Mẹo hay 7 11 là ngày gì [Đầy Đủ Nhất 2023]

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Ngày 7-11 còn có rất nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng nhớ như Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cách mạng Tháng Mười Nga thành công,…

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-11

Sự kiện trong nước

Ngày 7-11-2011, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng Tham mưu) được thành lập. Đây là cơ quan đầu ngành quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT) trong quân đội, nhằm đẩy nhanh ứng dụng, phát triển CNTT, bảo đảm an toàn thông tin và một số nhiệm vụ khác.

Ngày 15-8-2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1198/QĐ-TTg thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng, trực thuộc Bộ Quốc phòng (mang phiên hiệu Bộ tư lệnh 86) trên cơ sở tổ chức lại Cục Công nghệ thông tin.

Bộ tư lệnh 86 là đơn vị chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo về tác chiến không gian mạng và CNTT.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh 86 kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Lữ đoàn 3 (tháng 3-2021). Ảnh: qdnd.vn

Với nhiệm vụ tác chiến không gian mạng bảo vệ chủ quyền quốc gia, 10 năm qua, Bộ tư lệnh 86 đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT vào chỉ huy, điều hành quân đội; hoạch định chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách, đối sách xử lý tốt các tình huống trên không gian mạng.

Thời gian qua, Bộ tư lệnh 86 đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong diễn tập, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từng bước xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng; xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, phát hiện và ngăn chặn thành công nhiều chiến dịch tấn công mạng có chủ đích nhằm đánh cắp bí mật quốc gia, bí mật quân sự; đồng thời âm thầm kiểm soát hệ thống mạng.

Những kết quả mà Bộ tư lệnh 86 đạt được trong 10 năm qua đã góp phần phòng thủ vững chắc, bảo đảm được an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quân sự-quốc phòng, tham gia bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Ngày 7-11-1968: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh nǎm 1909 tại Quy Nhơn hy sinh tại chiến trường Tây Ninh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng cạnh Bác Hồ trong lần Người đến thăm bệnh xá Vân Đình, Tỉnh Hà Tây vào ngày 20-4-1963. Ảnh: hochiminh.vn.

Sự kiện quốc tế

Ngày 7-11-1917 đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện còn nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã và đang tranh thủ lợi thế về kinh tế, khoa học-công nghệ, mạng xã hội, sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, chống phá quyết liệt Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Mặc dù vậy, Đảng ta luôn trung thành với lý tưởng cao đẹp của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định với con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra. Những lý tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa bằng nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 7-11-1996: Tàu thăm dò Sao Hỏa Mars Global Surveyor (MGS) của NASA được phóng lên từ mũi Canaveral bắt đầu hành trình gần 750 triệu ki-lô-mét đến Sao Hỏa.

Ngày 7-11-2006: Trong phiên họp đặc biệt tại Geneve (Thụy Sĩ), ông Eirik Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO đã gõ búa chính thức xác nhận Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này. Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, Việt Nam chính thức bước vào ngôi nhà chung của Tổ chức Thương mại thế giới.

Việc gia nhập WTO đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các thị trường thế giới, thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tự do hoá tài chính.

Thời điểm đáng nhớ của lịch sử: Ông Eirik Glenne, Chủ tịch hội đồng WTO gõ ba tiếng búa xác nhận Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức WTO. Ảnh: tuoitre.vn.

Theo dấu chân Người

Ngày 7-11-1939, Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh Hồ Quang rời Quý Dương thủ phủ tỉnh Quý Châu đến Trùng Khánh, đại bản doanh của Chính phủ Quốc dân đảng để nắm bắt và đối phó với chính sách của Trung Hoa Quốc dân đảng đối với Đông Dương.

Ngày 7-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ và tiếp đoàn đại biểu “Công giáo Cứu quốc” đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của tổ chức này sẽ họp tại Phát Diệm.

Ngày 7-11-1946, trên báo “Cứu Quốc”, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, Bác “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Cùng ngày, Bác tham gia “Lễ Mùa Đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân tổ chức nhằm huy động toàn dân chăm lo lực lượng vũ trang của quốc gia.

Ngày 2-9-1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tháng 11-1953, trả lời một nhà báo Thụy Điển nhân Quốc hội Pháp đưa ra khả năng dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Bác đưa ra thông điệp: “Đó là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, song nước trung lập nào muốn hòa giải phải dựa trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng và chủ quyền của Việt Nam”.

Ngày 7-11-1954, tại buổi chiêu đãi do Sứ quán Liên Xô tổ chức tại Hà Nội mới giải phóng, Bác khẳng định: “Cách mạng tháng Mười đã mở đường giải phóng cho giai cấp lao động và cho các dân tộc bị áp bức khắp thế giới. Cách mạng tháng Mười đã soi sáng cho họ một tương lai vẻ vang, hòa bình và hạnh phúc, không có người bóc lột người, không có dân tộc này áp bức dân tộc khác…

Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên-Xô (tháng 7-1955). Ảnh: Vietnamplus.vn.

Ngày 7-11-1960 và 1961, Bác đều có mặt tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva để cùng nhân dân Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Ngày 7-11-1962, trong bài viết “45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang” gửi cho báo “Pravda” (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nhấn mạnh vì ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại “đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; Thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; Thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; Thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới”.

Ngày 7-11-1967, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân Hà Nội lập công xuất sắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.500 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, coi đó là thành tích thiết thực kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười.

Ngày 7-11-1968, Bác dự cuộc họp của Bộ Chính trị về việc đấu tranh ngoại giao sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và nhấn mạnh “phải nghiên cứu kỹ sức ta thế nào và phải đánh cho tốt”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong bài viết “Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười” gửi Báo Sự thật (Liên Xô), Báo Nhân dân, đăng số 2061, ngày 7 tháng 11 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đánh giá, ghi nhận về thắng lợi vĩ đại cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, “… Nhờ Cách mạng Tháng Mười thành công mà một thế giới mới đã ra đời và ngày càng phồn vinh, càng mạnh mẽ như hoa nở mùa Xuân”.

(Hồ Chí Minh Toàn tập – Tập 12, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr335)

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh: TTXVN.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và những gì mà cuộc cách mạng này tạo ra có sức lan tỏa, cổ vũ, lôi cuốn, thúc đẩy mãnh liệt đối với phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của thực dân, đế quốc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh.

Đối với Việt Nam, “đi theo con đường cách mạng vô sản”, con đường của Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga cho tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững thành quả cách mạng, hòa bình, môi trường chính trị – xã hội ổn định để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad, tháng 8-1957. Ảnh: Vietnamplus.vn.

Ngày nay, thế giới đã có những biến động, thay đổi to lớn, sâu sắc, với không ít những thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế – xã hội, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ…

Song, thành quả của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại, đã và đang thôi thúc giai cấp công nhân và những người tiến bộ tiếp tục cống hiến, hy sinh không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bóc lột, không còn những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến xung đột, chiến tranh – đó là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Một số hình ảnh về hoạt động tác chiến của lực lượng Hải quân và Không quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn.

Đối với nước ta, bước vào giai đoạn cách mạng mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch, phản động, chống đối tuy thất bại nhưng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu, ý đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Quân đội – lực lượng xung kích đi đầu trong phòng chống đại dịch Covid-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống. Ảnh: qdnd.vn.

Nhiệm vụ cách mạng thay đổi đặt ra yêu cầu cấp bách cho lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuyệt đối không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-11-1969 đăng bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của Tổng thống Mỹ Risot M.Richson đề ngày 5-8-1969 để dư luận thấy rõ lập trường của hai bên.

Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 7-11-1969.

Trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-11-1980 đăng bài viết với tiêu đề “Ở một nông trang Bác Hồ đã đến thăm”. Trong bài viết, một cụ già sống tại nông trang Ma-du-kha, U-crai-na xúc động chia sẻ: “Không biết năm 1923 Người nghĩ gì về làng tôi, về cơ sở sản xuất của chúng tôi. Nhưng chắc chắn là mặc dù đời sống lúc đó thật đói nghèo, Người vẫn có thể hình dung được tương lại của chúng tôi… Giá như Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống đến ngày nay và đến thăm làng chúng tôi… Giá như Người được những thành quả của chúng tôi, cuộc sống ngày nay của chúng tôi, Người sẽ rất sung sướng”.

Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 7-11-1980.

QUỲNH TRANG (Tổng hợp)