Mùng 10 tháng giêng: Ngày vía Thần Tài hay ngày vía Thần Đất?

Ngày 10 tháng giêng của Nam Bộ là cúng Thần Đất?

Cách đây hơn thế kỷ, khu vực Bệnh viện Thống Nhất hiện nay ở ngã tư Bảy Hiền vốn là đất khẩn hoang của dòng tộc anh G.N.P., hiện là phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM. Ông bà cố anh xưa ở Gò Vấp tìm đến đây khẩn hoang, trồng rau. Mâm cúng đặt trên đất, một ký ức ẩm thực không thể quên thời khẩn hoang của ông bà cố anh.

T.D. – dòng họ làm dân trên đất Giồng Ông Tố 300 năm nay – thì kể: Từ khuya, người trong nhà đã đi cắm câu, rạng sáng đi thăm câu. Mấy con cá lóc quẫy mạnh trong giỏ tre được đem về rộng trong khạp.

Bà cố lọ dọ đi hái rau lang, chuẩn bị trầu cau, thuốc vấn… Đồ cúng là một cây bông vạn thọ, cơm, rau lang luộc, mắm nêm, cá lóc nướng trui… Đồ ăn không để trong chén mà trong lá chuối cuộn lại làm chén đựng.

Bà cố T.D. khấn vái như sau: “Hôm nay, mùng 10 tháng giêng, con tên Nguyễn Thị… Cả nhà con có miếng ruộng ở đây, nhờ ơn ông bà qua lại trông coi, dạy dỗ mà nên. Tụi con có làm quấy gì xin ông bà chủ bỏ quá cho. Xin ông bà chủ phù hộ tụi con làm ăn thuận lợi. Công ơn ông bà tụi con không dám quên. Nay xin kiến ông bà ít lễ”.

T.D. hỏi “ông bà chủ” là ai, sao phải nhớ, cố T.D. bảo: “Xưa miền Nam là đất hoang hóa, những người đầu tiên đi khai hoang lập ấp phải chịu cảnh dưới sông cá sấu, trên bờ cọp kêu. Họ là ông bà khai làng, dựng chợ đưa đường cho dân về ở. Mỗi năm cứ vào mùng 10 từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch là người dân cúng lễ nhớ ơn ông bà chủ đất. Cái ơn khai phá, ơn lập ấp đưa đường, ơn ông bà bỏ mạng khai hoang…”.

Trong các ngày vía tháng giêng, dân Nam Bộ cũng như bà con Sài Gòn – Gia Định xưa gọi là ngày vía Thổ Thần. Ông thần đó có từ lúc nào khó ai nói được. Chỉ biết là trước đó, bà con Khmer cũng cúng ngày 10 tháng giêng, gọi là cúng Ông Tà (Thần Đất – chủ đất – theo tín ngưỡng Khmer). Sau này, người Minh Hương tới, mang theo Ông Địa.

Dân Nam Bộ xưa có câu: “Đất Ông Tà, nhà Ông Địa”. Chắc chắn ngày 10 tháng giêng âm lịch trong văn hóa, cách thức cúng của bà con Nam Bộ rất nhân văn là cúng, nhớ ơn các bậc tiền hiền mở cõi, Thần Đất của người Việt chứ không phải Thần Tài để cầu lợi bạc vàng. Thành ngữ Nam Bộ: “Mùng 9 vía Trời, mùng 10 vía Đất”.

Thần Tài hiện nay người Hoa ở Chợ Lớn vẫn cúng ngày mùng 5 tháng giêng và mâm cúng không có cá lóc. Vào ngày này, người Trung Hoa xưa dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và đốt pháo nghênh đón Thần Tài. Sau đó, họ đến những nơi rước Thần Tài để đốt nhang, cúng bái, cầu bình an, công việc thuận lợi; không ai mua vàng. Singapore hay Malaysia, vía Thần Tài đúng ngày mùng một Tết: cúng kiếng Thần Tài, cũng không có tục lệ mua vàng cầu may như ở ta gần đây.

Còn phong tục, thông lệ Nam Bộ xưa nay cúng Tài Thần vào ngày 25 hoặc 26 tháng giêng – tùy nơi; như bà con Giồng Ông Tố gọi là cúng những ông bà giao thương, mua bán qua lại xưa. Có người nói giờ đất là vàng nên cúng Thần Đất như cúng Thần Tài (!). Nói vậy e cũng khó vì việc cúng kiếng hai ông này thật sự bản chất khác hẳn nhau: một ông để nhớ ơn, một ông mong cầu lợi.

CHUNG HAI

Thần Tài cũng ‘xuất xứ’ từ Thần Đất?

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong bộ sách Đại Nam quấc âm tự vị của tác giả Huình Tịnh Paulus Của ấn hành năm 1896 không có chữ Thần Tài, nhưng có chữ “Thần Đất” chú thích cho mục “thổ thần”, và được giảng nghĩa là “thần giữ tiền bạc”. Tuy nhiên, bên cạnh đó có mục “tài thần” thì ông Paulus Của không giảng nghĩa mà ghi chú “ít dùng”.

Khi đặt vấn đề nguồn gốc ngày mùng 10 tháng giêng gắn với quan niệm vía Thần Tài như lâu nay, và hiện nay xuất hiện ý kiến cho rằng mùng 10 là vía Thần Đất chứ không phải Thần Tài, ông Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng điều này có xuất xứ từ trước tác của Đông Phương Sóc (học giả thời Hán Vũ Đế) nói về quan niệm sáng thế (sự sinh thành trời đất và các loài) của người Trung Quốc.

“Theo đó, mùng 1 sinh ra giống gà, mùng 2 sinh thêm chó, mùng 3 sinh heo (lợn), mùng 4 sinh dê, mùng 5 sinh trâu, mùng 6 sinh ngựa, mùng 7 sinh ra loài người, mùng 8 sinh ra các loại ngũ cốc, đến mùng 9 sinh trời, mùng 10 sinh đất. Theo đó, ngày vía là ngày sinh của vị thần. Và như vậy, vía Thần Đất chính là ngày mùng 10 tháng giêng: ngày “địa sinh”.

Theo quan niệm này còn có lệ xem ngày mùng 10 tháng 5 là ngày “địa lạp”.

Nhưng theo quan niệm của người Trung Hoa và rộng ra là vòng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ở khu vực Á Đông, thì trong triết lý ngũ hành quan niệm: thổ sinh kim. Tức là đất sinh ra tiền bạc của cải (như cách hiểu của Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị kể trên), do vậy mà xuất hiện tục thờ ông Thần Tài.

Cũng theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, về mặt hình tượng, tượng Thần Tài được thờ tại các gia đình người Việt lâu nay giống với mẫu đồ tượng “Thổ Địa phúc đức chánh thần” trong số các tượng thờ của Trung Quốc.

“Tuy nhiên, cùng với đời sống doanh thương phát triển, ông Thần Tài được coi trọng như là một tất yếu. Và ngày nay tại các gia đình, người ta cũng thờ chung cả hai tượng Thổ Địa và Thần Tài tại một ban thờ chính là thể hiện quan niệm “tiền bạc sinh ra từ đất” hay “Thần Đất chính là thần giữ của”.

Nói một cách triết lý, thì Thổ Địa là (đại diện lý thuyết về việc sinh ra của cải), và Thần Tài là sự (đại biểu cho việc ứng dụng hoạt động của tiền bạc, của cải)”, ông Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.

Như vậy việc xem ngày mùng 10 tháng giêng là “ngày vía Thần Tài” có lẽ là cách hiểu tắt ngang, bởi Thần Tài không phải đản sinh vào mùng 10 theo quan niệm sáng thế của Trung Quốc, ngày ấy thuộc về Thần Đất.

Tuy nhiên, từ đất trở thành tiền lại là con đường tất yếu đang ngày càng thấy rõ, nên nếu các nhà nghiên cứu không (thay mặt Thần Đất mà) lên tiếng rằng: mùng 10 là vía Thần Đất dân gian rồi cũng sẽ chỉ còn nhớ mùng 10 tháng giêng là vía Thần Tài, mặc dù giở sách ra tra thì sẽ thấy Thần Tài cũng xuất xứ từ Thần Đất thôi.

LAM ĐIỀN ghi