Cây hoa hồng có rất nhiều loại bệnh khác nhau tấn công vì vậy trong quá trình trồng và chăm sóc. Do đó cần lưu ý, hiểu hơn về cây hoa hồng, hạn chế cho các loài sâu bệnh hại tấn công cây.
Bài viết dưới đây sẽ liệt kê một vài loại nấm bệnh và côn trùng hại trên cây hoa hồng và cách khắc phục, giúp bạn bảo vệ tốt nhất cho những đóa hồng luôn khoe sắc.
1. Do bệnh hại
1.1. Bệnh đốm đen
Triệu chứng
Vết bệnh dạng hình tròn hoặc hình bất định, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen, trung bình đạt đường kính 14mm. Bệnh thường phá hại trên các lá bánh tẻ, vết bệnh xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng, rụng hàng loạt.
Giống như các bệnh nấm khác, bệnh đốm đen trên hoa hồng phát triển khi gặp thời tiết ẩm ướt, độ ẩm cao. Các đốm đen sẽ hình thành bào tử lây lan nhờ gió từ cây này sang cây khác. Các bào tử nấm có thể sống sót rất lâu trong môi trường, chỉ việc đợi điều kiện để phát tán.
Nguyên nhân
Bệnh đốm đen trên hoa hồng do một loại nấm có tên là Diplocarpon rosae gây ra, giống như cái tên của nó hình thành những vết tròn màu đen có hình dạng bất định, từ từ hình thành dần trên toàn bộ bề mặt của lá.
Biện pháp phòng trừ
Để tránh bệnh vườn hồng phải thông thoáng, đất không bị ngập úng. Tỉa bỏ những cành lá bị nhiễm bệnh. Làm sạch cỏ và thu dọn những tàn dư gây bệnh.
Có thể dùng một trong các thuốc sau: Carbendazim (Carbenzim 500 FL), Cucuminoid (Stifano 5.5 SL), Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil5SC), Imibenconazole (Manage 5 WP) Mancozeb (Cadilac 75 WG), Triforine (Saprol 190 DC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
1.2. Bệnh phấn trắng
Triệu chứng
Xuất hiện bào tử trắng như phấn bám lên lá, chồi non, nụ hoa. Xin đừng trông nó đẹp mà lầm, không phải tuyết hay sương bám trên cây đâu, là nấm bệnh đấy. Nếu để lâu, nấm bám dày sẽ ngăn cản quang hợp của lá. Lá cây sẽ rụng hàng loạt và cây chết dần.
Nguyên nhân
Do nấm Peronospora sparsa. Loài nấm này sinh sôi mạnh ở ẩm độ 85%, nhiệt độ 18°C. Nếu nhiệt độ cao trên 27°C nấm sẽ chết sau 24 giờ.
Biện pháp phòng trừ
Cắt huỷ cành lá bệnh, tăng cường lượng phân Kali. Vệ sinh mái che thường xuyên để đảm bảo lượng ánh sáng trong trong nhà kinh
Có thể dùng một trong các thuốc: Azoxystrobin + Difenoconazole( Amistar top 325SC) Hexaconazole (Anvil 5SC); Chlorothalonil (Daconil 75WP); Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG ), Triforine ( Saprol 190 DC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
1.3. Bệnh vàng lá
Triệu chứng
Lá bị vàng đều, héo dần và rụng đi. Đây không hẳn là bệnh, mà chỉ là biểu hiện của cây khi không được đáp ứng đủ nhu cầu.
Nguyên nhân
Có thể là do thừa nước, thiếu nước, thừa nắng, thiếu nắng, quá nhiều phân bón, vân vân… Những yếu tố này khá dễ dàng điều chỉnh.
Biện pháp phòng trừ
Cắt tỉa bớt những lá, cành đã vàng khô. Nếu trời nóng bức nắng gắt, bạn có thể dịch chuyển chậu hồng vào chỗ râm một chút. Nếu đang để chỗ râm mà vàng lá thì đem ra chỗ nào có thể đón nắng tốt.
Giảm lượng phân bón đang dùng. Dựa vào tình trạng của đất trồng cây để xem cây thiếu nước hay thừa nước.
1.4. Bệnh gỉ sắt
Triệu chứng
Ban đầu chỗ bị bệnh xuất hiện các chấm vàng, có viền mất màu, sau đó nổi gồ lên màu đen. Về sau những cục u này có đường kính vào khoảng 0,5 – 1,5mm; vỡ tung ra sẽ giải phóng những bụi phấn có màu giống như màu của rỉ sắt.
Nếu cây hồng bị bệnh rỉ sắt nặng trên một lá có thể có rất nhiều điểm bệnh làm cho lá bị khô cháy và rụng sớm, cây dần dần trở nên xơ xác, còi cọc, sinh trưởng và phát triển kém, ít hoa hoặc cho hoa nhỏ, không đẹp, gây mất thẩm mỹ nặng nề cho vườn hoa. Cành bị bệnh thường phồng lên lúc nhận biết ra thì đã quá muộn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh rỉ sắt là do nấm Phragmidium mucronatum gây ra, thuốc lớp nấm đảm Basidiomycetes.
Bệnh rỉ sắt xuất hiện chủ yếu vào đầu mùa xuân và khoảng đầu tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, bệnh phát triển phá hại mạnh trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao (> 80%), lá ẩm ướt, nhiệt độ gây hại thích hợp từ 18 – 25oC. Các bào tử lan truyền trong không khí, trên tàn dư cây bệnh còn sót lại, trong điều kiên thuận lợi (như gió và mưa ẩm) bệnh sẽ rất nhanh chóng lan ra cả ruộng trồng hoa hồng nếu không phát hiện kịp thời.
Biện pháp phòng trừ
Loại bỏ tàn dư cây bệnh và cỏ dại, thiết kế vườn sao cho thông thoáng.
Có thể dùng một trong các thuốc: Hexaconazole (Anvil 5SC, Dibazole 10 SL) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
1.5. Bệnh thán hư
Triệu chứng
Trên mặt lá xuất hiện các vết bệnh nhỏ có viền màu nâu, bên trong nhạt hơn, ở giữa có chấm đen li ti. Nói nôm na thì trông như có những con mắt nhỏ mọc trên phiến lá. Vết bệnh thường bắt đầu từ chóp lá, mép lá, đôi khi từ giữa phiến lá. Các vết bệnh này có thể lan rộng ra, gây hoại tử, đục thủng lá. Vết bệnh sẽ lan xuống cành cây sẽ tạo thành hiện tượng bệnh đen thân ở hoa hồng.
Nguyên nhân
Bệnh thán thư do tác nhân có tên là Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens gây ra. Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm. Nấm có thể lây từ cây bị bệnh qua các cây khác do tiếp xúc giữa các lá. Nước cũng có thể làm trôi bào tử từ vết bệnh và gió giúp phát tán bào tử từ nơi này sang nơi khác.
Biện pháp phòng trừ
Loại bỏ tàn dư cây bệnh và cỏ dại, thiết kế vườn sao cho thông thoáng.
Có thể dùng một trong các thuốc: Hexaconazole (Anvil 5SC, Dibazole 10 SL) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
1.6. Bệnh xoăn lá
Triệu chứng
Khi thấy lá cây hoa hồng xuất hiện những vệt màu sáng loang lổ khác thường, nhìn thấy rõ gân lá, tức là cây đã bị nhiễm virus CMV. Thời gian đầu lá chỉ thấy lá có các vệt màu trắng hay xanh nhạt, có thể phân bố đều hoặc không đều. Bệnh chuyển biến nặng hơn có thể khiến lá hoa hồng nhăn nheo, xoắn lại.
Nguyên nhân
Do rầy Aphids làm trung gian truyền bệnh CMV.
Biện pháp phòng trừ
Lúc này nên phun thuốc để diệt rầy bằng cách loại thuốc hóa học như Bassa, Supracide, trebon…
Bên cạnh đó phải vệ sinh vườn sạch, thoáng, diệt cỏ dại xung quanh vườn. Giảm số lần tưới và lượng nước tưới khi cây bị bệnh.
1.7. Bệnh sương mai
Triệu chứng
Xuất hiện các vết loang màu nâu tím dọc theo gân lá. Lâu ngày các vết thâm này sẽ chạy vào thân và lan dần xuống gốc. Bệnh chủ yếu tấn công vào lá cây hoa hồng. Khi bệnh biến chuyển nặng lá cây héo và rụng hàng loạt, làm cây không thể quang hợp và chết.
Nguyên nhân
Do nấm Peronospora sparsa, một loại nấm phát triển mạnh trong thời tiết lạnh và ấm ướt gây ra.
Biện pháp phòng trừ
Cắt bỏ và tiêu hủy cành lá bị nhiễm bệnh. Cách ly cây bệnh với các cây khác trong vườn.
Điều trị cho cây hoa hồng trong 7 ngày. Cho cây phơi nắng nhiều hơn và chỉ tưới vào buổi sáng. Phun 1 trong các loại thuốc: Aviso 350SC, Bonny 4SL, Manozeb 80WP…
1.8. Bệnh khô cành
Triệu chứng
Bệnh chủ yếu hại cành non. Vết bệnh lúc đầu là các đốm màu đen, giữa có bột trắng, xung quanh viền đỏ, đốm bệnh lồi lên và nứt ra. Bệnh lan dần xuống phía dưới thành đốm lớn, trên đó có nhiều đốm đen, đó là các ổ nấm.
Nguyên nhân
Do nấm Coniothyrium spp., thuộc lớp nấm nang Ascomycetes gây nên. Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25-300C, bệnh lan truyền xâm nhập vào cành cây qua vết xây xát.
Biện pháp phòng trừ
Định kỳ tỉa cành, cắt bỏ các cành bị gãy hoặc bị bệnh.
1.9. Bệnh sùi cành
Triệu chứng
Các đốt thân ngắn lại tạo thành những u sưng sần sùi, vỏ, thân, cành nứt rạn nhiều khía chằng chịt, bên trong gỗ nổi u, vết bệnh có màu nâu, nhiều vết sần sùi có thể chập lại liền nhau thành một đoạn dài, có khi vết bệnh bao phủ quanh cả cành, có khi chỉ một phía làm dễ gãy, khô chết.
Nguyên nhân
Do vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens. Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn phát triển là từ 21°C – 26°C. Các giống hoa hồng Rosa multifloraa, R. manetti, Bayse No3 rất mẫn cảm với bệnh này.
Biện pháp phòng trừ
Vệ sinh sạch sẽ nơi trồng. Huỷ bỏ những thân cây bị bệnh. Dùng thuốc kháng sinh như: Streptomycine, Kasuran, Penicillium… và dùng Orthene 75S, Vydate 2L để trừ côn trùng môi giới truyền bệnh.
1.10. Bệnh mốc xám
Triệu chứng
Thân cây bị thối đen, có các lớp mốc xám đen bám lên trên. Mốc xám khác với mốc trắng, có quần thể tế bào to hơn, bám thành các sợi chứ không mịn như phấn như mốc trắng. Cánh hoa xuất hiện các chấm nhỏ li ti trong suốt như giọt nước. Nụ hoa không nở được mà khô lại rồi chết.
Nguyên nhân
Do khuẩn Botrytis blight gây ra. Loại mốc này chuyên xuất hiện vào mùa mưa, phát triển mạnh vào thời điểm mưa dầm. Điều kiện khí hậu ẩm ướt là yếu tố giúp mốc sinh sôi.
Biện pháp phòng trừ
Cắt bỏ cành nhánh nhiễm bệnh. Mang chậu cây đến nơi khô ráo hoặc che mưa cho cây trồng dưới đất. Phơi nắng cây mỗi ngày trên 3 giờ. Giảm lượng nước tưới.
Bệnh mốc xám trên cây hoa hồng có thể được kiểm soát phần nào bằng cách phun thuốc diệt nấm. Như chlorothalonil (Daconil), hoặc mancozeb hoặc Sumi-eight 20 ml/bình 10 lít. (hãy cẩn thận khi phun và làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm).
2. Do côn trùng
2.1. Rệp
Tên loài
Macrosiphum rosae, hay còn gọi là rệp hoa hồng, là một loài côn trùng chuyên chích hút nhựa cây thuộc họ Rầy mềm Aphididae. Gây hại chủ yếu trên vật chủ là cây hoa hồng vào mùa xuân và đầu mùa hè.
Triệu chứng
Rệp thường tập trung gây hại ở mầm non xanh, nụ hoa hồng hoặc đeo bám vào thân cây hồng ở gần phần ngọn làm mất đi tính thẩm mỹ của cây hoa hồng, ít khi tấn công ở lá. Nơi bị hại thường tiết ra một lớp mật tạo thành bề mặt cho nấm hại cư trú (nhất là bệnh muội đen).
Biện pháp phòng trừ
Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá bị rệp hại để tiêu huỷ. Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Abamectin, Emamectin-Benzoate, Cypermethrin… chú ý phun theo liều lượng khuyến cáo để không gặp phải trường hợp nhờn thuốc.
2.2. Bọ trĩ
Tên loài
Bọ trĩ hay còn gọi là bù lạch (Danh pháp khoa học: Stenchaetothrips biformis)
Triệu chứng
Lá cây xoắn lại, đọt non nhăn nheo, nụ hoa thâm đen không nở được, mặt dưới lá xuất hiện quầng đen. Cây hồng leo khi bị bọ trĩ nặng sẽ tàn lụi và chết. Bệnh này thường hay xảy ra trong suốt quãng đời phát triển của cây.
Biện pháp phòng trừ
Khi thấy có triệu chứng trên lá non, phun thuốc liên tiếp 3 ngày, sau đó phun phòng ngừa 2-3 tuần 1 lần. Sử dụng thuốc: Emamectin benzoate (Susupes 1.9 EC); Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20EC); Spinetoram (Radiant 60 EC) với nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
2.3. Nhện đỏ
Tên loài
Tetranychus urticae, thuộc họ Tetranychidae
Triệu chứng
Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá và thường chích hút dịch bào trong mô lá hoa hồng tạo thành vết hại có màu sáng, dần dần các vết chích này liên kết với nhau. Khi bị hại nặng, lá cây hoa hồng có màu nâu vàng rồi khô và rụng đi.
Biện pháp phòng trừ
Luôn luôn giúp vườn hoa được thông thoáng, dùng các vòi xịt mạnh xít dưới mặt lá để đánh bay nhện.
Nếu mật độ dày dùng các loại thuốc như: Azadirachtin( Agiaza 4.5EC); Dầu hạt bông 40% + dầu đinh hương 20% + dầu tỏi 10% (GC – Mite 70DD); Emamectin benzoate( Map Winer 5WG; Tasieu 1.0 EC, 3.6 EC); Emamectin benzoate + Matrine ( Rholam super 12 EC)); Fenpyroximate (Ortus 5 SC); Fenpropathrin(Vimite 10EC), Milbemectin (Benknock 1 EC) liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.
Hy vọng qua bài viết dưới đây các bạn có thể phân biệt các loại bệnh hoa hồng và cách xử lý khi gặp.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!