LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN CHÂN VÒNG KIỀNG ? – NowFit Yoga & Fitness Center

Chân vòng kiềng là một trong những tình trạng hình thể không cân đối, là một trong những khiếm khuyết về cấu trúc chân có thể ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ cơ thể. Ngoài chân vòng kiềng còn có những tình trạng thường gặp như lệch vai – vai cao vai thấp, lưng tôm hay còn gọi là lưng gù, cổ rùa, chân cao chân thấp,… Làm thế nào để phát hiện ra mình có đang gặp phải tình trạng chân vòng kiềng cũng như làm sao để tìm ra được nguyên nhân gây ra tình trạng chân vòng kiềng để có biện pháp khắc phục kịp thời hãy cùng Nowfit tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chân vòng kiềng:

Trước hết chúng ta cần hiểu chính xác về tình trạng chân vòng kiềng là tình trạng chân bị cong theo hướng khiến hai đầu gối cách xa nhau kể cả khi hai mắt cá chân đặt sát gần nhau.

1.1. Chân vòng kiềng sinh lý: Chân vòng kiềng thường phát triển trong năm đầu tiên của trẻ như một phần của sự phát triển tự nhiên mà không rõ nguyên nhân. Hầu hết trẻ nhũ nhi và trẻ mới biết đi đều có tình trạng chân vòng kiềng sinh lý.

– Khi người mẹ mang thai, em bé cần phải xoay và cong một số xương dài để có thể nằm vừa trong tử cung của mẹ. Nên khi sinh ra, trẻ có thể có chân vòng kiềng, đây được gọi là chân vòng kiềng sinh lý. Nó được coi là một phần bình thường trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.

– Chân cong sinh lý sẽ tự điều chỉnh theo thời gian mà không cần có sự can thiệp nào (thường đến 2 tuổi).

1.2. Chân vòng kiềng bệnh lý:

+ Bệnh Blount là do sự tổn thương và phát triển không bình thường của đĩa sụn tăng trưởng nằm ở đầu trên xương chày, gây ảnh hưởng đến xương chân, có thể xảy ra trong giai đoạn sớm như trẻ bắt đầu tập đi quá sớm hoặc độ tuổi ở thanh thiếu niên, ở những trẻ thừa cân. Bệnh Blount không chỉ gây chân vòng kiềng ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn dẫn đến các vấn đề khớp gối cho trẻ cũng như khi trẻ lớn lên sau này.

+ Bệnh còi xương xảy ra do thiếu vitamin D kéo dài hoặc thiếu ánh nắng để tổng hợp Vitamin D làm mềm và làm yếu xương. Do đó đôi chân không thể chịu được trọng lượng cơ thể trong hoạt động đi lại hàng ngày, dẫn đến xương bị cong gây ra tình trạng chân vòng kiềng.

+ Bệnh lý xương khớp di truyền: Nhiều người bị chân vòng kiềng là do kết cấu xương bẩm sinh. Cha mẹ bị chân vòng kiềng có khả năng cao sinh con bị tật này. Đây là nguyên nhân bị chân vòng kiềng phổ biến nhất. Tỉ lệ con trai mắc chân vòng kiềng so với con gái là 3.5 : 1.1

  1. Phân loại các dạng chân vòng kiềng phổ biến:

– Có 3 dạng chân vòng kiềng phổ biến mà hầu như mọi người đều nghĩ là 3 dạng chân khác nhau:

+ Chân vòng kiềng chữ X (Valgus): Khi đứng thẳng, người có chân vòng kiềng chữ X sẽ không thể đứng chạm hai mắt cá chân vào nhau, phần đầu gối cong chếch vào trong, 2 đầu gối có thể sẽ chạm nhau.

+ Chân vòng kiềng chữ O (Varus): Khi đứng thẳng, hai mắt cá chân đặt cạnh nhau, phần đầu gối của người có chân vòng kiềng chữ O sẽ cong vòng ra ngoài.

+ Chân vòng kiềng XO: Khi đứng thẳng, hai đầu gối chạm nhau, hai mắt cá chân chạm nhau. Tuy nhiên, ở phần cẳng chân lại bị cong vòng ra.

+ Ngoài ra còn kiểu chân thứ 4 là chân vòng kiềng chữ K: là hiện tượng vòng kiềng chữ X một bên. Người có chân vòng kiềng chữ K khi đứng thẳng cũng không thể chạm hai mắt cá chân lại với nhau.

  1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng chân vòng kiềng:

– Dấu hiệu đặc trưng và điển hình nhất là hai chân cong hướng ra ngoài và mắt cá chân tiến sát vào nhau, gây ra dáng đi không ổn định cho người bị chân vòng kiềng. Chân vòng kiềng có tính chất đối xứng. Việc dáng đi bị thay đổi sẽ kéo theo các triệu chứng khác như:

+ Hai chân đi bị khập khiễng.

+ Đầu gối bị đau.

+ Có hiện tượng cứng khớp.

+ Phần hông, mắt cá chân và bàn chân bị đau nhức.

+ Khả năng đi lại, vận động bị hạn chế.

+ Bên cạnh đó, hiện tượng chân vòng kiềng có khả năng gây chứng đau và căng giãn cơ hông, dây chằng, bàn chân và mắt cá chân.

+ Điều này khiến cho cơ thể bệnh nhân bị mất cân bằng, hình thành dáng đứng bất thường.

– Đối với các bé ở độ tuổi tập đi (thường là khoảng 3 tuổi). Chúng ta cần chú ý nhiều đến trẻ ở độ tuổi này để có thể phát hiện ra các dấu hiệu chân vòng kiềng sớm nhất. Các dấu hiệu trẻ bị chân vòng kiềng cần lưu ý như:

+ Khoảng cách giữa hai đầu gối của trẻ dưới 3cm thì bình thường và lớn hơn 3cm thì chân trẻ bị vòng kiềng.

+ Chân trẻ xuất hiện dấu hiệu lạ so với các bé cùng tuổi, trẻ sẽ hay kêu đau ở chân, tê chân, nhức chân.

+ Tình trạng hai chân không đối xứng, thường là do chân bị vòng kiềng hoặc chữ X ở một chân.

Đối với những tình trạng về hình thể chưa cân đối và cần khắc phục như lưng gù, lệch vai,…đặc biệt là chân vòng kiềng thì thời gian tốt nhất, phù hợp nhất và có thể mang lại kết quả cao nhất để chúng ta có thể tập luyện chính là trong độ tuổi dậy thì. Khi đó khung xương chúng ta còn đang trong quá trình phát triển thêm, sẽ dễ dàng hơn trong việc luyện tập và cải thiện hình thể cân đối trở lại.

Ngoài ra nếu chân vòng kiềng không được khắc phục sớm thì khi càng lớn chúng ta sẽ càng dễ gặp các cơn đau kéo dài mỗi khi thời tiết trở lạnh, mỗi khi đi công việc lâu, hay khuân vác đồ nặng vì lúc đó áp lực toàn bộ cơ thể của chúng ta sẽ dồn xuống đôi chân của mình.