nhiều hơn các màu khác.

Vệt chỉ đen chạy dài quá khóe mắt một chút.

Chân khô, có móng trắng càng hay.

Gián cánh, hoặc chim lông cánh có hình vảy qui.

Đuôi vót (bắp đuôi to nhưng cuối đuôi nhỏ lại).

Chim đầu tròn cổ ngẳng.

Chim có bộ lông khắp mình màu xám trắng hay màu xám tro…

Đó là những đặc điểm bên ngoài giúp ta chọn lựa được con Cu tốt để làm Cu mồi.

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN CU GÁY LÀM MỒI:

Đặc điểm của một con Cu mồi là phải dạn, phải siêng gáy và gáy đủ bài bản. Và sau cùng nó phải có bản lĩnh nghề nghiệp.

Cả ba điều trên đây ít có chim bổi nào hội đủ được, cho nên cần phải có sự huấn luyện của chủ nuôi thì chim mới trở thành chim mồi tốt được.

Việc huấn luyện lâu hay mau, thành công nhiều hay ít là tùy thuộc vào kinh nghiệm và sự bền tâm trí chí của chủ nuôi, chứ không phải bất cứ người mới vào nghề nào cũng có thể thực hiện được. Tuy vậy, việc này xét ra cũng không khó khăn lắm, nếu chúng ta nắm vững được phương pháp, tức là cách thức để huấn luyện chim mồi.

a) Cách tập chim dạn:

Cu gáy bổi bản tính rất nhát người, đang ăn ngoài đồng mà thấy người đến gần, dù với khoảng cách vài mươi thước chúng đã vụt cánh bay xa. Bổi mà dính vào lục lại thêm mất hồn bạt vía nên càng nhát hơn gấp bội.

Cách nuôi chim bổi để làm mồi trong gian đầu, cũng giống như cách nuôi chim Cu bổi mà chúng tôi đã trình bày trong phần trước của sách này nghĩa là cũng nhốt chung với chim đã biết ăn mồi đả có phần nào thuần thuộc để chúng dạn dần. Có điều là với những con bổi khôn mà chúng ta đã có ý chọn trước khi còn ở ngoài rừng thì khi bắt được nên nhớ hớt ngắn một chút lông đuôi. Hoặc làm một dấu hiệu nào đó để sau này ta dễ dàng nhận diện ra nó để bắt nuôi riêng.

Chờ khi con bổi này biết ăn mồi, nghĩa là cam chịu thích nghi với môi trường sống chật hẹp mới thì ta có thể bắt nó ra nuôi riêng trong lồng trái bí. Việc tập luyện đòi hỏi tốn nhiều thời gian, vì vậy trong vài tuần đầu quí vị nên trùm áo lồng cho chim và treo lồng vào nơi yên tĩnh nhất để chim được tĩnh dưỡng mà dạn dĩ dần…

Sau thời gian đó, ta hé dần áo lồng rộng ra để chim mở tầm quan sát rộng ra bên ngoài, tập làm quen dần với quan cảnh mới, nhờ đó mà bớt nhát. Lồng chim từ đây trở đi có thể treo thấp ngang tầm tay với của mình để giúp mau dạn với người. Giống Cu gáy bổi tuy nhát nhưng so với nhiều giống chim rừng khác, nó lại nuôi mau dạn. Chim nuôi độ một mùa là coi như đã dạn lắm rồi, cho tay vào lồng để lấy cóng thức ăn, chim chỉ có né mình sang một bên chứ không bay nhảy loạn xạ như trước đây nữa!

Từ đây, ta có thể treo chim ngang với tầm nhìn của mình, và nên treo lồng vào những nơi nhà mình và người trong nhà thường xuyên lui tới để chim được dạn dĩ thêm ra..

Cách tập cho chim Cu gáy bổi dạn người, như quí vị đã biết, đâu tốn nhiều công sức. Điều cần là biết tập luyện có bài bản, bước đầu nên nuôi cách nào, và những bước kế tiếp nên nuôi cách nào được. Có điều là phải tốn nhiều thời gian. Với người có nhiều kinh nghiệm thì có thể mất năm sáu tháng, còn người chưa kinh nghiệm thì bỏ ra một năm…

b) Cách tập chim gáy đủ bài bản:

Điều đòi hỏi trước tiên đối với một con Cu gáy dùng làm Cu mồi là phải siêng gáy! Những chim “kín tiếng”, “ém tiếng”, chậm mồm chậm miệng tốôt hơn hết là nên loại bỏ ngay từ đầu. Nói thì nói vậy, chứ tài nghệ của con bổi mà mình đã chọn lựa ngay từ ngoài rừng ra sao thì mình đã biết trước rồi…

Khi con bổi đã bắt đầu dạn thì nó không kín miệng nữa. Nó đã chịu gáy, và thời gian đầu chỉ chịu gáy lai rai, càng về sau càng gáy siêng hơn, đủ giấc sáng, trưa, chiều. Lúc này ta có thể cho chim đi dượt tại các nhà bạn bè thân quen, hoặc treo lồng gần những chim lạ khác có cùng độ sung như nó…

Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, hễ trong nhà nuôi nhiều chim Cu thuộc thì mấy con bổi mau sung, gáy nhiều. Chúng cũng biết học giọng của nhau để phong phú hóa giọng gáy của mình.

Với những chim nuôi đơn lẻ tại nhà không những chậm sung, lại còn ít gáy, và gáy thiếu bài bản. Những con chim thiếu tập dượt này cả ngày chỉ biết gáy một cách đơn điệu chất giọng trời ban cho nó mà thôi: cứ giọng chiếc, giọng đôi…mà gáy hoài, chứ ít khi chịu gù, chịu thúc, chịu kèm như những con chim dữ khác.

Bản tính của Cu gáy cũng thích sân si, thích gây hấn với nhau, vì vậy khi treo lồng cạnh chim lạ chúng đều lăng xăng “dùng lời để mắng mỏ nhau” không tiếc lời, nào thúc, nào gù…Con nào cùng cố trổ hết tài nghệ bài bản ra để mong áp đảo đối thủ cho bằng được!

Nếu ngày nào chúng cũng được tập luyện theo cách này, dù chỉ mười lăm phút ngắn ngủi, chim cũng mau sung sức và gáy bài bản hơn. Vì khi sung, chim mới có cơ hội tốt để trổ hết tài năng sẵn có của mình…

Không những trong thời gian luyện Cu gáy trở thành Cu mồi, mà ngay cả Cu mồi cũng nên thường xuyên tập luyện theo cách tập dượt này, vì nếu không chuyên “văn ôn võ luyện” thì tài nghề của chúng sẽ giảm sút đi.

c) Tạo bản lĩnh nghề nghiệp:

Cu gáy mồi bắt buộc phải dạn, dạn ở nhà và dạn ở trong rừng, ở bất cứ môi trường sống nào. Trước hết, ta phải tập cho Cu gáy quen thuộc cách sống ở trong lồng cũng như trong lục. Từ lồng sang lục, hoặc từ lục sang lồng, con chim vẫn tỉnh táo tự nhiên như không có gì thay đổi mới được.

Muốn thực hiện tốt việc này, ta phải có thời gian để tập luyện cho chim. Có thể cho chim sống trong lục vài ngày rồi lại cho sống trong lồng, côngviệc cứ thế mà đảo qua đảo lại. Thỉnh thoảng cứ cho chim sống trong lục mà xách đi tập dượt cho nó quen đi. Nếu không được tập luyện thì con mồi có thể hay khi đứng trong lồng, nhưng khi sang lục thì nó lại trở nên nhát, thỉnh thoảng cứ tìm cách chui rúc thoát thân!

Mặt khác, khi chim đã quen sống trong lục cũng như cách sống trong lồng, chủ chim cũng nên xách lục vào rừng để cho nó có dịp cho quen với môi trướng mới, và cùng tập quen dần với… trận mạc. Trong nhửng lần đi gác Cu, ngoài việc đem những con Cu mồi thiện nghề theo, ta nên cho chúng chú chim “học trò” đi học nghề. Tới bãi, ta cứ treo lục chim tập sự vào một kèo nào đó và thỉnh thoảng nên để ý nó phô diễn tài nghề ra sao…

Khi chim đã làm quen được với quang cảnh của rừng thì nó tự tin hơn, bình tĩnh hơn…

Trong khi tập luyện, khi treo lục lên mà con mồi không chịu gáy, hoặc gáy mà không chịu bo, chịu thúc thì chủ chim ngồi núp trong bụi gần đó phải liệu là “nhắc tuồng” nghĩa là tự mình phải chu miệng gáy, hoặc thúc Cúc cu…Cúc cu…cho con mồi tập sự gáy theo để dụ bổi về.

Việc “nhắc tuồng” này vốn là “ghề ruột” của những tay gác Cu nhà nghề. Giọng của họ giống hệt như giọng Cu mồi. Nhưng khi gặp con bổi bên ngoài quá dữ mà bên trong con mồi lại ém tiếng không gù hậu thì, trong lùm cây chủ chim phải gù hậu để con mồi lấy lại bình tĩnh mà hăng lên, đồng thời cũng làm cho con Cu bổi hăng tiết lên để chui vào lưới…

Tập luyện một con Cu bổi trở thành Cu mồi tốn kém nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, những con mồi hay, nhất là mồi sát thủ, ra quân trăm trận trăm thắng, chủ chim cảnh coi quí như của, gia bảo cũng phải thôi. Dù nó không xứng đáng là “Cần câu cơm” nhưng cũng là phương tiện cần thiết để hỗ trợ cho thú chơi chim của người chủ: hễ trong tay có Cu mồi sát thủ thì trong nhà không thiếu chim tốt để nuôi…