Những câu chuyện thần thoại Việt Nam ý nghĩa

Truyện thần thoại là hình thức sáng tác của con người thời đại xa xưa, nó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lý giải vũ trụ và chinh phục thế giới tự nhiên của con người. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt nên các truyện thần thoại Việt Nam vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến cho các độc giả những câu chuyện thần thoại Việt Nam đầy ý nghĩa.

1. Thần Trụ Trời

“Thần Trụ Trời” là truyện thần thoại được lưu truyền khá sớm trong dân gian Việt Nam, giải thích sự hình thành trời đất tự nhiên có cả biển, hồ, sông, núi…

Truyện kể rằng thuở ấy, chưa có thế gian, cũng chưa sinh ra muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo. Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện, chân thần cao không thể tả xiết. Thần lủi thủi một mình, hì hục vừa đào vừa đập, chẳng bao lâu, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù tịt. Từ đó, trời đất mới phân đôi, đất phẳng như cái măm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ đất trời giáp nhau gọi là chân trời. Sau khi trời đã cao, đất đã cứng, Thần phá tan cột lấy đá ném đi, biến thành một hòn núi hay một hòn đảo. Còn chỗ Thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng.

2. Sự tích cây lúa

Nữ thần Lúa là con gái Ngọc hoàng, nàng là một cô gái xinh đẹp, dáng người ẻo lả và có tính tình hay hờn dỗi. Sau những trận lũ lụt ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con để cái trên mặt đất và sai Nữ thần Lúa xuống trần gian để nuôi sống con người. Khi giáng trần, nàng đã làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mấy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần phải gặt và không phải phơi gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm.

Sự tích cây lúa

Trong một lần dẫn các bông lúa vào sân, Nữ thần Lúa bị một cô gái phang chổi vào đầu, nên nàng giận dỗi. Từ đó, nhất định không cho lúa bò về, và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, người trần gian phải tự làm hết tất cả, và sự hờn dỗi lên đến đỉnh điểm là Nữ thần cấm bông lúa nảy nở. Vì thế sau này mỗi lần gặt xong là người trần gian phải làm lễ cúng cơm mới hay còn gọi là cúng hồn Lúa. “Sự tích cây Lúa” là truyện thần thoại Việt Nam, ngoài việc lí giải về sự ra đời của cây Lúa, câu chuyện còn giải thích phong tục cúng nữ thần Lúa ở một số nơi.

3. Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng

Truyện kể rằng Mặt Trời và Mặt Trăng là hai chị em, con của Trời. Công việc được giao phó hàng ngày là phải thay phiên nhau đi xem xét thế gian. Gặp phải bọn khiêng kiệu già đi chậm, cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra.

Đến lượt bọn trẻ khiêng kiệu đi mau, cô Mặt trời được chóng công việc về sớm thì ngày lại ngắn. Cô em Mặt Trăng tính tình nóng nảy không kém gì chị, đến đêm con người cũng phải khó chịu vì cô em. Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng. Từ đó, tính tình của cô thay đổi hết sức dịu dàng nên được người dưới trần ai cũng thích. Mỗi khi cô ngoảnh mặt nhìn xuống là lúc đó trăng rằm, ngoảnh lưng lại là ba mươi, ngoảnh sang phải, sang trái là trăng thượng huyền hay hạ huyền. Hôm nào trăng quầng là lúc vết tro trát mặt hiện ra.

4. Sự tích con rồng cháu tiên

Sự tích con rồng cháu tiên

Lạc Long Quân và Âu Cơ ở với nhau, cách một năm sinh được một bọc trứng, cho là điềm không hay nên bỏ ra ngoài đồng nội. Hơn bảy ngày, trong bọc trăm trứng nở ra trăm con trai. Âu Cơ đem về nuôi nấng, lũ trẻ chóng lớn, khỏe mạnh, trí dũng hơn người. Long Quân thường ở Thủy Phủ để Âu Cơ cùng các con trong cung điện trên đất. Một ngày nọ, Lạc Long Quân nhận ra người và Âu Cơ thủy hỏa khác nhau, người thuộc giống rồng ưa ở nước, người là giống tiên thích ở cạn, tính tình đôi bên khác nhau, không thể ở cùng với nhau một nơi lâu được. Nên Lạc Long quân ngỏ ý một nửa các con theo người, một nửa các con theo Âu Cơ. Sau này, có nguy khố gian nan thì gọi nhau ứng cứu. Từ đó, những người được sinh ra trong bọc trăm trứng được gọi là con rồng cháu tiên, theo dân giân thì đó chính là ông bà tổ tiên của loài người chúng ta.

5. Mười hai bà mụ

Về việc nặn ra giống người, Ngọc Hoàng khoán trắng cho mười hai nữ thần khéo tay mà sau này chúng ta thường gọi là mười hai Bà mụ. Sự tích của mười hai vị nữ thần ấy hiện nay chúng ta chỉ còn biết một cách khái quát. Có thuyết nói đó là những thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ úc ông ta mới có ý định sáng tạo ra loài người. Nhưng cũng có thuyết lại cho đó là những thần được Ngọc Hoàng giao phó cho trách nhiệm sau khi ông ta đã tạo ra đủ số lượng người và vật ở hạ giới.

Lại có thuyết cho rằng mười hai nữ thần đó mỗi người giữ một công việc riêng: người nắn về tai, người nắn về mắt, người về tứ chi, người về sinh thực khí, người dạy nói, cười,…Nhưng cũng có nhiều người thì lại cho rằng công việc của mười hai nữ thần không phân biệt, họ làm việc tập thể mà không phân công. Các nữ thần đó không có trách nhiệm gì về thọ yểu của người mà mình chế tạo ra, mỗi một khuyết điểm đều do cả mười hai nữ thần chịu chung.

Truyện thần thoại Việt Nam đã kể lại sự tích các vị thần sáng tạo ra thế giới tự nhiên và văn hóa, phản ánh nhận thức, cách hình dung của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người. Nếu bạn muốn tìm hiểu về thần thoại Việt Nam nhiều hơn thì có thể tham khảo qua các truyện thần thoại Việt Nam được giới thiệu trong bài viết.