“Lèo” là cái gì mà phải xả? Nghe hỏi, nhiều người ngần ngừ, lật đật lật từ điển tra cứu xem sao. Thì đây, lèo là dây nối từ cánh buồm đến chỗ người lái thuyền để lựa gió cho thuyền đi. Nói rõ hơn một chút, có hai loại lèo: “lèo dùi” và “lèo thẳng”. Nếu không giải thích, khi đọc/học thơ của Lê Thánh Tông, đến câu này ắt lại ngắc ngứ:
Lèo ăn gió, dầu dùi thẳng
Cánh phơi mây, mặc lộng khơi
“Lèo ăn gió”, có thể hiểu lèo đã được gió, hoàn toàn theo đúng hướng gió, no gió; do đó, bất chấp cả “dùi thẳng”. Từ điển của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Dùi thẳng: Chiều theo sự thể, lần hồi, không quyết bề nào”. Ta hiểu là sự nhùng nhằng, không dứt khoát, rạch ròi, chưa đâu vào đâu. Vậy nên, phải có dấu phết (,) giữa dùi và thẳng mới rõ nghĩa: người đi thuyền hoàn toàn chủ động theo ý thích, dầu/dù “lèo dùi” (dây dùn, không săn, không thẳng) hay “lèo thẳng” đi nữa cũng không sao vì “lèo” đã “ăn gió”, no gió, căng gió.
Tiếc rằng, do không nắm rõ ngữ nghĩa trên nên các bản in đều ghi liền mạch “dùi thẳng”. Hơn nữa hai câu thơ trên đối xứng từng chữ, vậy phải “dùi” và “thẳng” mới đối được với “lộng” và “khơi”, hai từ tách biệt. Thành ngữ có câu: “Vào lộng ra khơi” là vậy.
“Lèo lái” là động tác giữ lấy dây lèo, bánh lái để thuyền chạy đúng hướng. Khi nói: “co chân chạy một lèo”, lèo ở đây xuất phát từ hình ảnh chiếc thuyền chạy một bề, không phải trở buồm, cứ thế mà chạy một hơi, chạy một mạch.
“Xả lèo” trong câu: “Xin anh bớt ngọn, xả lèo chờ em”, ông Huỳnh Công Tín lý giải rành mạch trong “Từ điển từ ngữ Nam Bộ”: “Buông sợi dây chằng buồm, cho buồm bớt căng gió để thuyền ghe giảm tốc độ”; chứ không phải “Tháo sợi dây chằng buồm cho buồm căng gió” như “Đại từ điển tiếng Việt” đã giải thích.
Trong mối quan hệ xã hội, có không ít lần ta bực mình vì gặp người “hứa lèo”. Họ hứa hẹn “chắc như đinh đóng cột” nhưng kết quả “Ba voi không được bát nước xáo”, chỉ hứa hươu hứa vượn. “Hứa lèo” là hứa cuội, hứa hão, nói tắt một lời là xạo ke: “Nói lời rồi lại ăn lời được ngay” (Truyện Kiều).
Còn “giường lèo” thì sao? “Đêm rằm mười sáu trăng treo/ Anh đóng giường lèo, lấy vợ Lái Thiêu”. Tục ngữ cũng có câu: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chuồng heo, ba vợ nằm chèo queo”. “Giường lèo” là loại giường có chạm trổ tinh vi, làm bằng gỗ quý.
Vào miền Nam, nhiều người mê món “bún nước lèo”. Chẳng hạn, ở Sóc Trăng dùng mắm cá sặt còn ở Trà Vinh dùng mắm bò hóc để nấu nước lèo. Loại nước này, người Bắc gọi “nước xuýt” – nước luộc thịt, luộc lòng, hầm xương có mùi vị thơm ngon. Gọi “nước dùng” cũng không sai. Rõ ràng, tùy vùng miền, tên gọi có khác nhau.
Những người đàn ông bụng phệ, to tổ chảng do uống nhiều bia thì cái bụng đó bị gọi là “thùng nước lèo”.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!