Lưu ngay các thể loại tạo hình ở trường mầm non hàng đầu 2023

CÁ NHÂN – NHÓM – TẬP THỂ TRONG HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TẠO HÌNH CHO TRẺ MẦM NON

Huỳnh Văn Sơn

Thạc sĩ Tâm lí học

Trường Trung học sư phạm mầm non thành phố Hồ Chí Minh

Hoạt động tạo hình

Hoạt động tạo hình

Hoạt động cá nhân, nhóm nhỏ và tập thể trong quá trình giáo dục là một trong những vấn đề được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Việc áp dụng ba cách tổ chức hoạt động này thực sự phù hợp ở trường mầm non.

Hoạt động Tạo hình là một dạng hoạt động nghệ thuật nhằm giúp trẻ nhận biết và phản ánh thế giới xung quanh thông qua những hình tượng nghệ thuật nhưng chỉ dừng lại ở mức độ nhằm thỏa mãn nhu cầu, ý thích và phù hợp với khả năng của trẻ. Hoạt động này là một dạng hoạt động có sản phẩm đặc trưng của trẻ mầm non. Có bốn dạng hoạt động cơ bản sau: Vẽ, Nặn, Cắt – xé – dán – Lắp ghép xây dựng.

Theo hướng đổi mới phương pháp giáo dục mầm non và phương pháp đổi mới hoạt động tạo hình ở trường mầm non thì việc phối hợp ba hình thức tổ chức hoạt động trên được vận dụng rất nhiều và đòi hỏi phải thật sự nhuần nhuyễn.

Đầu tiên, cần hiểu một cách khái quát về ba cách tổ chức hoạt động này:

Hoạt động cá nhân: Đây là dạng hoạt động nhằm giúp trẻ hình thành những kiến thức và kĩ năng cụ thể nhất định. Hoạt đông này chủ yếu được tổ chức trong mối quan hệ giữa cô với từng trẻ hay giữa trẻ với đồ vật – sản phẩm.

Hoạt động nhóm: Là dạng hoạt động được dùng để dạy cho trẻ các kiến thức mới, các hoạt động lẫn nhau giữa các đứa trẻ nhằm hình thành mối quan hệ giữa người với người đặc biệt phù hợp để trẻ cùng tranh luận, sáng tạo và hiểu nhau hơn.

Hoạt động tập thể: Là dạng hoạt động tổ chức cho cả lớp hay đa số trẻ trong lớp chủ yếu là cùng nghe thông tin hay cùng trải nghiệm một hoạt động và cảm xúc.

Thực trạng việc lựa chọn và phối hợp này trong khi tổ chức cho trẻ tạo hình lại còn rất nghèo nàn và phiến diện nếu như không nói là chưa chú trọng đến đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Thực vậy, với những hình thức tổ chức tạo hình đơn điệu như trong thời gian qua vô tình giáo viên mầm non đã đánh mất tính nhẹ nhàng của loại hình nghệ thuật này với trẻ mầm non mà thay vào đó là sự sự áp đặt một hình thức cứng nhắc và những thiếu sót gây ra không phải là đơn giản:

  1. Cá nhân mỗi đứa trẻ hoạt động rất riêng lẽ, đơn độc, thiếu sự phối hợp và kết hợp với nhau trong khi tạo hình
  2. Trẻ chưa được giao tiếp một cách thoải mái, chưa được sử dụng ngôn ngữ của cá nhân mình cũng như chưa được thể hiện thể hiện sở thích và ý tưởng mà chỉ thụ động nói theo yêu cầu của cô khi tham gia hoạt động tạo hình
  3. Trẻ chỉ được học và làm dưới một hình thức đồng laọt mà chưa được phát huy “ cá nhân” mình, chưa được kích thích để thể hiện kinh nghiệm, ấn tượng và cảm xúc của riêng mình
  4. Trẻ chưa được hoạt động phối hợp để tạo ra các sản phẩm chung của cả nhóm
  5. Trẻ chưa được tranh luận, giao tiếp cùng nhau, cùng trao đổi, cùng nhận xét
  6. Trẻ chưa được giáo dục tinh thần tập thể, tương trợ lẫn nhau thông qua loại hình hoạt động đặc biệt này

Và còn nhiều khuyết điểm nữa có thể phê phán. Song vấn đề đặt ra ở đây: Đâu là cơ sở của sự phê phán này?

Sự phê phán trên được chúng tôi đề cập dưới hai góc độ cơ bản:

– Mối quan hệ giao tiếp của trẻ mầm non

– Tính chất hoạt động của lứa tuổi mầm non

Điều này sẽ thật sự sáng tỏ nếu như chúng ta thống nhất rằng hoạt động cùng nhau là hoạt động khá đặc trưng của trẻ mầm non, hoạt động này phải có cái riêng dành cho cá nhân nhưng vẫn đảm bảo có những lúc dành cho nhóm hay tập thể. Mặt khác, hai trong các mối quan hệ cơ bản của trẻ ở trường mầm non là quan hệ giữa cô với trẻ và quan hệ giữa trẻ với trẻ phải luôn được dung hòa. Hãy nhìn lại khoảng trống mà giáo viên mầm non đã và đang bỏ ngõ trong khi tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ. Có chăng chỉ là việc giao tiếp giữa cô và trẻ được đẩy lên đỉnh điểm của sự hỏi – đáp tái tạo một cách thụ động, mỗi trẻ phải lặng im và nghiêm túc tạo hình mà không được quan tâm hay thể hiện cảm xúc với những gì xung quanh.

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:

  1. Một số giáo viên mầm non chưa hiểu đúng về hoạt động tạo hình của lứa tuổi mầm non mà lại cho rằng đó là hoạt động của một hoạ sĩ độc lập hay thậm chí là một người thợ.
  2. Giáo viên chưa thật sự tạo cơ hội cho trẻ tự do hoạt động, tự do thể hiện cảm xúc – suy nghĩ hay tự chọn sản phẩm.
  3. Chương trình tạo hình ở trường mầm non khá nặng nề và lại mang tính chất áp đặt khá lớn. Sự sắp xếp về thể loại, loại tiết và độ khó chưa thật hợp lý.
  4. Nguyên vật liệu tạo hình khá cứng nhắc và thậm chí quá hạn hẹp đối với trẻ, thiếu sự kết hợp những nguyên vật liệu đơn giản và gần gũi từ thiên nhiên.
  5. Những quyển vở “ Bé tập tạo hình” đã có sẵn nền mẫu cố định với các khung hình và những chi tiết phụ nên hoàn toàn chỉ có thể dành cho cá nhân từng trẻ, hơn nữa chính điều ấy làm hạn chế sự tưởng tượng và sáng tạo của trẻ.
  6. Tính chất “nề nếp” , “trật tự” được đẩy lên gần như là yêu cầu hàng đầu trong trường mầm non và hoạt động tạo hình cũng không phải là một ngoại lệ.

Đứng trước những yêu cầu về sự phối hợp ba hình thức tổ chức hoạt động, tăng cường sự giao tiếp cùng nhau, khai thác tối đa khả năng sáng tạo, phát triển ngôn ngữ trọn vẹn và rèn luyện cảm xúc cho trẻ … chúng tôi xin đề xuất một vài kiến nghị trong khi chọn lựa và phối hợp các hình thức tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non như sau:

  1. Tạo tình huống và kích thích trẻ cùng thảo luận, tranh luận về đặc điểm của vật khi khảo sát vật thật, vật mẫu, tranh mẫu, mô hình …
  2. Tăng cường và bổ sung những nguyên vật liệu phong phú như: hột, hạt, que, lá, tăm, gạch non, phấn, màu nước, bột mì, giấp xốp … để trẻ được tự chọn theo cá nhân.
  3. Cho trẻ tự chọn nhóm cùng phối hợp tạo thành các sản phẩm mới lạ đặc biệt trong các giờ tạo hình theo đề tài hay tạo hình theo ý thích. Khuyến khích trẻ giúp đỡ lẫn nhau trong nhóm khi được bạn bè đồng ý
  4. Tiến hành cho trẻ trưng bày theo nhóm trẻ cùng làm, nhóm cùng sở thích. Tập cho trẻ cùng thỏa thuận một cách thống nhất và giới thiệu – nhận xét sản phẩm.
  5. Cho trẻ trưng bày sản phẩm nơi trẻ thích, không được áp đặt trẻ trưng bày ở trên hay ở dưới ( trẻ làm trước phải trưng bày ở trên, làm sau phải trưng bày ở dưới … ).
  6. Tăng cường cho cá nhân trẻ tự giới thiệu sản phẩm của mình. Khuyến khích các trẻ khác cho ý kiến riêng, cảm xúc riêng của mình.
  7. Khuyến khích cá nhân trẻ, nhóm trẻ sáng tác những bài hát, bài thơ, câu đố, trò chơi đối với đề tài tạo hình và để miêu tả về sản phẩm làm ra.
  8. Hướng dẫn trẻ biết phối hợp nhiều nguyên vật liệu để tạo ra những sản phẩm mới lạ, đẹp mắt.
  9. Chú trọng đến kỹ năng sắp xếp và tổ chức hoạt động tạo hình ở các goác lắp ghép – xây dựng hay góc nghệ thuật để trẻ được chơi theo nhóm và cá nhân nếu trẻ thích.

10. Thường xuyên thay đổi nơi trưng bày, đội hình của trẻ khi tổ chức hoạt động tạo hình. Tăng cường việc cho trẻ tạo hình ngoài thiên nhiên.

Bên cạnh những thay đổi vừa sức như trên, Vụ giáo dục mầm non cũng nên xem lại một cách tổng thể toàn bộ chương trình chăm sóc giáo dục và đặc biệt là với Hoạt động tạo hình. Cần phân biệt các thể loại theo mẫu, đề tài, tự do một cách rõ nét ; cần chú ý đến độ khó và sự liên thông qua từng lứa tuổi ; tránh việc áp đặt các đường nét vẽ cơ bản ở lứa tuổi nhà trẻ thành các sự vật một cách gượng ép mà không phát triển trí tưởng tượng và ngôn ngữ của trẻ khi vẽ …

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn