Bánh phồng tôm Dương Gia Cần Thơ

Ẩm thực Cần Thơ nổi tiếng với những món ăn ngon không thể cưỡng, gắn với những câu chuyện từ thời khai hoang mở đất. Một trong những dòng họ lâu đời của Cần Thơ là dòng họ Dương, và họ có một món ăn gia truyền vô cùng nổi tiếng, đến nơi đây, hỏi về món “bánh phồng tôm Dương gia” thì ai ai cũng biết và ca ngợi.

Lâu nay, bánh phồng tôm thường được dùng với cách chiên giòn để ăn chơi hoặc ăn kèm với các món gỏi. Nhưng có một nơi, bánh phồng tôm được sản xuất thủ công và còn được chế biến thành nhiều món ăn khác như: gỏi, mì chiên giòn, mì nước tạo nên những hương vị ngon, lạ, đặc sản để giới thiệu đến khách du lịch Cần Thơ. Đó là thương hiệu bánh phồng tôm Dương Gia của cô Dương Thị Huỳnh Hoa (còn gọi là cô Sáu) ở khu vực 6, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy.

Cô Huỳnh Hoa đã có thâm niên hơn 40 năm trong việc sản xuất bánh phồng tôm bởi đây là nghề gia truyền. Từ việc phụ giúp mẹ các công đoạn làm bánh, cô dần lĩnh hội hết những tinh túy của nghề dưới sự chỉ dạy tận tình của mẹ: từ tỷ lệ trộn các nguyên liệu (tôm, lòng trắng trứng gà, bột năng), gia vị sao cho hài hòa đến xay bột, nhồi bột sao cho vừa, quết bánh sao cho đều, đến hấp bánh sao cho vừa chín tới, cắt bánh sao đẹp, phơi bánh sao cho khô, cuối cùng là chiên bánh sao cho giòn. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công nên rất tỉ mỉ, cẩn thận để khi đưa chiếc bánh thành phẩm vào miệng, ngoài nếm được vị giòn, ngon của tôm, trứng, bột, thực khách còn cảm nhận được tấm lòng, công sức của người làm.

Ba giờ sáng, lúc những giấc ngủ của nhịp sống hối hả vẫn còn đang nồng ấm nhất thì đâu đó đã nghe tiếng lẹp xẹp của đôi chân tần tảo, đang tiếp tục nối dài giá trị truyền thống của chiếc bánh phồng tôm giòn rụm, thơm phức mùi tôm sông tươi mới, mùi gạo trắng thanh tao và mùi của vị truyền thống nồng nàn, vị của một nền ẩm thực Cần Thơ “vương giả”.

Tiếng cối lộp cộp chạm vào nhau nhờ sức quay của người phụ nữ tần tảo – cô Sáu Hoa – vang lên mỗi buổi sớm, lúc trời chưa gáy và không gian vẫn còn tĩnh mịch. Cái cối trải qua hơn 3 thập kỷ, vẫn miệt mài hỗ trợ những người phụ nữ từ lúc xuân xanh đến lúc tóc hai màu xay mịn từng mẻ tôm sông tươi mới. Những người phụ nữ cùng truyền tay nhau món nghề bánh thấy tưởng dễ nhưng cầu kì và rất phức tạp này, cho con gái, con dâu, hay cháu gái trong dòng họ. Dần dà, người ta nghe về họ Dương ngoài tiếng tăm về điền chủ rộng lớn thì còn là họ tộc sở hữu một món ăn thủ công tiếng tăm thơm lừng khắp chốn.

Vậy mới thấy được cái tâm của những người làm nghề thủ công, ngay từ những khâu đầu tiên đã phải làm bằng tay, và nhất quyết phải được chạm tay vào chính những nguyên liệu mà mình sẽ sử dụng để làm ra cái bánh thành phẩm. Vì tâm huyết và trách nhiệm với nghề, với một nền ẩm thực Cần Thơ sẽ được thể hiện qua sản phẩm.

Tôm sông tươi sống, ngọt ngào thanh đạm, cùng gạo trắng chọn kỹ, kết hợp với gia vị và bí quyết chế biến mà từng lớp bánh được hấp lên, thơm phức cả góc nhà. Ai nấy đều cần mẫn, chăm chút cho công đoạn của mình. Bà Hai ngồi lấy từng thớ bột, dùng dao tráng đều lên tấm khuôn, sao cho mặt bánh láng mướt và có độ dày đồng đều nhau. Chị Bảy tỉ mỉ cho khuôn vào nồi hấp với nụ cười tươi tắn, còn chị Năm đứng chờ sẵn, hễ bánh chín là nhanh tay cắt và tạo hình bánh ngay. Mỗi người một công đoạn, người này hỗ trợ người kia mà không hề câu nệ, ồn ào. Người này hết việc sẽ phụ người kia, cứ thế mà mặt trời lên lúc nào không hay biết …

Mất từ 5 – 6 tiếng, những miếng bánh phồng mới được thành hình, mất thêm 2 con nắng để bánh đủ độ khô, khi chế biến sẽ phồng đều và giòn rụm. Sự tinh tế đến từ rất nhiều yếu tố, vị của đất, nắng của trời, công lao của người thợ thủ công miệt mài vì một giá trị tinh thần không thể thất truyền, tất cả gói gọn trong một miếng bánh nhỏ xinh, nhưng đậm vị nghĩa tình với quê hương, với văn hóa, với dòng tộc.

Những bàn tay thanh thoát uyển chuyển mượt mà, những đôi chân di chuyển rón rén, tất bật, mùi bánh tỏa lan nức mũi, hay mùi khói cay cay nơi góc mắt, tất cả chỉ vì một điều duy nhất, không cần phải nói ra nhưng ai cũng hiểu: tinh thần tự hào dân tộc. Nghe có vẻ hơi cao thượng, vì làm sao thể hiện tất cả tinh túy của cả dân tộc qua một chiếc bánh bé xíu, có thịt tôm xay và bột gạo? Có chứ. Người Việt cần mẫn, hiền hòa, chịu thương chịu khó nhưng không hề chịu khuất phục.

“Cô chỉ có một điều mong ước duy nhất, là món bánh được nhiều người biết tới, và người ta sẽ biết rằng: ẩm thực Việt Nam vẫn có những món rất công phu, cầu kì và rất ngon.” – cô Sáu tâm sự với chúng tôi như thế, khi tay cô trổ hết đồi mồi và gân guốc trong lúc cô xếp bánh đem phơi. Đã gần hơn 30 năm cô làm bánh, tay cô như đang muốn nghỉ ngơi để tận hưởng cuộc sống với con cháu. Nhưng vẫn có một ngọn lửa thôi thúc, cô vẫn cần mẫn sớm hôm, soạn từng con tôm túi bột, từng nắm muối, gáo dừa để thổi bùng ngọn lửa tự hào mỗi ngày, tất cả vì giá trị đến từ gia vị tự nhiên và cuộc sống.

Từ chiếc bánh chiên giòn ban đầu, cô Hoa còn sáng tạo thêm nhiều món ăn độc đáo, đáp ứng khẩu vị của nhiều người. Bánh sau khi hấp được cắt thành từng miếng hình chữ nhật để phơi khô, phần rìa bánh còn dư có hình dáng dài, mảnh được tận dụng làm mì chiên giòn hoặc gỏi bánh phồng tôm. Thay vì ăn bánh như bình thường, nay người dùng được thưởng thức những miếng bánh sau khi chiên giòn trộn chung với các loại gỏi hoặc ăn tương tự mì Ý với thịt bò xào rau củ. Đặc biệt, với những người không thích dầu mỡ có thể thưởng thức món mì nước làm từ bánh phồng tôm. Bánh sau khi hấp (hoặc bánh đã phơi khô) được cắt thành từng sợi rồi nấu với nước dùng (xương hoặc thịt heo hầm), ăn kèm với giá. Món ăn này có vị ngon, ngọt thanh, sợi mì vừa dai vừa đậm đà… Món mì này cô Hoa đặt tên là “Mì Dương gia” với ý nghĩa đơn giản: mì do nhà họ Dương sáng tạo.

Biết bao nhiêu khó khăn, giữa thế giới phát triển không ngừng, các giá trị về văn hóa và tinh thần dần dần bị ăn mòn và biến mất, nhưng những sản phẩm thủ công vẫn tồn tại, vẫn mang trong mình những giá trị ẩn sâu, về tinh thần vươn lên, tính hào sảng, sự cởi mở tươi mới, và sự cầu kì. Chủ đích rằng mỗi khi dùng bánh, ngoài những vị giác có thể cảm nhận trực tiếp, bạn có thể vừa thưởng thức bánh vừa nghe được những câu chuyện đằng sau miếng bánh giòn tan, để cảm nhận được sự tâm huyết với truyền thống, với ẩm thực Cần Thơ của dòng họ, vị tươi mới và đầy dinh dưỡng nhưng cũng không thiếu sự màu sắc của xứ Long Tuyền trù phú này.

Gia đình cô Dương Thị Huỳnh Hoa là một thành viên của gia tộc họ Dương ở Bình Thủy. Trong thời gian tới, bên cạnh việc khai thác di tích Nhà thờ họ Dương ( Nhà cổ Bình Thủy), ngành du lịch quận Bình Thủy đang có hướng đưa bánh phồng tôm do cô Hoa sản xuất vào chuỗi cung ứng phục vụ du lịch Cần Thơ. Khách sau khi tham quan nhà cổ sẽ sang nhà cô Hoa để tham quan qui trình làm bánh hoặc thưởng thức bánh phồng tôm, mì Dương gia và các món ăn chế biến từ bánh phồng tôm.

Ảnh: Sưu tầm