Cách đánh tiết canh vịt đông như thạch

Tiết canh vịt là món rất được lòng các ông chồng. Có người làm hẳn một con vịt chỉ để thưởng thức một bát tiết canh. Tuy nhiên, pha tiết canh vịt thế nào để tiết đông cứng, ăn vừa ngon, ngọt, bùi thì không phải ai cũng biết cách. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn bí quyết đánh tiết canh vịt đông như thạch, 10 bát như nhau cả 10. Hãy áp dụng đúng để thành công ngay từ lần đầu tiên.

Dù ăn tiết canh không được khuyến khích bởi nguy cơ bệnh tật luôn rình rập, tuy nhiên nếu vịt nhà bạn nuôi hoặc mua được một con vịt biết rõ nguồn gốc, vịt khỏe mạnh, thì hãy học cách đánh tiết canh để luôn thành công với món khoái khẩu của mình nhé.

Bước 1: Làm nhân tiết canh

Tiết canh muốn ngon ngoài việc tiết phải đông thì phần nhân đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều người thường sử dụng phần lòng của vịt để làm nhân. Tuy nhiên nếu bạn thích cảm giác giòn ngon sần sật thì hãy sử dụng phần cổ và cánh vịt.

Cụ thể, cắt hẳn phần cổ, lột da và bỏ phần đầu vịt đi. Lấy dao lớn và nặng, đập mạnh để các đốt xương cổ dập hẳn. Sau đó bạn tiếp tục dùng dao băm nhỏ phần cổ này. Phần cánh vịt bạn cũng làm tương tự. Lúc này phần cổ, cánh không còn dặt xương nữa, trở nên rất mềm, dễ ăn. Ngoài ra khi ăn còn có cảm giác giòn giòn từ xương cổ vịt nên sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Ngoài cổ vịt, bạn có thể sử dụng thể cả đùi để băm vào cùng, giúp phần nhân nhiều thịt, mềm và ngon hơn. Cả cổ và đùi bạn nhớ loại bỏ phần da đi, chỉ dùng phần thịt nạc thôi nhé.

Sau khi băm nhỏ cả hai phần thịt, bạn cho vào đĩa to, dàn đều để chuẩn bị cho quá trình hoàn thiện đĩa tiết canh.

Bước 2: Đánh tiết canh

Nguyên liệu: 4 muỗng nước đun sôi để nguội (hoặc nước luộc vịt), 1 thìa mì chính, 1 thìa nước mắm, 3 muỗng tiết vịt, đậu phộng rang, rau thơm (húng bạc hà, rau mùi)

Cách làm

Tỷ lệ chuẩn giữa nước và tiết canh khi pha là 1:1,3, tức là một muỗng tiết canh ứng với 1,3 muỗng nước trắng. Với 3 muỗng tiết canh tiết thì bạn cho khoảng 4 muỗng nước trắng là vừa. Lưu ý muỗng đong tiết vịt và nước phải bằng nhau, hoặc tốt nhất là dùng một chiếc muỗng cho cả hai việc luôn.

Lấy 4 muỗng nước trắng cho vào tô. Cho thêm 1 thìa mì chính, 1 thìa nước mắm rồi khuấy đều. Tiếp đó bạn đổ tiết vịt vào và khuấy liên tục để tất cả các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.

Sau khi khuấy, bạn lấy muôi múc từng muôi tiết rưới vào đĩa nhân đã chuẩn bị ở bước 1. Rưới đến khi tiết ngập đến săm sắp mặt nhân là được.

Để yên đĩa tiết canh trong khoảng 30 phút để tiết đông. Trong lúc này, bạn rang lạc, ngâm rửa rau thơm. Sau khi tiết đông, bạn có thể rắc một ít lạc và vài lá rau thơm lên trên cho đẹp.

Lưu ý: Chỉ rắc một ít thôi để đảm bảo thẩm mỹ. Đĩa tiết với sự hòa quyện của màu đỏ, màu trắng của lạc và màu xanh của rau sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Phần rau thơm và lạc còn lại để riêng, khi ăn bạn sẽ cho vào sau.

Như vậy là phần tiết canh vịt sau khi pha đã hoàn thiện. Làm đúng các bước và tỉ lệ như trên, đĩa tiết canh sẽ đông cứng, mềm mịn như thạch.

Một số cách hãm tiết

Trước khi cắt tiết vịt, cần chuẩn bị 1 phần nước mắm và 2 phần nước lọc (nước đun sôi để nguội). Số lượng nhiều hay ít là tùy thuộc vào vịt lớn hay nhỏ. Ví dụ:

– Vịt 1kg thì pha một muỗng canh nước mắm với hai muỗng canh nước lọc.

– Nếu vịt nặng 2kg, pha 2 muỗng canh nước mắm và 4 muỗng canh nước lã. Nếu vịt 3kg, 4kg hoặc 5kg thì cứ nhân theo cấp số đó… Chọn vịt cỏ, khoảng 1,3 kg – 1,5 kg là ngon nhất.

– Ngoài ra, một số nơi còn dùng bẹ của tàu lá chuối Tây, vắt lấy nước để hãm. Cách làm này cũng được, nhưng tiết sẽ không ngon bằng hãm tiết bằng nước mắm hoặc bằng thuốc muối.

Lời kết

Trên đây là mách bạn bí quyết đánh tiết canh vịt đông như thạch. Với các bước này, đảm bảo bạn sẽ thành công trăm lần như một. Chúc bạn sẽ luôn ngon miệng với món ăn khoái khẩu của mình hoặc ông xã nhé.