508. ☀ Hệ thống thần thoại về nguồn gốc của người Việt – Lược Sử Tộc Việt

Đã có những luồng quan điểm cho rằng người Việt không có thần thoại, tuy nhiên khảo sát qua các tài liệu nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy được người Việt có một hệ thống thần thoại đầy đủ từ thuở hồng hoang, tới sự hình thành tự nhiên, con người và các loài vật, liên tục tới giai đoạn bắt đầu hình thành văn minh là họ Hồng Bàng, các truyền thuyết về thời Hùng Vương thì vô cùng nhiều và đa dạng về hình thức. Các thần thoại trong các giai đoạn cũng thể hiện đầy đủ về các triết lý của người Việt, như Trời ở vị trí tối cao, tạo ra các thần và tạo ra tự nhiên, con người. Thần thoại Việt Nam có thứ tự như thế, Trời ở trên tất cả, tạo ra các vị thần, các vị thần tạo ra vạn vật và tự nhiên. Và các vị thần cũng rất nhiều và đa dạng, như Thần Trụ Trời, Thần Sao, Thần Núi, Thần Biển, Ông Tứ Tượng – Bà Nữ Oa, Ông Lộc Cộc – Bà Tồ Cô… ngoài ra còn rất nhiều vị thần khác. Các nhân vật thần thoại gần với người thì có thể ví dụ như Thần Nông, Kinh Dương Vương, Động Đình Quân, Long Nữ, Lạc Long Quân… trong thời kỳ họ Hồng Bàng… Và sau đó là các sự kiện xuất hiện người thật vào thời kỳ Hồng Bàng và Hùng Vương. Có thể kết luận về tính tuần tự và có hệ thống của thần thoại Việt.

Bên cạnh tính tuần tự, thì có nhiều chi tiết cũng nhắc tới những triết lý của văn hóa cổ, như trong truyện thần trụ Trời cũng nhắc tới triết lý Trời tròn đất vuông: “Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp”, triết lý này có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, sớm nhất là đàn tế cũng với triết lý trời tròn đất vuông tại văn hóa Cao Miếu vùng trung lưu Dương Tử (Gaomiao vào khoảng 7000 năm cách ngày nay). [1]. Câu chuyện này tiếp tục được kế thừa trong truyện Lang Liêu, với việc Lang Liêu gói bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh dày tròn tượng trưng cho trời. Bên cạnh đó còn rất nhiều triết lý khác ẩn tàng trong các truyền thuyết và thần thoại của người Việt.

Các truyền thuyết về họ Hồng Bàng và truyền thuyết thời Hùng Vương cũng từng bị nhận xét là các truyền thuyết không có thực, “được sáng tạo vào thời Trần”, tuy nhiên các tài liệu di truyền và khảo cổ đã chứng minh tính thực tế của các câu chuyện thời Hồng Bàng và Hùng Vương [2], chúng được truyền trong văn hóa dân gian, và được ghi thành văn vào thời nhà Trần, các câu chuyện đó cùng rất nhiều câu chuyện khác thời Hùng Vương được truyền lại trong văn hóa người Việt mà chúng tôi sẽ có dịp chia sẻ với bạn đọc sau.

Xin mời bạn đọc cùng theo dõi các thần thoại được chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn, phân chia thành các phần và các giai đoạn khác nhau để bạn đọc dễ theo dõi.

[1] 王大方, 湖南洪江高庙遗址考古发掘获重大发现, Những khám phá chính từ các cuộc khai quật khảo cổ tại địa điểm Gaomiao ở Hồng Giang. [dẫn]

[2] Lang Linh, 2020, Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam. [dẫn]

A. CÁC THẦN THOẠI VỀ NGƯỜI KHỔNG LỒ VÀ SỰ HÌNH THÀNH TỰ NHIÊN

1. Thần trụ Trời

Thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết. Mỗi bước thần đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia.

Một hôm, thần vươn vai đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên. Thần đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Cột đắp lên cao chừng nào thì trời như tấm màn mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần một mình hì hục đào, đắp, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh.

Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.

Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Vì thế, mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lõm, chỗ lồi. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.

Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.

Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển… và các vị thần khổng lồ khác.

Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay:

Ông đếm cátÔng tát bể (biển)Ông kể saoÔng đào sôngÔng trồng câyÔng xây rú (núi)Ông trụ trờị..

[Nguyễn Đổng Chi (kể), nguồn]

2.Ông Tứ Tượng và bà Nữ Oa

Ngày xưa, có hai thần đực, cái thân hình hết sức to lớn, thần đực gọi là Tứ Tượng hay Khổng lồ, thần cái gọi là Nữ Oa.

Tứ Tượng muốn kết duyên với Nữ Oa, nữ thần bắt nam thần phải thi tài với mình, hẹn trong vòng ba ngày mỗi người xây một hòn núi thật cao, có thể đứng lên trên mà nhìn khắp cả mặt đất. Nếu núi của nam thần cao hơn thì nữ thần mới bằng lòng làm vợ chồng.

Nam thần ở Bắc, nữ thần ở Nam, hai bên đua nhau đắp núi. Tứ Tượng có một đôi thúng vĩ đại, có thể chứa được hàng nghìn đồi đất. Một chuyến thần đang gánh, thúng đứt dây làm đất đổ xuống thành chín cái đồi lớn.

Sau kỳ hạn làm xong, hai thần bèn trèo lên núi của nhau để xem núi nào cao hơn. Đứng trên núi của thần đực trông thấy được ra ngoài biển Đông xa đến các nước láng giềng. Còn đứng trên núi của thần cái, thì thấy rõ cả bốn phía chân trời. Nam thần thua cuộc, nữ thần bèn đạp đổ núi của Tứ Tượng xuống mà bảo hãy làm lại núi khác.

Núi của nữ thần ngày nay tương truyền còn dấu tích là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh.

Thần đực lại ra sức đắp nhiều núi khác cho nữ thần bằng lòng. Do đó mà nhiều ngọn núi mọc lên từ Bắc chí Nam. Có những dấu chân lớn còn lưu lại trên đá ở vài núi miền Bắc và miền Trung mà về sau người ta cho đó là dấu chân của nam thần Khổng lồ.

Trước sự theo đuổi chí tình của nam thần, rốt cuộc nữ thần cũng vui lòng kết hôn.

Nói về hai thần đực cái, trong dân gian có câu ví về:

… bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng

… ông Tứ Tượng mười bốn con sào

để chỉ cơ thể vĩ đại của hai thần. Hai vị Tứ Tượng – Nữ Oa cũng được coi là thủy tổ của loài người.

[Truyền thuyết dân gian Việt Nam, nguồn]

3.Ông Đùng Bà Đùng

1. Truyền thuyết ông Đùng bà Đùng của người Việt:

Thủa ấy, có hai người khổng lồ là Ông Đùng, Bà Đùng nhiều lần giúp đỡ dân trong vùng. Ông Đùng rất thích bà Đùng nên một hôm sớm tinh mơ đến ngỏ ý. Bà Đùng nói trước khi gà gáy ngày mai ông Đùng phải xếp được 100 ngọn núi thì bà Đùng đồng ý làm vợ.

Vậy là ông Đùng một mình cặm cụi kéo núi xếp lại, ông làm việc quên cả ăn. Lúc xếp được 99 ngọn núi thì cũng lúc bà Đùng tỉnh dậy, thấy ông Đùng đang xếp núi nên đùa cho vui bằng việc giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang di chuyển một ngọn núi về cho tròn 100 ngọn, đến bên bờ bắc sông Lam nghe thấy gà gáy tưởng thật, nên đứng dậy phủi tay mà đi.

Do đó mà núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, còn một ngọn bị ông Đùng bỏ lại chính là núi Quyết ở bờ bắc sông Lam. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng và Trung Ương dạy cho dân làm nghề rèn – một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay.

[Truyện cổ sưu tầm tại vùng Hà Tĩnh]

2. Truyền thuyết ông Đùng bà Đùng của người Mường:

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, trời đất còn chưa phân tách rõ ràng, nhờ có mụ Dạ Dần đẻ đất đẻ nước mà người Mường có các xứ Mường như ngày nay. Khi Mường Bi được tạo lập xong thì dân Mường thấy xuất hiện một đôi vợ chồng to lớn khác thường. Ông Đùng, và Đùng đứng cao lắm, có dễ đứng cao hơn năm lần đỉnh núi cao nhất. Đứng ở Mường Bi mà nhìn lên tận Châu Mộc, Sơn La, nhìn xuống mãi đồng bằng giáp biển, nhìn xa tới Thanh Hóa.

Không biết học ai mà ông bà nói được tiếng Mường. Người Mường thấy ông bà cao lớn quá, gọi là ông Đùng, bà Đùng nghĩa là ông bà khổng lồ. Người ta còn đồn rằng, ông bà Đùng là người nhà Trời, xuống giúp dân Mường Bi gây dựng cơ nghiệp.

Mụ Dạ Dần làm ra đất nước, song đất nước hồi ấy còn chưa ra một cơ ngơi đâu và đâu cả. Đất thì cao thấp lồi lõm, cây cối mọc nhằng nhịt rối bời. Nước thì chảy từ trong lòng đất ra, chảy khắp Mường tràn trề, chan chứa. Ông Đùng, bà Đùng liền ra tay nhổ cây, san đất. Chỉ vẻn vẹn có một ngày, ông bà đã làm thành cánh đồng Thạch Bi rộng rãi, màu mỡ để lấy chỗ cho dân Mường ở và cày cấy. Lại thấy nước quá nhiều, ông Đùng bàn với vợ làm một con đường lớn dẫn nước đi. Bà Đùng thuận lời chồng và hai ông bà khởi công bới đất từ Sơn La trở xuống.

Ông Đùng lom khom dùng tay bới đất đằng trước, bà Đùng hì hụi vét đất đằng sau. Hai ông bà vừa làm vừa nói chuyện nên không thấy mệt mỏi gì cả. Họ làm suốt từ lúc mặt trời thức đến lúc mặt trời đi ngủ vẫn không nghỉ. Họ làm liền từ lúc trăng mẹ đẻ hàng vạn trăng non (tức sao), rồi các con đi xa hết vẫn chưa thôi. Dòng nước theo con đường mới do ông bà Đùng đào bới vượt qua núi, qua đồi, đổ về xuôi, chảy thành dòng hẳn hoi chứ không tràn lan như trước nữa.

Làm xong, ông bà Đùng ngẩng đầu nhìn lại mới hay sông có dài thật nhưng vì mải chuyện, lại bới vét cả ban đêm nên không thẳng như dự tính mà ngoằn ngoèo như sông Đà bây giờ. Những nơi đất đá vét chưa hết cản trở tạo thành thác ghềnh. Cũng chính vì thế mà sông Đà có đến “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”.

[Kể chuyện 4, trang 58, NXB Giáo dục – 1989]

4.Bà Tồ Cô

Thuở đất trời còn hỗn mang, khai thiên lập địa, thường có các vị thần khổng lồ xuất hiện giúp đỡ con người. Cả thần nam và thần nữ. Những vị thần này hay đi với nhau thành một cặp như ông Tứ Tượng – bà Nữ Oa, ông Đực – bà Cái, ông Đùng – bà Đà… ở vùng Tiên Du có ông Lộc Cộc – bà Tồ Cô.

Hai ông bà Lộc Cộc – Tồ Cô đều có thân hình cao lớn, đầu đội trời, vai chạm mây chân đứng lún đá thủng đất. Mỗi bước đi của ông bà từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Ông bà để lại giữa đồng ruộng, trên sườn đồi, trong ngõ làng những dấu chân khổng lồ đo vừa tay mười gang. Ở Sơn, ở Chè Dọc, ở Lim, ở Kẻ Đồng, ở Tiên Lát, ở Phật Tích… đâu đâu cũng có dấu chân ông bà.

Hai ông bà Lộc Cộc – Tồ Cô có khi đi thành đôi, người nọ tiếp người kia. Có khi chỉ thấy một mình ông. Có khi lại thấy một mình bà. Hai người khổng lồ nhưng tính tình thật hồn hậu tự nhiên, thoắt vui thoắt buồn như những đứa trẻ ham chơi. Lúc tức giận, hai ông bà chớp mắt sáng lóe, tiếng nói ầm ầm như trống dội, hắt hơi thành giông gió, thở mạnh thành bão táp… Khi vui, ông bà làm mưa gió tưới tắm cho cây cỏ tốt tươi.

Hai ông bà Lộc Cộc – Tồ Cô đều to lớn như thế nên đều có sức khỏe dị thường. Ông bà thường đua nhau làm các việc lớn lao như đào sông, xây núi, lấp biển.

Một cái sọt đất bỏ quên cũng thành cái bò. Đắp suốt một đêm thì được quả đồi. Một vết chân duỗi ra cũng khơi thành con suối. Đào suốt một ngày thì được con sông… Nhờ ông bà dồn nước ra biển, tát khô đầm lầy mà đất đai đồng ruộng hiện ra, thành nơi cư trú làm ăn sinh sống cho con người.

Khi con người đông đúc, ông Lộc Cộc vẫn về đổ giông, đổ sấm, vung chớp tung gió bão, bà Tồ Cô vẫn về tung những đàn hươu nai, chim chóc đến cho con người săn bắt…

Nhìn quang cảnh núi sông đồng ruộng cỏ cây hoa lá bốn mùa kế tiếp nhau xanh tươi, bà Tồ Cô hài lòng lắm. Công việc tạm xong, lại đang có mang nên bà Tồ Cô nằm duỗi dài xuống bên dòng sông Đuống nghi ngơi. Tại đây, bà Tồ Cô đã đẻ ra một cái bọc. Từ cái bọc nở ra mười hai người con gái xinh đẹp. Các cô gái thay mẹ chia nhau đi khắp bốn phương dạy dân các nghề nghiệp, mỗi cô đều trở thành vua bà của mỗi vùng.

Trút bộ đồ mặc, bà Cô Tô vẫn nằm khỏa thân giữa bầu trời lồng lộng nắng gió, mãi mãi phô bày sắc đẹp nõn nà của mình trong giáng núi Nguyệt Hằng đất Tiên Du.

[Truyền thuyết dân gian Việt Nam, nguồn]

5. Ông Đùng bà Đà

Ngày xưa, ở làng Đậu An, huyện Tiên Lữ, thuộc tỉnh Hưng Yên, có một nhà kia sinh ra một người con trai và một người con gái thân hình to lớn khác thường, tên là Đùng và Đà. Hai anh em cha mẹ mất sớm, đến tuổi lập gia đình không lấy được ai vì cơ thể khổng lồ của hai người. Một hôm hai anh em bảo nhau bỏ nhà ra đi, hễ gặp ai đầu tiên thì lấy người đó làm vợ làm chồng. Người anh trai và người em gái đi mãi không gặp được anh, rồi quanh quẩn lại gặp nhau, nghĩ ý trời định thế bèn kết làm vợ chồng.

Hai người ăn ở với nhau được ít lâu thì làng xóm hay, cho là đôi lứa loạn luân phạm đến phong tục cổ truyền, rồi đập chết cả đôi vợ chồng anh em ruột. Tương truyền rằng hồn hai người chết cứ hiện ra quấy rối xóm làng, gây nhiều tai ách liên tiếp làm cho mọi người đều sợ hãi. Dân làng bèn lập đền thờ để chuộc tội đã làm thiệt mạng hai anh em. Chỗ thờ ông Đùng, bà Đà có vẽ hình sinh thực khí to lớn của hai người, ngày nay còn vết tích ở địa phương nói trên. Mỗi năm cứ đến ngày tám tháng tư âm lịch, dân làng Đậu An làm lễ rước ông Đùng, bà Đà tượng hình thành hai người đàn ông, đàn bà với cơ thể khổng lồ bằng tre đan.

Đám rước chia ra hai phe, một bên rước ông Đùng một bên rước bà Đà, dân làng đi rước đều cầm đuốc, vác gậy, bắt đầu ra đi vào lúc xế chiều rồi vòng quanh làng cho đến khi gần đền thờ thì trời vừa tối, đôi bên gặp nhau, nổi tiếng hò reo xung đột. Cuộc ẩu đả diễn ra đến khi đập phá nát hai hình thể ông Đùng bà Đà, người ta bèn chất lên rồi châm lửa đốt. Đèn đuốc trong đền thờ đều tắt ngấm khi hai phe rước ông Đùng và bà Đà gặp nhau. Tục lệ cho phép những trai gái dự trong đó được tự do đùa nghịch cùng nhau. Người ta tin rằng có như thế thì trong làng năm ấy mùa màng mới tươi tốt và tránh được các thiên tai.

[Nguồn: Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư II, Cổ tích (Sài Gòn, 1959), tr 78.]

B. CÁC THẦN THOẠI VỀ SỰ HÌNH THÀNH TỰ NHIÊN VÀ MUÔN LOÀI

Phần này chúng tôi lấy tư liệu từ sách Thần Thoại, quyển số 3 của tác giả Doãn Quốc Sỹ, xuất bản bởi Sáng Tạo năm 1970. [Nguồn: dẫn]

1. Trời

Ngày xưa, trước tất cả mọi sự, đã có ông trời. Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả: trái đất, núi non, sông biển, mưa, nắng. Trời sinh ra tất cả loài người, muôn vật, cỏ cây…

Trời thấy tất cả, biết hết mọi sự xẩy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai, không ai tránh khỏi lưới trời, mọi việc đều do trời định. Do đó mà con người tin có đạo Trời, và thường nói Trời sinh Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.

Trời cũng có vợ, gọi là bà Trời, và mỗi khi hai ông bà giận dỗi nhau là lúc trời vừa mưa vừa nắng. Mỗi lúc Trời giận loài người lầm lỗi ở thế gian, thì giáng xuống thiên tai: bão táp, lụt lội, hạn hán…

Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng trời.

Từ sau khi chịu ảnh hưởng văn hóa Trung-quốc, ông Trời Việt-nam cũng được gọi là Ngọc-Hoàng cho văn vẻ.

2. Mặt trời và mặt trăng

Mặt-Trời và Mặt-Trăng là hai chị em, con của Trời. Công việc của Trời giao phó cho hai cô con gái là hàng ngày phải thay phiên nhau đi xem xét thế gian. Cô chị Mặt-Trời ngồi kiệu có bốn người khiêng đi. Bọn khiêng kiệu gồm có hai lớp già và trẻ thay phiên nhau. Gặp phải bọn khiêng kiệu già đi chậm, cô Mặt-Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra. Đến lượt bọn trẻ khiêng kiệu đi mau, cô Mặt-Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.

Cô em Mặt-Trăng tính tình nóng nảy không kém gì cô chị làm cho thiên hạ ở mặt đất suốt cả ngày đã phải chịu nóng bức vì cô chị, đến đêm lại cũng phải khó chịu vì cô em. Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt-Trăng. Từ đó cô em đổi tính ra hết sức dịu dàng, khác hẳn với cô chị, nên được người dưới trần ai cũng thích. Mỗi khi cô ngoảnh mặt nhìn xuống trần là lúc đó trăng rằm, ngoảnh lưng lại là ba mươi, ngoảnh sang phải, sang trái là trăng thượng huyền hay hạ huyền. Hôm nào trăng quầng là lúc vết tro trát mặt hiện ra.

Người ta nghe nói rằng chồng của hai nữ thần Mặt-Trời và Mặt-Trăng là một con gấu. Mỗi lần gấu đến với vợ là sinh ra nguyệt thực hay nhật thực, lúc đó người dưới trần làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để cho gấu xa ra, vì gấu đi lại với vợ, che lấp Mặt-Trời, Mặt-Trăng làm hại cho mùa màng.

3. Thần trụ trời

Thuở trời đất còn mịt mù hỗn độn, tự nhiên hiện lên một vị thần to lớn khác thường, đầu đội trời, chân đạp đất, đào đất, vác đá đắp thành một cái cột to cao để chống trời lên, mà phân chia ra trời đất. Trời như một cái vung úp, đất bằng như một cái mâm vuông, chia ra làm bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Chỗ giáp giới trời đất gọi là chân trời.

Khi đã chống trời lên cao rồi, thần phá bỏ cột trụ đi, ném tung vãi đất và đá khắp tứ phía làm thành những đồi, núi, đảo khiến mặt đất hóa ra chỗ cao chỗ thấp. Còn chỗ thần đào đất để đắp cột chống trời về sau đầy nước thành biển.

Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch-Môn thuộc về tỉnh Sơn-Tây, Bắc-Việt, cũng gọi là núi Không-Lộ (đường lên trời), hay Kình-Thiên-Trụ (cột chống trời).

Dân chúng còn có câu hát lưu hành nhắc nhở đến công việc của ông Trụ Trời vào thuở khai thiên lập địa:

Nhất ông đếm cát,Nhì ông tát bểBa ông kể sao.Bốn ông đào sôngNăm ông trồng câySáu ông xây rú.Bảy ông trụ trời.

CHÚ THÍCH: Theo giáo sư Trần-Ngọc-Ninh (bài báo đã dẫn), thì bài đồng dao trên đây là nói ông Trời hay đấng tạo hóa của người Việt đã làm ra cõi thế với bảy công trình được tuần tự thực hiện trong bảy ngày như vậy.

4. Sáng tạo vạn vật

Sau lúc dựng xong Vũ-Trụ, ông Trời bắt đầu tạo ra vạn vật. Tương truyền rằng ban đầu Trời dùng những chất cặn còn sót lại trong trời đất mà nặn ra đủ mọi giống vật, từ những con to lớn đến những con bé nhỏ như sâu bọ. Sau đó Trời mới gạn lấy chất trong để nặn ra con người. Do đó mà loài người khôn hơn các giống vật.

Về công việc nặn ra người, Trời giao cho mười hai nữ thần khéo tay mà hạ giới vẫn gọi là mười hai bà mụ. Mười hai bà mụ mỗi người làm một công việc khác nhau, bà nặn tay nặn chân, bà nặn tai, bà nặn mắt bà nặn cơ quan sinh dục, bà dạy bò dạy lật, bà dạy nói dạy cười. Vì có bà mụ đãng trí nên giống người có kẻ á nam, á nữ vì thiếu mất sinh thực khí.

Khi Sáng-Tạo ra loài người, Trời có ý định cho họ sống mãi khỏi phải chết, hễ đến già rồi thì nằm yên một nơi trong ít lâu tự nhiên lớp da ngoài thay đổi, bỏ lốt già đi mà hóa lại trẻ, trái hẳn với giống rắn, vì bản chất độc ác nên chỉ sống đúng tuổi rồi phải chết. Một vị thần được phái xuống hạ giới để thi hành việc đó không ngờ lại gặp nhằm loài rắn trước. Lũ rắn biết được sứ mạng của thần là xuống tuyên án chết cho loài chúng mới rủ nhau lại hàng vạn con xúm vây lấy sứ nhà trời, nhất quyết bắt thần phải nói lại: “Rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng”. Nếu không thì lũ rắn quyết một mất một còn với thần. Thấy lũ rắn dữ tợn chỉ chực hại mình, thiên sứ đành phải nghe lời chúng. Do đó mà loài rắn được lột xác sống mãi, còn loài người đến khi già phải chết.

Khi Trời hay tin, giận thiên thần đã làm trái với ý định của mình, mới đày xuống hạ giới làm kiếp bọ hung.

5. Tu bổ các giống vật

Sau khi đã tạo ra vạn vật và con người, Trời thấy còn có sự thiếu sót ở các giống vật, nên sai ba vị thần xuống hạ giới để bù đắp cho các giống vật nào cơ thể còn chưa được đầy đủ. Các giống vật hay tin đua nhau đến để xin thần nhà trời tu bổ cho các chỗ thiếu sót cần thiết.

Khi đã phân phối mọi vật liệu cho các giống vật vừa hết thì có con chó và con vịt cùng đến một lần xin mỗi con một cẳng thiếu, vì chó mới có ba chân, vịt chỉ mới có một từ lúc trời sinh ra. Thần hết cả vật liệu, kiếm cách từ chối song thấy hai con vật van nài quá, thần mới bẻ tạm chân ghế chắp cho chân sau con chó bị thiếu và lấy que cây chắp cho chân con vịt rồi dặn chó và vịt khi nào ngủ nhớ giơ cẳng chắp lên, chớ để xuống đất sợ hư đi. Chó và vịt lạy tạ ra về. Tuân theo lời thần dặn, từ đó lúc nào ngủ hai giống vật cũng đều co một cẳng lên trên không.

Các thần đang sửa soạn về trời, thì bỗng có mấy loại chim chiền chiện, chìa vôi, ốc cau, mỏ nhác… cùng đến một lúc kêu nài vì nỗi trời đã nặn ra chúng thiếu mất cả hai chân. Ba thần thoạt cũng từ chối, lấy cớ là đã hết vật liệu đem theo, song lũ chim một mực nài nỉ, bảo rằng vì chúng không có chân nên đến chậm, cố khẩn cầu thần giúp cho. Một vị thần thấy gần đó có bình hương mới bẻ lấy một nắm chân hương làm cho mỗi con chim một cặp chân. Thấy đôi chân mong manh quá, chim kêu lên: “Trời ơi ! trông que nhang thế này thì đậu làm sao được !” Thần bèn khuyên bảo: “Không việc gì đâu, cứ chịu khó giữ gìn một chút là được. Khi nào muốn đậu thì hãy đặt nhớm chân xuống đất xem có vững không đã rồi hãy đậu”. Do đó mà về sau các giống chim này cứ chới với nhún hai ba lần thử đặt chân trước rồi mới đậu.

6. Lúa và cỏ

Một hôm Trời ngự giữa lưng trời phán hỏi loài người muốn điều gì trước nhất. Tổ tiên chúng ta xin một ngày hai bữa cơm.

Trời bèn hóa phép cứ mỗi ngày có một hạt lúa khổng lồ lăn qua khắp các cửa nhà. Các bà chỉ việc đưa tay ra hứng là có số gạo đủ ăn trong ngày. Sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa được Trời hóa phép trở lại lớn như cũ. Người ta chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ để tiếp rước hạt ngọc của trời lăn đến cửa.

Có một người đàn bà kia tính tình lười biếng không nghe lời dặn của Trời. Khi hạt lúa lăn đến cửa không thấy chủ nhà quét dọn tiếp rước mình bèn quay sang nhà khác. Người chủ nhà tức giận cầm chổi rượt theo, đập một cái thật mạnh làm cho hạt ngọc vỡ tan từng mảnh. Loài người phải nhịn đói một thời gian, bèn đi thưa với Trời, Trời bảo rằng: “Các người không kính nể hạt ngọc của ta, từ đây các ngươi phải làm hết sức mình để cho hạt ngọc được sống dậy. Mỗi người phải đi tìm mảnh gạo vỡ của ta đem về, xới đất, tưới nước, săn sóc cho đến khi trổ bông sinh hạt. Ta sẽ giúp các ngươi làm việc, ta sẽ làm mưa và nắng…” Từ đó loài người mới bắt bầu trồng lúa.

Cũng vào lúc sinh ra lúa, Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật. Ban đầu thần gieo tất cả giống cỏ ở trong tay trái. Cỏ mọc rất nhanh, lan tràn rất mạnh qua đêm, đến nỗi hôm sau Thần chỉ mới gieo hết một số hạt giống lúa ở trong tay phải thì không còn một khoảng đất nào để gieo nữa. Thần đành đem nửa số hạt giống lúa về trời. Do đó mà ở trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khỏe còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón làm cỏ thì bị cỏ át mất.

Khi biết rõ việc ấy Trời liền nổi giận đày thần xuống trần hóa làm con trâu, ăn cỏ đời này qua đời khác và phải kéo cày cho loài người trồng lúa. Trời đặt ra một vị thần để trông nom về lúa. Thần Lúa là một cụ già râu tóc bạc phơ, thường hay chống gậy đi đó đây.

7. Thần sét

Trong số các thần nhà trời, Thần Sét là một vị hung dữ, mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội mình mảy đen thui chỉ vận một cái khố, lưng đeo trống, tay cầm một lưỡi búa đá, Thần Sét chuyên thi hành lệnh Trời đã xử công việc ở trần gian theo luật thiên đình. Hành động của Thần biểu lộ sự thịnh nộ của Trời. Theo lệnh Trời, Thần Sét xử phạt những người làm tội ác có hại đến nhân mạng mà khéo che đậy, hoặc luật pháp trần gian không xét xử tới. Thần Sét cũng đánh những ma quỷ, loài vật, cây cỏ tu luyện thành tinh rồi tìm cách hãm hại người trần…

Mỗi lần xử án, Thần Sét thường đánh trống đeo bên mình làm thành tiếng sấm (cho nên người ta cũng gọi Thần Sét là ông Sấm), rồi thần tự trên trời nhảy xuống tận nơi trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân và bổ ngay búa vào. Có khi thần bỏ luôn lưỡi búa đã đánh tội nhân vì bận việc phải đi một nơi do đó thỉnh thoảng người ta nhặt được lưỡi tầm sét của Thần Sét quẳng lại trên mặt đất.

Thần Sét thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng hai, tháng ba mới thức dậy đi làm việc.

Tính tình Thần Sét cực kỳ nóng nảy, hễ được lệnh trời sai là đi ngay, hễ thấy là đánh liền cho cho nên cũng có lúc đánh lầm làm cho người, vật chết oan. Vì thế mà Thần Sét có lần bị Trời phạt vì đánh lầm người vô tội, nằm yên không được cựa quậy ở một góc rừng trên trời. Con gà thần của Trời thỉnh thoảng lại đến mổ một cái đau điếng mà Thần Sét đành phải nằm im. Cho nên sau khi được tha rồi, Thần Sét phải thói quen hễ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Do đó mà mỗi lần có sấm chớm, sợ Thần Sét xuống, người ta thường bắt chước tiếng gà để dọa Thần Sét tránh đi nơi khác.

8. Thần mưa

Thần Mưa là thần hình rồng, thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cầy cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước cho các nơi. Thần Mưa có tính hay quên có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán, có vùng lại đến luôn làm thành lụt lội. Do đó mà có lần ở hạ giới cóc phải lên kiện Trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày quá.

Công việc phân phối nước khắp mặt đất rất là nặng nề một mình Thần Mưa có khi không làm hết nên có lần Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở nên thành rồng hút nước phun mưa giúp sức Thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ-môn) thuộc Hà-tĩnh ngày nay. Do đó mà trong dân giân đã có câu hát về việc cá gáy hóa rồng:

Mồng ba cá đi ăn thề,Mồng bốn cá về cá vượt Vũ-môn.

9. Thần gió

Thần Gió là một vị thần không đầu có một cái quạt thần để theo lệnh trời mà làm ra gió hay bão ở thế gian. Thần Gió thường hợp sức với Thần Mưa, hoặc Thần Sét. Cũng như Thần Sét, Thần Gió biểu lộ sự giận dữ của trời đối với loài người bằng cách gây nên bão táp để trừng phạt.

Mỗi lúc đồng bằng đang yên tĩnh tự nhiên bỗng nổi lên một trận gió xoáy, đó là lúc Thần Gió đi chơi người, ta gọi là Thần Cụt Đầu.

10. Thần đất

Thần Đất trông nom khắp mặt đất, thường hiện dưới hình một cụ già to béo, biết hết mọi việc ở trần gian, cứ đến bảy ngày cuối năm là lên thượng giới để chầu Trời, cũng như Thần Bếp. Trong mấy ngày Thần vắng mặt, mặt đất ngừng hoạt động, đến ba mươi tháng chạp Thần trở về muôn vật bừng tỉnh dậy. Cũng trong khoảng đó người ta không dám động vào đất của Thần, phải đợi đến mùng hai đầu năm sau khi làm lễ động thổ cúng Thần Đất rồi người ta mới lại đào xới đến đất, hoặc cày bừa.

11.Thần núi

Thần Núi có nhiều tên như ông Chon-Von, ông Cao-Các, hoặc là Cao-Sơn Đại-Vương hay đức Thượng-Ngàn. Cũng như mỗi vùng có một ông thổ địa, mỗi núi cũng có một vị sơn thần. Thần thường hiện hình thành một ông già râu tóc bạc phơ, cai quản mọi cây cối thú vật thuộc vùng núi non của Thần.

12.Thần biển

Có sự tích kể thần Biển đội lốt một con rùa khổng lồ, ở ngoài khơi biển Đông, thường chỉ có công việc thở nước ra và hít nước vào để làm mức thủy triều lên xuống, ngày ngày qua ngày khác. Thỉnh thoảng thần làm sóng to nước lớn, ấy là những lúc biển động, có những ngọn sóng cao như núi mà người miền biển vẫn gọi là sóng thần.

Cũng có sự tích rất cảm động kể rằng trước khi làm thần Biển, nữ thần này là một thiếu nữ ở trên đảo, nổi tiếng về thương yêu anh em. Nàng có bốn người anh em đều là người chài lưới, quanh năm sống trên thuyền ở ngoài biển cả.

Một hôm trong lúc bốn người anh em đi biển, cô gái tự nhiên chết giấc rất lâu. Người chung quanh tưởng là cô bị ngộ gió chết mới đổ thuốc cho tỉnh lại. Nhưng khi sống lại, cô trách sao lại gọi mình tỉnh dậy quá sớm. Sau đó, ba người anh kể lại rằng trong lúc đi biển họ gặp phải một con bão lớn dữ dội, được cô em hiện hồn lên cứu họ thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Người anh thứ tư đi trên một chiếc thuyền khác mất tích luôn không thấy trở về, chỉ vì cô gái đã bị gọi khỏi cơn đồng thiếp trước khi cứu được anh.

Sau việc lạ lùng đó ít lâu thì cô gái chết. Cô từng hiện ra nhiều lần cứu các thủy thủ bị nạn hoặc giúp bắt bọn cướp biển, cùng làm mưa cứu mùa màng bị hạn nắng. Ngọc-Hoàng thấy thế mới phong cô làm Thần Biển.

Người ta hình dung Thần là một người con gái ngồi trên đầu ngọn sóng, đầu đội mũ triều thiêu, tay cầm hốt ngọc.

C. TRUYỀN THUYẾT VỀ HỌ HỒNG BÀNG VÀ THỜI HÙNG VƯƠNG

Các truyện này được ghi đầy đủ trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, bản dịch của Gs Lê Hữu Mục, được xuất bản bởi nhà sách Khai Trí năm 1960. Các truyền thuyết này thể hiện rất đầy đủ nguồn gốc của người Việt theo các nghiên cứu di truyền học và khảo cổ học, bạn đọc có thể theo dõi và tìm hiểu thêm về huyền sử Hồng Bàng và các truyền thuyết thời Hùng Vương tại đây. [Dẫn]

1.Truyện Hồng Bàng

Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.

Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Lọng Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty, có luân thường về phụ tử phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta”, (Người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là từ đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân đã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về. Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

– Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.

Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tư mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng. Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Đu, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất. Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân:

– Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.

Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp hai mẹ con ở Tương Dạ; Âu Cơ nói:

– Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò võ.

Long Quân bảo:

– Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

Dân ở rừng núi xuống sông ngồi đánh đá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:

– Núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.

Bèn khiến lấy mực chạm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân [36] của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy. Ban đầu, quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy: đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm; gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu dê làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới thương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.

Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.

2.Truyện Ngư Tinh

Trong biển Đông Hải có loài Ngư tinh, mình dài hơn năm mươi trượng, có nhiều chân giống như chân rết, biến hóa vô cùng, linh dị khó dò được; mỗi khi đi đâu thì nổi cơn mưa gió, hay ăn thịt người, ai cũng đều sợ hãi.

Thời thượng cổ có loài cá mặt giống như mặt người, thường đi chơi trên bờ Đông Hải, hóa thành hình người, ngôn ngữ thông hoạt dần dần sinh lớn ra người trai gái, lấy cá tôm, hến ốc làm vật ăn; lại có giống người mọi sinh ở hải đảo lấy sự bắt người làm sinh nhai, cũng thành ra người, cùng với đàn ông đổi chác các phẩm vật như muối gạo, áo quần, dao búa, thường qua lại ở biển Đông Hải; trong có núi Ngư Tinh, miệng, răng nhô ra ngoài bờ biển; ở dưới núi có một chiếc hang lớn, đó là nơi cư trú của Ngư Tinh; thuyền nhân dân qua lại phần nhiều bị hại; phong ba hiểm yếu, họ không có đàng nào mà tránh; muốn mở một lối đi ngả khác thì họ lại gặp cát đá không thể nào đào được.

Một đêm kia, có tiên xuống moi đá làm kênh cho sự thông hành của loài người được tiện lợi; kênh sắp được đào xong thì Ngư Tinh hóa ra một con gà trắng gáy ở trên núi; quần tiên nghe thấy ngỡ là trời gần sáng nên đều tự nhiên bay đi hết, nay gọi là đường Phật.

Đào Kinh Long thương dân bị hại mới làm một con thuyền lớn, ra lệnh cho Thủy Dạ Xoa cấm thần biển không được làm gió sóng, chèo thuyền đến núi Ngư Tinh, giả đem một người đến cho Ngư Tinh ăn; Ngư Tinh há miệng toan nuốt thì liền có một khối sắt nướng đỏ liệng vào trong miệng; Ngư Tinh vùng vẫy nhảy đến đánh thuyền; Long Quân chém được khúc đuôi, lột da treo lên trên núi, nay gọi là Bạch Long Vỹ; khúc đầu trôi ra ngoài biển, hóa ra chó mà chạy mất; Long Quân lấy đá lấp biển thì chém được, nó bèn hóa ra đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu; khúc mình trôi vào Man Cầu, nay gọi là Cẩu Man Cầu là bởi đó vậy.

3.Truyện Hồ Tinh

Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời Thượng cổ đã có người ở rồi. Đến đời vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở bến sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh thành ngày nay vậy.

Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân gian. Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở; trên núi có một vị thần được người mọi phụng thờ. Vị thần ấy dạy cho người mọi cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là Bạch y man. Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát, dụ dỗ được người con trai con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ sở về việc ấy. Long Quân mới sai bộ hạ Thủy phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu Thạch Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi Hồ Trạch (nay là hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên Niên quán); bờ phía Tây bên đầm thì đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cày cấy, gọi là Lỗ Hồ Động. Chỗ nào cao ráo thì đều có dân cư, tục gọi là Hồ thôn. Còn cái hang nay gọi là Lỗ Hồ Đàm vậy.

4.Truyện Mộc Tinh

Thuộc địa giới Phong Châu, về đời thượng cổ có một cây đại thụ tên là Chiên Đàn, thân cao nghìn tầng, cành lá sum sê không biết mấy nghìn dặm, có chim thước làm ổ ở trên cây nên chỗ đất ấy đặt tên là Bạch Hạc. Cây Chiên Đàn trải qua không biết mấy nghìn năm đến khi khô hủ thì hóa làm yêu tinh, biến hiện dũng mãnh, hay thương sót nhân dân.

Kinh Dương Vương dùng thần thuật thắng được yêu tinh, nhưng yêu tinh nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, biến hóa bất trắc, thường ăn người sống, dân phải lập đền thờ mà cầu đảo. Mỗi năm đến ngày ba mươi tháng Chạp dùng một người sống làm lễ tế thì con tinh ấy mới chịu thôi, mà nhân dân cũng được yên ổn, tương truyền với nhau là Thần Xương Cuồng. Địa giới phía Tây nam gần nước Mi Hầu, người trong nước khiến Bà Lộ Man (nay là Phủ Diễn Châu) cướp lấy một người Lào nạp làm lễ tế, năm nào cũng lệ thường như vậy. Kịp đến khi Tần Thủy Hoàng sai Nhâm Ngao sang làm quan Lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao đổi cái lệ đó, cấm không được đem người sống mà tế. Than giận, thần giết đi, từ đó về sau sự tế thần lại càng kính cẩn. Đến đời Đinh Tiên Hoàng, có một Pháp sư tên là Dũ Văn Mâu người Tàu, tu hành chín chắn, tuổi hơn bốn mươi, đã chu du các nước, thông hiểu nhiều ngôn ngữ, tập được phép nanh vàng răng đồng, khi sang đến nước ta thì đã tám mươi tuổi; Tiên Hoàng lấy lễ thường mà đãi đằng. Dũ Văn Mâu dạy lấy kỹ thuật phỉnh thần Xương Cuồng rồi giết đi. Phép ấy gọi là: Thượng kỵ, Thượng can, Thượng thát, Thượng toái, Thượng câu, Thượng hiểm, hoặc làm người ngã ngựa, hoặc làm đứa con hát, mỗi năm đến tháng mười một, làm một cái Phi lâu cao mười hai trượng, giữa trong một cây cọc, rồi lấy gai đánh một sợi dây lớn, dài một trăm ba mươi sáu trượng ba thước, lấy mây chẻ nhỏ vấn ra ngoài, hai đầu mối dây chôn cứng dưới đất, đoạn giữa gác lên trên cọc, Thượng kỵ là đạp trên dây, đi mau hai ba dạo mà không ngã, đầu bịt khăn đen mình mặc quần đen. Thượng can là lấy sợi dây dài một trăm năm mươi trượng, có ba ngả, hai người cầm cờ đi lên trên sợi dây, hễ gặp nhau ở ngã ba thì tránh đi, lên xuống không ngã. Hoặc làm phép Thượng thát là lấy cây gỗ lớn vuông vắn một thước ba tấc, bề dày bảy phân, đặt lên trên một cây cao mười bảy thước, Thượng thát ở trên bay nhảy hai ba lần, tới lui nghiêng ngửa. Hoặc làm phép Thượng toái là lấy tre đan một cái lồng hình như nơm cá, dài ba thước, chu vi bốn thước, Thượng toái gieo mình vào trong, đứng dậy mà không ngã. Hoặc làm phép Lạc mã là người cỡi trên ngựa cho ngựa phi, rồi cúi mình xuống lấy vật để trên mặt đất mà không ngã. Hoặc làm pháp Thượng can, Thượng hiểm là một người nằm ngửa, lấy chân đỡ cái sào dài, khiến đứa trẻ leo lên. Hoặc làm phép Xướng nghi là hội trẻ nhỏ lại đánh chiêng trống, rồi ca vũ ngâm xướng ồn ào huyên náo và giết sinh vật để tế thần. Thần tinh đến ăn và xem các trò; Pháp sư niệm bí chú, tuốt gươm chém đi. Thần Xương Cuồng và tất cả bộ hạ đều bị giết hết.

Từ đó miễn được cái họa dâng người hằng năm, mà sinh hoạt của nhân dân được bảo toàn vậy.

5.Truyện trầu cau

Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trạng mạo cao lớn, Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang, học với thầy Đạo sĩ họ Lưu.

Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em. Thấy người em nhường cho người anh ăn trước, nàng bèn ghi nhớ lấy, đem tình thực trình bày với cha mẹ. Cha mẹ gả cho người anh kết làm vợ chồng, tình ái càng ngày càng thân mật.

Sau đấy, người em thấy anh đãi xử với mình không bằng lúc xưa, đem lòng hờn giận mới bỏ anh mà đi. Đi đến một nơi thôn dã bỗng gặp một cái suối lớn; không có thuyền để sang ngang, người em ngồi một mình khóc ròng rồi chết hóa thành một cái cây. Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm thì thấy em đã chết bèn gieo mình bên gốc cây, mà tự tận hóa thành một tảng đá quẩn quanh gốc cây. Sau đấy, người vợ lấy làm lạ sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về liền bỏ đi tìm, thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hóa ra một sợi dây leo vấn vít trên đá, ngọn lá mùi thơm và cay. Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.

Trong khoảng tháng Bảy, tháng Tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đây để tránh nắng. Trông thấy trước đền im mát, dây lá phủ trùm, Vương lên tảng đá đứng ngắm nghía, hỏi ra mới biết công việc như thế, Vương lập tức bảo cận thần hái một trái cây và hái một lá dây leo, Vương thân nhai đi rồi nhổ trên đá, thấy có sắc đỏ tươi biết là vị ngon mới lấy đem về, bảo lấy đá lửa nung đá làm vôi, cùng với trai cây, lá dây hợp làm một mà ăn, thấy vị ngọt béo, thơm cay, môi mép sinh đỏ, mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này làm trước. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy.

6.Truyện đầm Nhất Dạ

Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng Hai, tháng Ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.

Lúc bấy giờ Chử Xá Lang có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

– Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, lạnh đói khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buôn đi qua, đứng vào giữa nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn tránh vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chồm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm. Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:

– Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này ở trong huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.

Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có. Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Tiên Dung nói:

– Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối?

Những người tháp tùng đem việc ấy lâu lên với Hùng Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:

– Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá với người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa; từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nước nữa.

Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố sá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ; có một nhà đại thương đến nói với Tiên Dung rằng:

– Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mà mua vật quý, sang năm sẽ lời được một thoi.

Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:

– Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai.

Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để chở Đồng Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:

– Linh thông tại đây dó.

Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày, ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.

Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ. Tiên Dung cười rằng:

– Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun giủi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.

Lúc bấy giờ những người mới tập hợp sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung. Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian trông không thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị. Sau đến đời Nam Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục suất chúng tàng ẩn ở trong đầm, cái đầm ấy sâu rộng bùn lầy, khó bề tiến lui; Quang Phục cỡi chiếc thuyền độc mộc qua lại cho tiện, thường nhân đêm tối, cỡi thuyền độc mộc mà đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế trì cửu cho giặc kiệt quệ. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá Tiên than rằng:

– Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.

Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tiên về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.

Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:

– Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thánh cầu đảo, ta đến giúp để bình loạn tạc.

Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đầu đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời; Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn.

7.Truyện Đổng Thiên Vương

Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ, Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.

Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ dâng lời nói rằng:

– Không gì bằng cầu Long quân để nhờ âm phù.

Hùng Vương nghe theo mới đắp đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì trời cảm sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười ca múa; người ta trông thấy, ngờ là người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn; ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.

Hùng Vương đến trước hỏi rằng:

– Nay binh nhà Ân sắp sang đánh, hơn thua ra sao, nếu có kiến thức gì xin bày cáo cho.

Ông già giây lát mò thẻ ra bói, thưa với vua rằng:

– Sau ba năm giặc mới qua đánh.

Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông già đáp rằng:

– Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.

Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân.

Vừa đúng ba năm, biên binh cáo cấp có quân Ân sang, Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.

Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giàu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe Sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:

– Sinh được thằng nay thì chỉ biết ăn uống chớ không biềt đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm.

Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng:

– Mẹ hãy gọi Sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.

Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ bảo với xóm làng:

– Con tôi đã biết nói.

Xóm giềng cũng lấy làm lạ mới rước Sứ giả về nhà; Sứ giả hỏi rằng:

– Mầy là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?

Đứa trẻ mới ngồi dạy bảo sứ giả rằng:

– Lập tức về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt dài bảy thước, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà lo.

Sứ giả chạy về trình cáo với vua. Vua mừng bảo rằng:

– Thế thì ta không lo gì vậy.

Quần thần đều tâu:

– Một người đánh giặc làm sao mà phá nổi?

Vua nói:

– Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là nói không, các ngươi không nên ngờ.

Rồi sai tìm sắt cho được mười cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt; Sứ giả đem tất cả đến; bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến cho mình, lo sợ hỏi con.

Đứa trẻ cả cười nói rằng:

– Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ dừng lo sợ.

Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hằng ngày bà mẹ cung cấp không đủ; hàng xóm nấu thêm cơm; làm thịt trâu, rượu, bánh, trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều phải lấy thêm hoa cây lô mà che nữa.

Đến khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi mà nhẩy, nhẩy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:

– Ta là Thiên tướng đây!

Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân Ân cả vỡ, trở giáo chạy lùi, Ân Vương chết ở Trâu Sơn, còn dư đảng thì la liệt sụp lạy và hô rằng:

– Thiên tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng.

Đứa trẻ đi đến núi Việt Sóc mới cởi áo mặc rồi cỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi.

Hùng Vương, nhớ đến công lao, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn nhà làng ấy, cho ruộng một trăm khoảnh để làm lễ hưởng tế xuân thu.

Đời nhà Ân hai mươi bảy vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa.

Man di bốn phương nghe được như vậy cũng đều thần phục, về phụ với Vương. Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu tại làng Phù Đổng (nay ở huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có lễ tế vậy.

Có bài thơ rằng:

Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn.Muôn tía nghìn hồng chói thế gian.Ngựa sắt ở trời, danh ở sử.Uy linh lừng lẫy khắp giang san.

8.Truyện bánh chưng

Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị Công tử lại mà bảo rằng:

– Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân am mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.

Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liệu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.

Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:

– Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.

Lang Liệu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.

Lang Liệu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ thì đem vút đi, để cho ráo rồi lấy lá chuối gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nắn làm hình tròn để tượng hình trời, gọi là bánh dày,

Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang Liệu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liệu. Lang Liệu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liệu được giải nhất.

Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liệu để gọi là Tiết Liệu.

Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liệu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.

Về sau, họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thủy từ đấy vậy.

9.Truyện dưa hấu

Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.

Vương đặt tên là Yển, tên chữ là An Tiêm và cho một người thiếp, sinh được một trai, Vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quý, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:

– Của cải này là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.

Hùng Vương nghe được, cả giận nói rằng.

– Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền thần của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?

Bèn đày Mai Yển ra ngoài bãi cát cửa biển Nga Sơn, tứ phía không có dấu chân người đi đến, chỉ để cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì sống được.

Tiêm nói:

– Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?

Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng Tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.

An Tiêm mừng rỡ nói:

– Đây đâu phải là quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.

Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm tho ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn; rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đem đến nên đặt tên là Tây qua.

Nhưng khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt, bắt chước trong tỉa khắp bốn phương; dân gian suy tôn An Tiêm làm “Tây qua phụ mẫu”.

Lâu ngày, Vương nhớ đến An Tiêm, sai người đến chỗ An Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay không.

Người ấy về tâu lại với Vương. Vương than thở hồi lâu mới nói rằng:

– Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy.

Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tỳ thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là “An Tiêm Sa Châu”; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là khởi đầu từ An Tiêm vậy.

Lang Linh tổng hợp. Hình minh họa: Họa sĩ Phuoc Quan, trang cá nhân.