Mẹo hay Top các loại kế hoạch giáo dục trẻ 3 6 tuổi [Hot Nhất 2023]

PHẦN BỐN

LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC

THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC

A – XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁO DỤC NĂM

I – NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁO DỤC

Ban Giám Hiệu nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch năm học dựa trên các căn cứ :

  • Mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục mẫu giáo đã quy định trong chương trình giáo dục mầm non do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành.
  • Thời gian quy định trong năm học.
  • Điều kiện cơ sở vật chất và các nguồn lực khác của địa phương và trường mầm non.
  • Nhu cầu và trình độ phát triển thực tế của trẻ trong lớp mẫu giáo.

II – CÁCH THỨC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁO DỤC

Dựa vào những nội dung quy định trong 5 lĩnh vực giáo dục phát triển trẻ của chương trình, giáo viên sắp xếp thành các chủ đề chính. Từ chủ đề chính, giáo viên có thể phát triển, mở rộng thành các chù đề nhánh, hình thành mạng liên kết các nội dung và các hoạt động giáo dục lại với nhau.

Khi xây dựng và thực hiện chủ đề, giáo viên cần lưu ý một chủ đề cần thỏa mãn 4 yêu cầu sau :

  • Nhu cầu, hứng thú của trẻ và những kiến thức bắt nguồn từ thực tế cuộc sống gần gũi với trẻ.
  • Được thể hiện trong các hoạt động của trường.
  • Được thể hiện ở sự lựa chọn và cung cấp các đồ dùng học liệu ở các khu vực chơi trong lớp.
  • Được tiến hành tối thiểu trong một tuần, đảm bảo có sự lặp lại và mở rộng các cơ hội học cho trẻ các độ tuổi khác nhau ( mẫu giáo bé, nhỡ, lớn ).

Trước tiên, Ban Giám Hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chung cho cả năm học, trong đó dự kiến các chủ đề, phân phối quỹ thời gian cho từng chủ đề, từng khối lớp( lứa tuổi) và phổ biến hướng dẫn tổ chức thực hiện cho giáo viên trong trường. Dựa vào kế hoạch năm học, giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tháng và hằng tuầncho lớp mình, bao gồm xác định chủ đề cho tháng, mục tiêu cần đạt được trên trẻ, lựa chọn các hoạt động, sắp xếp lịch tuần, chuẩn bị đồ dùng dạy học và tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục hằng ngày theo kế hoạch dự định.

Gợi ý các chủ đề trong năm học

Tháng

Chủ đề

Số tuần

9

Trường mầm non

2 tuần

9-10

Bản thân

4-5tuần

10-11

Gia đình

4-5tuần

12-1

Các nghề phổ biến

4-5tuần

1-2

Thế giới động vật

4-5tuần

2

Thế giới thực vật

4-5tuần

3

Luật lệ và phương tiện giao thông

4 tuần

4

Các hiện tượng tự nhiên

2 tuần

5

Quê hương – Đất nước – Bác Hồ

Tết thiếu nhi

2 tuần

1 tuần

  • Số chủ đề và số tuần dự kiến cho thực hiện chủ đề có thể thay đổi linh hoạt tùy theo hứng thú, nhu cầu, khả năng của trẻ và điều kiện triển khai của từng lớp cụ thể. Chủ đề các ngày lễ hội có thể thực hiện khoảng 3-5 ngày và được lồng ghép vào các chủ đề trong thời điểm mà lễ hội đó diễn ra.
  • Giáo viên thực hiện các bước phát triển chủ đề, bao gồm : chọn chủ đề cụ thể, xác định mục tiêu giáo dục của chủ đề, xây dựng mạng nội dung, xây dựng mạng hoạt động của chủ đề và lên kế hoạch cụ thể hằng tuần cho phù hợp với trẻ và điều kiện thực tế ở lớp.

Việc xác định rõ mục tiêu, nội dung và các hoạt động sẽ giúp giáo viên chủ động hơn khi triển khai chủ đề.

B – CÁCH THỨC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ ĐỀ

I – XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ ĐỀ.

1. Xác định mục tiêu giáo dục

Giáo viên chịu trách nhiêm xây dựng chủ đề và phát triển các chủ đề cho lớp mình, sau đó Ban Giám hiệu thông qua.

Ngay khi chủ đề đã được chọn, giáo viên cần xác định mục tiêu giáo dục của chủ đề hoặc nói cách khác là những kết quả mong muốn đạt được ở trẻ sau khi học về chủ đề đó.Mục tiêu đề ra của chủ đề cần bám sát mục tiêu của từng lĩng vực phát triển, các chỉ tiêu cần cụ thể, có thể đo đạt được, vừa sức, phù hợp với độ tuổi nhằm giúp trẻ từng bước đạt được mục tiêu giáo dục mầm non ở cuối tuổi mẫu giáo.

Lưu ý : Khi viết mục tiêu hoặc mục đích mong muốn trẻ đạt được bao giờ cũng bắt đầu bằng động từ như : có thể, có khả năng, biết, nhận biết, yêu thích…

Ví dụ : Mục tiêu đặt ra cho chủ đề Gia đình

Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên trẻ được tiếp xúc, là trường học đầu tiên để trẻ học ” làm người ». Trong gia đình, các thành viên sống chung, chăm sóc, chia sẻ và ảnh hưởng lẫn nhau về nhiều mặt. Trong gia đình, trẻ cảm thấy được an toàn, được yêu thương. Thế giới đồ vật trong gia đình muôn hình, muôn vẻ sẽ kích thích trẻ tìm hiểu, thăm dò, thử nghiệm. Gia đình là một môi trường đặc biệt để hình thành thái độ và hành vi thiện cảm của trẻ đối với cuộc sống. Vì vậy, chủ đề Gia đình được chọn để đưa vào giáo dục trẻ.

Sau khi học chủ đề này, trẻ có thể :

  • Phát triển thể chất
  • Biết lợi ích của 4 nhóm thực phẩm đối với sức khỏe của trẻ và gia đình.
  • Thích vận động và tham gia các hoạt động giữ gìn sức khỏe cùng người thân trong gia đình.
  • Phát triển nhận thức
  • Biết được vị trí, vai trò của trẻ và các thành viên trong gia đình.
  • Biết công việc của mỗi thành viên trong gia đình.
  • Biết về các nhu cầu của gia đình và thấy được sự khác nhau giữa các gia đình ( nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu tình cảm, sự quan tâm lẫn nhau, các nhu cầu về vật chất như đồ dùng của giađình và so ánh,…).
  • Biết một số quy tắc đơn giản trong gia đình.
  • Phát triển ngôn ngữ
  • Biết bày tỏ nhu cầu, mong muốn của mình bằng ngôn ngữ.
  • Biết lắng nghe, đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi.
  • Có một số kĩ năng giao tiếp, chào hỏi phù hợp với chuẩn mực văn hóa gia đình.
  • Phát triển tình cảm- xã hội
  • Biết giữ gìn, sử dung hợp lý, tiết kiệm đồ dùng, đồ chơi trong gia đình.
  • Có ý thức tôn trọng và giúp đỡ các thành viên trong gia đình.
  • Biểu lộ cảm xúc, sự quan tâm của bản thân với các thành viên trong gia đình.
  • Hình thành một số kĩ năng ứng xử theo truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
  • Phát triển thẩm mĩ
  • Thể hiện cảm xúc tình cảm với người thân qua các tranh vẽ, bài hát, múa, vận động.
  • Cảm nhận được những cái đẹp của đồ dùng, cách bài trí trong nhà.

Căn cứ vào mục đích giáo dục, giáo viên xác định nội dung cho từng lĩng vực và các hoạt động để trẻ trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá về chủ đề. Giáo viên có thể sử dụng sơ đồ mạng để thiết kế mạng chủ đề( bao gồm mạng nội dung và mạng hoạt động ).

2. Xây dựng mạng nội dung :

Mạng nội dung chứa đựng những nội dung chính trong chương trình có liên quan đến chủ đề, qua đó giáo viên mong muốn cung cấp những kiến thức( khái niệm, thông tin), kĩ năng, thái độ của trẻ.

– Mạng nội dung giúp cho giáo viên trình tự thực hiện trước, sau, từ nội dung, kiến thức, kĩ năng đơn giản, gần gũi rồi mở rộng, nâng cao dần ; từ những điều trẻ đã biết đến chưa biết và biết hoàn thiện trọn vẹn hơn ; từ tổng thể đến chi tiết, phù hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ theo nguyên tắc đồng tâm phát triển. Từ chủ đề chính, giáo giáo viên có thể phân chia thành các chủ đề nhánh. Mỗi chủ đề nhánh có thể thực hiện trong thời gian 1-2 tuần.

Giáo viên cần lưu ý rằng việc chọn tên cho chủ đề và phát triển mạng nội dung của chủ đề cần dựa trên đặc điểm, nhu cầu của lứa tuổi và hứng thú của trẻ trong nhóm.

Lưu ý : Khi thiết kế mạng nội dung, những nội dung được biểu đạt thường được bắt đầu bằng các danh từ.

Ví dụ : Mạng nội dung chủ đề Gia đình

  • Các thành viên gia đình : Tôi, bố mẹ, anh, chị, em ( họ tên, sở thích…)
  • Công việc của các thành viên trong gia đình.
  • Họ hàng ( ông, bà, cô, bà, chú, bác…).
  • Những thay đổi trong gia đình ( có người chuyển đi, có người sinh ra, có người mất đi ).

  • Địa chỉ gia đình.
  • Nhà là nơi gia đình cùng chung sống.
  • Dạy trẻ biết dọn dẹp và giữ gìn nhà cửa sạch sẽ.
  • Có nhiều kiểu nhà khác nhau( nhà một tầng, nhiều tầng, khu tập thể,nhà ngói, nhà tranh).
  • Người ta dùng nhiều vật liệu khác nhau để làm nhà.
  • Những người kĩ sư, thợ xây, thợ mộc,… là những người làm nên ngôi nhà.
  • Đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại của gia đình.
  • Gia đình là nơi vui vẻ, hạnh phúc: là nơi diễn ra các hoạt động của mọi người trong gia đình như các ngày kỉ niệm của gia đình, cách thức đón tiếp khách…
  • Biết các loại thực phẩm cần cho gia đình, mọi người trong gia đình cần ăn thức ăn hợp vệ sinh.
  • Học cách giữ gìn quần áo sạch sẽ.

3. Xây dựng mạng hoạt động

Xây dựng mạng hoạt động là đưa ra hàng loạt các hoạt động giáo dục mà giáo viên dự kiến cho trẻ trải nghiệm hằng ngày, hằng tuần để tìm hiểu, khám phá các nội dung của chủ đề, từ đó thu được các kĩ năng, kinh ngiệm cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi xây dựng mạng hoạt động, nội dung thường được biểu đạt bằng các động từ.

Mạng hoạt động gợi cho giáo viên cách tiếp cận dạy và học tích hợp trong giáo dục mầm non. Đó là cách thức cung cấp sự định hướng mở, linh hoạt, cho phép giáo viên tổ chức các hoạt động và tạo ra môi trường giáo dục liên quan đến chủ đề. Việc phối hợp một cách tự nhiên cho trẻ trải nghiệm thông qua các hoạt động như quan sát, khám phá môi trường tự nhiên và xã hội; vận động, kể chuyện/ đọc thơ, làm quen với toán, các hoạt động âm nhạc, tạo hình( vẽ, tô màu, nặn, gấp giấy, cắt, dán) và chơi các loại trò chơi khác nhau như xây dựng, lắp ghép, chơi phân vai,… và những công việc được giao, công việc tự phục vụ,… giúp trẻ phát triển đồng thời các mặt ngôn ngữ, thể lực, nhận thức – tình cảm, xã hội và sáng tạo thẩm mĩ. Cách tiếp cận này cho phép giáo viên có thể điều chỉnh giáo án một cách linh hoạt hơn để có thể đưa các tình huống tự nhiên vào kế hoạch hằng ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ và làm cho không khí lớp học thêm sôi động.

Nhờ sơ đồ mạng, giáo viên dễ dàng nhìn thấy sự liên kết giữa các nội dung giáo dục và các hoạt động, như vậy khi tiến hành sẽ đỡ bị động và hiệu quả giáo dục tăng lên.

Ví dụ : Mạng hoạt động chủ đề Gia đình

Làm quen với Toán

  • Trong gia đình, ai là người cao nhất, thấp nhất, cao hơn, thấp hơn…
  • Những thứ có 1 và những thứ có nhiều trong gia đình. Những thứ giống và khác nhau về kích thước to- nhỏ; dài- ngắn; rộng- hẹp; cao- thấp; về hình dạng : hình vuông, tròn, tam giác.
  • Xác định vị trí đồ vật trong gia đình so với bản thân : trước, sau, trái, phải, trên, dưới.
  • So sánh các kiểu nàh ở khác nhau, trò chuyện về các nghề để xây dựng nên một ngôi nhà hoàn chỉnh…

Khám phá khoa học

  • Đàm thoại thảo luận về :

+ Địa chỉ gia đình

+ Các thành viên trong gia đình.

+ Công việc của các thành viên trong gia đình.

+ Tên, công dụng và chất liệu của một số đồ dùng trong gia đình.

+ Cây cối, con vật nuôi trong gia đình ( nếu có ).

+ Gia đình các con vật.

Xếp , xây nhà, hàng rào, ao cá, khu chăn nuôi của gia đình.

Tạo hình

  • Nhận xét về hình dáng, màu sắc của các đồ dùng trong gia đình.
  • Vẽ, nặn, xé, dán…ngôi nhà, khu vườn, các đồ vật, các hoạt động trong gia đình mà trẻ đã quan sát hoặc nghe kể, xem tranh,…
  • Xếp hình người, xây nhà, khu tập thể…

Âm nhạc

  • Hát những bài hát về bé, về cha mẹ, ông bà, cô giáo, gia đình, ngày lễ…( Cháu yêu bà )
  • Biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất, giai điệu bài hát.
  • Vận động nhịp nhàng, phù hợp với nhịp điệu bài hát.

  • Dinh dưỡng : Các loại thực phẩm và thức ăn cho gia đình.
  • Thể dục – vận động:

+ Bò thấp chui qua cổng.

+Ném trúng đích nằm ngang.

+ Đi bước dồn ngang.

+ Trèo lên, xuống ghế.

+ Bật xa.

+ Trườn sấp trèo qua ghế.

+ Trò chơi vận động : Gia đình Gấu cùng thi đua : Đi, chạy, nhảy,…

+ Rèn luyện các giác quan.

  • Nghe đọc thơ, ca dao, kể chuyện về gia đình.
  • Đàm thoại, trò chuyện về gia đình.
  • Kể chuyện theo tranh về các gia đình khác nhau.
  • Những từ chỉ gia đình, họ hàng, hàng xóm, đồ dùng, không gian, thời gian…
  • Kể về các nhân vật tốt – xấu, ngoan – hư, gương dũng cảm, giúp đỡ mọi người xung quanh.
  • Chơi đóng vai, : Gia đình ( bế em, mẹ con, nấu ăn), Cửa hàng thực phẩm/ đồ dùng gia đình…
  • Trò chuyện về các nghề của bố mẹ, các đồ dùng, đồ chơi.
  • Làm thiếp/ tranh, quà tặng người thân nhân ngày sinh nhật, ngày lễ.
  • Làm album ảnh về gia đình.

4. Xây dựng kế hoạch tuần

Kế hoạch tuần được lập trên cơ sở bố trí các hoạt động giáo dục vào thời gian biểu ngày. Các hoạt động giáo dục xoay quanh chủ đề cùng với hoạt động chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển trẻ toàn diện.

Ví dụ : Kế hoạch 1 tuần của chủ đề Gia đình

Tuần 1 : Gia đình tôi

  • Yêu cầu
  • Trẻ biết họ tên và và một số đặc điểm của những người thân trong gia đình, hiểu được các mối quan hệ trong gia đình.
  • Biết công việc và cuộc sống hằng ngày của các thành viên trong gia đình.
  • Biết yêu thương, chia sẻ với mọi người trong gia đình.
  • Biết công lao, kính trọng và lễ phép với bố mẹ, ông, bà…
  • Biết cách chào hỏi, xưng hô phù hợp với truyền thống gia đình Việt Nam.
  • Kế hoạch tuần

STT

Hoạt động

Nội dung

1

Đón trẻ

  • Hướng trẻ đến sự thay đổ trong lớp ( có bức tranh lớn về gia đình, có nhiều đồ dùng, đồ chơi về gia đình)
  • Thể dục sáng : Vận động theo nhạc các bài : Đu quay, Tập đếm.

2

Hoạt động học có chủ định

Đàm thọai về gia đình : họ, tên các thành viên của gia đình; kể về cuộc sống, các hoạt động trong gia đình; công việc của bố mẹ ở nhà, nghề nghiệp của bố mẹ.

Ngày thứ nhất

  • Vận động : Bò thấp chui qua cổng ( Gia đình Gấu cùng vui )
  • Trò chơi : Tìm đúng nhà
  • Đếm các thành viên gia đình Gấu.

Ngày thứ hai

  • Trò chuyện về gia đình, các thành viên và các công việc các thành viên trong gia đình.
  • Hát : Cả nhà thương nhau.
  • Tạo hình : Cắt hình ảnh các thành viên trong gia đình.

Ngày thứ ba

  • Vẽ gia đình bé.
  • Nghe hát : Ba ngọn nến lung linh.
  • Đếm, so sánh các thành viên trong gia đình trong bức tranh của bé, của bạn.

Ngày thứ tư

  • Hát và vận động theo bài hát : Cháu yêu bà.
  • Nghe hát : Nhà của tôi.
  • Trò chơi : Ai nhanh nhất.

Ngày thứ năm

  • Thơ : Ông mặt trời.
  • Tô màu tranh minh họa cho bài thơ.

3

Hoạt động góc

  • Góc đóng vai :

Trò chơi đóng vai : Gia đình của bé, Phòng khám đa khoa, Bếp ăn gia đình, Cửa hang thực phẩm/ Cửa hàng đồ dùng gia đình/ Tiệm uốc tóc, gội đầu…

  • Góc xây dựng : Xếp hình người thân bằng các hình học khác nhau; xây dựng ngôi nhà/ chung cư/ công viên.
  • Góc Tạo hình :

+ Dán, tô màu, nặn người thân, nhà ở, cây cối, các phương tiện đi lại của gia đình,…

+ Chơi : làm những đồ dùng gia đình/ thiết kế thời trang ( cắt, dán, vẽ, nặn, làm đồ chơi về một số đồ dung gia đình, vẽ, tô màu, cắt, dán các mẫu quần áo,…)

  • Góc khám phá khoa học và thiên nhiên :

+ Xếp số lượng thành viên trong gia đình, so sánh 3 đối tượng khác nhau, phân loại đồ dùng gia đình…

+ Chăm sóc cây cảnh trong lớp, gieo hạt và tưới cây, quan sát cây nảy mầm và phát triển.

+ Chơi trò chơi với phần mềm máy vi tính ( nếu có máy vi tính)…

  • Góc Sách, truyện :

+ Đọc truyện, xem ảnh, kể chuyện về gia đình.

+ Làm truyện tranh về gia đình và kể chuyện.

+ Đọc ca dao về gia đình ( Anh em như thể tay chân, Công cha như núi Thái Sơn…).

– Góc âm nhạc : Múa, hát các bài về gia đình.

4

Chơi và hoạt động ngoài trời

  • Chơi với đồ chơi ngoài trời.
  • Chơi tự do( với nước, cát ) vẽ trên sân,…

Ngày thứ nhất

Quan sát, nhận xét về thời tiết.

Ngày thứ hai

  • Nhặt lá vàng rơi.
  • Chơi vận động : Lộn cầu vòng.

Ngày thứ ba

  • Quan sát cây trong vườn trường.
  • Chơi vận động : Gieo hạt

Ngày thứ tư

– Vẽ chân dung người thân trong gia đình.

– Chơi vận động : Tìm đúng nhà.

Ngày thứ năm

Quan sát các khu nhà ở ( nhà 1 tầng, nhiều tầng, nhà mái bằng, nhà mái ngói…).

5

Hoạt động chiều .Chơi và hoạt động theo ý thích

  • Chơi theo ý thích ở các góc.
  • Trò chuyện về gia đình.
  • Chơi trò chơi : Đoán xem đó là ai, Tôi có điều bí mật.
  • Làm album ảnh gia đình của cả lớp.
  • Xem vô tuyến, băng hình/ trò chơi trên máy vi tính ( nếu có )

Lưu ý : Phần nội dung và gợi ý kế hoạch thực hiện các chủ đề nhánh chỉ là gợi ý. Căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của chủ đề, cô giáo cần chủ động lựa chọn nội dung và tên của chủ đề nhánh để lập kế hoạch. Khi tổ chức thực hiện chủ đề, cần linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với hứng thú và trình độ hiểu biết của trẻ… Ví dụ : Cô có thể lựa chọn bổ sung hoặc thay thế các hoạt động, bài hát, bài thơ,trò chơi, câu đó…cho phù hợp với chủ đề. Với trẻ và với thực của địa phương.

II – GỢI Ý TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ

  1. Thời gian

Chủ đề Gia đình được tổ chức thực hiện sau chủ đề Bản thân và tiến hành trong khoảng 4-5 tuần. Mỗi chủ đề nhánh được thực hiện từ 1-2 tuần. Các nội dung như “ Nhu cầu gia đình”, “ Gia đình tôi “,…sẽ được củng cố và mở rộng dần trong các chủ đề tiếp theo.

  1. Chuẩn bị học liệu
  • Sưu tầm quần, áo, mũ, giầy, dép, túi xách,…cũ, các loại khác nhau nhưng còn đẹp( của người lớn và trẻ em ).
  • Hột, hạt các loại và đảm bảo an toàn.
  • Các loại vật liệu có sẵn : rơm rạ, lá, mùn cưa, giấy loại, vải vụn, len vụn các màu,…
  • Tranh ảnh và đồ chơi về các loại thực phẩm : rau, củ, quả, trứng,…
  • Một số thực phẩm, rau, củ, quả,…có sẳn ở địa phương.
  • Các loại sách, báo, tạp chí cũ.
  • Giấy vẽ, bút, phẩm màu, giấy màu.
  • Hồ dán, đất nặn, kéo.
  • Đồ dùng, đồ chơi trong gia đình : xoong, nồi, chảo, thìa, bát, đũa, cốc chén…
  • Tranh ảnh và đồ chơi về các đồ dùng trong gia đình : đồ gỗ, đồ nấu ăn, phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn.

Album gia đình : ảnh gia đình, ảnh chân dung, ảnh về các hoạt động khác nhau của gia đình ( nếu có ).

  • Bộ đồ chơi xây dựng.
  • Búp bê, các con rối gia đình khác nhau.
  1. Tổ chức thực hiện

Khi thực hiện chương trình, giáo viên cần quan tâm đến vai trò của hoạt động vui chơi trong việc thúc đẩy sự phát triển hoạt động học của trẻ và những ảnh hưởng quan trọng của nó đối với sự phát triển nhận thức xã hội, tình cảm, thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ và thẩm mĩ của trẻ.

  • Giới thiệu chủ đề
  • Trò chuyện với trẻ về gia đình của trẻ : Bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình.
  • Cùng cô làm bức tranh về gia đình cảu bé.

+ Dán hoặc dính ảnh của các gia đình lên một cái bảng.

+ Treo bảng vào một góc để trẻ quan sát, trao đổi với nhau.

+ Hằng ngày, vào những thời điểm khác nhau, cô hướng dẫn trẻ xem ảnh và cho trẻ tự kể với nhau về gia đình mình và gia đình bạn, kể về sự giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình.

  • Giáo viên cùng trẻ chuẩn bị và treo những bức ảnh về gia đình, bày biện các đồ dùng, đồ chơi ở góc gia đình. Cô hướng dẫn trẻ chú ý đến sự trang trí trong lớp, trên tường ( liên quan đến chủ đề ).
  • Qua giới thiệu chủ đề, giáo viên cần nắm được khả năng và kinh nghiệm của trẻ để lựa chọn nội dung, xây dựng mạng hoạt động phù hợp với độ tuổi và kinh nghiệm của trẻ; tạo cơ hội cho trẻ được tham gia vào các hoạt động đa dạng để khám phá chủ đề.
  • Khám phá chủ đề
  • Các cách thức thường sử dụng để triển khai các hoạt động :

+ Trò chuyện, đàm thoại, đưa ra những câu hỏi gợi mở, khuyến khích trẻ kể và giới thiệu về gia đình mình; nghe và kể lại chuyện, đọc thơ về gia đình.

+ Cho trẻ tham gia trò chơi đóng vai các thành viên trong gia đình, tạo nhiều tình huống qua các trò chơi để trẻ được trải nghiệm, khám phá công dụng, chất liệu của các đồ dùng trong gia đình, các con vật nuôi, các cây trồng ở vườn nhà.

+ Cho trẻ thực hành dọn dẹp nàh cửa, lau dọn đồ dùng gia đình ở góc Gia đình.

+ Tham gia các hoạt động tạo hình, tạo ra sản phẩm tặng người thân, các sản phẩm về các vật dung trong gia đình.

+ Tổ chức hát mua, trò chơi vận động liên quan đến chủ đề.

  • Trong thời gian đón trẻ, tùy theo thời gian nhiều hay ít, tùy theo khả năng của trẻ và điều kiện thực tế, cô có thể trò chuyện, tên bố, mẹ, công việc của bố mẹ,…; Nói về con vật nuôi ở nhà mà con yêu thích; Con vật có tên là gì ? Nó thích ăn gì ? ( chỉ và nói ); Kể về ngôi nhà của con; Đồ dùng trong gia đình…
  • Hoạt động ngoài trời

+ Tổ chức trò chơi Về đúng ngôi nhà của mình, Xếp nhà,…

+ Quan sát, nhận xét về các ngôi nhà xung quanh trường.

  • Hoạt động học có chủ định :

+ Khi thực hiện hoạt động có chủ định, giáo viên phối hợp nhẹ nhàng, tránh gò bó. Giáo viên cần tích hợp nội dung trọng tâm của hoạt động với 1,2 nội dung khác có tính chất bổ trợ, nhằm phát triển nhiều mặt cho trẻ.

+ Giáo viên nên đưa kiến thức mới đan xen với các kiến thức trẻ đã biết, tránh tình trạng chỉ toàn cung cấp kiến thức mới khiến trẻ căng thẳng, hoặc chỉ ôn luyện kiến thức cũ khiến trẻ trở nên nhàm chán.

+ Giáo viên cần kết hợp nhiều phương pháp giáo dục sao cho trẻ được hoạt động tích cực, được trải nghiệm, được nói, giao tiếp; khuyến khích trẻ trả lời các câu hỏi : Gia đình có những ai ? Làm nghề gì ? Mọi người trong gia đình cần gì để sống ?,…; kích thích sự tò mò khám phá, tạo cơ hội để trẻ tự tìm hiểu, so sánh khi lĩnh hội một kiến thức nào đó; hướng dẫn trẻ ” chỉ và nói” về sản phẩm vẽ: Con đang làm gì ? Cái này để làm gì ? Chúng ta sẽ thêm gì vào tranh này ?

  • Chơi, hoạt động góc : Tùy theo nội dung trọng tâm của chủ đề trong ngày, cũng như những nội dung, kĩ năng cần ôn luyện, nội dung chơi mà trẻ lựa chọn, giáo viên có thể thay đổi một cách linh hoạt các góc hoạt động của các ngày trong tuần sao cho phù hợp.
  • Hoạt động chiều( chơi, hoạt động theo ý thích )

+ Cho trẻ tham gia chơi, hoạt động theo ý thích ở các góc, tùy theo hứng thú của trẻ và thời gian, giáo viên có thể thêm, bớt hoặc giữ nguyên các góc như buổi sáng.

+ Có thể sử dụng góc để hướng dẫn ôn luyện lại kĩ năng cũ hoặc tổ chức, chuẩn bị học liệu để trẻ tự hoạt động, khám phá theo chủ đề.

+ Cần lưu ý, sắp xếp, gợi ý, đều chỉnh để tránh tình trạng có quá nhiều trẻ hoặc trẻ chơi quá lâu trong một góc…

+ Có thể tiến hành dưới hình thức nhóm nhỏ hoặc cả lớp ( ôn lại các bài hát, điệu múa, nghe kể chuyện/xem phim hoạt hình hoặc chơi trò chơi với phần mềm máy vi tính, trò chơi điện tử…)

  • Đóng chủ đề

Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động :

  • Đàm thoại giúp trẻ nhớ lại những điều được khám phá ở chủ đề Gia đình.
  • Cho trẻ biểu diễn văn nghệ, hát múa các bài đã học ở chủ đề.
  • Giới thiệu chủ đề mới bằng cách cùng trẻ ôn lại nghề nghiệp của bố mẹ và trưng bày những hình ảnh về nghề nghiệp của bố mẹ trẻ.
  1. Đánh giá

Giáo viên cần ghi chép nhật kí thường xuyên, quan sát qua sản phẩm của trẻ để đánh giá việc thực hiện chủ đề và điều chỉnh hoạt động dạy trên trẻ kịp thời ( trẻ nắm được những gì và bằng cách nào, có khó khăn gì, cần giúp gì tiếp theo).

Một số điểm cần lưu ý

Trong khi lên kế hoạch chủ đề, xây dựng mạng nội dung, mạng hoạt động, giáo viên cần dự đoán các khả năng thực hiện và tính đến các yêu tố sau :

  • Khối lượng thời gian trẻ cần có để tiến hành các hoạt động.
  • Các hoạt động cần phù hợp và mang tính liên tục, liên kết với nhau.
  • Yêu cầu đa dạng hoạt động và thay đội, không để trẻ ngồi một chỗ quá lâu.
  • Xen kẽ một số hoạt động tạo ra tiếng ồn và các hoạt động khác nhau tương đối yên tĩnh.
  • Một số hoạt động hữu ích để quản lí lớp và đưa lớp lại gần nhau như các thủ thuật hay trò chơi.
  • Chú ý lồng ghép, đan xen các nội dung và hoạt động một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, tránh ôm đồm, quá sức của trẻ.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, giáo viên cần linh hoạt, thường xuyên xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với nha cầu, trình độ phát triển của trẻ lớp mình, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương :

  • Vận dụng các hình thức tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân một cách linh hoạt, tùy thuộc vào nội dung giáo dục cụ thể. Ví dụ, khi giảng dạy một nội dung mới hoặc khi giáo viên muốn trẻ phản hồi lại những điều đã học thì sử dụng hình thức tập trung cả lớp; ngược lại khi luyện tập thao tác, củng cố kĩ năng thì hình thức hoạt động theo nhóm hoặc cá nhân là thích hợp hơn. Cũng có nội dung hoạt động đòi hỏi kết hợp 2 hình thức : tập thể trước ( giáo viên nêu vấn đề gợi mở) sau đó thì cho trẻ hoạt động theo tổ/ nhóm hoặc cá nhân và cuối cùng lại tiến hành tập thể để nhận xét trước cả lớp.
  • Sử dụng triệt để các điều kiện có lợi của môi trường xung quanh ( cây trồng, vật nuôi, địa điểm tham quan, các hiện tượng tự nhiên, con người ) cho trẻ tiếp xúc, quan sát, tìm hiếu thực tế để mở rộng tầm hiếu biết. Giáo viên dẫn dắt trẻ tham gia tạo ra môi trường và sử dụng môi trường vừa sáng tạo ra để tổ chức các hoạt động dạy học.
  • Tạo điều kiện cho trẻ tích cực sử dụng các giác quan trong quá trình hoạt động. ( Ví dụ, nhận biết hoa quả bằng các giác quan khác nhau: nhìn, sờ, ngửi, nghe, nếm); từ đó giúp trẻ nhận thức rõ ràng hơn, tòan diện hơn, sâu sắc hơn và tăng thêm độ nhạy của các giác quan và trình độ nhận biết.
  • Cung cấp các cơ hội hoạt động cho trẻ, chỉ có thông qua hoạt động trẻ mới phát triển được. Do đó, giáo viên chú ý thay đổi quan niệm truyền thống, chưa vội làm hộ hoặc nói thay trẻ mà trước hết hãy cho trẻ cơ hội quan sát, tìm tòi, động não, sử dụng các giác quan. Sau khi trẻ đã độc lập suy nghĩ, giáo viên sẽ giúp trẻ khái quát hóa và tìm câu trả lời. Giáo viên chú ý cung cấp cho trẻ địa điểm, thời gian hoạt động và các phương tiện hoạt động được đầy đủ, thỏa mãn được hứng thú và nhu cầu ham hiểu biết của trẻ.
  • Chú trọng quá trình giáo dục : Giáo viên không nên chỉ nghĩ mình làm như thế nào, mà nên xem xét trẻ học như thế nào. Giáo viên tìm hiểu đặc điểm và cách học của trẻ, trên cơ sở đó lại suy nghĩ thêm cách dạy thích hợp, nên dẫn dắt trẻ nhận biết, phân tích, phán đoán, suy luận; dành thời gian nhất định cho trẻ suy nghĩ, không nên cắt ngang dòng suy nghĩ của trẻ hay vội công bố đáp án hoặc sửa chữa những sai sót của trẻ.
  • Thúc đẩy sự phát triển của mỗi trẻ trên cơ sở trình độ khác nhau. Hoạt động giáo dục là hoạt động thúc đẩy sự phát triển , do đó, giáo viên cần biết sự chênh lệch trình độ của mỗi trẻ, tôn trọng sự chênh lệch đó, tìm hiểu và nắm vững sự chênh lệch đó, linh hoạt phân nhóm tổ dạy và phối hợp với phụ huynh để thúc đẩy sự phát triển của trẻ.
  • Trong khi xây dựng kế hoạch chủ đề, giáo viên phải luôn lưu ý đến hoạt động chơi – hoạt động chủ đạo của lứa tuổi này. Giáo viên cần hiểu về giá trị của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, đồng thời biết cách triển khai chương trình giáo dục lấy vui chơi làm hoạt động chủ đạo.

C. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC THEO HƯỚNG TÍCH HỢP

I – TỔ CHỨCHOẠT ĐỘNG VUI CHƠI

Vui chơi là hoạt động chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ mẫu giáo, phát triển trẻ toàn diện.

Trẻ lứa tuổi mẫu giáo Nhỡ đã có một số kinh nghiệm chơi. Trẻ chơi thành nhóm 4-5 trẻ, có cả trai lẫn gái. Trẻ biết hợp tác với trẻ khác trong khi chơi và nhường nhịn nhau.

Các loại trò chơi được tổ chức trong thực hiện chương trình Giáo Dục Mầm Non; Trò chơi đóng vai; trò chơi ghép hình, lắp ghép, xây dựng; trò chơi đóng kịch ; trò chơi học tập ; trò chơi vận động ; trò chơi dân gian và trò chơi với một số phương tiện công nghệ hiện đại.

  1. Vai trò của giáo viên

Cung cấp nguyên vật liệu

Nguồn nguyên vật liệu đầy đủ, đa dạng, phù hợp với độ tuổi, tạo ra sự thử thách, có tính thẩm mĩ và giàu bản sắc văn hóa địa phương.

Thiết kế môi trường

Tổ chức không gian phù hợp( chia thành khu vực/ góc), sắp xếp lô-gic, gọn gàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trẻ, phân loại và bảo quản tốt nguyên vật liệu

Giám sát và hổ trợ

Quan sát, lắng nghe, đưa ra gợi ý, cùng chơi để làm mẫu và chỉ dẫn, khuyến khích, giúp đỡ trẻ khi cần thiết.

2. Nguyên tắc tổ chức hoạt động vui chơi

– Lấy trẻ làm trung tâm, thỏa mãn nhu cầu, đáp ứng sự quan tâm và phù hợp với khả năng của từng trẻ.

– Tạo điều kiện cho trẻ phát triển mọi mặt : thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm- xã hội và thẩm mĩ.

– Khai thác kinh nghiệm thực tế của trẻ, tận dụng môi trường sẳn có và cho trẻ được thực hành nhiều nhất.

– Cân đối hài hòa các hoạt động : theo cá nhân và nhóm, trong lớp và ngoài trời, tĩnh và động, hoạt động cho trẻ khởi xướng và do giáo viên khởi xướng….

– Linh hoạt theo tình hình địa phương ( sự kiện, truyền thống văn hóa …)

3. Hình thức tổ chức hoạt động vui chơi

Có 2 hình thức của hoạt động vui chơi, đó là :

3.1. Chơi theo ý thích ( cá nhân hoặc nhóm, ở các góc hoạt động trong lớp hay ngoài trời)

– Đây là hình thức trẻ tự khởi xướng, tự do lựa chọn tham gia các hoạt động theo ý thích, tự định ra cách thức tiến hành và kiểm soát quá trình chơi dựa vào kinh nghiệm của trẻ. Nếu trong lớp có các góc chơi, trẻ sẽ tự chọn góc, tham gia vào trò chơi mà trẻ thích.

– Giáo viên đóng vai trò qua sát, tạo điều kiện cho trẻ chơi( tạo không gian chơi, cung cấp đồ dùng, đồ chơi, dành thời gian cho trẻ chơi ) ; khuyến khích, khen ngợi, động viên trẻ; gợi mở bằng các câu hỏi, tiếp cận cá nhân để hướng dẫn trẻ chơi, mở rộng nội dung chơi khi cần thiết.

– Hình thức chơi này phát triển khả năng tự lực và tự tin ở trẻ.

3.2. Chơi theo kế hoạch giáo dục( cá nhân hoặc nhóm, ở trong lớp hay ngoài trời)

– Nội dung chơi dựa trên kế hoạch giáo dục phù hợp chủ đề trong chương trình giáo dục theo độ tuổi .

– Giáo viên cần căn cứ vào kế hoạch giáo dục tổ chức môi trường hoạt động bố trí không gian, thời gian thích hợp, gợi mở nội dung chơi hướng trẻ tự lựa chọn chổ chơi, đồ chơi, bạn chơi theo ý thích, đưa ra ý tưởng chơi phù hợp với nội dung giáo dục chủ đề đang triển khai.

– Hình thức chơi này hướng đến tổ chức thực hiện nội dung giáo dục theo hướng tích hợp và cung cấp cơ hội cho trẻ “chơi mà học”. Trẻ tự học được các kĩ năng và kiến thức cần thiết theo hoạch định của chương trình qua chơi.

4. Hướng dẫn chung về hoạt động vui chơi

Phương pháp hướng dẫn các loại trò chơi cơ bản nhìn chung không thay đổi, tuy nhiên, cần lưu ý đặc điểm từng laọi trò chơi và hình thức của hoạt động vui chơi để giúp trẻ chơi một cách hiệu quả.

Khi tổ chức trò chơi, giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu sau :

– Đảm bảo tính tự nguyện và hứng thú của trẻ trong việc lựa chọn trò chơi, tham gia vào nhóm chơi, chọn bạn chơi, góc chơi, đồ chơi,…

– Giáo viên cung cấp một số hiểu biết, kinh nghiệm cho trẻ gắn với nội dung chủ đề và chủ đề chơi;

– Chuẩn bị đủ đồ dùng, đồ chơi mang tính gợi mở, phong phú, đa dạng và sắp xếp bố trí ở trong tầm mắt của trẻ, thuận lợi cho việc mở rộng nội dung chơi, gắn với chủ đề.

– Bố trí góc thuận tiện, hợp lý, thỉnh thoảng đổi chỗ và thay đổi đồ dùng, đồ chơi để hấp dẫn trẻ.

– Đảm bảo tính phát triển của trò chơi : Mở rộng nội dung chơi, hành động chơi dựa trên hứng thú và kinh nghiệm của trẻ phù hợp với độ tuổi.

– Đảm bảo tính linh hoạt và sáng tạo của trẻ : Giáo viên có thể gợi ý và cho trẻ tự lựa chọn phương tiện, đồ dùng, đồ chơi, đặt tên trò chơi, khơi gợi những kinh nghiệm trẻ đã có, đề xuất ý tưởng chơi phù hợp với hứng thú, phù hợp với điều kiện thực tế của nhóm/ lớp. Có đồ chơi và nguyên vật liệu hay đồ dùng chưa hòan thiện, khuyến khích trẻ làm đồ chơi tiếp tục trong quá trình chơi. Khi trẻ lựa chọn đồ chơi, nội dung chơi,…giáo viên phải tôn trọng sự lựa chọn, và sáng tạo của trẻ và khuyến khích, giúp trẻ thể hiện đúng vai chơi, luật chơi và các mối quan hệ hợp tác, giao tiếp trong nhóm chơi, phát triển nội dung trò chơi phù hợp với mục đích giáo dục và chủ đề.

– Luôn gợi ý trẻ thay đổi vai chơi, không nên để tình trạng trẻ chỉ chơi một vai hay chơi một mình hoặcchơi ở một nhóm nào đó quá lâu trong một tuần.

– Phù hợp với chủ đề đang triển khai, lĩnh vực nội ung trong chương trình, kinh nghiệm, hứng thú của trẻ, điều kiện của địa phương, giáo viên lựa chọn các trò chơi trong các tài liệu tham khảo: tuyển chọn Trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề ( trẻ 4-5 tuổi) ; Tổ chức hoạt động cho trẻ Mầm non theo hướng tíich hợp theo các lĩnh vực phát triển;…

– Số lượng góc chơi tùy thuộc vào tình hình cụ thể của lớp, có thể triển khai 3 hay 4 góc, không nhất thiết phải tổ chức cùng một lúc tất cả các góc chơi.

-Giáo viên hướng dẫn trẻ cùng cất dọn đồ dùng, đồ chơi đúng quy định sau khi chơi.

5. Gợi ý hướng dẫn tổ chức các loại trò chơi

5.1.Trò chơi đóng vai

Là loại trò chơi sáng tạo tiêu biểu nhất. Trẻ đóng vai người khác, qua đó trẻ bắt chước hành động hoặc lời nói, phản ánh ấn tượng, biểu tượng và hiểu biết của trẻ về các hoạt động và các mối quan hệ xã hội.

– Sử dung đồ vật thay thế. Ví dụ : Một vài mẫu đất nặn có thể trở thành những miếng bánh, chiếc hộp là ôtô; trẻ có thể xếp ghế thành hàng để chơi trò chơi đi máy bay và dùng các mẫu giấy làm tiền, vé…

– Trẻ lứa tuổi mẫu giáo Nhỡ đã biết chơi theo nhóm nhỏ(2-3 trẻ trở lên), biết đưa ra chủ đề chơi, phân vai chơi cùng nhau, phối hợp hành động chơi trongnhóm, thể hiện các vai chơi một cách tự lập và phù hợp hơn, nhóm chơi tương đối bền vững.

– Trò chơi đóng vai thường chơi buổi sáng, vào thời điểm chơi, hoạt động ở các góc.

* Lựa chọn trò chơi đóng vai

Trò chơi phải phù hợp với chủ đề đang triển khai, với kinh nghiệm, hứng thú của trẻ, điều kiện của địa phương. Giáo viên đưa ra những gợi mở, khuyến khích trẻ tự lựa chọn các trò chơi phù hợp với chủ đề. Ví dụ, Đối với chủ đề Trường mầm non, giáo viên có thể đưa ra những gợi ý để trẻ có thể tự lựa chọn các trò chơi đóng vai , đặt tên trò chơi thích hợp, như trò chơi : Lớp mẫu giáo; Gia đình của bé; Phòng Y tế; Siêu thị đồ chơi; và có thể gợi ý mở rộng với các góc chơi khác gắn với chủ đề như trò chơi : Xây dựng trường mầm non( góc Xây dựng); Góc Tạo hình: chơi Phòng triển lãm tranh đồ dùng, đồ chơi của trường( vẽ, cắt, dán những hình ảnh của trường mầm non, làm mô hình trường mầm non; Phòng âm nhạc ( góc Hoạt động âm nhạc); Thư viện trường mầm non( góc thư viện);…

* Hướng dẫn thực hiện:

– Giáo viên có thể giới thiệu các góc chơi, khu vực hoạt động, gợi ý để trẻ tự chọn trò chơi, chỗ chơi, chọn nhóm chơi. Khi trẻ đã về các nhóm chơi, giáo viên cùng thảo luận với trẻ, đưa ra ý tưởng chơi và gợi ý thực hiện các trò chơi gắn với nội dung chủ đề.

– Trong quá trình tổ chức cho trẻ chơi trò chơi mới hoặc để mở rộng nội dung chơi, làm cho nội dung các trò chơi thêm phong phú, giáo viên có thể cùng chơi với trẻ, đóng vai giống vai của trẻ để làm mẫu, giúp trẻ sử dụng đúng đồ dùng, đồ chơi và thể hiện được vai chơi, mở rộng, giao tiếp với các nhóm chơi khác trong quá trình chơi. Ví dụ, phù hợp với chủ đề Gia đình, trong nhóm chơi đóng vai “ Gia đình”: “Mẹ” không chỉ khuấy bột, cho con ăn, ru con ngủ mà còn đưa con đi vườn trẻ hoặc cùng “ Bố” đưa con đi khám bệnh; khi cho con ăn xong còn lau miệng, cho uống nước hoặc thay quần áo cho con. Với chủ đề các nghề phổ biến, giáo viên cùng chơi để gợi ý và hướng dẫn trẻ : “Bác sĩ” khám bệnh xong còn ghi đơn thuốc, nói với bệnh nhân về bệnh của họ; “Y tá” trước khi tiêm thuốc biết sát trùng bằng bông cồn,…

– Giáo viên theo dõi nhóm chơi để thay đổi vai chơi, tránh can thiệp, ngăn cản khi trẻ đang chơi, nếu chưa hiểu rõ ý định của trẻ, khéo léo hướng dẫn trẻ phát triển trò chơi có mục đích và mang tính giáo dục.

– Nhận xét sau khi chơi có thể được tiến hành theo nhóm hay với cả lớp tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra khi thỏa thuận chơi. Lúc đầu, giáo viên có thể gợi ý cho trẻ nhận xétvai chơi, nội dung chơi theo nhóm chơi và gợi ý cho trẻ tham quan các nhóm chơi khác. Cuối năm học, khi trẻ đã có kinh nghiệm, giáo viên có thể cho trẻ tập trung lại, gợi ý giúp trẻ đưa ra những nhận xét chung về các vai chơi trong nhóm và các nhóm chơi khác. Giáo viên động viên trẻ tự nhận xét mình và bạn chơi về cách chơi với đồ chơi, hành động theo đúng vai và luật chơi.

– Kết thúc thời gian chơi, giáo viên gợi ý cho trẻ tự sắp xếp, cất đồ chơi gọn gàng, đúng nơi quy định.

Ví dụ gợi ý tổ chức trò chơi đóng vai ” Gia đình”

Mục đích

– Trẻ phản ánh được công việc đa dạng của mọi người trong gia đình: mẹ chăm sóc con hằng ngày( nấu bột, cho con ăn, ru con ngủ, đưa con đi khám bệnh,…); công việc chăm sóc con của người bố( chơi với con, cùng mẹ cho con ăn, tắm cho con,…); các anh chị chơi với em.

– Thể hiện được thái độ ân cần, tỉ mỉ, dịu dàng, thương yêu con của bố/ mẹ.

– Biết chơi và phối hợp các hành động trong nhóm chơi phù hợp với vai chơi, tích cực giao tiếp với nhau trong khi chơi.

Chuẩn bị

– Giáo viên trò chuyện với trẻ về công việc của các thành viên trong gia đình, bố, mẹ, anh, chị,…có thể để trẻ tự kể bố mẹ làm gì. Nếu có tranh ảnh, cho trẻ xem hình ảnh công việc của bố, mẹ trong gia đình, chăm sóc con cái như thế nào, đưa con đi học, mua sắm đồ dùng cho con…; sự bố trí, sắp xếp trong căn phòng của gia đình…để giúp trẻ có một số kinh nghiệm khi thể hiện các vai trong trò chơi phù hợp.

– Vài con búp bê ( không cần nhiều như lớp mẫu giáo 3-4 tuổi vì trẻ 4-5 tuổi có thể tự đóng làm vai con), quần áo búp bê, giường, chậu…

– Bộ đồ chơi nấu ăn.

Tiến hành

– Giáo viên giới thiệu các góc chơi trong lớp. Giáo viên cùng thảo luận với trẻ, đưa ra các câu hỏi mở hướng trẻ tự nói lên ý thích của mình, tự đưa ra chủ đề chơi và chơi trò chơi gì: “ Chúng ta sẽ cùng chơi trò chơi gì ?”; gợi ý để trẻ chọn nhóm chơi: “ Ai thích chơi ở góc gia đình ?” …Sau đó trẻ đã chọn nhóm chơi, góc chơi, cô cho trẻ về các nhóm. Giáo viên gợi ý để trẻ tự thỏa thuận phân vai chơi trong nhóm, trao đổi với nhau về nội dung chơi, các công việc của vai chơi trong nhóm chơi…Ví dụ: Trong nhóm chơi Gia đình : Ai sẽ là bố ? Ai sẽ là mẹ ? Ai sẽ đóng vai con ?…Mẹ sẽ làm những việc gì để chăm sóc con cái ? Bố sẽ làm những việc gì ? Bố mẹ sẽ đưa con đi chơi ở đâu ?…

– Giáo viên để trẻ tự lấy đồ chơi, triển khai nội dung chơi. Trong quá trình chơi, đôi khi trẻ quên vai chơi, chưa thể hiện đúng vai hoặc khi cần mở rộng nội dung chơi, giáo viên quan sát, theo dõi và tham gia đóng vai cùng chơi trong nhóm để hướng dẫn, khơi gợi giúp trẻ thực hiện đúng vai như đã thỏa thuận lúc ban đầu. Ví dụ : Đối với vai bố, mẹ, giáo viên có thể khơi gợi để hướng trẻ phản ánh thái độ và hành động chăm sóc con cái của bố mẹ như : bố, mẹ cho con ăn, âu yếm và nựng con, chải đầu, rủa mặt cho con,…

– Để mở rộng nội dung chơi, mối quan hệ giao tiếp của trẻ trong nhóm và liên kết với các nhóm chơi khác, giáo viên có thể cùng chơi, gợi ý cho các “ ông bố, bà mẹ” trao đổi với nhau về các công việc của mình trong việc chăm sóc “ con” của họ hoặc gợi ý các “bố,mẹ” đưa “con” đi khám bệnh, đi mua sắm…Ví dụ : Giáo viên cùng đóng vai bố/mẹ, bế búp bê đến cạnh nhóm chơi và nói : “ Tôi cho cháu đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe đây, bác có cho cháu đi cùng với chúng tôi không ?” ( liên kết với nhóm chơi Phòng khám bệnh) hoặc “ Bác có đưa cháu đi mua đồ chơi không ?”( liên kết với nhóm chơi Bán hàng) hay “ bác có cùng đưa cháu đi xem triển lãm thời trang với tôi không ?” ( liên kết với nhóm chơi ở góc chơi Tạo hình),…

– Nhận xét chơi : Trong quá trình chơi, khi thấy trẻ có những biểu hiện tốt, giáo viên đóng vai cùng chơi để nêu ý kiến của mình, ví dụ : “ Bác Hương chăm sóc con thật chu đáo và cẩn thận, con ốm đưa đi khám bệnh ngay”… Cuối buổi chơi, giáo viên có thể giữ nguyên hoàn cảnh chơi, hiện trạng của các nhóm chơi, đưa ra các câu hỏi gợi ý để các nhóm chơi tự nhận xét hành động của các vai chơi trong nhóm. Lúc đầu, giáo viên có thể gợi ý cho trẻnhận xét theo nhóm chơi. Gợi ý cho trẻ tham quan các nhóm chơi. Cuối năm học giáo viên có thể cho trẻ tập trung lại, gợi ý giúp trẻ đưa ra những nhận xét chung cho các nhóm chơi, các vai chơi.

Kết thúc thời gian chơi, cô gợi ý cho trẻ tự sắp xếp, cất đồ chơi gọn gàng, đúng nơi quy định.

5.2. Trò chơi đóng kịch

– Trò chơi đóng kịch là dạng của trò chơi phân vai theo tác phẩm văn học – kịch bản phỏng theo câu chuyện và các vai là những nhân vật trong truyện.

– Trong quá trình đóng kịch, trẻ phản ánh tính cách và thể hiện thái độ đối với nhân vật thông qua điệu bộ, giọng nói và điệu bộ.

– Trò chơi đóng kịch được tổ chức như một hoạt động sáng tạo, tự lập của trẻ.

Một số trò chơi đóng kịch và lựa chọn

– Căn cứ vào nội dung giáo dục, chủ đề đang triển khai, kinh nghiệm của trẻ, nội dung của các câu chuyện mà trẻ đã nắm được và điều kiện cụ thể, giáo viên có thể gợi ý giúp trẻ lựa chọn những kịch bản phù hợp cho trò chơi đóng kịch phù hợp với chủ đề. Ví dụ : Chủ đề Gia đình, trò chơi đóng kịch phỏng theo truyện : Gấu con chia quà, Vẽ chân dung mẹ, Một bó hoa tươi thắm, Người cha và các con trai, Bác Gấy đen và hai chú thỏ…

– Trò chơi đóng kịch có thể chơi vào buổi chiều, từ 1-2 lần/ tuần.

5.3. Trò chơi xây dựng, lắp ghép

– Nội dung chơi xây dựng, sản phẩm của trò chơi lắp ghép thường gắn với chủ đề chơi của trò chơi đóng vai và gắn với chủ đề giáo dục đang triển khai.

– Phản ánh ấn tượng, biểu tượng và hiểu biết của trẻ về thế giới vật chất thông qua hình khối.

– Sử dung sáng tạo, đa dạng các loại nguyên vật liệu : các hình khối với các kích thước, màu sắc khác nhau, các viên gạch đồ chơi, các khuôn gỗ, các khối nhựa ghép hình, bộ lắp ráp với các màu sắc khác nhau, đồ chơi với cát, nước, đồ chơi có sẳn( ôtô, máy bay…).

– Cần có không gia phù hợp để triển khai trò chơi xây dựng, lắp ráp “ những công trình” phức tạp bằng các vật liệu khác nhau, theo bố cục phù hợp.

– Trẻ có thể sử dụng đồ chơi, đồ dùng trong lớp, các sản phẩm từ những hoạt động của các nhóm chơi khác vào trò chơi xây dựng.

* Một số trò chơi xây dựng, lắp ghép và lựa chọn

– Tùy thuộc vào nội dung giáo dục, chủ đề đang triển khai, kinh nghiệm của trẻ và nội dung của các câu chuyện mà trẻ đã nắm được, giáo viên có thể gợi ý cho trẻ lựa chọn những trò chơi xây dựng phù hợp cới chủ đề. Ví dụ, với chủ đề Bản thân : Xếp em bé và các bạn của bé; Bé tập thể dục; Xây ngôi nhà của bé; Lắp ghép đồ dùng, đồ chơi v.v…Với chủ đề Gia đình: Xây dựng căn hộ chung cư, ghép nhà cao tầng; xếp/ lắp ghép các kiểu bàn ghế bằng giấy/ vật liệu thiên nhiên.

– Trò chơi xây dựng, lắp ghép thường chơi vào buổi sáng ở các góc và chơi theo ý thích vào buổi chiều.

* Hướng dẫn thực hiện

– Giáo viên cung cấp cho trẻ một số biểu tượng, hình ảnh về các công trình xây dựng, cho trẻ quan sát mẫu lắp ghép và xếp hình với màu sắc, hình dạng khác nhau.

– Đối với trò chơi lắp ghép, đặc biệt là trò chơi xây dựng ở độ tuổi này thường rất gần với chủ đề chơi của trò chơi đóng vai.

– Khi tổ chức cho trẻ chơi, giáo viên trò chuyện, trao đổi với trẻ trong nhóm chơi, dùng câu hỏi, hình ảnh để khơi gợi những kinh nghiệm mà trẻ đã có gắn với chủ đề, gợi ý để trẻ thỏa thuận, cùng nhau tự lựa chọn nội dung xây dựng, giúp trẻ hình dung “công trình” đó sẽ được thực hiện như thế nào; hướng trẻ thể hiện nội dung các “ công trình xây dựng” theo một chủ đề nhất định, phù hợp với chủ đề chung của hoạt động giáo dục. Từ chủ đề chính, cô có thể gợi ý đưa ra các câu hỏi giúp trẻ cùng nhau đổi tự thỏa thuận về các nội dung và phân công vai chơi, phân công công việc và lập kế hoạch các công việc trong nhóm chơi.

– Trong quá trình chơi, sau khi trẻ đã xác định được nội dung của trò chơi cũng như “ công việc” cần thực hiện của nhóm chơi, giáo viên quan sát nhóm chơi, tạo điều kiện, khuyến khích trẻ thể hiện ý tưởng chơi phù hợp với nội dung chơi đã thỏa thuận và kích thích sự sáng tạo của mỗi trẻ để tạo ra được “ sản phẩm”. Giáo viên có thể chơi cùng với trẻđể hướng dẫn thêm cho trẻ những thao tác kĩ thuật khó ( vặn đinh óc, đóng đinh, chắp ghép các mảnh, khối với nhau theo ý thích,…), cung cấp cho trẻ những mẫu về công trình xây dựng, những nguyên vật liệu mới lạ, ngộ nghĩnh, xinh đẹp.

– Khi trẻ đã biết chơi, giáo viên đưa ra những gợi ý, khuyến khích trẻ phát huy sáng kiến để mở rộng nội dung chơi, gợi ý hướng đến việc giúp trẻ biết sử dụng nguyên vật liệu thích hợp tạo ra đồ chơi, các mô hình xây dựng mới phục vụ cho trò chơi. Ví dụ : Khi chơi trò chơi Xây dựng trường mầm non, giáo viên đóng vai người cung chơi và gợi ý trẻ xây dựng bổ sung thêm đồ chơi ở sân trường : “ Theo bác, chúng ta có nên xây thêm một cái cầu trượt, một cái chòi không ?”, “ Chúng ta sẽ đặt chúng ở đâu?”…Trong quá trình chơi, giáo viên quan sát, khơi gợi trẻ cùng nhau bàn bạc, trao đổi trong nhóm để bố trí công trình trong một khuôn viên, biết kết hợp các “ sản phẩm” của các bạn khác nhau thành một sản phẩm chung của cả nhóm theo chủ đề chơi đã thỏa thuận.

– Nhận xét khi chơi : Ngay trong quá trình chơi, giáo viên kịp thời khen ngợi, động viên trẻ với những kết quả làm được, uốn nắn cho trẻ để trẻ hoàn thành sản phẩm của mình. Giáo viên hướng vào kết quả, “công trình”, để khuyến khích trẻ trong những buổi chơi khác.

– Giáo viên cần cho trẻ luân phiên tham gia các trò chơi xây dựng, lắp ghép khác nhau, tránh tình trạng trẻ chơi lặp đi lặp lại một trò chơi duy nhất trong suốt năm học.

Ví dụ gợi ý tổ chức trò chơi “ Xây nhà”

Mục đích

– Trẻ biết xây dựng các kiểu nhà : nhà 1 tầng, nhà cao tầng, nhà có vườn cây, ao cá.

– Trẻ kể lại được cách xây.

Chuẩn bị

– Gạch xây dựng đồ chơi, hộp nhỏ các loại.

– Bộ đồ lắp ghép hàng rào, cây.

– Sỏi.

Tiến hành

– Gợi ý để trẻ nói lên ý tưởng, kế hoạch thực hiện công việc và tự phân công các công việc trong nhóm chơi.

– Trẻ sử dụng gạch, hộp xây nhà 1 tầng, 2 tầng có hàng rào, vườn. Giáo viên gợi ý để trẻ suy nghĩ cách xây sao cho ngôi nhà vững chãi ( dùng gạch làm tầng dưới, hộp làm tầng trên).

– Lấy sỏi xếp thành đường đi.

– Đặt tên ngôi nhà, khu nhà và nói được cách làm.

– Cho trẻ các nhóm tham quan các “ Công trình” và khuyến khích trẻ tự nhận xét về “ Công trình” của nhóm mình và của nhóm bạn.

5.4. Trò chơi học tập và trò chơi vận động

Khi lựa chọn trò chơi học tập và trò chơi vận động giáo viên cần :

– Căn cứ vào thực tế của nhóm/ lớp, hứng thú, kinh nghiệm và khả năng của trẻ.

– Căn cứ nội dung chủ đề đang triển khia, mục đích, nội dung và nhiệm vụ nhận thức trọng tâm của hoạt động học có chủ định.

– Đảm bảo tính tích hợp của nội dung giáo dục theo chủ đề và những nội dung cần được tiếp tục củng cố và luyện tập.

– Căn cứ vào các hoạt động mang tính tĩnh và động.

* Trò hơi học tập

– Rèn luyện và phát triển các giác quan, năng lực trí tuệ của trẻ như nhận xét, so sánh, phân tích, tổng hợp,…

– Hứng thú của trẻ hướng vào đồ chơi. Trẻ tập trung chú ý vào đặc điểm riêng ( hình dáng, màu sắc, kích thước) của vật.

– Tùy theo chủ đề và điều kiện cụ thể để gợi ý trẻ chọn những trò chơi học tập phù hợp, ví dụ : chủ đề Nghề nghiệp : Ai đoán đúng; Khâu quần áo, con giống; Của hàng quần áo, bày cửa hàng; Chơi xổ số…

– Trò chơi học tập được sử dụng vào một phần của giờ học và là phương pháp tiến hành hoạt động học có chủ định hoặc được tổ chức như một trò chơi mang tính độc lập.

Hướng dẫn thực hiện

– Giáo viên lựa chọn trò chơi trên cơ sở xác định nhiệm vụ nhận thức của trò chơi, dựa vào mục đích, nội dung của các lĩng vực giáo dục đang triển khai, đặc biệt nội dung tích hợp của hoạt động hcọ có chủ định.

– Đối với những trò chơi quen thuộc, giáo viên có thể yêu cầu trẻ nhắc lại luật chơi và hành động chơi, sau đó trẻ tự chơi, cùng nhau, giáo viên quan sát và nhắc nhở trẻ khi cần thiết.

– Nếu trò chơi mới, có luật phức tạp, giáo viên nên giải thích tỉ mỉ, rõ ràng, ngắn gọn luật chơi, làm động tác mẫu hành động chơi chính xác, sau đó có thể cho 1-2 trẻ nhắc lại, nếu trẻ chưa nắm được, giáo viên có thể yêu cầu trẻ khác giúp bạn. Tạo điều kiện cho trẻ chơi nhiều lần trò chơi này để trẻ nắm được luật chơi.

– Mỗi lần chơi, giáo viên hướng dẫn trẻ không chỉ chú ý vào quá trình chơi mà còn chú ý cả vào kết quả của trò chơi bằng cách tổ chức những trò chơi đã biết dưới hình thức thi đua hay đánh giá thành tích giữa trẻ với nhau.

– Giáo viên cần nhận xét sau mỗi lần chơi, nhấn mạnh, động viên kịp thời những cố gắng của trẻ, khuyến khích để trẻ hứng thú tham gia vào những lần chơi sau.

Ví dụ gợi ý tổ chức trò chơi “ Gia đình của bé”

Mục đích : Trẻ biết trò chuyện với các bạn về gia đình mình ( Gia đình có những ai và mọi người làm gì ? ); ôn luyện kĩ năng đếm.

Chuẩn bị : Ảnh gia đình( rõ hình,màu sắc hấp dẫn, số lượng người trong ảnh tương đương số lượng trẻ đã học).

Tiến hành

– Giáo viên đưa ảnh của gia đình mình cho trẻ xem và giới thiệu những người có trong ảnh ( tên, tính tình, nghề nghiệp). Giáo viên cùng trẻ đếm xem có bao nhiêu người trong bức ảnh.

– Sau đó, trẻ giới thiệu gia đình với cô và các bạn mình. Mỗi lần chơi, giáo viên chỉ nên mời một trẻ nói về gia đình mình.

– Kết thúc, cả lớp hát bài : Cả nhà thương nhau

* Trò chơi vận động

– Là loại trò chơi sử dụng cơ bắp và toàn bộ cơ thể. Trò chơi vận động phát triển vận động thô và tinh, cũng như sự kiểm soát các cơ và các kĩ năng phối hợp. Trò chơi vận động giúp trẻ hiểu biết về không gian và hình thành tính tự tin.

– Với lứa tuổi này, trò chơi vận động chỉ nhằm rèn luyện động tác cơ bản cho thuần thục. Các trò chơi vận động theo luật có động tác nhẹ nhàng, đơn giản, thể lệ dễ nhớ, dễ theo, có thể chơi ít hoặc chơi nhiều.

– Trò chơi vận động thường phù hợp với không gian bên ngoài hơn trong phòng.

– Tùy theo chủ đề, nội dung giáo dục trọng tâm đang triển khai và điều kiện cụ thể, có thể gợi ý trẻ chọn những trò chơi vận động phù hợp, ví dụ, chủ đề Giao thông : Thuyền vào bến; Đèn đỏ, đèn xanh; Chèo thuyền….

– Trò chơi vận động chơi sau các hoạt động tĩnh, sau khi ngủ dậy và trong thời gian vui chơi ngoài trời. Trò chơi kéo dài không quá 20 phút.

Hướng dẫn thực hiện

– Căn cứ vào điều kiện không gian thực tế, nội dung hoạt động trước , sau và thời tiết để tổ chức trò chơi vận động.

– Giáo viên cần lựa chọn vận động trong trò chơi phù hợp với trẻ và phù hợp với nội dung giáo dục đang triển khai, đặc biệt là nội dung giáo dục phát triển vận động.

– Giáo viên giải thích nội dung, luật chơi; trẻ tự nhận hoặc đề xuất người “chủ trò”.

– Khi chơi, giáo viên tạo điều kiện cho trẻ thể hiện hành động của mình một cách sáng tạo, quan sát, tạo điều kiện giúp đỡ trẻ tuân thủ đúng luật của trò chơi.

– Đối với trò chơi đã biết, giáo viên cho trẻ nhắc lại luật chơi và yêu cầu trẻ thực hiện đúng luật. Để trò chơi không bị nhàm chán, tăng thêm hứng thú cho trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, tự lực và sáng tạo hơn, giáo viên nên điều chỉnh hình thức, nâng cao yêu cầu của trò chơi, đưa thêm những vận động mới, thay đổi nhịp độ, đội hình…

– Đối với những trò chơi phức tạp, giáo viên có thể tách từng phần của luật chơi để trẻ dễ thực hiện. Ví dụ : Trò chơi Chim sẽ và người đi săn, luật chơi : Mỗi con chim đậu một cây, thợ săn chỉ được bắt con chim chập chạp không kip đậu lên cây. Giáo viên có thể tách cho trẻ chơi làm 2 lần, mỗi lần thực hiện một phần. Đầu tiên, cô yêu cầu : Mỗi “ con chim” đậu vào một cây, lần chơi sau, thêm vai người đi săn bắt chim. Như vậy, trẻ sẽ không bị lẫn, dễ thực hiện và trò chơi hấp dẫn hơn.

– Những trò chơi mang tình chất thi đua, giáo viên nên chọn những trẻ tương đương về sức khỏe, trình độ chơi và phân chia số lượng trẻ chơi trong từng nhóm như nhau.

– Trong quá trình trẻ chơi, giáo viên động viên kịp thời để trẻ thực hiện đúng luật, khuyến khích những trẻ thụ động, chập chạp tham gia vào trò chơi.

Ví dụ gợi ý tổ chức trò chơi “ Mèo bắt chuột” :

Mục đích : Rèn luyện phản xạ nhanh, khéo léo.

Chuẩn bị :

– Vẽ một vòng tròn rộng ở giữa lớp làm ổ chuột.

– Số trẻ : cả lớp.

– Luật chơi : Khi nghe tiếng mèo kêu, các con chuột bò nhanh về ổ của mình. Mèo chỉ được bắt các con chuột bò chậm ở ngoài vòng tròn.

Tiến hành

– Chọn một trẻ làm “ mèo” ngồi ở góc lớp, các trẻ khác làm “ chuột” bò ở trong “ổ” của mình ( bò trong vòng tròn). Cô giáo nói : “ Các con chuột đi kiếm ăn!”. Các “con chuột” vừa bò vừa kêu “chít, chít, chít”, “chuột” bò một lát rồi “ mèo” xuất hiện kêu “meo, meo, meo”và bắy “ chuột”. Các “con chuột” phải bò nhanh về “ổ” của mình. “ Con chuột” nào chậm chạp sẽ bị “mèo” bắt và phải ra ngoài một lần chơi.

– Sau đó, đổi vai chơi và trò chơi tiếp tục.

5.5. Trò chơi dân gian

– Là những trò chơi được sáng tạo, lưu truyền tự nhiên, rộng rãi từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian. Trò chơi dân gian không chỉ thỏa mãn nhu cầu chơi của trẻ mà còn góp phần hình thành nhân cách của trẻ.

– Trò chơi dân gian phần lớn là những trò chơi có lời đồng dao.

– Đặc điểm cơ bản của trò chơi dân gian là luật chơi của từng trò chơi mang tính ước lệ, tạm thời. Trong quá trình chơi, tùy theo trình độ, vốn kinh nghiệm của trẻ, mức độ của từng trò chơi, giáo viên có thể thay đổi luật chơi cho phù hợp, hấp dẫn và hứng thú. Vì vậy, cùng một trò chơi mà mỗi lần chơi theo cách riêng, không nên bắt trẻ rập khuôn theo một kiểu chơi.

* Một số trò chơi dân gian và lựa chọn

– Có một số trò chơi dân gian phổ biến như : Kéo cưa lừa xẻ; Nu na nu nống; Lộn cầu vòng; Ném còn; Trốn tìm; Xỉa cá mè; Bắt vịt trên cạn; Dệt vải; Chim bay, cò bay; Trồng đậu trồng cà; Bịt mắt bắt dê; Cắp cua; Thả đỉa ba ba; Dung dăng dung dẻ: Chìm nổi…

– Tùy theo chủ đề, điều kiện cụ thể và ý thích của trẻ, có thể gợi ý trẻ chọn những trò chơi dân gian phù hợp. Ví dụ, chủ đề Thế giới động vật : Bịt mắt bắt dê; Xỉa cá mè; Cắp cua; Thả đỉa ba ba; Dung dăng dung dẻ…

* Hướng dẫn thực hiện

– Khi hướng dẫn tò chơi dân gian, giáo viên cần lưu ý đến nhiệm vụ của trò chơi. Trong các trò chơi có lời đồng dao nhằm kết hợp vui chơi với luyện phát âm cho trẻ, giáo viên phải chú ý cho trẻ phát âm rõ và chính xác. Cho trẻ cùng đọc theo lời đồng dao và nhấn mạnh vào các nhịp( nhịp 2 từ, 3 từ hoặc 4 từ).

– Khi cho trẻ chơi các trò chơi có lời đồng dao, giáo viên phải đọc đi đọc lại nhiều lần để trẻ thuộc.

– Trong khi chơi, giáo viên không nên bắt trẻ rập khuôn theo một kiểu chơi mà phải căn cứ vào trình độ và khả năng nghe của trẻ, luật chơi, cách chơi, đồ chơi để thay đổi và làm cho trò chơi thêm hấp dẫn và hứng thú.

– Với những trò chơi lần đầu, giáo viên thường là “ trưởng trò” hoặc làm “Cái” chơi cùng với trẻ để giải thích luật lệ và hướng dẫn trẻ chơi.

Ví dụ gợi ý tổ chức trò chơi “ lộn cầu vòng”

Mục đích : Phát triển ngôn ngữ và tính nhịp điệu.

Chuẩn bị : Cho trẻ đọc thuộc lời ca

Tiến hành : Từng đôi một đứng quay mặt vào nhau, cầm tay nhau vừa đọc lời thơi vừa vung tay sang bên theo nhịp. Mỗi tiếng là một lần vung tay sang một bên :

Lời 1 Lời 2

Lộn cầu vòng Lộn cầu vòng

Nước trong nước chảy Nước trong nước chảy

Có cô mười bảy Thằng bé lên bảy

Có chị mười ba Thằng bé lên ba

Hai chị em ta Đôi ta cùng lộn.

Ra lộn cầu vòng.

Đọc đến tiếng cuối cùng thì cả hai cùng giơ hai tay lên đầu, cùng chui qua tay về một phía, quay lưng vào nhau, sau đó hạ tay xuống, tiếp tục vừa đọc vừa vung tay như lần trước, đến tiếng cuối cùng lại chui qua tay lộn trở về tư thế ban đầu.

5.6. Trò chơi sử dụng công nghệ hiện đại ( Trò chơi với phần mềm máy vi tính, trò chơi điện tử)

– Giáo viên khai thác và lựa chọn nội dung trò chơi qua phần mềm vi tính dành cho bậc học mầm non, phù hợp với nội dung chủ đề đang triển khai và nội dung trọng tâm của các lĩnh vực giáo dục ( Ví dụ : Phần mềm giáo dục Edmark – Ngôi nhà sách của Bailey; ngôi nhà toán học của Millie;…), phát triển ý tưởng từ ngân hàng trò chơi cho trẻ sử dụng.

– giáo viên gợi ý giúp trẻ sử dụng các lệnh thích hợp để khám phá sự vật, hiện tượng qua các trò chơi mà trẻ lựa chọn.

6. Đồ dùng – đồ chơi

Lựa chọn đồ dùng đồ chơi theo danh mục thiết bị – đồ dùng – đồ chơi của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành. Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế, giáo viên có thể cùng trẻ làm đồ chơi sử dụng nguyên vật liệu phế phẩm, nguyên vật liệu thiên nhiên,… Cô giáo cần lưu ý tính an toàn, vệ sinh của các vật liệu.

7. Gợi ý lập kế hoạch hoạt động vui chơi

7.1. Hoạt động vui chơi trong các chế độ sinh hoạt

– Thời điểm đón, trả trẻ : Giáo viên tồ chức cho trẻ chơi các trò chơi học tập, các trò chơi lắp ghép, chơi với đồ chơi theo ý thích, xem tranh hoặc có thể chơi một số trò chơi dân gian.

– Thời gian tổ chức chơi và hoạt động ở các góc : Trong thời gian này, có thể tổ chức trò chơi đóng vai, trò chơi lắp ghép, xây dựng ( ở góc chơi xây dựng), chơi ở góc tạo hình, âm nhạc, góc khám phá khoa học,…

– Thời gian hoạt động ngoài trời : Chủ yếu cho trẻ chơi với các trò chơi vận động với các thiết bị chơi ngoài trời, chơi các trò chơi về giao thông đường bộ, các trò chơi dân gian, chơi các nguêyn vật liệu thiên nhiên, cát, nước,…

– Thời gian dành cho các trò chơi vào buổi chiều : Giáo viên nên tổ chức những trò chơi vận độngnhằm làm cho trẻ tỉnh táo sau khi ngủ trưa. Sau đó cho trẻ chơi các trò chơi học tập hoặc trẻ có thể tham gia vào các hoạt động theo ý thích,…Giáo viên cũng có thể tổ chức một số trò chơi nhằm chuẩn bị nội dung sẽ dạy trẻ ngày hôm sau. Nếu cần, giáo viên có thể sử dụng thời gian này để giao tiếp cá nhân, giúp trẻ phát triển phù hợp với đặc điểm riêng, hòa nhập với cả lớp.

7.2. Mẫu kế hoạhc hoạt động vui chơi

Để hoạt động vui chơi phù hợp với chủ để, giáo viên có thể lập kế hoạch theo mẫu sau :

Mục đích – yêu cầu cần nêu : Thông qua tổ chức hoạt động chơi, giáo viên giúp hình thành và củng cố ở trẻ một số hiểu biết, kĩ năng sống và kĩ năng chơi phù hợp với độ tuổi.

Các thời điểm và các trò chơi

Không gian

Thiết bị và vật liệu

Các thời điểm có thể chơi :

– Đón – trả trẻ : Trẻ chơi theo ý thích.

– Chơi, hoạt động ở các góc: Trò chơi đóng vai, xây dựng, lắp ghép, chơi với phương tiện công nghệ hiện đại ( nêu rõ tên các trò chơi, thời gian).

– Chơi, hoạt động ngoài trời: Trò chơi vận động, chơi với các thiết bị – đồ chơi ngoài trời, chơi với các vật liệu thiên, trò chơi dân gian ( nêu rõ tên các trò chơi, thời gian chơi).

– Các góc chơi trong lớp ( triển khai bao nhiêu góc chơi ? những góc nào ?).

Ví dụ, chủ đề Gia đình có các góc : góc chơi đóng vai ( trò chơi Gia đình của bé), liên kết với các góc chơi khác nhau như : góc xây dựng, góc tạo hình…

– Khu vực chơi ngoài sân : chỗ chơi với các trò chơi cát – nước, mô hình, chơi dụng cụ ( vòng, bóng, xe kéo, xe đạp ba bánh…)

– Thiết bị, đồ chơi ngoài trời : xích đu, cầu trượt, bập bênh, thùng, các dạng đu quay…

– Nguyên vật liệu : vật liệu thiên nhiên( nước, cát, hoa, là, sỏi, đá…), những thứ sưu tầm ( phế liệu, đồ dùng gia đình…), những đồ chơi được đem ra từ trong lớp ( búp bê, truyện tranh, nhạc cụ…)

– Thiết bị, đồ chơi ngoài trời : xích đu, cầu trượt, bập bênh, thùng, các dạng đu quay…- Phấn.

Ví dụ : Kế hoạch hoạt động chơi – Chủ đề Gia đình – Chủ đề nhánh “ Ngôi nhà của chúng ta”

Các thời điểm và các trò chơi trong tuần

Không gian

Thiết bị và nguyên vật liệu

– Đón – trả trẻ : Trẻ chơi theo ý thích.

– Chơi, hoạt động ở các góc:

+ Góc chơi đóng vai :

Góc chơi Gia đình : “ Gia đình tôi”,

“ Bếp ăn”, Góc chơi “cửa hàng thực phẩm”, “ cửa hàng gia dụng”.

Góc chơi Bác sĩ : “ Bác sĩ nha khoa”

+ Góc tạo hình : nặn đồ dùng gia đình ( nồi,chảo, bát, bàn, ghế,…)

+ Góc xây dựng, lắp ghép : xây dựng căn hộ

chung cư, ghép nhà cao tầng.

+ Góc Khám phá khoa học : chơi với phầnmềm vi tính Edmark : trò chơi học tập : Gia đình ngăn nắp, Người đầu bếp giỏi.

– Góc âm nhạc : Hát mừng mẹ.

– Chơi, hoạt động ngòai trời :

+ Trò chơi vận động : Dê mẹ tìm dê con, Giúp mẹ việc nhà, về đúng nhà.

+ Chơi với các vật liệu thiên nhiên : gấp bàn ghế, xếp dán ngôi nhà của bé bằng lá.

+ Trò chơi dân gian : Dệt vải, Trồng đậu, trồng cà.

Bố trí khỏang không gian cho các góc chơi khác nhau.

Ví dụ : Khu vực chơi đóng vai : Góc trong phòng để làm “ngôi nhà” hay “căn phòng”. Bố trí không gian phù hợp cho góc chơi nấu ăn, bán hàng, góc chơi bác sĩ nha khoa.

– Chuẩn bị các khối, hộp to nhỏ khác nhau ( có thể làm tủ, giá,bàn, ghế,…)

– Giường, chăn, gối.

– Búp bê các loại và đồ chơi nấu ăn.

– Các loại thực phẩm, hoa quả.

– Điện thoại, đồ dùng gia đình.

– đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi bác sĩ.

II – TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HỌC

Hoạt động học là một trong ba hoạt động cơ bản trong trường, lớp mẫu giáo. Hoạt động học được giáo viên tổ chức, hướng dẫn để thực hiện nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non phù hợp chủ để nhằm phát triển toàn diện trẻ trên các mặt : Nhận thức, thể chất, ngôn ngữ, tình cảm – xã hội và thẩm mĩ.

Dựa vào đặc điểm nhận thức và hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo ( hoạt động chơi), việc học của trẻ ở lứa tuổi này được tổ chức với những hình thức :

– Học tự nhiên qua chơi, qua thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

– Học có chủ định dưới sự định hướng và hướng dẫn trực tiếp của giáo viên.

1. Học tự nhiên qua chơi, qua thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

– Với hình thức này, việc học của trẻ được thực hiện một cách ngẩu nhiên. Trẻ tự tiếp thu kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm sống một cách tự nhiên thông qua việc trẻ tham gia vào chơi, hoạt động ở các khu vực hoạt động, tham gia vào các trò chơi khác nhau ở ngoài trời, dạo choi, tham gia, tiếp xúc với môi trường tự nhiên, môi trường con người, tham gia vào các lễ hội gần gũi trong trường mầm non và gia đình, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

– Những điều trẻ tiếp thu được ở hình thức này còn rời rạc, chưa có hệ thống và có chỗ chưa chính xác.

– Giáo viên là người tạo cơ hội, tổ chức môi trường, tạo điều kiện phù hợp và thuận lợi, khuyến khích trẻ tích cực tham gia vào hoạt động theo ý thích để nhận thức và phát triển.

– Việc hướng dẫn tổ chức cho trẻ học với hình thức trên được thể hiện trong các phần hướng dẫn : hướng dẫn tổ chức hoạt động vui chơi, tổ chức môi trường hoạt động học ở các góc, tổ chức ngày hội, ngày lễ, hoạt động lao động, hướng dẫn tổ chức hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh…của trẻ theo độ tuổi.

2. Học có chủ định dưới sự định hướng và hướng dẫn trực tiếp của giáo viên.

Với hình thức hoạt động này, tiếp thu nội dung, kiến thức, kĩ năng, những hiểu biết dưới sự hướng dẫn và dạy trực tiếp của giáo viên. Nội dung học được cung cấp đến trẻ một cách có mục đích, có hệ thống và được tổ chức theo hướng tích hợp với trình tự đã được dự kiến trong kế hoạch giáo dục , phù hợp với các lĩnh vực nội dung giáo dục, phương pháp dạy học đã quy định trong chương trình. Mục đích tổ chức hoạt động nhằm :

– Cung cấp đến trẻ những nội dung mang tính toàn diện và những kiến thức, kĩ năng mới.

– Giúp trẻ củng cố, hệ thống hóa, chính xác hóa những kiến thức, kĩ năng mà trẻ đã biết, đã tiếp thu ngẫu nhiên trong quá trình chơi, trong khi tham gia vào các hoạt động khác trong ngày.

– Chuẩn bị cho trẻ những yếu tố cần thiết để tham gia vào hoạt động học tập giai đoạn sau này.

Trong chương trình giáo dục mầm non, hoạt động học quy định trong thời gian biểu lớp mẫu giáo Nhỡ là hình thức trẻ học có chủ định : Giáo viên là người đặt nhiệm vụ nhận thức cho trẻ thông qua tình huống chơi, trực tiếp hướng dẫn và tổ chức hoạt động học

“ học qua chơi” của trẻ theo quy trình và phương pháp phù hợp với độ tuổi. Trẻ là chủ thể tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động để giải quyết nhiệm vụ nhận thức đặt ra.

  1. Hướng dẫn chung

Trong chương trình giáo dục mầm non : Hoạt động học quy định trong chế độ sinh hoạt hằng ngày của lớp mẫu giáo Nhỡ là hình thức hoạt động học có chủ định : Giáo viên là người trực tiếp hướng dẫn và tổ chức hoạt động học, đặt nhiệm vụ nhận thức cho trẻ thông qua tình huống chơi, tổ chức cho trẻ giải quyết nhiệm vụ theo quy trình và phương pháp phù hợp với độ tuổi. Trẻ là chủ thể, chủ động tham gia tích cực vào hoạt động để giải quyết nhiệm vụ nhận thức dưới hình thưc chơi.

Nội dung học không cung cấop đến trẻ một cách đơn lẻ theo từng “ môn” học riêng. Nội dung học được tổ chức theo hướng tích hợp thông qua các lĩnh vực nội dung hoạt động cụ thể như hoạt động : phát triển vận động; khám phá khoa học tự nhiên – xã hội, làm quen với toán; nghe kể chuyện/ đọc thơ/ kể chuyện sáng tạo/ làm quen với đọc, viết; hoạt động tạo hình ( vẽ/ nặn, xé/ dán,chắp ghép, xếp hình); hoạt động âm nhạc thuộc các lĩnh vực giáo dục : phát triển vận động; phát triển ngôn ngữ; phát triển nhận thức; phát triển tình cảm- xã hội và phát triển thẩm mĩ.

Nội dung học thường gắn với chủ đề hoặc gắn với sự kiện nào đó gần gũi với trẻ.

Ở lứa tuổi mẫu giáo Nhỡ, trên cơ sở mạng hoạt động và hệ thống các khái niệm liên quan đến chủ đề, giáo viên có thể lên lịch hoạt động học trong thời gian biểu ( hoạt động học có chủ định) hằng ngày các lĩnh vực hoạt động cụ thể trên. Nội dung của hoạt động học được tổ chức thực hiện theo hướng tích hợp với sự lồng ghép, đan cài nội dung hoạt động học trọng tâm với nội dung của các lĩnh vực hoạt động khác phủ hợp, tạo điều kiện cho trẻ khám phá chủ đề với nhiều cách khác nhau. Nhờ đó, trẻ lĩnh hội những hiểu biết, kĩ năng và kinh nghiệm sống liên quan đến chủ đề trong một chỉnh thể và đồng bộ trên các mặt : Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – xã hội và thẫm mĩ.

Ví dụ : để khám phá chủ đề nhánh “ các bộ phận cơ thể của tôi”( chủ đề bản thân), cô có thể sắp xếp các hoạt động học ( học có chủ định) trong thời gian biểu hằng ngày theo hướng tích hợp phù hợp với các lĩnh vực hoạt động cụ thể, tạo điều kiện cho trẻ năm bắt những khái niệm, kĩ năng liên quan đến chủ đề :

+ Thảo luận và đàm thoại về các bộ phận cơ thể, phân biệt tác dung của các bộ phận cơ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của bản thân; phân biết một số chức năng của các giác quan qua trải nghiệm. Nếu một bộ phận nào đó của cơ thể chúng ta bị khiếm khuyết thì chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Sự cần thiết giữ gìn vệ sinh cơ thể và sức khỏe.

+ Nghe kể chuyện” cái mồm”hoặc “ cậu bé mũi dài” ( sử dụng các từ phù hợp và kể lại chuyện, phân biệt tác dụng chức năng của một số bộ phận cơ thể ( giác quan .

+ Tạo hình : Nặn hình người, năn búp bê hoặc làm con rối hình người , hoặc xé dán “ Bé tập thể dục”.

Làm quen với Tóan : Phân biệt tay phải, tay trái của bản thân và của các bạn khác; so sánh chiều cao của mình, của bạn và nhận biết một số đặc điểm riêng của bản thân.

+ Phát triển vận động ( luyện tập phát triển cơ thể tay, chân, mắt) : “ Bò theo đường thẳng”, “ chạy nhanh đổi hướng theo vật cản “.

– Khi tổ chức thực hiện hoạt động học có chủ định ở lớp mẫu giáo Nhỡ , cô giáo có thể tiến hành với 1 nội dung trọng tâm và tích hợp với 1 hoặc 2 nội dung của lĩnh vực hoạt động khác có tính chất củng cố, bổ trợ, phù hợp với nội dung trọng tâm, nhằm tác động đến trẻ một cách tòan diện trên các mặt : thể chất, trí tuệ, tình cảm – xã hội và thẩm mĩ. Mức độ nội dung của hoạt động có độ khó vừa đủ, phù hợp với độ tuổi.

– Những nội dung tích hợp, có tính chất bổ trợ cho nội dung trọng tâm thường là những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm mà trẻ đã có, đã biết. Những nội dung này cần được tiếp tục củng cố luyện tập và hổ trợ cho việc nắm bắt nội dung trọng tâm một cách thuận lợi dưới hình thưc hoạt động khác.

– Khi tiến hành hoạt động học có chủ định, tùy theo từng trường hợp cụ thể, một số nội dung trong cùng một lĩnh vực giáo dục có thể tích hợp với nhau. Ví dụ : Trong lĩnh vực phát triển nhận thức, nội dung của hoạt động khám phá về tự nhiên có thể tích hợp với một số nội dung làm quen với toán hoặc tìm hiểu về mặt xã hội.

– Hay nội dung của hoạt động trọng tâm của lĩnh vực hoạt động này có thể tích hợp với nội dung của lĩnh vực hoạt động khác có liên quan, bổ trợ làm sâu sắc thêm trọng tâm. Ví dụ : Những nội dung của lĩnh vực hoạt động phát triển nhận thức có thể tích hợp phù hợp với một số nội dung của hoạt động phát triển ngôn ngữ, hoạt động tạo hình, hoạt động âm nhạc v.v…tạo điều kiện cho trẻ tiếp thu nội dung bằng nhiều cách khác nhau.

– Với lớp mẫu giáo Nhỡ, không nên tích hợp qua nhiều lĩnh vực nội dung hoặc đưa quá nhiều kiến thức mới vào cùng một lúc. Ngược lại, không nên chỉ tổ chức quá thiên về ôn luyện những kiến thức, kĩ năng cũ làm cho hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần, đơn điệu, gây nhàm chán và làm trẻ mệt mỏi.

Trong quá trình tổ chức hoạt động học có chủ định của trẻ cô cần chú ý sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trên cơ sở :

– Tạo cơ hội cho trẻ phát huy tính tích cực hoạt động để nhận thức : nên chú ý tổ chức cho trẻ trải nghiệm, sử dụng các giác quan, phán đoán trao đổi và nêu ý kiến riêng…

– Hệ thống các câu hỏi đưa ra cần mang tính gợi mở nhằm kích thích trẻ suy nghĩ và bày tỏ ý tưởng của mình. Cô nên lưu ý đến những trẻ cần sự quan tâm đặc biệt để đưa ra câu hỏi phù hợp với khả năng của trẻ.

– Tạo nhiều cơ hội hơn cho trẻ được làm việc, hoạt động theo nhóm nhỏ và thực hành cá nhân. Không nên làm thay, nói thay trẻ mà hướng dẫn, gợi mở, khuyến khích tất cả trẻ cùng được nói, bày tỏ ý kiến cá nhân và tham gia hoạt động tích cực để giải quyết nhiệm vụ.

– Sau mỗi hoạt động cô cần ghi chép, đánh giá tổng thể việc học của trẻ, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và lên kế hoạch điều chỉnh nội dung, phương pháp tích hợp cho hoạt động tiếp theo.

– Trong trường hợp thời gian hoạt động đã kết thúc mà vẫn có trẻ chưa hoàn thành nhiệm vụ, hoặc trẻ vẫn còn hứng thú, cô giáo có thể gợi ý để trẻ tiếp tục hoàn thiện nốt công việc đó vào thời điểm chơi và hoạt động tiếp theo nếu trẻ thích.

  1. Một số gợi ý và tiến hành hoạt động

Tên hoạt động

Mục đích, yêu cầu : Nêu yêu cầu mà trẻ cần nắm được qua hoạt động này.

Chuẩn bị : Đồ dùng, đồ chơi, không gian, chỗ ngồi,…

Các bước tiến hành

– Tạo “động cơ” học qua tình huống chơi phù hợp, gây sự chú ý, hứng thú của trẻ vào quá trình hoạt động một cách tự nhiên.

– Sử dụng và phối hợp các phương pháp dạy phù hợp với đặc trưng của lĩnh vực và khả năng của trẻ, trẻ tham gia giải quyết nhiệm vụ nhận thức theo quy trình phù hợp với đặc trưng của hoạt động và khả năng của trẻ.

+ Đặc nhiệm vụ nhận thức của trẻ thông qua tình huống chơi ( giải quyết nhiệm vụ chơi), dưới hình thức nêu vấn đề gắn với tình huống chơi.

+ Thông qua trải nghiệm bằng các giác quan, quan sát đối tượng, hành động mẫu và kết hợp với lời giải thích, hệ thống câu hỏi, đàm thoại để gợi trẻ suy nghĩ, nêu ra các cách thức thực hiện và thực hành giải quyết nhiệm vụ đặt ra.

– Cho trẻ tham gia vào trò chơi để luyện tập, củng cố hoặc tham gia vào hình thức hoạt động có nội dung bổ trợ phù hợp với nội dung trọng tâm, hoặc áp dụng những hiểu biết vào tình huống mới.

– Đánh giá và kết thúc : thông qua mục đích của hoạt động, cô gợi ý, khuyến khích trẻ tự nhận xét và hướng trẻ quan tâm đến kết quả của mình và của bạn trong quá trình hoạt động. Kết thúc và chuyển sang hoạt động khác, có thể cho trẻ cùng nhau hát 1 bài hát phù hợp hoặc chơi một trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ.

Ví dụ gợi ý về tổ chức hoạt động học có chủ định

Chủ đề Bản thân – chủ đề nhánh “các bộ phận cơ thể và các giác quan”

Hoạt động trọng tâm là hoạt động Âm nhạc với bài hát Cái mũi.

Nội dung tích hợp : nhận biết tác dụng của cái mũi và củng cố kĩ năng dán.

Tên hoạt động : Chúng ta cùng hát bài hát “ Cái mũi”

Mục đích – Yêu cầu : Trẻ hát một cách thích thú, hào hứng và thể hiện cảm xúc vui vẻ, hồn nhiên theo nhịp điệu, lời ca của bài hát Cái mũi, biết mũi dùng để ngửi, để phân biệt các mùi khác nhau và cách giữ gìn vệ sinh mũi.

Chuẩn bị :

– Tranh, ảnh về các loại hoa, quả…có mùi thơm để cho trẻ dán hình ảnh biểu thị chức năng của mũi; lọ nước hoa hoặc hộp dầu, có thể một vài bông hoa thật có mùi thơm khác nhau…

– Giấy màu xanh, đỏ, vàng… cắt hình tượng trưng cho cái mũi ( đủ mỗi cháu một cái); 3 tờ giấy to với 3 hình vẽ tượng trưng cho cái mũi; hồ dán,dụng cụ âm nhạc,…

Tiến hành hoạt động và phương pháp

– Gây hứng thú và động cơ học : Cho trẻ đứng vòng tròn hoặc đứng xung quanh cô và cùng trải nghiệm, ngửi và cảm nhận lần lượt 2 mùi khác nhau( hoa thơm, dầu con Hổ). Trẻ nhắm mắt và trẻ trẻ ngửi mùi của hộp dầu và nói xem trẻ đã ngửi thấy mùi gì, sau đó cô cho trẻ ngửi tiếp mùi nước hoa hoặc ngửi mùi của bông hoa nào đó. Cô nêu câu hỏi để trẻ nhận xét về những mùi mà trẻ cùng các bạn vừa cảm nhận được. Nêu câu hỏi để trẻ nói lên nhờ bộ phận nào của cơ thể giúp trẻ nhận biết được các mùi khác nhau( nhờ có cái mũi).

– Cô tặng cho mỗi trẻ một hình có màu sắc khác nhau( tượng trưng cho cái mũi). Cho trẻ tự dán hình đó vào cái mũi của mình.

– Cô có thể hát hoặc cho trẻ nghe băng bài hát “cái mũi”. Cho một số trẻ đoán xem đó là bài hát nào.

– Hướng dẫn tập hát trọng tâm bài hát ( 15-20 phút ): Cho trẻ nghe bài hát Cái mũi hoặc nghe nhạc của bài hát đó. Cô hát mẫu bài hát “cái mũi” và làm động tác minh họa theo lời bài hát một cách vui vẻ và sinh động, kích thích trẻ chăm chú, hào hứng nghe lời và giai điệu bài hát. Cô giới thiệu với trẻ ngắn gọn: tên bài hát, tên nhạc sĩ ( người sáng tác) và nội dung, tình cảm, giai điệu của bài hát. Cho trẻ cùng hát theo cô toàn bộ bài hát và thể hiện cảm xúc qua giai điệu vui tươi của bài hát. Nếu đoạn nào trẻ nói chưa đúng, chưa rõ lời, cô và trẻ cùng tập lại. Trẻ tập hát 2-3 lầnvới các hình thức khác nhau và cùng làm động tác minh họa theo bài hát, nhún nhảy, lắc lư theo nhịp bài hát, để thể hiện cảm xúc vui vẻ phù hợp với giai điệu của bài hát.

– Trò chơi Tai ai tinh( yêu cầu nhận ra giọng hát của bạn ): Cho một trẻ hát 1 đoạn của bài hát “Cái mũi”, một trẻ khác đội mũ chóp che mắt hoặc quay mặt về phía ngược lại. Yêu cầu trẻ đội mũ nhận ra bạn vừa hát là ai, đó là bạn trai hay bạn gái, bạn có đặc điểm gì về trang phục, hình dáng,…Những lần sau, cô đưa ra yêu cầu khó hơn, có thể 2,3 bạn cùng hát hoặc hát tiếp nối theo nhau. Yêu cầu phải đoán được có mấy người hát và đó là những bạn nào…Nếu trẻ đoán sai, phải tự hát lại toàn bộ bài hát.

Nhận xét và đánh giá : Cô cho trẻ vừa nghe lại bài hát qua băng, đàn hoặc cùng nhau hát và chia theo 3 nhóm. Mỗi nhóm trẻ có thể lựa chọn tranh ảnh thích hợp để dán biểu thị chức năng của mũi vào bức tranh của nhóm mình (mùi thơm của các loại hoa, quả; mùi thơm của các loại món ăn khác nhau).

Cô giúp trẻ treo tranh của nhóm ở vị trí thích hợp và khuyến khích trẻ xem tranh của nhóm mình và của nhóm bạn. Cô cùng trẻ hát lại bài hát “Cái mũi” và gợi mở để trẻ nêu lên những cảm xúc của mình khi hát bài hát bài Cái mũi.

III – HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LAO ĐỘNG

  1. Hướng dẫn chung

– Đối với trẻ mẫu giáo Nhỡ, ngoài việc củng cố các kĩ năng lao động tự phục vụ, thông qua lao động trực nhật bước đầu hình thành một số kĩ năng và phẩm chất nhân cách: tính tiết kiệm, hứng thú lao động, ý thức sẳn sàng tham gia lao động; kĩ năng tổ chức công việc của mình và công việc chung ; mối quan hệ tốt đẹp với các bạn trong quá trình lao động.

– Các hình thức lao động có thể được tổ chức lồng ghép tự nhiên trong thời gian thực hiện các chủ đề khác nhau ( chủ đề Bản thân, chủ đề Gia đình, chủ đề Trường lớp mầm non, Thế giới thực vật, Thế giới động vật,…) : Được tiến hành vào các thời điểm thích hợp; buổi sáng trong giờ đón trẻ; khi giáo viên cùng trẻ trò chuyện về hoạt động trong ngày; hoạt động học có chủ định; hoạt động góc; hoạt động ngoài trời; trước và sau bữa ăn; hoạt động chiều.

– Trong khi lập kế hoạch của chủ đề, kế hoạch tuần, giáo viên có thể đưa vào các hình thức lao động phù hợp. Ví dụ : Đối với trẻ mẫu giáo Nhỡ, các chủ đề Bản thân, Gia đình, Trường mầm non, giáo viên cần phải chú trọng tổ chức hình thức lao động trực nhật, lao động tập thể nhằm hình thành ở trẻ một số kĩ năng tổ chức công việc của mình và công việc chung, tinh thần trách nhiệm trong công việc,…

– Khi thực hiện đánh giá sau chủ đề, giáo viên phải có phần nhận xét về các hoạt động lao động đã được tổ chức : những gì đã thực hiện được , những gì còn tồn tại, những gì cần rút kinh nghiệm , hướng giải quyết như thế nào…Giáo viên cũng có thể ghi nhận xét cuối ngày nếu thấy cần, tuy nhiên cần ghi thật cụ thể, ngắn gọn và thiết thực.

– Để củng cố kĩ năng và hình thành thói quen lao động ở trẻ mẫu giáo Nhỡ, hằng ngày/ tuần cô chú ý phân công trực nhật ( trực nhật bữa trưa, trực nhật hoạt động góc, giờ ngủ, trực nhật góc thiên nhiên…). Bảng phân công trực nhật cần phải trang trí đẹp, có gắn kí hiệu của từng trẻ, treo ở nơi trẻ dễ nhìn thấy, bảng trực nhật của từng ngày treo trước lúc đó đón trẻ.

– Khi hướng dẫn hoạt động lao động ở lớp mẫu giáo Nhỡ, cô giáo cần lưu ý :

+ Thu hút trẻ vào hoạt động bằng các hình thức khác nhau ( trò chơi, xem tranh,..)

+ Ở lớp mẫu giáo Nhỡ, đối với những thao tác quen thuộc, cô cần quan sát và nếu cần thì cô gợi ý nhưng phải để trẻ tự làm . Đối với những thao tác mới, cô giáo cùng làm với trẻ đồng thời giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu, sau đó để trẻ tự làm có sự kiểm tra, giám sát của cô giáo. Cô cần tạo điều kiện cho trẻ tự giác tham gia vào chuẩn bị phương, đồ dùng, học liệu phục vụ cho hoạt động, tăng cường tính tự lực cho trẻ.

+ Trẻ mẫu giáo Nhỡ chưa thể phối hợp nhịp độ hoạt động của mình với hoạt động của các bạn khác, vì thế cô giáo không nên yêu cầu mọi trẻ làm xong cùng một lúc, cũng không nên nhấn mạnh trẻ này làm việc nhiều hay ít hơn trẻ khác mà khi phân công, cần chú ý để phân công hợp lí, phù hợp với từng trẻ và nên gợi ý trẻ làm xong giúp đỡ trẻ chưa làm xong.

+ Cô giáo cần phải chú ý ngăn ngừa một số biểu hiện không tốt ở trẻ, ví dụ, khi giúp đỡ các bạn khác, trẻ bắt đầu ra lệnh, chỉ huy, không để cho bạn tự làm. Cô giáo cần gợi ý cho trẻ cách hướng dẫn bạn cùng làm với mình và tạo điều kiện cho bạn tự làm.

+ Khi kết thúc lao động, cô gợi ý để trẻ nhận xét về kết quả công việc, về cảm nghĩ của bản thân sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chú ý đến sự hợp tác của các bạn trong nhóm, lớp.

  1. Hướng dẫn tổ chức lao động tự phục vụ

– Ở lứa tuổi mẫu giáo Nhỡ, trẻ đã có những kĩ năng tự phục vụ đơn giản. Vì vậy, ngoài việc củng cố những kĩ năng trước đây, cô cần có yêu cầu cao hơn :

+ Trẻ phải độc lập trong việc rửa tay, rửa mặt, mặc và cởi quần áo, trang phục.

+ Hình thành thói quen lao động tự phục vụ.

+ Hình thành kĩ năng sẳn sàng giúp đỡ nhau ( giúp đỡ bạn và yêu cầu bạn giúp đỡ), hợp tác cùng nhau.

– Để củng cố kĩ năng tự phục vụ ở trẻ, hằng ngày, cô quan sát, gợi ý cho trẻ thực hiện đúng các thao tác tự phục vụ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong giờ chơi phân vai, cô gợi ý cho trẻ thực hiện đúng các thao tác tự phục vụ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong giờ chơi phân vai, cô gợi ý cho trẻluyện tập các kĩ năng tự phục vụ : rửa tay, rửa mặt, đi tất cho búp bê,..Cô phối hợp với phụ huynh hằng ngày tạo điều kiện cho trẻ thực hiện lao động tự phục vụ và giúp đỡ bố mẹ trong công việc nội trợ để luyện tập các kĩ năng lao động ở nhà.

  1. Hướng dẫn tổ chức lao động trực nhật

Đối với trẻ mẫu giáo Nhỡ, sang 5 tuổi, trẻ có thể thực hiện hình thức trực nhật phức tạp hơn và trách nhiệm cao hơn mẫu giáo Bé. Do đó, cô giáo hướng dẫn và gợi ý cho trẻ phân công nhiệm vụ trong nhóm và tự nhận thực hiện nhiệm vụ : trực nhật bữa ăn ( bày bát đĩa, chia cơm và thức ăn, thu dọn bát đĩa sau bữa ăn, lau chùi bàn ăn,…); trực nhật chuẩn bị học tập ( chia đồ dùng học tập, thu dọn đồ dùng sau khi chơi xong, làm vệ sinh ); trực nhật tại góc thiên nhiên (tưới cây, bắt sâu,…)

Lao động trực nhật giúp hình thành ở trẻ tinh thần trách nhiệm, hứng thú lao động và ý thức sẳn sàng tham gia lao động.

Cô giáo có nhiệm vụ tạo điều kiện để tất cả trẻ đều được luân phiên nhau trực nhật. Khi phân công trực nhật, cô giáo chú ý để cho nhóm trực nhật có trẻ khỏe, nhanh nhẹn làm cùng với trẻ yếu, chậm. Cô cũng cần lưu ý đến nguyện vọng, ý thích, mong muốn được làm việc cùng nhau của trẻ. Nếu đến ngày mà trẻ trực nhật nghỉ học, cô đề nghị trẻ khác xung phong trực nhật thay bạn. Diểm danh xong, cô nhắc cả lớp nhìn vào bảng phân công trực nhật.để trẻ biết bạn nào được trực nhật trong ngày.

Gợi ý hướng dẫn hoạt động : Trực nhật giờ ăn

Mục đích : Trẻ biết trực nhật trong giờ ăn; biết sử dụng một số dụng cụ làm công việc nội trợ; hứng thú được phục vụ các bạn; biết làm việc cùng nhau.

Thời điểm tiến hành : Trước và trong bữa ăn.

Chuẩn bị : Cô làm bảng phân công trực nhật (chú ý tạo điều kiện để tất cả trẻ đều được luân phiên nhau trực nhật ).

Tiến hành : Điểm danh xong, cô nhắc cả lớp nhìn vào bảng phân công trực nhật.để trẻ biết bạn nào được trực nhật trong ngày. Trước giờ ăn, cô nhắc những trẻ trực nhật cất đồ chơi sớm hơn các bạn để làm nhiệm vụ trực nhật.

– Những ngày đầu năm học, khi trẻ mới đến trường, cô gợi ý, bàn bạc cùng với trẻ để trẻ kể ra những việc cần làm khi trực nhật. Thời gian sau, trước khi làm, trẻ có thể tự kể những nhiệm vụ của người trực nhật, giáo viên quan sát, gợi ý nếu cần thiết ( đến cuối 5 tuổi, nhiều trẻ có thể tự giác trực nhật khi đến phiên mình mà không cần phải nhắc nhở) : xếp bàn ghế chuẩn bị ăn cơm, 2 trẻ khiêng 1 bàn để kê bàn ăn, đặt nhẹ nhàng, xếp theo quy định; trẻ trực nhật ở từng bàn, chia thìa, bát và bê cơm cho các bạn trong bàn mình; sau khi các bạn ăn xong, từng trẻ tự dọn bát, thìa của mình để vào nơi quy định, cất ghế vào đúng chỗ, trẻ trực nhật lau bàn, cất bàn…Cô giáo gợi ý cho các bạn trong lớp cảm ơn các bạn trực nhật.

– Khi trẻ làm trực nhật, giáo viên để trẻ tự làm, chỉ gợi ý cho trẻ ( khi cần thiết ) giúp nhau thực hiện nhiệm vụ ( giúp những bạn làm chậm, hướng dẫn bạn cùng làm,…). Cuối ngày, giáo viên cho trẻ tự nhận xét công việc trực nhật, chú ý đến tính cẩn thận, sự nhiệt tình, vui vẻ phục vụ của những trẻ trực nhật.

– Hoạt động tiếp theo : Cho trẻ quan sát công việc của người phục vụ bàn ăn ở các quán ăn qua xem tranh,băng hình, kể chuyện về công việc này diễn ra ở nhà, ở những nơi mà trẻ biết; vẽ tranh minh họa; chơi các trò chơi,…

  1. Hướng dẫn tổ chức lao động tập thể

Ở cuối tuổi mẫu giáo Nhỡ, cô tổ chức lao động toàn lớp, có thể dưới hình thức tổ chức các nhóm thực hiện nhiệm vụ chung : Xếp lại giá đồ chơi; xếp lại mũ nón; lau rửa, sắp xếp bàn ghế; chăm sóc cây, con vật nuôi,…

Thông qua lao động tập thể, bước đầu trẻ có một số kĩ năng tổ chức công việc của mình, của nhóm, cùng thực hiện công việc chung : Biết chuẩn bị đồ dùng, dung cụ lao động cần thiết; phân công công việc trong nhóm hợp lí, biết phối hợp làm việc; biết thu dọn dụng cụ sau khi làm việc ( lau chùi sạch sẽ, để đúng nơi quy định ); biết nhận xét về công việc của mình, của bạn.

Để thực hiện công việc, cô gợi ý cho trẻ tự nhận công việc hay tự phân công nhau trong nhóm, bầu nhóm trưởng ( nếu cần), gợi ý để trẻ liệt kê những công việc cần làm, cần những dụng cụ gì và sẽ làm như thế nào.

Gợi ý Hướng dẫn tổ chức lao động tập thể

Thu dọn giá đồ chơi

Mục đích : Trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động chung, củng cố thói quen ngăn nắp, sạch sẽ, biết phối hợp cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ đến cùng, biết nhận xét về công việc của các bạn.

Chuẩn bị : Chậu nước, khăn lau, rổ đựng đồ chơi và chỗ làm việc của trẻ.

Tiến hành : Cho trẻ thảo luận, tự nhận nhóm làm việc, bầu nhóm trưởng ( nếu cần ), cô giáo gợi ý các nhóm phân công công việc của các thành viên trong nhóm ( chia thành các nhóm, mỗi nhóm 2-3 trẻ, gồm : nhóm rửa các đồ chơi, nhóm lau bàn, ghế búp bê, nhóm lau các ngăn của giá đồ chơi….)

Khi các nhóm triển khai công việc, cô giáo quan sát từng nhóm, gợi ý thực hiện các thao tác khi cần thiết ( thông qua nhóm trưởng hoặc trực tiếp với từng trẻ ). Nhắc nhở nhóm trưởng thực hiện vai trò lãnh đạo nhóm của mình. Cô giáo chỉ can thiệp khi cần thiết hoặc đối với thao tác mới. Cô giáo lưu ý nhắc nhở nhóm nào làm xong trước giúp đỡ nhóm khác, giúp các bạn khác, …( Rửa đồ chơi : Lấy nước cho vào chậu, cho lần lượt đồ chơi vào chậu nước, rửa kĩ từng cái một, một trẻ lấy khăn lau khô, một trẻ khác sắp xếp đồ chơi đã lau vào giá đồ chơi và xếp vào giá đựng…)

Khi kết thúc công việc, cô giáo cần xây dựng mối quan hệ giữa tập thể trẻ với các thành viên, cô có thể nhận xét chung : “ Tất cả chúng ta cùng làm xong công việc”, “Hôm nay các cháu làm việc rất đoàn kết, biết giúp đỡ lẫn nhau” ( cô giáo có thể nêu ví dụ ). Đồng thời cô gợi ý để trẻ nhận xét về kết quả công việc, về cảm nghĩ của bản thân sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chú ý đến sự hợp tác của các bạn trong nhóm, lớp. Điều này giúp củng cố ở trẻ những kinh nghiệm làm việc trong một tập thể nhỏ, hình thành kĩ năng thể hiện những mối quan hệ tốt đẹp giữa các bạn cùng tuổi.

– Hoạt động tiếp theo : Để củng cố kĩ năng ở trẻ, cô giáo tạo môi trường thích hợp để giới thiệu, tổ chức cho trẻ tìm hiểu qua tranh ảnh, tham quan lao động của người lớn, của trẻ em. Tạo cho trẻ có cơ hội giúp đỡ người lớn lao động để hứng thú, củng cố hiểu biết và kĩ năng lao động của trẻ.

  1. Một số lưu ý khi hướng dẫn trẻ khuyết tật tham gia hoạt động lao động

Đối với trẻ khuyết tật, cô giáo không đặt mục đích hình thành ở trẻ những kĩ năng lao động phức tạp, mà chỉ tạo cơ hội cho trẻ cùng tham gia, được tự trải nghiệm, nhằm hình thành ở trẻ một số kĩ năng tự phục vụ, tính tự tin, khả năng độc lập ( ở mức độ có thể ), một số hành vi văn hóa, lôi cuốn trẻ tham gia vào quá trình lao động càng nhiều càng tốt. Khi phân công lao động chung, cô giáo có thể gợi ý để trẻ khuyết tật tự lựa chọn công việc và nhóm bạn mà trẻ thích, đồng thời cô giáo phải khuyết khcíh các trẻ khác chú ý giúp đỡ, chỉ dẫn cho trẻ khuyết tật, tuy nhiên không nên đòi hỏi nhiều ở trẻ.

IV – HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC NGÀY HỘI, NGÀY LỄ

Tổ chức ngày hội, ngày lễ là hình thức giúp trẻ tham gia vào cuộc sống xã hội tại những thời điểm có ý nghĩa xã hội nhất để giáo dục truyền thống, đem lại niềm vui sướng vá góp phần toàn diện cho trẻ.

  1. Một số ngày hội, ngày lễ thường đực tổ chức ở trường mầm non

Tại các trường/ lớp mầm non, tùy điều kiện cụ thể của mình, có thể lựa chọn để tổ chức các ngày lễ, ngày hội sau : Ngày hội đến trường ( ngày khai trường ), tết Trung thu, tết Nguyên đán, Ngày 8-3, Ngày 20-11, Ngày sinh nhật Bác 19-5, Ngày sinh nhật của bé, Ngày 1-6 và lễ ra trường.

– Ngày hội đến trường : Ngày khai trường được coi là “ ngày hội đến trường” của bé. Vì vậy, nhà trường cần tổ chức long trọng, tạo quang cảnh vui chơi, phấn khởi, làm cho trẻ háo hức, vui sướng tham gia vào ngày lễ và nồng nhiệt chào đón các bạn mới ( trẻ 3 tuổi) vào trường.

– Tết Trung thu : Là ngày tết dành riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tết Trung thu tổ chức vào ngày rằm tháng tám. Có thể giới thiệu cho trẻ về thời tiết mùa thu, về trăng, cây cỏ, các loại hoa quả, trang phục của mọi người,…Tổ chức chương trình Trung thu cần chú ý đến các hoạt động : bày cỗ, rước đèn, phá cỗ, hát múa dân gian,..

– Ngày hội của thầy, cô giáo ( 20-11) : Giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, giới thiệu các công việc của các cô giáo, chú ý giáo dục tình cảm mến yêu, biết ơn của trẻ đối với cô giáo. Để tổ chức ngày này, cần chuẩn bị từ trước, trong các giờ học nghệ thuật, các buổi hoạt động ngoài trời, tổ chức cho trẻ làm những vật phẩm tặng cô, học hát các bài hát, bài thơ, vẽ tranh, kể chuyện về cô giáo

( về bố mẹ nếu là giáo viên ).

– Tết Nguyên đán là tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Cần tổ chức cho trẻ đón xuân, đón tết năm mới với tâm trạng vui mừng. Giới thiệu cho trẻ những phong tục, tập quán tốt đẹp trong ngày tết : chúc tết bố mẹ, người thân, thầy cô giáo…, mọi người mặc quần áo đẹp, tổ chức sum họp, mừng thọ người cao tuổi, tổ chức các trò chơi dân gian : thời tiết của mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, không khí trong lành, vui vẻ; mỗi dân tộc có những tập quán, phong tục đón tết khác nhau….

Cô giáo nên tổ chức tết Nguyên đán vào ngày cuối cùng trẻ ở trường, trước khi nghỉ tết, tập trung vào chủ đề mùa xuân, giáo dục trẻ tình cảm gắn bó gia đình, tình yêu thiên, tình cảm giữa các dân tộc,…

– Ngày Phụ nữ quốc tế (8-3) : Tạo ra được quang cảnh chào mừng, phấn khởi và các hoạt động thiết thực để trẻ nhận biết ngày 8-3 là ngày vui của các bà, các mẹ, các cô giáo. Thông qua việc tổ chức ngày lễ, giáo dục trẻ lòng kính trọng, biết ơn và tình cảm của trẻ với bà, mẹ , cô giáo và tôn trọng các bạn gái.

– Kỉ niệm ngày sinh hật Bác (19-5): Tổ chức ngày lễ kỉ niệm với hình thức sinh động, những tiết mục văn nghệ, nghệ thuật có nội dung thiết thực : Giới thiệu về quê hương của Bác, về thủ đô Hà Nội, nơi Bác đã sống và làm việc, về tình cảm của Bác đối với các cháu thiếu niên nhi đồng.

– Ngày 1-6, ngày hội của thiếu nhi và lễ ra trường của các cháu mẫu giáo lớn : Tổ chức ngày 1-6 với nội dung giáo dục tình đoàn kết với các bạn thiếu nhi quốc tế. Nhân dịp này, có thể tổ chức ngày ra trường của các cháu mẫu giáo lớn. Cần tổ chức nhẹ nhàng, ngắn gọn tạo cho trẻ một tâm trạng thoải mái, thể hiện tình cảm yêu mến, lưu luyến tiễn trẻ 5 tuổi lên lớp một, để lại cho trẻ những ấn tượng tốt đẹp về trường, về lớp học của mình.

– Ngày sinh nhật của trẻ trong lớp : Phối hợp với gia đình trẻ tổ chức vui vẻ , tùy điều kiện thực tế, bằng những lời chúc tốt đẹp của cô giáo, bạn bè, những món quà đơn giản ( có thể các trẻ tự làm), hoa quả, kẹo bánh,…tạo cho trẻ cảm nhận được niềm vui, sự trưởng thành, lớn lên của mình trong ngày sinh nhật và bước đầu hình thành tinh thần trách nhiệm ở trẻ, giáo dục trẻ quan tâm đến bạn bè.

– Những ngày hội, ngày lễ khác ( nếu có điều kiện )

+ Ngày 22-12, ngày hội quốc phòng toàn dân.

+ Tết Dương lịch.

+ Ngày 30-4, ngày giải phóng miền Nam, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.

+ Ngày 1-5, ngày hội của những người lao động.

– Các ngày hội, ngày lễ truyền thống của địa phương ( nếu có ).

  1. Lựa chọn nội dung ngày hội, ngày lễ thực hiện các chủ đề

– Trong khi tiến hành các chủ đề, có thể có những ngày hội, ngày lễ có nội dung phù hợp với chủ đề, ngược lại cũng có thể có ngày hội, ngày lễ mà nội dung lại không phù hợp. Vì vậy, tùy thuộc vào kế hoạch phân chia các chủ đề trong năm học của trường/ lớp mầm non và thời điểm diễn ra các ngày hội, ngày lễ mà giáo viên linh hoạt tổ chức hoặc lựa chọn nội dung ngày hội, ngày lễ để giới thiệu khi thực hiện chủ đề và sử dụng các sn3 phẩm của trẻ trong quá trình triển khai thực hiện chủ đề để phục vụ cho ngày hội, ngày lễ. Riêng về tổ chức sinh nhật cho trẻ trong lớp, giáo viên nên tùy theo điều kiện thực tế của lớp, có thể tổ chức sinh nhật cho từng trẻ, cũng có thể tổ chức sinh nhật cùng một ngày cho những trẻ nào trong lớp có ngày sinh nhật gần nhau,…

Khi thực hiện các chủ đề, giáo viên cần chú trọng đến lễ hội của riêng địa phương mình để có thể tổ chức hoặc lựa chọn nội dung phù hợp đưa vào các chủ đề. Ví dụ, Trường mầm non Phù Đổng thuộc ngoại thành Hà Nội có ngày “ Hội Gióng”. Đối với trẻ mẫu giáo Nhỡ, giáo viên có thể cùng trẻ kể chuyện về Ông Gióng, cho trẻ tham quan đền Gióng, cho trẻ trực tiếp tham dự ngày hội, trò chuyện về ngày hội, tổ chức cho trẻ vẽ, nặn, cắt, xé, dán, xếp hình (Đền Gióng, Ông Gióng, đô vật ngày hội,…). Qua những hoạt động đó, trẻ biết thêm về sự tích Đền gióng, là khu di tích lịch sử của quê hương, của đất nước, ngày hội Gióng hằng năm 9-4 ( âm lịch), trẻ có thể biết sử dụng một số từ của những người tham dự Hội Gióng như : Ông Hiệu, Cô Tướng, áo đỏ, áo đen,…trẻ biết ăn mặc đẹp khi đi xem hội,…Ngày 30-4, ngày giải phóng miền Nam thường được các trường mầm non phía Nam chú ý đưa vào thực hiện chủ đề. Tùy theo đặc điểm của từng địa phương để giáo viên lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức ngày lễ, hội cho phù hợp.

  1. Hướng dẫn tổ chức ngày hội, ngày lễ

Đối với lớp mẫu giáo Nhỡ, trẻ có thể tham gia được nhiều hoạt động một cách tích cực và có tình tự lập hơn trẻ mẫu giáo Bé. Cô giáo có thể phân công cho từng nhóm trẻ chuẩn bị từng phần việc và cùng cô tổ chức ngày hội, ngày lễ ( đọc thơ, kể chuyện, múa,…). Tuy nhiên, giáo viên phải thường xuyên bao quát, nhắc nhở trẻ thực hiện công việc được giao.

  1. Chuẩn bị

– Giáo viên lựa chọn các chủ đề phù hợp, lên kế hoạch, quý, tháng, tuần.

– Tổ chức tuyên truyền về ngày lễ ( trong các buổi họp phụ huynh, trên bảng tin, thông báo cho phụ huynh,..).

– Giáo viên tạo cho trẻ tâm thế chờ đón ngày hội, ngày lễ : trò chuyện với trẻ, cho trẻ xem tranh về ngày hội, ngày lễ. Cho trẻ tập các tiết mục văn nghệ : hát, múa, kể chuyện, đọc thơ, trò chơi…Cùng trẻ làm ra các sản phẩm trang hoàng lớp học đẹp đẽ, rực rỡ : vẽ tranh, cắt dán, ghép ảnh, treo tranh, dán xúc xích, treo bóng bay, treo hoa, đặt cây cảnh, trang trí quần áo, mũ, giấy, cho các tiết mục biểu diễn văn nghệ… Tạo điều kiện để tất cả các trẻ đều được tham gia vào các hoạt động này.

– Kế hoạch thực hiện ngày hội, ngày lễ : Chuẩn bị đề cương, nội dung chương trình, lời dẫn ngắn gọn phản ánh đúng tinh thần ngày hội, ngày lễ ( nếu tổ chức tại lớp thì cô giáo phụ trách lớp chuẩn bị , nếu tổ chức toàn trường thì ban lãnh đạo trường chuẩn bị), địa điểm, thời gian, người điều khiển chương tình, hình thức tổ chức, vị trí chổ ngồi của trẻ, giáo viên, cán bộ,…Tổ chức các hoạt động đa dạng phục vụ cho ngày hội, ngày lễ. Chương trình được sắp xếp hài hòa giữa các tiết mục hát, múa, đọc thơ,…Cần chú ý đến các hoạt động phụ họa của các trẻ với các tiết mục biểu diễn của nhóm chính và tăng cường các hoạt động cho tất cả trẻ cùng được tham gia.

Trang phục của trẻ cần trang nhã, mềm mại. Nếu trẻ đóng vai người lớn hoặc các dân tộc cũng cần cải biên cho đảm bảo tính hồn nhiên của trẻ. Không nên cho trẻ mặc những trang phục theo kiểu người lớn thu nhỏ, như vậy sẽ làm trẻ cứng nhắc, mất vẻ hồn nhiên, thơ ngây.

  1. Địa diểm và thời gian tổ chức lễ hội

Tùy điều kiện và nội dung cụ thể mà lựa chọn địa điểm và thời gian tổ chức : Địa điểm có thể ở ngoài trời, hoặc trong lớp học, nhưng cần đủ rộng, bố trí hợp lí các khu vực vui chơi, biểu diễn, trẻ dễ dàng quan sát các khu vực. Thời gian tổ chức ngày hội, ngày lễ vào buổi sáng hoặc buổi chi62u sau giờ ngủ trưa, kéo dài chừng 30-40 phút.

Lưu ý : Nếu có điều kiện và nội dung phù hợp, có thể tổ chức cả trường hoặc ghép các lớp, để trẻ ở các độ tuổi trong trường cùng được phối hợp tham gia. Ví dụ : mẫu giáo Bé, mẫu giáo lớn cùng đến tham gia phụ họa với mẫu giáo nhỡ,…Trong khi tổ chức, cô chú ý điều khiển chương trình sao cho trẻ ở các nhóm lớp có những hoạt động vận động hài hòa, phù hợp với sức của trẻ, không để trẻ dừng lại ở một tư thế quá lâu như đứng kéo dài, ngồi suốt buổi lễ hoặc nhảy múa liên tục, …Nếu có các nhân vật ở ngoài cùng tham gia thì cấn được chuẩn bị trước, cho trẻ biết để trẻ khỏi bở ngỡ.

  1. Một số lưu ý khi hướng dẫn trẻ khuyết tật tham gia hoạt động lễ hội

Đối với trẻ khuyết tật, giáo viên không đặt mục đích hình thành ở trẻ những kĩ năng phức tạp, mà chỉ tạo cơ hội cho trẻ tự trải nghiệm các cảm xúc của ngày lễ, ngày hội, lôi cuốn trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị ngày lễ, ngày hội càng nhiều càng tốt. Khi phân công, giáo viên có thể gợi ý để trẻ khuyết tật tự lựa chọn công việc và nhóm bạn mà trẻ thích, đồng thời, giáo viên phải khuyết khích các trẻ khác chú ý giúp đỡ, chỉ dẫn cho trẻ khuyết tật, tuy nhiên, không nên đòi hỏi nhiều ở trẻ.

5.Gợi ý hướng dẫn hoạt động : Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ ( 8-3 )

Mục đích : Tạo ra được quang cảnh chào mừng, phấn khởi và các hoạt động thiết thực để trẻ nhận biết ngày 8-3 là ngày hội của bà, mẹ, cô giáo, các bạn gái. Giáo dục cho trẻ lòng kính trọng, biết ơn và tình cảm yêu quí đối với mọi người xung quanh.

Chuẩn bị : Trước ngày lễ 1 hoặc 2 tuần, cô giáo tạo cho trẻ tâm thế chờ đón : Trò chuyện với trẻ về tình cảm của trẻ đối với bà, mẹ, cô giáo, các bạn gái; cho trẻ xem tranh về ngày lễ ; cho trẻ tập các tiết mục văn nghệ : múa, hát, kể chuyện, đọc thơ, trò chơi…Cùng trẻ làm ra các sản phẩm để trang trí lớp, khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ làm quà tặng cho người thân nhân ngày lễ : vẽ tranh, cắt dán, ghép ảnh, dán xúc xích, trang trí quần áo, mũ giầy cho các tiết mục văn nghệ. Cách ngày lễ vài ngày, cô gợi ý cho trẻ từng nhóm nhận từng phần việc để trang hòang lớp học. Cô tạo điều kiện để mọi trẻ đều được tham gia vào các hoạt động chuẩn bị; có thể trưng bày sản phẩm của trẻ làm tặng các bà, các mẹ, các cô, các bạn gái ở góc tuyên truyền cho phụ huynh hoặc ở chổ thích hợp.

Tổ chức tuyên truyền về ngày lễ (trong các buổi họp phụ huynh, trên bảng tin, thông báo cho phụ huynh trong giờ đón trả trẻ,…)

Thời điểm tiến hành : Vào buổi sáng hoặc buổi chiều ngày lễ, khỏang 30-40 phút.

Địa điểm : Có thể ở ngoài trời hoặc trong lớp; tổ chức tập trung cả trường hoặc riêng từng lớp ( tùy điều kiện cụ thể ).

Sắp xếp, bố trí địa điểm : Có thể làm sân khấu ( nếu tổ chức tòan trường ) hoặc xếp ghế hình chữ U, phía trên dành một khoảng trống ( sân khấu nhỏ ), đủ cho trẻ có thể biểu diễn các tiết mục : đọc thơ, múa, hát…( tùy thuộc vào số lượng trẻ trong các tiết mục).

Tiến hành:

– Đại biểu, phụ huynh ngồi hàng ghế phía sau các cháu ( hoặc ngồi hai bên ). Cô và các cháu đi vào hàng ghế đã chuẩn bị sãn theo tiếng nhạc bài hát “ Quà 8 tháng 3” ( bài hát được phát liên tục cho đến khi các cháu ổn định chổ ngồi).

– Cô giáo điều khiển chương trình lên phía trước các cháu, cô chào tất cả các cháu cùng các đại biểu, giới thiệu chương trình và đại biểu tới dự lễ và mời cô hiệu trưởng phát biểu nói về ngày lễ ( Ngày lễ 8-3 là ngày vui của các bà, các mẹ, các cô và các bạn gái…).

Các cô giáo cùng các cháu biểu diễn các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày lễ ( ví dụ : bài hát : Nhớ lời cô dặn, Chiếc khăn tay; cô hát múa Cô và mẹ; đọc thơ Cô giáo của con,…)

+ Tiếp theo, cô giáo điều khiển chương trình giới thiệu đại biểu ( phụ huynh, các ban nghành địa phương,…) trò chuyện, căn dặn, động viên nhẹ nhàng, ngắn gọn.

+ Kết thúcbuổi lễ, cô giáo điều khiển chương trình cảm ơn các đại biểu, cảm ơn chương trình hội diễn văn nghệ của trẻ nhân ngày 8-3, chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe và chăm ngoan để bà, mẹ, cô giáo vui lòng.

+ Bài hát Quà 8 tháng 3 vang lên, các cháu cùng hát. Cả lớp từ từ tỏa ra sân chơi trong tiếng nhạc, tiếng hát.

– Hoạt động tiếp theo : Cô phối hợp với gia đình tạo điều kiện cho trẻ sống lại cảm xúc của ngày lễ 8-3 ( kể lại ngày lễ được tổ chức như thế nào, sự tham gia của trẻ vào ngày lễ, cm3 xúc của trẻ,…) Trong các giờ chơi, giờ vẽ, nặn, cô gợi ý cho trẻ có thể làm các sản phẩm thể hiện ngày lễ.

D – TỔ CHỨC MỘI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG

I – HƯỚNG DẪN CHUNG

  1. Bố trí và tổ chức các khu vực hoạt động của trẻ trong trường, lớp mẫu giáo

Tổ chức môi trường hoạt động của trẻ trong trường, lớp mẫu giáo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, tình cảm- xã hội, khả năng thẩm mĩ, sáng tạo của trẻ. Trong trường, lớp mẫu giáo, môi trường hoạt động của trẻ được tổ chức trên nguyên tắc giúp trẻ học qua chơi. Vì vậy, khi bố trí và tổ chức môi trường cho trẻ chơi và hoạt động, giáo viên phải tính đến các yếu tố sau :

– Không gian thực tế của trường.

– Mục đích tổ chức các hoạt động.

– Các yếu tố an toàn cho trẻ.

– Các yêu cầu của trẻ đặc biệt ( nếu có ).

– Sự linh hoạt và dễ thay đổi theo mục đích giáo dục, theo chủ đề.

a) Các khu vực hoạt động ( góc chơi )

Các khu vực hoạt động góc chơi của trẻ thường là :

– Góc Chơi đóng vai.

– Góc Tạo hình.

– Góc Thư viện ( sách, truyện ).

– Góc xây dựng với các hình khối lớn, ghép hình và lắp ráp.

– Góc khám phá khoa học.

– Góc Âm nhạc ( Nghệ thuật ).

Tùy theo điều kiện của nhóm, lớp, giáo viên có thể bố trí khỏang 4 khu vực cố định, các khu vực hoạt động khác có thể bố trí các giá sát tường, linh hoạt và dễ dàng triển khai thành góc khi cần thiết.

b) Một số yêu cầu chung về bố trí các khu vực hoạt động ( góc chơi) của trẻ.

– Cần bố trí các khu vực hoạt động ( góc chơi) trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận lợi cho cô và trẻ hoạt động , đảm bảo theo các nguyên tắc đã đề ra trong chương trình.

– Phòng học đảm bảo sáng sủa, sạch sẽ, nhiều không gian mở. Cửa, lối đi ra, vào, hiên, sân được bố trí hợp lí. Trong lớp, nên có khu vực thuận tiện cho giáo viên đón trẻ và tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với phụ huynh.

– Trong phòng, nên sắp xếp, bố trí trang thiết bị, các giá, tủ sao cho dễ dàng di chuyển để làm vách ngăn cho các khu hoạt động riêng biệt phù hợp với tính chất của hoạt động động và tĩnh, dễ thu dọn khi cần thiết, dành nhiều không gian cho trẻ hoạt động cá nhân, nhóm nhỏ, cả lớp và nghỉ trưa, ăn trưa.

– Nếu phòng, lớp quá nhỏ, có thể để bớt đồ đạc, bàn ghế ra ngoài hiên , tạo nhiều không gian, diện tích cho trẻ hoạt động. Ngoài ra, có thể linh hoạt bố trí thêm các không gian phụ trong lớp hoặc bên ngoài hiên lớp học ( nếu có ) phù hợp với các góc chơi để khi cần thiết tồ chức cho trẻ chơi.

– Các khu vực hoạt động ( góc chơi ) cần bố trí thuận lợi cho trẻ được hoạt động theo khả năng, hứng thú, sở thích riêng. Khuyến khích trẻ lựa chọn các góc, các khu vực chơi, tham gia vào trò chơi, hoạt động theo khả năng, ý thích như vẽ, nặn, lắp ráp, làm truyện tranh…phù hợp với việc triển khai các chủ đề. Bố trí, tạo điều kiện cho trẻ tự do chọn nơi chơi, chơi cái gì và chơi với ai, dễ dàng giao tiếp với các bạn trong nhóm và với các nhóm chơi khác.

– Trang trí môi trường ở các góc hoạt động cần đảm bảo tính thẩm mĩ, mang tính mở phù hợp với quá trình triển khai các nhánh của chủ đề, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, kích thích trẻ hoạt động.

– Các bức tranh mang tính mở, gắn với chủ đề được bố trí thích hợp trong phòng, lớp là những sản phẩm của trẻ và cô cùng làm trong quá trình chơi, hoạt động ở các góc, cần cung cấp cơ hội cho trẻ củng cố những hiểu biết gắn với chủ đề, vận dụng, giải quyết các vấn đề đặt ra.

– Các góc cần được thể hiện cùng với tên gọi và hình ảnh phù hợp để giúp trẻ nhận biết góc chơi một cách dễ dàng. Tên các góc cần viết to theo đúng quy định mẫu chữ, giúp trẻ làm quen với chữ viết, gần gũi với trẻ như : Gia đình của bé ; Bé thích xây dựng ; Bé khám phá khoa học…

– Khu vực vệ sinh cần được bố trì gần vòi nước sạch, vệ sinh sạch sẽ, an toàn, thuận tiện cho trẻ tự vệ sinh cá nhân.

– Các khu vực hoạt động hay các góc chơi là nơi trẻ có thể cùng chơi và “làm” một việc gì đó một mình hoặc trong một nhóm trẻ.

Khuyến khích trẻ chơi và “làm việc” cùng nhau như : Cùng nhau xây dựng “công viên” với các hình khối lớn, cùng làm chung một việc gì đó theo nhóm, cùng chơi đóng vai “gia đình”, “siêu thị”, “bưu điện”…qua đó, giúp trẻ tái hiện các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng, hàng xóm, cung cấp cơ hội cho trẻ được trải nghiệm để nhận thức.

– Các khu vực chơi còn được bố trí phản ánh văn hóa nơi trẻ sống như đồ chơi được sử dụng phản ánh những đồ dùng, trang phục của địa phương….Ngoài ra, cô giáo cần bố trí chổ thích hợp để trưng bày tranh, ảnh về trẻ em các dân tộc khác nhau, cờ, tranh ảnh của các nước,…giúp cho trẻ có những hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau.

  1. Quản lí và hướng dẫn, giám sát trẻ trong các khu ực hoạt động ( các góc chơi)

Đối với lớp mẫu giáo Nhỡ, cô giáo có thể cùng trẻ chuẩn bị, tổ chức môi trường, cô là người hướng dẫn, theo dõi, điều chỉnh hoạt động của trẻ trong các khu vực hoạt động, góc chơi :

– Trong thời gian tổ chức cho trẻ chơi, hoạt động ở các góc, tùy theo kinh nghiệm của trẻ và yêu cầu triển khai của chủ đề, đầu năm cô có thể tổ chức triển khai từ 4 khu vực ( gó chơi ) khi trẻ có kĩ năng chơi, tùy theo chủ đề cô có thể mở rộng thêm góc phù hợp, không cần thiết triển khai cùng một lúc với tất cả các góc.

– Cô bố trí không gian phù hợp khi tổ chức cho trẻ chơi hoặc hoạt động ở các góc, cô quan tâm, bao quát toàn bộ các khu vực hoạt động của trẻ. Trong đó, khu vực chơi đóng vai, chơi xây dựng, lắp ghép, chơi ở góc Tạo hình, ở góc Khám phá khao học,…được coi như khu vực hoạt động trọng tâm. Cô quan sát, gợi ý, khuyết khích trẻ cùng chơi, cùng hoạt động, giáo tiếp với nhau trong nhóm và với các nhóm khác nhằm hướng tới việc triển khai chủ đề. Ví dụ : các bà mẹ cho con đến thăm nhà nhau ( ở góc Gia đình), cùng nhau cho con đi học ở trường mầm non ( nhóm chơi đóng vai : Trường mầm non)…, cùng nhau chơi, làm một việc gì đó ở góc chơi với cát, nước, cùng tham gia chăm sóc cây cối, các con vật ở góc thiên nhiên…Cô bố trí hợp lí về thời gian, không gian cho các nhóm chơi, hướng dẫn, tạo điều kiện cho mỗi trẻ cùng suy nghĩ, làm một việc gì đó, tạo tình huống giúp trẻ cùng phối hợp làm những sản phẩm, đồ chơi trong quá trình chơi, giúp cho nội dung trò hcơi trở nên phong phú, hấp dẫn, ví dụ làm các đồ chơi về các loại rau, củ, quả ( chủ đề Thực vật ), như rau quả sạch, của hàng sản xuất các loại rau sạch.

– Trong quá trình trẻ chơi, hoạt động ở các góc, cô bao quát và chú ý đến nhu cầu, hứng thú của từng cá nhân, của nhóm chơi, gợi ý luân phiên, điều chỉnh số trẻ trong các nhóm chơi trong các khu vực hoạt động ( góc chơi) phù hợp.

– Khi trẻ chưa có kinh nghiệm, cô có thể cùng chơi, cùng hoạt động để hướng dẫn trẻ, hướng trẻ đến chủ đề chung, nhưng không nên áp đặt, bắt trẻ làm theo ý của người lớn.

– Khi trẻ đã có kinh nghiệm và một số kĩ năng cần thiết, cô nên gợi ý, khuyết khích tạo mối quan hệ qua lại giữa các trẻ trong các nhóm chơi và các khu vực hoạt động khác,

– Cô ghi nhật kí về các hoạt động của trẻ, số lần trẻ chơi trong các khu vực hoạt động để có thể điều chỉnh, luân phiên kịp thời, tránh tình trạng trẻ chơi trong một khu vực hoạt độg nào đó quá lâu.

– Thời gian tổ chức, tiến hành cho trẻ tham gia chơi, hoạt động ở các góc được quy định ở các thời điểm trong chế độ sinh hoạt hằng ngày, cô nên chú ý lên kế hoạch và thực hiện đảm bảo : chơi theo ý thích trong thời gian đón trẻ đến lớp; chơi, hoạt động ở các góc; chơi, hoạt động theo ý thích buổi chiều….

3. Nguồn cung cấp vật liệu

– Vận động cha mẹ đóng góp đồ dùng học tập và đồ dùng đã qua sử dụng.

– Vận động các cửa hàng, nhóm cộng đồng phụ huynh tặng trường, lớp ( hộp bìa các tông, vỏ chai lọ nhựa, giấy báo, tạp chí cũ, quần áo, giầy dép, điện thoại không dùng nữa, mũ nón, túi, khăn, cà vạt, trang sức giả, hoặc dung cụ nghề mộc…)

– Mua ở các trung tâm thiết bị và ở các cửa hàng bách hóa.

– Cô và trẻ tự tạo và lám.

Những đồ dùng đã qua sử dụng cần được làm vệ sinh sạch sẽ trước khi cho trẻ dùng để chơi.

II – GỢI Ý HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC CÁC KHU VỰC HOẠT ĐỘNG

  1. Khu vực chơi đóng vai

– Khu vực chơi đóng vai là khu vực hoạt động trọng tâm, vì vậy cần bố trí vị trí, không gian thích hợp, đủ để triển khai các góc nhỏ phù hợp với các vai chơi như : góc “ Căn hộ gia đình”, góc chơi “ Cửa hàng”, “ Bệnh viện”, “ Trường mẫu giáo”…Các khu vực ( góc chơi cần được tổ chức sao cho tạo điều kiện tốt cho trẻ tự do tham gia vào các vai chơi, khuyến khích trẻ suy nghĩ, tưởng tượng và thể hiện vai chơi một cách tích cực, phù hợp.

– Trong khu vực này, vị trí cho các góc chơi đóng vai như Góc Gia đình, Phòng khám đa khoa, Cửa hàng mua bán ( Siêu thị ), Xưởng thiết kế…( góc Tạo hình ) thường được bố trí tương đối ổn định. Với các góc chơi khác : Trường mầm non, xây dựng công viên, Cửa hàng ăn uống, giải khát… có thể bố trí linh hoạt với khỏang không gian thích hợp khi cần triển khai. Đối với góc Gia đình, tùy theo điều kiện, giáo viên có thể bố trí nơi sinh hoạt thích hợp của 1 hoặc 2 gia đình với những đồ dùng như các kệ, giá thấp, tủ quần áo, khu vực bếp có bàn ăn, tủ lạnh, bếp, dụng cụ nấu ăn…; phòng khách với bộ bàn ghế; phòng ngủ với giường, chăn, gối và các con búp bê khác nhau. Bên cạnh góa chơi Gia đình, nên bố trí không gian đủ cho các góc chơi đóng vai khác như : Cửa hàng, Phòng khám đa khoa hoặc Trường mầm non, Cửa hàng siêu thị… Tùy theo từng địa phương và việc triển khai chủ đề, giáo viên có thể dành không gian thích hợp cho trò chơi Trại chăn nuôi, Nông trại, xây dựng công viên, Doanh trại bộ đội…Ở khu vực chơi đóng vai, cô nên chú ý bố trí các góc chơi sao cho thuận tiện cho việc mở rộng nội dung chơi, tạo cơ hội cho trẻ trong các nhóm có thể đi lại, giao tiếp dễ dàng với các khu vực khác : các “bà mẹ” đưa “con” đi xem triển lãm thiết kế thời trang, đi mua sắm hoặc đưa con đi khám bệnh, đi đến thư viện, đi xem biểu diễn văn nghệ,… ( khu vực hoạt động Tạo hình, Âm nhạc,…).

– Khi tổ chức, tiến hành cho trẻ chơi trong khu vực này, đồ chơi, đồ dùng, cho hoạt động của trẻ cần được đưa ra, bổ sung dần, sắp xếp phù hợp với chủ đề chơi, nội dung chơi, tạo cho trẻ sự mới mẻ, hấp dẫn và khích thích sự khám phá, tìm tòi

– Bố trí, sắp xếp vật liệu :

+ Trang phục được treo trên giá, mắc áo để dễ sử dụng.

+ Đồ dùng, đồ chơi và vật liệu giúp trẻ có thể làm đồ chơi phục vụ cho trò chơi đóng vai Gia đình phù hợp với chủ đề.

+ Đồ dùng, thiết bị phục vụ cho các trò chơi đóng vai khác nhau, ví dụ : bảng, bàn ghế, sách vở học sinh, …cho trò chơi Cô giáo, Lớp học.

+ Trong góc Gia đình có thể chia thành góc nhỏ : bếp nấu ăn, phòng ngủ của bé…

Với những nơi có điều kiện, những thiết bị, vật liệu cần thiết cho khu vực chơi đóng vai cần được trang bị theo yếu cầu danh mục đồ chơi thiết bị cho trẻ mẫu giáo nhỡ.

  1. Khu vực hoạt động tạo hình

– Tạo hình là hoạt động nghệ thuật luôn được trẻ ưu thích. Ở góc hoạt động này, trẻ được thử nghiệm và thể hiện sự sáng tạo đối với bản thân, tiếp nhận những cảm xúc tích cực thông qua việc bố trí, tổ chức môi trường, không gian hoạt động thích hợp. Trong lớp học, giáo viên có thể bố trí khu vực này thành một góc chơi cố định với 1, 2 bàn, các giá kê ( có bánh xe để có thể di chuyển linh hoạt được ) sát tường đựng đồ dùng của trẻ, khi cần thiết, có thể tận dụng thêm khoảng không gian thích hợp để bố trí thêm chổ chơi cho trẻ.

– Bàn, ghế, các giá vẽ, giá đựng đồ dùng, vật liệu nên bố trí mở, thấp phù hợp để trẻ tiện lấy và sử dụng; các giá, kệ cao hơn nên để các vật liệu đồ dùng chưa cần dùng ngay; cần có giá treo sản phẩm, các kẹp, dây… Ở các góc này cần bố trí các vật liệu, đồ dùng cho hoạt động một cách đa dạng như : màu nước, màu sáp, bút màu, bút dạ, giấy màu, đất nặn, kéo, hồ dán… để trẻ thực hiện theo ý thích của mình một cách sáng tạo qua : vẽ, nặn, cắt, dán, in…

– Hằng ngày, trẻ được lựa chọn chơi ở khu vực này theo ý thích, phù hợp với triển khai chủ đề chơi. Cô giáo không nên áp đặt trẻ làm theo ý của mình hay làm hộ trẻ. Trong quá trình hướng dẫn trẻ hoạt động, cô luôn khích lệ, khơi dậy ở trẻ những cảm xúc tích cực qua các sản phẩm mà trẻ đã làm được.

– Cô nên tạo điều kiện có chổ cho trẻ trưng bày sản phẩm, khuyến khích trẻ, phụ huynh xem các tác phẩm hội họa, nặn, làm đồ chơi được trưng bày ở các giá. Bàn vẽ hay giá vẽ nên bố trí ở khu vực rộng, thoáng và gần nguồn nước, nên phủ khăn ni- lông trên các bàn cho trẻ chơi với đất nặn hoặc các vật liệu dể bôi bẩn.

– Với lớp mẫu giáo Nhỡ, một số kĩ năng hoặc với những phương tiện thực hiện hoạt động còn mới mẻ đối với trẻ, cô nên cùng làm để hướng dẫn trẻ cách pha bột màu, tạo ra màu mới, cách sử dụng hồ dính, các loại giấy, con dấu…kích thích trẻ tự làm ra các tác phẩmcủa chính mình qua vẽ, năn, cắt, dán… về những đồ chơi, con vật, về con người gắn với chủ đề. Tùy theo trường hợp cụ thể, cô nên gợi ý, khuyến khích trẻ cùng nhau hoạt động trong nhóm và cùng tạo hcung sản phẩm.

– Trong các góc này cô nên tạo điều kiện cho trẻ thực hành, luyện tập một số kĩ năng xã hội : tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ, trò chuyện, trao đổi về ý tưởng với người khác ( nói mình sẽ làm về cái gì ) và nhận xét, đánh giá, chia sẻ đồ dùng, cùng thu dọn đồ dùng khi thực hiện xong, cùng rửa tay, rửa một số đồ dùng khi kết thúc hoạt động…

– Chơi và hoạt động của trẻ trong góc Tạo hình có thể được triển khai hằng ngày, phù hợp với thời điểm đã quy định trong thời gian biểu : chơi, hoạt động trong các góc ở buổi sáng và hoạt động theo ý thích ở thời điểm hoạt động chiều.

– Kết thúc hoạt động, cô nên chuẩn bị chỗ để nước, khăn,…để trẻ tự rửa tay và tiếp tục tham gia vào các hoạt động tiếp theo.

– Tùy theo điều kiện của địa phương, cô chuẩn bị những phương vật liệu ở góc này cho trẻ hoạt động như :

+ Bột màu, thuốc vẽ nhiều màu ( thuốc nước hoặc bột màu loại an toàn), giá vẽ hay bàn, khay đựng màu, đồ dùng vẽ bằng ngón tay : bàn phoóc- mi- ca, giấy, thuốc màu, chậu nước, khăn lau. Đồ dùng để in : các con dấu ( bằng cao su, nhựa mềm, khoai, mút, gỗ), giấy, thuốc vẽ nhiều màu.

+ Bút vẽ, giấy A4 hoặc giấy vẽ, giấy khổ rộng, but chì màu các loại, bút chì mềm, bút sáp, bút lông cán dài, phấn không độc, bảng, khăn, khăn lau.

+ Đồ dùng cắt, dán : kéo, hồ, giấy màu, bìa, hộp phế liệu, vải vụn, vật liệu thiên nhiên ( cát, lá cây, vỏ ốc, hến, rơm), các loại hạt, rổ đựng đồ cắt.

+ Tranh ảnh, báo, tạp chí cho trẻ tập cắt, dán phục vụ cho chủ đề.

+ Đất sét, đất năn, bàn phoóc- mi- ca, bát nước, khăn lau và vật mẫu của cô.

3. Khu vực thư viện ( sách, truyện )

– Sách, truyện có vai trò quan trọng trong đờ sống của trẻ thơ và là một hoạt động thú vị đối với trẻ. Khu vực này cần có sự yên tĩnh, vì vậy thường đặt xa những khu hoạt động ồn ào, có không gian vừa đủ để bố trí giá sách, bàn và một vài ghế để trẻ có thể ngồi xem sách, truyện tranh, thực hiện các hoạt động phù hợp. Nếu phòng nhỏ, có thể thay bàn ghế bằng đệm, gối hay các miếng thảm, chiếu…

– Các loại sách, những bộ sưu tập ( các con vật, các loại cây, lá, các loại hạt, hoa, quả, các loại ôtô hay đồ chơi…) , tạp chí, sách, truyện tranh, bộ tranh…được bày biện trên bàn, trên giá sách, để trẻ dễ nhìn và dễ sử dụng. Trẻ có thể chơi xem tranh để đoán, đặt tên hay mô tả về các đồ vật, đồ chơi, kể về các con vật trong tranh hoặc cắt, dán để làm truyện tranh…. Qua đó, giáo viên gợi ý, tạo điều kiện cho trẻ kể lại, trao đổi với nhau về những điều trẻ nhìn thấy, hoặc kể chuyện sáng tạo.

– Ở góc này môi trường chữ viết cần thay đổi thuận lợi, phong phú với những hình ảnh phù hợp, gắn với chủ đề giúp trẻ dễ dàng nhìn, quan sát và “đọc”.

– Khi triển khia chủ đề mới, cô nên cất đi một ít sách truyện trẻ đã xem nhiều lần, sắp xếp lại, bổ sung, thêm một vài đầu sách, truyện phù hợp với chủ đề, tạo cho trẻ cảm giác mới lạ, hứng thú.

– Nên trưng bày sản phẩm, sách tranh truyện, các bộ sưu tập do trẻ và phụ huynh tự làm. Không nên bày lên giá sách những cuốn sách đã quá cũ và rách. Cũng có thể đặt cat-sét và các băng ghi truyện kể để cho trẻ tự nghe khi chúng lật giở các trang sách.

– Đối với trẻ lớp mẫu giáo Nhỡ, khi trẻ xem truyện tranh, cô nên hướng dẫn cho trẻ cách mở sách, lật từng trang, cách sử dụng sách, truyện. Với trẻ chưa biết cách “đọc”, cô có thể cùng xem, chỉ theo tranh hoặc dòng chữ, hướng dẫn trẻ “đọc” truyện tranh cho bạn cùng.

– Ở góc này cô có thể gợi ý cho trẻ cách làm sách tranh minh họa về những truyện đã được nghe hoặc cắt dán những hình ảnh phù hợp với chủ đề, làm truyện tranh về chủ đề…Khuyến khích trẻ tự kể lại truyện đã nghe với bạn, học từ mới. Cô gợi ý, tạo điều kiện cho trẻ tự kể cho các bạn nghe về những sách truyện tranh mà trẻ đã xem hoặc đã làm, liên hệ câu chuyện với những kinh nghiệm khác…

– Những sách và vật liệu cần thiết cho góc này :

+ Các sách truyện tranh của mẫu giáo gắn với chủ đề, phù hợp với lứa tuổi ( truyện tranh thích hợp không quá nhiều lời).

+ Các con rối sử dụng để kể chuyện tranh ảnh của các loại tạp chí ( Họa mi, Nhi đồng,…), lịch treo tường đã sử dụng, bộ tranh theo chủ đề, tạo điều kiện cho trẻ cắt dán, làm truyện tranh dựa theo câu chuyện đã được nghe và kể lại.

4. Khu vực chơi ghép hình, lắp ráp và xây dựng

– Hoạt động Ghép hình, lắp ráp và xếp các hình khối ( chơi xây dựng )…cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội phát triển óc tưởng tượng, sáng tạo, phát triển ở trẻ kĩ năng phối hợp tay – mắt và phát triển vận động tinh, vận động các cơ nhỏ, phát triển sự chú ý, ghi nhớ, các kĩ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ… Vị trí khu vực này có thể đặt ở chỗ cố định hoặc di động, tùy theo điều kiện phòng, lớp.

– Bố trí khỏang không gian thích hợp ( có thể trải chiếu, thảm dưới nền nhà sạch hoặc xếp các bàn lại với nhau) để trẻ có chổ thoải mái chơi xếp hình, chơi với các đồ chơi, hình khối bằng gỗ, nhựa có kích thước to nhỏ, dài, ngắn sơn màu sắc khác nhau bằng hộp bìa các- tông, hộp nước ngọt, hộp ti vi…hoặc cô có thể ngăn thành những chỗ chơi riêng theo ý thích của trẻ bằng các vách ngăn linh hoạt.

– Trong khu vực này, giáo viên cần bố trí các đồ chơi ghép hình bằng các vật liệu khác nhau : các bộ ghép hình bằng nhựa, gỗ, các bảng có lỗ để chắp, ghép các con vật, cây hoa….các bộ đồ để sửa chữa…., các bộ lắp ráp về các phương tiện : ôtô, cần cẩu, nhà khác nhau. Ngoài ra, ở đây còn bố trí các vật liệu để chơi đan, tết,xâu hạt…Ngoài ra, cần bố trí thêm một số đồ chơi như biển báo giao thông, các loại cây, con vật, ôtô, môtô, xe đạp, máy bay, búp bê,….để trẻ chơi về phương tiện giao thông và các công trình xây dựng khác. Cô nên sắp xếp và không nên để đồ dùng, đồ chơi trên giá cao, kín hoặc xếp chồng lên nhau làm khó khăn cho sự lựa chọn của trẻ, không nên đưa tất cả các thứ ra cho trẻ chơi một lúc.

– Cô lưu ý, lựa chọn những hình khối có kích thước, trọng lượng phù hợp với độ tuổi mẫu giáo Nhỡ, đa dạng về hình dạng, chủng lọai, kích thước, màu sắc để trẻ có thể chơi xây dựng các công trình khác nhau. Đồ chơi này, trẻ có thể chơi theo nhóm hoặc chơi riêng theo ý thích. Cô hướng dẫn trẻ lắp ghép những căn nhà, ôtô…xây dựng các công trình khu công viên, vườn hoa, doanh trại bộ đội, cầu, ôtô của trẻ.

– Trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động ở khu vực này, cô giáo cần bao quát, hướng dẫn trẻ chơi phù hợp với việc triển khai các chủ đề giáo dục và hướng dẫn cách chơi phù hợp với độ tuổi mẫu giáo Nhỡ… Cô tạo cơ hội và điều kiện cho trẻ dễ dàng lựa chọn chi tiết lắp ráp, xếp hình theo ý thích. Cô đưa ra gợi ý cho trẻ tự chọn chơi với ai, chơi gì theo ý thích và cùng chơi với trẻ để hướng dẫn cách chơi đối với những kiểu mẫu mới khi cần thiết. Với lớp này, cô giáo nên tạo tình huống, khuyến khích các mối quan hệ qua lại của trẻ trong nhóm chơi và giữa nhóm chơi này với các khu vực chơi khác hướng đến chủ đề chơi chung như mời các gia đình đi tham quan các công trình xây dựng, xưởng lắp ráp ô tô. Chú ý hướng dẫn trẻ trong các nhóm chơi, chơi xong tự cất đồ chơi đúng nơi quy định, gọn gàng và ngăn nắp.

  1. Khu vực hoạt động khám phá thiên nhiên và khoa học

– Trẻ lứa tuổi mẫu giáo Nhỡ rất thích thú khám phá, tìm hiểu môi trường xung quanh và tham gia vào các hoạt động trong khu vực này.

– Trong góc lớp hoặc ngoài hiên, giáo viên nên chọn vị trí thuận lợi để bố trí một số cây cảnh, các loại hạt giống, quả, hoa, rau, có chậu để gieo hạt, quan sát sự nảy mầm và lớn lên của cây : có lọ nước cho trẻ quan sát rể cây, theo dõi sự nảy mầm, sự nảy mầm, sự phát triển thay đổi của một số cây, hoa và thực hành chăm sóc cây cối.

– Tùy thuộc vào điều kiện, giáo viên cần bố trí chỗ cho trẻ chơi với cát, nước với những đồ chơi thich hợp như rỗ, đĩa bát nhựa, thìa, các loại vỏ trai, ốc, phiễu, chai lọ, các ca cốc có kích cỡ khác nhau để chơi đong đếm, quan sát thể tích của nước… Bố trí chỗ cho hố cát, chậu nước, bể cá…, đồ chơi thổi bong bóng xà phòng hoặc những đồ dùng để trẻ làm thí nghiệm nhuộm màu nước….Có thể cho trẻ chơi với cát khô hoặc đổ nước vào để chơi xây dựng các công trình… và một số đồ dùng, đồ chơi với nước để trẻ thể nghiệm vật chìm, vật nội; các khuôn in, đóng… để trẻ chơi với các.

– Cô có thể treo trên giá các loại quả cân, các hình bằng nhựa, bìa cứng với các màu sắc khác nhau, các chữ số từ 1 đến 10, các hình tròn, tam giác, hình vuông, chữ nhật…, lô tô về các con vật, các loại rau quả, các loại phương tiện giao thông để chơi phân loại, đếm, so sánh…số lượng, so sánh và thử nghiệm sự thăng bằng về mặt trọng lượng, sức hút của các nam châm khác nhau….

– Các hoạt động trên có thể bố trí trong lớp học hoặc ngoài hiên, ngoài sân, vườn, nơi gần nguồn nước. Tùy theo nội dung của chủ đề để cô hướng trẻ lựa chọn chơi ở khu vực này cho thích hợp. Cô nên chú ý lên kế hoạch và có những gợi ý để có thể luân phiên cho trẻ chơi trong khu vực này ở các ngày trong tuần phù hợp.

Không nhất thiết triển khai cùng một lúc tất cả các nội dung trên.

6. Khu vực hoạt động âm nhạc

– Âm nhạc là một hoạt động giải trí và là một hình thức hoạt động có tính nghệ thuật, sáng tạo, được trẻ yêu thích, thích hợp với trẻ ở lứa tuổi mầm non. Vì vậy, góc Âm nhạc được bố trí và tổ chức môi trường hợp lí, thậun tiện sẽ tạo điều kiện phát triển ở trẻ nhiều mặt : phát triển cảm xúc tích cực, khả năng giao tiếp, khả năng xã hội, khả năng phát triển vận động và khả năng nhận thức và khuyến khích, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được hoạt động tích cực.

– Môi trường hoạt động của trẻ trong khu vực này cần bố trí khảong không gian, góc yên tĩnh, xa các góc khác. Có thể bố trí chổ cho một sân khấu nhỏ để biểu diễn văn nghệ, những con rối để chơi đóng kich rối…

– Trên các kệ, giá, bàn, nên có cát-sét với các băng nhạc với những bài hát phù hợp với lứa tuổi, các mũ chơi trò chơi âm nhạc, thuận tiện cho việc sử dụng của trẻ( những nơi có điều kiện ). Ở góc này, tùy theo điều kiện của địa phương nên bố trí một số dụng cụ âm nhạc đơn giản : Trống, đàn oóc-gan, dụng cụ âm nhạc của địa phương.

– Nên có tủ đựng hoặc giá mắc để treo mũ, quần áo, váy, đồ trang phục dân tộc mang tính truyền thống của địa phương, những dụng cụ âm nhạc, đồ chơi, các dụng cụ âm nhạc tự tạo ( mang tính truyền thống âm nhạc và địa phương).

– Trong khu vực này, tùy thuộc vào nội dung triển khai của từng chủ đề, cô giáo có thể chuẩn bị đồ dùng, gợi ý, hướng dẫn một nhóm trẻ tự nghe các âm thanh, qua băng nhạc khác nhau, biểu diễn một mình hoặc theo nhóm, ôn lại những bài hát đã làm quen; vận động theo nhạc; Cô có thể cùng tham gia với trẻ để hướng dẫn trẻ khi cần thiết.

– Các đồ chơi, dụng cụ âm nhạc, đồ dùng tự tạo, trang phcụ phục vụ cho hoạt động hát, múa, biểu diễn kịch, rối và diễn văn nghệ…cần được bày biện ở vị trí thích hợp, khuyến khích trẻ sử dụng các loại dụng cụ âm nhạc tự tạo. Cô nên tạo cơ hội cho trẻ thưởng thức những bài hát, vận động theo bài hát và thực hiện cùng với các bạn…, khuyến khích trẻ thể hiện những cảm xúc khác nhau : vui tươi, buồn, tức giận, ngạc nhiên…

III – TỔ CHỨC MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG NGOÀI TRỜI

Môi trường ở ngoài lớp học rất tốt đối với sức khỏe và việc học tập, vui chơi của trẻ. Chơi ngoài trời tạo cho trẻ nhiều cơ hội vận động tòan thân, phát triển kĩ năng vận động thô như : đi, chạy, nhảy, leo trèo, giữ thăng bằng, sự kết hợp với các giác quan và việc tiếp nhận cảm giác.

Hoạt động ngoài trời rất đa dạng và có thể thực hiện ở các khu vực khác nhau :

– Khu vực cây bóng mát, góc thiên nhiên, bãi cỏ : Khu vực này cần có ghế cho trẻ ngồi nghỉ, nghe kể chuyện…, các nhà chòi, nhà lợp lá, nhà búp bê, nhà chơi với bóng tạo điều kiện khuyến khích trẻ chơi với nhau, ôn lại những bài hát, điệu múa đã học, chơi các trò chơi vận động,…tạo cảm xúc vui vẻ, thư giản, thoải mái, tiếp xúc với không khí trong lành, chăm sóc cây cối, con vật…

Nên bố trí một góc sân trường các lồng chim, các con vật nuôi mà trẻ yêu thích ( thỏ, khỉ, chim, vẹt), các chậu cây cảnh, các chấu có đất để có thể gieo hạt, trồng cây…, một số đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ phù hợp với hoạt động ở góc thiên nhiên (cào, xẻng nhỏ, bình tưới nước,…). Ở khu vực này cô nên khuyến khích luân phiên các nhóm trẻ cùng được tham gia vào các hoạt động chăm sóc ở góc thiên nhiên, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các cảm xúc của mình.

– Khu vực các thiết bị đồ chơi ngoài trời : Dụng cụ leo trèo : cầu trượt, đu quay, thăng bằng, đường ống để chui qua, thang bằng dây thừng, lốp ô tô dựng đứng để chui qua, bóng, ô tô, xe đạp ba bánh,…có địa hình mấp mô cho trẻ đi, leo trèo. Cô khuyến khích trẻ hợp tác với nhau, thay phiên nhau chơi với các thiết bị. Những hoạt động này khuyến khích phát triển kĩ năng vận động thô của cơ bắp, các tố chất nhanh, mạnh khéo léo, thăng bằng, phối hợp nhịp nhàng tay mắt,…

– Khu vực chơi với cát, nước các vật liệu thiên nhiên : hố cát, bể nước và các vật liệu như xẻng, chai lọ, hộp, ô tô tải, rổ, thìa, bát, cân, xà phòng, giấy gấp thuyền, phẩm màu, khuôn, xốp… Ở khu vực này,cô cần tạo điều kiệ cho trẻ được đong đo với nước thể nghệim vật chìm – nổi, khô – ướt, nặng – nhẹ, …xây lâu đài bằng cát, đào xới, vẽ ngón tay trên cát, in dâu, tạo sản phẩm bằng khuôn,…

– Khi chơi ngoài trời giáo viên chỉ nên giới thiệu các khu chơi và ý tưởng chung, sau đó để trẻ tùy ý lựa chọn trò chơi, địa điểm chơi và cách hơi. Cô gợi ý lựa chọn các trò chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời gắn với nội dung triển khai trong ngày và chủ đề. Cô cần bao quát, quan sát trẻ chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ.