Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng: Chìa khóa phát triển du lịch bền vững

Khu vực Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái. Năm 2010, các tỉnh Tây Bắc có chương trình hợp tác phát triển du lịch cùng với tỉnh Phú Thọ, Hà Giang nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực; trong đó, tập trung liên kết trên 4 lĩnh vực: cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm; xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực.

Sau 10 năm triển khai, du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã có những bước chuyển, các chỉ tiêu về khách du lịch, thu nhập du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch, mức đóng góp trong cơ cấu kinh tế… trong khu vực năm sau đều cao hơn năm trước.

Các tỉnh đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Sơn La với Lễ hội Trà Mộc Châu, Lễ hội Xoài Yên Châu; Lào Cai với sản phẩm du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”, “Lễ hội Hoa đỗ quyên” tổ chức trên khu vực cáp treo Fansipan; Điện Biên với sản phẩm du lịch quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, Lễ hội thành Bản Phủ…

Sản phẩm du lịch của Yên Bái cũng dần tạo được ấn tượng đối với du khách như: Chương trình khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay giữa mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”…

Tỉnh Yên Bái tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại Lễ hội Hoa ban Điện Biên – sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng du lịch của Tây Bắc chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất của vùng, sức cạnh tranh kém so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Bởi vậy, bên cạnh việc liên kết nội vùng, một trong những giải pháp đặt ra cho các tỉnh Tây Bắc rất cần liên kết hợp tác phát triển du lịch với những địa phương trọng điểm là trung tâm du lịch của cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh, kêu gọi các nguồn lực đầu tư và thu hút du khách đến với khu vực Tây Bắc.

Năm 2020, tại tỉnh Phú Thọ, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch và ký kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong hoạt động du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương đáp ứng nhu cầu trao đổi, mở rộng thị trường thu hút đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp trong từng giai đoạn.

Tỉnh Yên Bái và các địa phương vùng Tây Bắc cùng với thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, các tỉnh, thành phố trong Chương trình liên kết đã lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng mới để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào Chương trình liên kết hợp tác. Trong đó, các tỉnh, thành phố đã phối hợp tăng cường cung cấp trao đổi thông tin về du lịch giữa các tỉnh, định kỳ chia sẻ báo cáo tình hình phát triển du lịch địa phương.

Nhằm đẩy mạnh quảng bá, thông tin, tuyên truyền về các hoạt động liên kết phát triển du lịch của nhóm, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, sản phẩm đặc thù các địa phương trên không gian mạng, các nền tảng mạng xã hội với hệ thống các trang thông tin điện tử thuộc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các sở văn hóa – thể thao và du lịch 8 tỉnh Tây Bắc.

Các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch của thành phố Hồ Chí Minh về sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam như: du lịch biên giới, văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, làng nghề, du lịch đường thủy…

Kết nối các cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn để đa dạng hóa lựa chọn của khách du lịch; hỗ trợ liên kết trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP 8 tỉnh đến thị trường thành phố Hồ Chí Minh thông qua chuỗi cung ứng tại các khu, điểm du lịch. Ngoài ra, tổ chức Chương trình khảo sát sản phẩm tour liên kết từ thành phố Hồ Chí Minh tới vùng Tây Bắc và tỉnh Hà Giang cho 60 đơn vị lữ hành, cơ quan truyền thông với nhiều chuyên đề.

Đối với tỉnh Lai Châu đã tổ chức Chương trình tour caravan với chủ đề “Hành trình về với vùng xanh” và phát động phong trào “Người Lai Châu đi du lịch Lai Châu”; tham gia “Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực”; “Chương trình Famtrip chinh phục đỉnh Putaleng”…

Tại tỉnh Yên Bái, tổ chức khảo sát xây dựng 2 tour du lịch mạo hiểm leo núi Tà Chì Nhù và Tà Xùa tại huyện Trạm Tấu; thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, theo hướng giảm giá từ 10-50% các dịch vụ du lịch.

Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình hợp tác giữa các tỉnh, tuy lượng khách quốc tế trong năm 2020 giảm sút mạnh nhưng các tỉnh, thành phố vẫn đón được trên 22 triệu lượt khách du lịch, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch ngành du lịch và các địa phương đã đề ra.

Năm 2022, Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối với các địa phương; phối hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp. Công tác xúc tiến quảng bá được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo được hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch và kết nối giữa doanh nghiệp du lịch và các địa phương.

Ngoài ra, các sự kiện kích cầu du lịch được triển khai rộng khắp tại các tỉnh trong khu vực và sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 24/9 tại thị xã Nghĩa Lộ là điểm nhấn du lịch của tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…

Sự kiện này được tổ chức với mục đích quảng bá hình ảnh, tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc vùng Tây Bắc, đẩy mạnh phát triển sản phẩm văn hóa du lịch, hàng thủ công, sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, thu hút du khách đến tham quan, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo, giàu bản sắc, mang tầm khu vực và quốc tế.

Tại đây, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, du lịch phong phú, khác biệt, kết nối du khách đến với Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc, làm nổi bật những nét đặc trưng của Yên Bái, tạo sự đổi mới để thúc đẩy du lịch phát triển, liên kết du lịch với các vùng thu hút du khách trong, ngoài nước đến với Yên Bái, đến với Tây Bắc.

Có thể nói, liên kết các địa phương trong phát triển du lịch là xu thế phát triển hiện nay và hết sức cần thiết. Các địa phương vùng Tây Bắc, nhất là Yên Bái đã đề ra những giải pháp mang tính chiến lược, hướng đến phát triển tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô vùng nhằm tạo ra được sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh, góp phần định vị du lịch vùng Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng đối với du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.