Gợi ý 5 loại rau dễ trồng trong thùng xốp
Dưới đây là những loại rau dễ trồng trong thùng xốp mà bạn có thể tham khảo để áp dụng tại vườn nhà mình:
Rau mồng tơi
Rau mồng tơi là loại rau rất dễ trồng, có thể phát triển được trong môi trường thùng xốp với lớp đất dày từ 12cm đến 15cm. Loại rau này khá ưa nắng, nên khi trồng bạn nên đặt thùng xốp ở những nơi có nhiều ánh nắng trong khuôn viên nhà. Để việc trồng rau mồng tơi được hiệu quả hơn, bạn nên ngâm hạt giống ở trong nước khoảng 2 – 3 tiếng rồi mới mang hạt đi gieo.
Rau khi trồng ở trong thùng xốp, sau khoảng một tháng, bạn có thể thu hoạch lần đầu tiên. Những lần thu hoạch tiếp theo sẽ cách nhau khoảng 12 – 15 ngày để rau có thể đạt được độ sinh trưởng tốt nhất.
Rau muống
Với đặc tính dễ sinh trưởng, lại không cần tốn nhiều công chăm sóc, rau muống cũng là một sự lựa chọn khá phù hợp dành cho những người “nông dân nghiệp dư” trong mùa dịch này. Trước khi gieo hạt rau muống, bạn cần ngâm hạt giống với nước ấm, hoặc bạn cũng có thể sử dụng những đoạn rau muống già để cắm xuống đất cho cây tiếp tục phát triển.
Thời gian thu hoạch lần một sẽ rơi vào khoảng 40 – 50 ngày gieo hoặc khi rau muống đạt đến độ cao 35 – 40cm. Các đợt thu hoạch tiếp theo sẽ cách nhau 20 – 25 ngày.
Rau cải cúc
Rau cải cúc cũng là một loại cây rất dễ sinh trưởng trong điều kiện môi trường thùng xốp và có thể trồng được quanh năm. Khi trồng loại rau này, bạn cần đổ đất dày khoảng 7 – 10cm và gieo hạt với khoảng cách vừa phải. Mỗi ngày, bạn cần tưới nước hai lần vào buổi sáng và buổi chiều tối để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cây sinh trưởng.
Bạn có thể thu hoạch lứa rau đầu tiên sau khoảng 25 – 30 ngày kể từ ngày gieo hạt. Những đợt sau, bạn có thể thu hoạch cách nhau khoảng 10 – 15 ngày để đảm bảo rau phát triển được tốt nhất.
Rau cải ngọt
Cải ngọt cũng là một loại rau mà bạn có thể lựa chọn để trồng trong môi trường thùng xốp với các kỹ thuật khá đơn giản. Loại cây này không thích nắng gắt và chỉ ưa những nơi nửa bóng. Do đó, khi trồng, bạn cần lựa chọn những khu vực thoáng mát, đảm bảo mỗi ngày cây được tắm nắng khoảng 5 – 6 giờ đồng hồ, nhất là ánh nắng vào buổi sáng.
Trong trường hợp điều kiện không cho phép, bạn chỉ có thể đặt thùng xốp ở những nơi nhiều nắng, thì nên cung cấp nước thật nhiều để rau có thể phát triển tốt và đạt năng suất cao. Nếu những ngày có mưa lớn, bạn cần che chắn cẩn thận để tránh nước mưa làm dập các lá rau.
Cải ngọt là một trong số ít những loại cây có thời gian thu khá ngắn nên bạn có thể thu hoạch mẻ đầu tiên sau khoảng 20 – 25 ngày. Tương tự, các đợt thu hoạch sau cũng sẽ cách nhau từ 20 ngày đến 25 ngày.
Rau xà lách
Xà lách cũng là một sự lựa chọn lý tưởng để trồng trong thùng xốp. Mặc dù rau xà lách rất dễ trồng, thế nhưng bạn nên trộn chung đất cùng với xơ dừa để tạo điều kiện thoát nước tốt nhất. Cây không ưa nắng, chính vì thế bạn cần lựa chọn những khu vực có ánh nắng vừa phải và tưới nước thường xuyên để cho rau được giòn, ngọt và mọng.
Thời gian thu hoạch xà lách có dài hơn một chút, bạn có thể thưởng thức những cây rau của mình sau 60 – 65 ngày. Tính từ ngày thu hoạch đầu tiên cho đến 35 – 40 ngày sau đó, bạn lại tiếp tục có được một mẻ rau mới xanh tươi tại nhà.
Cách trồng các loại rau trong thùng xốp ăn hoài không hết
Để thực hiện việc trồng rau trong thùng xốp, bạn có thể tiến hành theo những bước sau đây:
Chuẩn bị dụng cụ và vật tư
– Thùng xốp: 2 – 3 thùng (tuỳ thuộc theo không gian trống mà bạn có)
– Đất trồng: 3 – 5 kg đất hữu cơ
– Mùn cưa: 1 – 2 kg
– Phân vi sinh: 0,5 – 1 kg
– Hạt giống rau: 50 – 100g (tuỳ loại)
– Dụng cụ hỗ trợ khác: Bình xịt nước, bay, que nhọn dùi lỗ,…
Bước 1: Chuẩn bị thùng xốp và làm đất
Đối với thùng xốp, bạn dùng que nhọn để đục thủng và tạo các lỗ nhỏ ở dưới đáy và bên cạnh thùng cho đất có thể thoát nước. Những lỗ nhỏ này sẽ đảm bảo rau không bị úng khi bạn vô tình tưới quá nhiều nước. Sau đó, bạn đặt thùng xốp lên trên những giá đỡ, có thể là các miếng nhựa thủng hoặc những viên gạch vuông. Cuối cùng, bạn cho đất đã trộn chung với phân vào trong thùng xốp.
Kế đến, bạn trộn chung đất hữu cơ cùng với phân vi sinh theo hướng dẫn được ghi ở trên bao bì khi mua đất. Nếu bạn lấy đất phù sa hoặc đất thịt ở ngoài vườn thì nên phơi và khử độc cho đất trước khi trộn chung với phân và đem vào sử dụng.
Bước 2: Ngâm và gieo hạt
Đầu tiên, bạn mang hạt giống rửa sạch với nước lạnh để cho hạt được ướt đều. Sau đó, bạn ngâm hạt giống ở trong nước ấm khoảng 2 – 6 giờ đồng hồ (tuỳ từng loại) để cho hạt no nước. Sau khi ngâm, bạn đem hạt ủ trong khăn ẩm thêm 2 – 3 tiếng nữa để cho hạt được nảy mầm nhanh hơn.
Trước khi gieo hạt giống, bạn sử dụng bình nước và làm ẩm đất ở trong thùng xốp. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bạn sử dụng bay hoặc ngón tay để tạo nên những lỗ nhỏ ở trên bề mặt đất. Bạn đặt các hạt giống đã ngâm vào trong những lỗ nhỏ đã tạo trước đó và phủ đất lên. Kế đến, bạn phủ thêm một lớp mùn cưa lên toàn bộ mặt đất ở trong thùng và tưới đều nước để đất luôn được ẩm.
Bước 3: Chăm sóc rau trong thùng xốp
Sau khi gieo hạt, bạn cần đảm bảo đất ở trong thùng luôn đạt được độ ẩm theo yêu cầu để giúp cây được phát triển tốt nhất. Bạn cần lựa chọn những khu vực thoáng mát và có nhiều ánh sáng để đặt thùng rau. Tuy nhiên, bạn nên tránh những nơi có quá nhiều ánh nắng mặt trời hoặc những nơi dễ bị mưa xối trực tiếp.
Trong trường hợp rau bị trứng bướm hoặc bị sâu ăn lá gây hại, bạn có thể xử lý trực tiếp bằng cách bắt sâu và loại bỏ phần rau bị hại để không làm lan sang các lá khác. Đồng thời, bạn có thể dùng nước tỏi ớt, một loại “thuốc trừ sâu sinh học”, để phun lên rau giúp diệt trừ sâu bọ mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.
Bước 4: Thu hoạch
Tùy theo từng loại rau, bạn có thể tiến hành thu hoạch sau khoảng 20 – 65 ngày kể từ ngày gieo hạt. Bạn có thể nhổ toàn bộ cây rau hoặc cắt sát gốc để cho cây tiếp tục phát triển cho những đợt thu hoạch sau. Với những phần rau bị hỏng, bạn vùi chúng vào trong đất để tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên có lợi cho cây trồng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!