Mẹo hay các giống đậu tương phổ biến [Đầy Đủ Nhất 2023]

Cây đậu tương hay đỗ tương, đậu nành [Glycine max (L.) Merrill] là loại cây họ đậu (Fabaceae), có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện nay được trồng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đậu tương là cây trồng cạn ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao và có khả năng cải tạo đất tốt. Trong hệ thống luân canh, nếu bố trí hợp lý sẽ góp phần tăng năng suất cả hệ thống cây trồng và giảm chi phí cho việc bón phân. Hạt đậu tương được dùng làm thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc, nguyên liệu trong chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm, dược liệu và hàng xuất khẩu. Dưới đây là một số giống đậu tương đang trồng phổ biến ở Việt Nam:

1. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐT26

Ảnh: Đậu tương ĐT26

– Thuộc giống trung ngày, có thời gian sinh trưởng (TGST) 90 – 95 ngày.

– Chiều cao cây 45 – 60 cm, phân cành khá, từ 2 – 3 cành/cây, tỷ lệ quả 3 hạt cao. Khối lượng 100 hạt (18 – 19 g). Có hoa màu trắng, hạt vàng, rốn nâu đậm, quả chín có màu nâu.

– Có khả năng kháng bệnh gỉ sắt, đốm nâu và khả năng chịu ruồi đục thân, chống đổ khá.

– Tiềm năng năng suất cao, từ 22,0 – 26,0 tạ/ha tuỳ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh.

– Có khả năng thích ứng rộng, thích hợp với gieo trồng cho vụ Xuân và vụ Đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc bộ.

2. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐT12

Ảnh: Đậu tương ĐT12

– Là giống cực ngắn ngày, TGST từ 71 đến 75 ngày.

– Chiều cao cây 35 – 50 cm, phân cành trung bình, số quả chắc trung bình (18 – 30), tỷ lệ quả 3 hạt cao (19 – 40%), khối lượng 100 hạt (15,0 – 17,7 g).

– Thuộc loại hình sinh trưởng hữu hạn, cứng cây, hoa trắng, lông phủ màu trắng, hạt vàng, rốn nâu, quả chín có màu xám. Có ưu điểm là khi quả chín, bộ lá héo và rụng nhanh.

– Có khả năng chống đổ và tách quả tốt. Nhiễm bệnh mức nhẹ đến trung bình đối với một số bệnh hại chính

– Năng suất từ 14-22 tạ/ha tuỳ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh. Thích hợp cho cả 3 vụ Đông, Xuân, Hè

3. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐT51

Ảnh: Đậu tương ĐT51

– Thuộc giống trung ngày, TGST 90 – 95 ngày. Chiều cao cây 45 – 55 cm; phân cành khá từ 2 cành/cây; số quả chắc cao; tỷ lệ quả 3 hạt 25 – 30%. Khối lượng 100 hạt từ 17,5 – 20,0 g.

– Hoa màu tím, hạt vàng, rốn nâu đậm, quả chín có màu vàng.

– Nhiễm nhẹ bệnh vi rút, đốm nâu.

– Năng suất 20 – 29 tạ/ha, tuỳ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh. Thích hợp trong vụ Hè, vụ Xuân và vụ Đông.

4. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG Đ2101

– Là giống trung ngày, TGST 90 – 100 ngày.

– Hạt thuộc cỡ hạt lớn, trọng lượng 1000 hạt từ 170 – 185 g, màu vàng.

– Cứng cây, chống đổ và kháng bệnh tốt. Tiềm năng đạt năng suất cao (từ 22,0 – 26,0 tạ/ha).

– Có khả năng thích ứng rộng, thích hợp với gieo trồng cho vụ Xuân và vụ Đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc bộ.

5. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG Đ8

Thuộc nhóm ngắn ngày, TGST 80 – 85 ngày.

– Chiều cao cây trung bình (từ 43 – 55 cm), khả năng phân cành cấp 1 từ 2,3 – 3,0 cành. Khối lượng 1000 hạt lớn (195 – 203 gam). Thuộc loại hình sinh trưởng hữu hạn, dạng cây đứng, lá hình trứng nhọn. Hoa màu tím, hạt đẹp màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt.

– Có khả năng kháng cao với bệnh gỉ sắt, sương mai, phấn trắng…, chịu hạn và chịu rét khá.

– Năng suất cao (từ 21,0 – 23,0 tạ/ha). Thích hợp gieo trồng 3 vụ/năm (vụ Xuân, vụ Hè và vụ Đông).

6. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐVN-11

Ảnh: Đậu tương ĐVN-11

Thuộc nhóm trung ngày, TGST dao động từ 80 – 90 ngày.

– Chiều cao cây trung bình, dao động từ 44,4 – 71,8 cm, khả năng sinh trưởng khoẻ, phân cành mạnh, số cành cấp 1 dao động từ 1,9 – 3,4 cành. Số quả trên cây đạt 20,6 đến 46,3 quả, tuỳ vụ. Đặc điểm nổibật của giống là hạt to đẹp (khối lượng 1000 hạt dao động từ 159,7 – 206,1 g). Hạt màu vàng sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

– Khả năng chống đổ và kháng tương đối tốt với nhiều loại sâu bệnh hại chính.

– Năng suất trung bình dao động từ 20 đến 24 tạ/ha, những nơi thâm canh tốt đạt 26 – 27 tạ/ha. Có thể trồng ba vụ trong năm, nhưng thích hợp nhất là vụ Xuân và vụ Đông

7. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG DT84

Ảnh: Đậu tương ĐT84

TGST sinh trưởng vụ Xuân 115 – 120 ngày, vụ Thu 90 – 95 ngày, vụ Đông 110 – 115 ngày.

– Chiều cao thân chính 50 – 60 cm, cứng cây, bộ lá gọn có màu xanh đậm, có hoa màu tím, vỏ quả màu vàng, hạt to, màu vàng, rốn hạt màu nâu nhạt.

– Chịu nóng và chống đổ tốt, nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình với một số bệnh hại chính.

– Năng suất trung bình đạt 15 – 25 tạ/ha, thâm canh cao đạt 30 tạ/ha. Thích hợp cả 3 vụ: Xuân, Thu và Đông.

8. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG DT2001

Thuộc nhóm chín trung bình, có TGST từ 85 – 97 ngày.

– Cây cao 45 – 65 cm, cây gọn phân cành vừa phải, thân có 12 – 15 đốt, lông nâu nhạt phù hợp trồng thuần. Lá hình trứng nhọn, màu xanh đậm, có hoa mầu tím, quả chín hạt màu vàng rơm, rốn hạt xám nhạt. Tỷ lệ quả 3 hạt/cây cao, trọng lượng 1000 hạt đạt 165 – 200 gam. Tỷ lệ protein: 43%, chất lượng hạt cao.

– Chống đổ khá, chịu nhiệt tốt, chịu lạnh khá. Khả năng kháng các bệnh: gỉ sắt, sương mai, lở cổ rễ khá.

– Năng suất thực thu cao, đạt 20 – 35 tạ/ha, có thể đạt 40 tạ/ha, tùy thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh.

– Có thể trồng ở tất cả các vùng sinh thái có trồng đậu tương thâm canh trong cả nước, thích hợp cả 3 vụ: Xuân, Hè, Đông.

9. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG DT2008

Ảnh: Đậu tương DT2008

– Thuộc giống trung ngày, TGST: 95 – 100 ngày.

– Sinh trưởng hữu hạn, dạng cây bán đứng, lá hình trứng nhọn, hạt màu vàng và rốn hạt màu đen, thuộc nhóm giống trung ngày từ 95 – 110 ngày. Đặc biệt, DT2008 sinh trưởng khỏe, chiều cao cây từ 55 – 75 cm, số cành cấp 1 trên cây lớn từ 3,5 – 4,5 cành.

– Khả năng chống chịu khá (điểm 1 – 2) với hạn, úng, mặn, các loại bệnh nấm (gỉ sắt, sương mai, phấn trắng…).

– Năng suất từ 2,5 – 4 tấn/ha. Thích ứng rộng, trồng 3 vụ/năm trên các vùng trồng đậu tương cả nước.

10. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG HL203

Ảnh: Đậu tương HL203

TGST: 80 – 83 ngày.

– Chiều cao cây 50 – 60 cm, tổng số quả/cây: 30 – 50, tập trung vào thân chính. Tỷ lệ quả 3 hạt: 30 – 50%; khối lượng 100 hạt: 13 – 15,5 gam; hàm lượng protein: 34%; lipid đạt 20,4 – 22,3%. Vỏ quả khi chín màu vàng nâu, hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt.

– Chịu hạn nhẹ; kháng bệnh gỉ sắt, đốm lá vi khuẩn và thối quả.

– Năng suất ổn định, đạt 1,5 – 1,7 tấn/ha trong vụ Hè Thu và Thu Đông; 2,2 – 2,5 tấn/ha trong Đông Xuân và Xuân Hè.

– Thích hợp các mùa vụ trong năm trên các vùng sinh thái Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

11. GIỐNG ĐẬU TƯƠNG HL07-15

Ảnh: Đậu tương HL07-15

TGST: 78 – 85 ngày.

– Cao cây: 50 – 70 cm, số cành cấp 1: 2,5 – 3,5 cành. Tổng số quả/cây: 30 – 50; tỷ lệ quả 3 hạt: 60 – 70%. Khối lượng 100 hạt: 15 – 16,5 g. Hàm lượng protein: 32%; lipid 21%. Hoa màu trắng, lông tơ màu trắng xám. Vỏ quả khi chín màu vàng nhạt; hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt. Có khả năng chín tập trung, ít tách quả ngoài đồng.

– Kháng bệnh gỉ sắt, cháy lá vi khuẩn và đốm nâu.

– Năng suất ổn định, đạt 2 – 2,28 tấn/ha trong vụ Hè Thu và Thu Đông; 2,3 – 2,47 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, Xuân Hè.

– Thích hợp tất cả các mùa vụ trong năm cho vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Nguyễn Thị Nhung – Chi cục Trồng trọt và BVTV.