Bật mí cách bảo quản khoai tây được lâu, không mọc mầm | VinID

Khoai tây là loại rau quả rất giàu dinh dưỡng và thơm ngon, dễ chế biến, nhưng ngược lại rất khó để được lâu. Nếu không bảo quản đúng cách sẽ bị mọc mầm, ăn dễ bị ngộ độc. Cùng VinID đi tìm cách bảo quản khoai tây giữ được độ tươi ngon lâu dài nhé!

1. Giải đáp: Khoai tây để được bao lâu?

Khoai tây là loại củ quả quen thuộc với mọi gia đình, vừa cho món ăn ngon, vừa dễ chế biến, vừa giàu dinh dưỡng. Việc giữ độ tươi ngon của loại củ này lại không dễ chút nào, nó tùy thuộc vào khoai đã nấu chín hay chưa và cách bảo quản:

  • Khoai tây tươi, chưa sơ chế, còn nguyên củ có thể bảo quản từ 1 tuần đến 1 – 2 tháng ở nhiệt độ phòng, để ngăn mát tủ lạnh thì thời gian sẽ lâu hơn.
  • Khoai tây đã sơ chế, nấu chín có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 4 – 5 ngày. Bảo quản ở ngăn đông có thể lên đến 1 năm, khi ăn chỉ cần rã đông, làm nóng lại là có thể dùng.
Khoai tây đã gọt vỏ
Thời gian bảo quản khoai phụ thuộc vào việc còn sống hay đã nấu chín

2. Các cách bảo quản khoai tây tươi lâu

2.1. Cách bảo quản khoai tây nguyên củ không mọc mầm

Đối với khoai tây còn nguyên củ, chưa chế biến ngay, để bảo quản được lâu và khoai không mọc mầm bạn nên:

Không rửa khoai trước khi bảo quản

Khoai nếu chưa dùng ngay bạn không nên rửa. Vì khi rửa, vỏ khoai sẽ bị ẩm, tạo ra môi trường tốt cho nấm, vi khuẩn phát triển và thúc đẩy khoai mọc mầm.

Bạn có thể dùng vải, khăn hay bàn chải lông mềm để loại bỏ lớp đất, bùn bên ngoài để khoai được sạch, bảo quản vệ sinh hơn. Đặc biệt lưu ý không được làm xước lớp vỏ làm lộ thịt khoai bên trong, sẽ khiến khoai bị thâm, dễ hư.

Khoai tây
Bạn nên giữ cho khoai khô ráo nếu muốn để được lâu.

Bảo quản khoai tây trong túi giấy thoáng khí

Khoai tây cần bảo quản thoáng khí để ngăn sự tích ẩm, hơi nước khiến khoai dễ lên mầm. Vì thế dùng túi giấy, túi vải có thể hút ẩm (không được đóng kín miệng túi) là sự lựa chọn rất tốt để giữ khoai được lâu.

Nếu không có túi giấy, bạn có thể sử dụng rỗ hoặc hộp (không đóng kín hộp) để bảo quản khoai. Chỉ cần để hở cho lưu thông không khí, ngăn sự ẩm thấp khiến nấm, vi khuẩn không sinh sôi là được.

Bảo quản khoai tây trong túi vải
Bảo quản trong túi giấy/ túi vải sẽ giữ khoai không mọc mầm

Bảo quản khoai ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời

Khoai là loại củ quả ưa tối và kị ánh sáng mặt trời. Nếu để khoai tiếp xúc với nắng sẽ xảy ra quá trình quang hợp, khoai sẽ thúc đẩy sản sinh chất diệp lục làm vỏ chuyển sang màu xanh và thịt khoai sẽ bị đắng.

Không những vậy, khoai bị xanh còn sản sinh ra chất hóa học solanine cực kì độc hại. Nếu ăn một lượng lớn có thể gây ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là tử vong.

Vì thế, muốn giữ khoai dùng được lâu và an toàn, bạn nên chọn nơi khô, tối, mát mẻ như gầm tủ và để khoai trong những vật dụng thoáng khí.

Khoai tây bị xanh
Khoai bị xanh rất độc, không nên dùng chế biến món ăn

Không bảo quản khoai trong tủ lạnh

Tuy nhiệt độ tủ lạnh rất lý tưởng để bảo quản khoai tây, nhưng đây không phải là phương án tối ưu dành cho khoai nguyên củ, chưa chế biến.

  • Với ngăn mát tủ lạnh: Nhiệt độ quá thấp sẽ khiến tinh bột trong khoai chuyển thành đường khử. Đường này tiếp xúc với nhiệt độ cao (khi nấu ăn) sẽ chuyển thành chất độc hại acrylamide gây ung thư.
  • Với ngăn đông tủ lạnh: Lượng nước trong khoai sống sẽ bị đông lại, làm vỡ các cấu trúc tế bào, làm cho khoai bị nhão, mềm sau khi rã đông, chế biến sẽ không ngon. Ngoài ra, nhiệt độ đông quá thấp sẽ làm vỏ và thịt khoai bị chuyển màu nâu khi đem ra ngoài không khí bình thường, nhìn không còn ngon mắt.
Không nên bảo quản khoai trong ngăn mát tủ lạnh
Không nên bảo quản khoai trong ngăn mát tủ lạnh

Không bảo quản khoai tây chung với các thực phẩm khác

Có một số loại rau củ quả khi để lâu sẽ giải phóng khí ethylene để làm mềm, chín, và ngọt. Khí này sẽ làm khoai nhanh mọc mầm và nhanh mềm. Vì thế, không nên bảo quản khoai chung với các loại củ quả, trái cây cần thời gian ủ bên ngoài để chín như cà chua, táo, chuối…

Không bảo quản khoai tây chung với các loại rau củ quả khác
Khoai tây không nên bảo quản chung với các loại rau củ quả khác

2.2. Cách bảo quản khoai tây đã gọt vỏ

Khoai tây đã gọt vỏ để ngoài không khí sẽ bị thâm đen và nhanh hỏng. Để bảo quản khoai đã gọt vỏ:

  • Bạn có thể ngâm khoai trong nước có pha nước cốt chanh (giữ trắng khoai) và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
  • Cách này chỉ có thể giúp bạn giữ khoai tươi, đẹp trong 2 – 3 ngày.
  • Nếu tủ lạnh bạn không có nhiều diện tích để thau nước lạnh ngâm khoai, bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm, bọc kín khoai, cho vào ngăn mát để bảo quản.
Ngâm khoai tây với nước cốt chanh
Nước cốt chanh sẽ giúp khoai không bị thâm đen

2.3. Cách bảo quản khoai tây chiên giòn lâu

Khoai tây chiên là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Nếu không có thời gian bạn có thể chuẩn bị trước, những lần sau chỉ cần rã đông và chiên lên là có thể dùng. Để giữ được độ giòn và ngon của khoai tây chiên:

  • Khoai sau khi được sơ chế, cắt sẵn thì đem đi luộc cùng với một ít muối.
  • Để ráo khô nước hoặc dùng khăn để thấm khô.
  • Cho khoai vào hộp kín và cho ngăn đông có thể bảo quản lên đến 3 – 6 tháng.
  • Với khoai tây đã chiên thì để nguội, cho vào hộp kín cùng một ít dầu ăn, xóc đều. Cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng hết trong 4 – 5 ngày.
Khoai tây cắt dài
Khoai tây chiên có thể làm trước, bảo quản đông cho những lần dùng tiếp theo

2.4. Cách bảo quản khoai tây nghiền tiện lợi

Khoai tây nghiền là món ăn đã được chế biến chín nên bảo quản dễ dàng hơn.

  • Khoai nguội thì bạn cho vào túi/ hộp kín.
  • Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong 3 – 5 ngày.
Khoai tây nghiền
Khoai tây nghiền thơm ngon và nhiều dinh dưỡng

Với những thông tin VinID vừa chia sẻ về cách bảo quản khoai tây, chúc các bạn sẽ có nhiều món ngon tiện lợi, bổ dưỡng hơn cho gia đình. Đừng quên chọn VinMart hoặc đặt hàng trên ứng dụng VinID để có nguyên liệu chất lượng và tươi ngon nhất nhé!

Banner CTA Rau củ quả 750

>>> Các món ngon từ khoai tây cực dễ làm <<<