Vào những ngày Tết, Trung thu hay ngày lễ truyền thống, người Nhật thường cúng bánh Mochi để cầu nguyện cho sự trường thọ và may mắn. Món bánh này có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa của “đất nước Phù Tang”. Vậy Mochi là bánh gì? Bánh Mochi có gì đặc biệt? Tại sao món bánh này lại được sử dụng trong những ngày lễ của người Nhật? Hãy cùng Thanh Giang tìm hiểu qua bài chia sẻ này nhé!
1. Mochi là gì? Xuất hiện từ bao giờ?
Đi liền với sự phổ biến của ẩm thực Nhật, bánh Mochi là món bánh quen thuộc với người Việt, nhất là với những bạn du học sinh, thực tập sinh Nhật Bản hay những người yêu thích đất nước và con người của “đất nước mặt trời mọc” nói chung.
1.1 Bánh Mochi là gì?
Mochi là một loại bánh giầy nhân ngọt, còn được gọi là bánh gạo dính truyền thống của Nhật, được làm bằng cách trộn các loại bột gạo lại thành cục bột. Bánh Mochi là món bánh truyền thống tại Nhật, được làm từ các loại gạo nếp ngon nhất, mang ý nghĩa là may mắn mà các vị thần linh ban tặng cho người dân Nhật Bản.
1.2 Nguồn gốc của bánh Mochi
Bánh Mochi không chỉ có ở Nhật Bản mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan…
Về nguồn gốc, nhiều tài liệu cho rằng bánh Mochi Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do quá trình ảnh hưởng văn hóa và nhiều yếu tố khác, bánh Mochi được du nhập vào Nhật trong khoảng năm 300 TCN. Khi mới xuất hiện tại Nhật, Mochi được làm từ gạo nếp thượng hạng và nhân đậu đỏ, chỉ sử dụng để phục vụ tầng lớp quý tộc.
2. Câu chuyện về bánh Mochi trong những ngày Tết của Nhật Bản
Không chỉ là món ăn thông thường, bánh Mochi giữ một vai trò quan trọng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Nhật. Mochi là vật cúng không thể thiếu trong các gia đình Nhật mỗi dịp năm mới.
Trên mâm cỗ Tết của người Nhật Bản thường có một chiếc Mochi, được gọi là Kagami mochi. Xét về ý nghĩa, Kagami Mochi cũng giống như bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.
Kagami mochi có hình dạng như người tuyết, với chiếc bánh mochi tròn và to ở dưới, chính giữa đặt chiếc mochi bé hơn, trên cùng sẽ có một quả quýt daidai. Trong đó, hai chiếc Mochi tượng trưng cho cân bằng âm dương, và quả quýt daidai tượng trưng cho gia tộc, gia đình.
Theo quan niệm của người Nhật, Kagamimochi mang ý nghĩa linh thiêng hơn chỉ là một món bánh cúng, bởi vì họ tin rằng vào dịp tết, thần may mắn Toshigami sẽ ghé thăm và nhập vào chiếc bánh mochi này.
Bên cạnh đó, vào những ngày lễ truyền thống, người Nhật cột bánh Mochi lên thanh tre dài và nướng trong đống lửa. Họ ăn bánh Mochi nướng tại lễ Đôn-yaki để cầu sức khỏe trong suốt cả năm. Bánh Mochi cũng được sử dụng trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật.
3. Bánh Mochi Nhật Bản có những loại nào ngon nhất?
Ngày nay, bánh Mochi Nhật Bản được biến tấu với nhiều kiểu dáng và thành phần khác nhau. Thậm chí, món bánh này còn được sử dụng để làm nguyên liệu để chế biến những món ăn khác. Về cơ bản, bánh Mochi gồm các loại sau:
3.1 Daifuku Mochi
Món Daifuku Mochi là món bánh truyền thống được yêu thích nhất. Đây là món bánh đơn giản với thành phần chỉ gồm gạo nếp và nhân đậu đỏ bên trong. Một viên bánh Daifuku Mochi thường có đường kính tầm 3cm, được phủ một lớp bột ngô hay bột khoai tây bên ngoài. Màu sắc thường là màu trắng, hồng hay xanh lá cây nhạt.
3.2 Kusa Mochi
Kusa Mochi cũng tương tự như Daifuku, xong có thêm lá ngải cửu. Vì thế, món bánh này có lớp vỏ màu xanh lá cây. Rất nhiều người nghĩ rằng đó là trà xanh, tuy nhiên thực tế đây là lá cây ngải cứu. Cũng vì thế mà Kusa Mochi không chỉ là món tráng miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe.
3.3 Mochi kem
Một “phiên bản’ độc đáo của bánh Mochi Nhật Bản là Mochi kem. Đây là món bánh được nhiều người yêu thích bởi hương vị ngon và lạ miệng.
Món bánh này có kết cấu mềm mại của phần gạo nếp bên ngoài, kết hợp với phần kem mềm mịn bên trong. Có nhiều loại kem được sử dụng gồm kem trà xanh, kem dâu, kem vani, kem đậu đỏ hay kem socola…
3.4 Sakura Mochi
Lấy ý tưởng từ hoa anh đào Nhật, món Sakura Mochi không chỉ đem đến hương vị ấn tượng mà còn là món bánh mang ý nghĩa độc đáo. Bánh có hương vị và màu giống hoa anh đào, kết hợp với phần nhân bên trong được làm từ bột đậu đỏ. Bên ngoài vỏ bánh còn bọc thêm lá của cây anh đào rất độc đáo.
3.5 Hanabira Mochi
Món Hanabira Mochi truyền thống xuất hiện phổ biến trong những ngày Tết đầu năm mới. Món Mochi này không có hình tròn đặc trưng mà có hình bán nguyệt, phần trung tâm màu hồng và mờ dần về hai mép bánh. Phần nhân bên trong cũng được làm từ đậu đỏ và có thêm thanh kẹo Gobo.
3.6 Chikara Udon
Chikara Udon là sự kết hợp của mì Udon và món bánh Mochi nướng. Món này được phục vụ nóng và có thể được thêm một số nguyên liệu như nấm, chả cá, trứng hay thịt bò.
Xem thêm: Món ăn Nhật Bản được ưa chuộng hiện nay
4. Tìm hiểu những điều thú vị về bánh Mochi Nhật Bản
4.1 Cách giã gạo làm bánh công phu
Nổi tiếng với sự cầu kỳ và tinh tế trong chế biến các món ăn, bánh Mochi Nhật được làm rất tỉ mỉ và kỳ công. Sau khi vo hấp gạo với đường cát, những “nghệ nhân” làm bánh sẽ tiến hành công đoạn giã hỗn hợp.
Bột gạo làm bánh Mochi được giã trong một cối gỗ lớn. Công việc giã đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả hai người. Trong đó, một người sẽ làm nhiệm vụ nhấc và đảo khối bột. Người còn lại sẽ nhấc chày gỗ lên sao cho việc giã gạo được diễn ra nhanh và liên tục.
4.2 Quốc sách tiết kiệm gắn liền với bánh Mochi
Người Nhật nổi tiếng với triết klis Mottainai – nghĩa là không lãng phí. Triết lý này gắn liền với người Nhật từ ẩm thực đến cuộc sống sinh hoạt…và cả với những chiếc bánh Mochi.
Câu chuyện được kể lại rằng, có một gia đình quý tộc vì quá dư dả lúa gạo mà sử dụng gạo thừa làm thành một loại bột dai dai ( bột bánh Mochi ngày nay). Tuy nhiên, thay vì ăn chúng, họ sử dụng chúng làm mục tiêu tập bắn cung.
Việc không tôn trọng hạt gạo của họ đã làm đấng thần linh tức giận. Vì thế, những chiếc bánh được lấy làm bia bắn đã biến thành những chú chim màu trắng và bay lên trời. Cũng kể từ đó, đồng lúa của gia đình này cũng không trổ bông nữa. Điều này đã khiến gia tộc bị suy tàn.
4.3 Ngày bánh Mochi 10/10
Người Nhật còn dành hẳn một ngày lễ cho những chiếc bánh Mochi – ngày 10/10. Đây cũng là ngày Hội thể thao toàn quốc của Nhật Bản.
Do những chiếc bánh Mochi được làm từ gạo, loại thực phẩm cung cấp dưỡng chất giúp cơ thể có được năng lượng trong thời gian dài. Thêm đó, đây cũng là loại bánh được tuyển thủ điền kinh và những người hoạt động thể thao yêu thích. Vì thế, ngày Hội thể thao toàn quốc cũng là ngày bánh Mochi.
4.4 Mochi, con thỏ và Mặt trăng
Tại Nhật Bản, mochi, thỏ và Mặt trăng có mối quan hệ mật thiết. Tsuki no Usagi- Thỏ cung trăng là cụm từ được nhiều người biết đến ở Nhật Bản. Cụm từ này được cho là xuất phát từ câu chuyện giai thoại Konjaku Monogatari, bao gồm những sự tích từ thời Heian.
Chuyện kể về một chú thỏ tốt bụng, hi sinh thân mình để cứu một cụ già. Cụ già này chính là một vị thần hóa thân. Cảm động trước tấm lòng của chú thỏ nên đã khắc tên chú lên mặt trăng.
Cũng có phiên bản kể rằng ông đã đưa chú thỏ lên cung trăng sống. Kể từ đó, gia đình thỏ vào dịp Trung thu đều cùng nhau giã bánh giầy (bánh Mochi). Những chiếc mochi này có tên là tsukimi mochi, có hình dạng viên tròn như mặt trăng, thường được bày trên mâm cỗ cúng trung thu của người Nhật.
4.5 Món ăn mang giá trị tinh thần và tín ngưỡng
Trong quan niệm của người dân Nhật Bản, Mochi còn là món ăn mang giá trị tín ngưỡng. Nó được xem là cội nguồn của inadama – linh hồn sống trong hạt gạo.
Cũng là quốc gia có văn hóa lúa nước, người Nhật gần như “thần thánh hóa’ và có lòng kính trọng đặc biệt với loại thực phẩm này. Họ tin rằng inadama trong bánh mochi có thể đem đến sinh lực và sức sống cho những ai ăn nó một cách trân trọng. Đây cũng chính là lý do mà Mochi trở thành món bánh trong các dịp quan trọng của người Nhật.
5. Cách làm bánh Mochi – Công thức làm bánh Mochi dẻo ngon
5.1 Nguyên liệu làm bánh Mochi nhân đậu đỏ
Để làm món bánh Mochi nhân đậu đỏ kiểu Nhật, bạn cần chuẩn bị các loại nguyên liệu sau:
- Bột nếp làm bánh
- Đậu đỏ
- Nước lọc
- Đường cát trắng
- Bột năng
- Nước cốt dừa
- Muối
- Vani
Lưu ý: Bên cạnh nhân đậu đỏ, bạn cũng có thể kết hợp với nhiều loại bánh khác nhau như trà xanh, socola, đậu đỏ, bí đỏ…
5.2 Hướng dẫn làm nhân bánh
Bạn cho đậu đỏ vào một cái thau ngâm với nước 1 đến 2 tiếng cho đậu đỏ mềm. Tiếp đó, đem rửa lại thật sạch, để ráo nước rồi cho đậu vào một cái nồi, cho nước cốt dừa vào nấu cho đậu thật chín nhé. Khi đậu chín bạn tắt bếp để cho đậu đỏ nguội.
Sau khi đậu đỏ đã nguôi, bạn sử dụng một cái muỗng để nghiền đậu, hay sử dụng máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Trong quá trình nghiền, bạn cho vani, đường và một chút muối.
Cuối cùng, bạn nắn nhân bánh. Sử dụng một cái muỗng, lấy một lượng đậu xay nhuyễn vo thành hình tròn vừa nặn.
5.3 Nhào bột và làm vỏ bánh
Bạn cho bột nếp và bột năng vào trong tô lớn và cho nước lạnh vào nhào đến khi bột mịn. Lưu ý khi nhào bột cần đều tay để đảm bảo bột không bị vón cục.
5.4 Hấp chín bột
Bạn cho bột vào hấp trong khoảng 20 phút, lửa vừa cho bột chín đều. Sau khi hấp bột lần một xong, bạn nhấc bát bột ra, trộn đều với 1 – 1,5 bát con đường kính cho thật đều để vỏ bánh có được vị ngọt đặc trưng rồi lại cho bột vào hấp tiếp khoảng 20 phút nữa. Sau khi bột chín bạn lấy ra để nguội.
5.5 Tạo hình bánh Mochi – Hoàn thành
Sử dụng một lượng bột vừa đủ bột đã chín tạo hình tròn rồi ấn dẹt sau đó cho nhân vào giữa và gói tròn lại cho kín nhân. Tiếp đó, bạn cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng cho bánh cứng lại là có thể lấy ra thưởng thức được.
Bánh Mochi thành phẩm có lớp vỏ dai, dẻo thơm nhẹ mùi nước cốt dừa.
5.6 Một vài lưu ý để thực hiện món bánh Mochi thành công
Phần vỏ bánh rất quan trọng, đem đến độ mềm và dẻo cho bánh. Để vỏ bánh ngon, bạn nên sử dụng bột gạo ngọt Mochiko. Đây là loại bột chuyên dụng để làm Mochi. Nếu không tìm mua được, bạn có thể sử dụng bột nếp để thay thế.
Ngoài phần bột nhào vỏ, bạn cũng chuẩn bị thêm một chút bột ngô tinh hoặc bột mì tinh để phủ lớp bên ngoài sau khi hoàn thiện bánh để tránh bánh bị dính. Phần bột phủ này chỉ cần chuẩn bị một lượng nhỏ.
Khi nhào bột làm vỏ bánh, cần nhào thành một khối mịn, mềm và chắc chứ không nhào loãng, rắn hay vón cục. Bột không được trộn quá khô hay quá ướt vì phần vỏ có thể bị mềm và nát.
Ngoài ra, trước khi ngâm đậu đỏ, bạn nên lựa những hạt đậu nào quá nhỏ hoặc bị sâu để loại bỏ đi. Ngoài ra khi cho đậu vào nước ngâm bạn đảo đậu đỏ thật đều tay, những hạt đậu nào nổi lên mặt nước thì vớt bỏ.
Bánh Mochi là món bánh truyền thống được yêu thích tại Nhật. Tuy có thành phần đơn giản xong cách làm lại rất tinh tế, yêu cầu sự cẩn thận và khéo léo. Nếu yêu thích món ăn Nhật, bạn có thể tham khảo công thức làm bánh Mochi “chuẩn vị Nhật” phía trên nhé!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!