Cách đây tròn 41 năm, đúng 11 giờ 30 phút, ngày 29-3-1975, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân và dân ta đã phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại: Đà Nẵng được giải phóng.
Đà Nẵng – 41 năm sau ngày giải phóng. Ảnh: Võ Triều Hải
Chiến thắng đó có một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đúng như nhận định của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Giải phóng Đà Nẵng đã mở ra một tình thế cách mạng mới: Sự sụp đổ không thể cứu vãn của Mỹ, ngụy tại chiến trường miền Nam”.
Trong những ngày tháng Ba năm ấy, với tinh thần tiến công thần tốc, theo chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà là “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, quân dân Quảng Đà nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đã “muôn người như một”, đồng sức, đồng lòng, nhất tề nổi dậy đập tan căn cứ quân sự hải – lục – không quân khổng lồ của Mỹ-ngụy, xóa sổ toàn bộ Quân đoàn I của địch; bắt giữ, gọi hàng hơn 10 vạn tên địch, bẻ gãy ý chí “tử thủ” cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Cùng với độ lùi của thời gian, mỗi chúng ta đều cảm nhận được rằng, chính tinh thần yêu quê hương đất nước, khát vọng độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc trong mỗi người dân trên khắp chiến trường Quảng Đà, đã làm nên chiến thắng ngày 29-3-1975.
Chiến thắng đó là kết quả của sự vận động, giác ngộ người dân không ngừng nghỉ của các cấp ủy Đảng thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà, là tinh thần tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân và cuối cùng là sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, rộng khắp của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
Chính tinh thần “muôn người như một” đã tạo nên một làn sóng mạnh, cuốn phăng tất cả những đồn bốt, tàu to, súng lớn, quân số đông đảo và thiện chiến của kẻ thù; tinh thần đó như được vỡ òa sung sướng khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng mà mọi kho tàng, tài sản được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Và, ngày 29-3-1975, là ngày “muôn lòng nở hoa” của mỗi người dân Đà Nẵng.
Để có được một thành phố Đà Nẵng như hôm nay, nhớ về ngày 29-3 năm ấy, chúng ta không thể nào quên hình ảnh những người con Đà thành kiên cường, kề vai, sát cánh đấu tranh chống lại kẻ thù, được thể hiện thật thân thương, bình dị qua hình ảnh các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, đặc công, công binh, biệt động, du kích, trí dũng song toàn, lập nên nhiều chiến công hiển hách; đó là hình ảnh những công nhân Đà Nẵng, ngư dân sông Hàn, những tài xế, thợ máy, chị em tiểu thương, những trí thức, học sinh, sinh viên, các tăng ni phật tử bao lần “xuống đường” đấu tranh đòi tự do, dân chủ, sắc son một lòng cho ước nguyện “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”.
Là sự lắng đọng của hình ảnh những bà mẹ tại căn cứ lõm K20, lõm chính trị Thanh Khê và nhiều nơi khác không sợ cảnh đầu rơi, máu chảy, tù đày, đêm từng đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội khắc khoải “Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”; là biết bao tấm gương về các cơ sở cách mạng trung kiên một lòng theo Đảng, trước sự xúc tát, chà đi xát lại của địch, vẫn chấp nhận tình cảnh “nhà tan cửa nát cũng ừ” để thực hiện ước vọng “đánh tan giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”… để có ngày 29-3 lịch sử, khi sông Hàn vang vọng lời ca: “Đà Nẵng quê ta ơi, hôm nay giải phóng rồi!”.
Đà Nẵng luôn vươn tới khát vọng xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Ảnh: Võ Triều Hải
Đã 41 năm qua, phát huy tinh thần “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, “muôn người như một” trong chiến tranh giải phóng, quân dân Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, để ra sức xây dựng thành phố quê hương giàu đẹp.
Chính ý Đảng, lòng dân và tinh thần hướng về lợi ích chung, là động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân thành phố từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại như chúng ta thấy ngày nay.
Xét cho cùng, để có được sự đồng lòng muôn người như một, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân luôn là khâu then chốt. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền sẽ thuyết phục hơn, hiệu quả hơn khi cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên phải “đồng lòng” nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân một cách không vụ lợi.
Chỉ khi có sự “đồng lòng” đó, thì sẽ tạo cho người dân tin tưởng, “muôn người như một” ủng hộ các chủ trương do chính quyền thành phố đề ra. Chính sự đồng thuận của lòng dân tạo nên khối đoàn kết thống nhất, làm nên một “hiện tượng Đà Nẵng”, đồng thời làm nổi bật mối quan hệ cốt lõi giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị với người dân đó là: “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”.
Nhiều chủ trương lớn, những kế sách hay như “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, thành phố văn hóa, thành phố của những cây cầu, của các sự kiện, của môi trường hòa bình, thân thiện… mà Đà Nẵng có được, tạo ra sức lan tỏa, thu hút được lực lượng trí thức, người lao động trong cả nước về đây cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển Đà Nẵng, đã minh chứng cho chúng ta thấy điều này.
Nếu không thấy được xu hướng phát triển đi lên của thành phố, nếu không vì sự nghiệp chung, nếu không phát huy được tinh thần hy sinh cho lợi ích chung trong việc xây dựng, phát triển Đà Nẵng thì không thể vận động hàng trăm ngàn hộ dân trong việc “sắp xếp lại giang san” như thành phố đã làm.
Có thể nói, tinh thần “muôn người như một” trong các cuộc chiến tranh giải phóng vẫn là mạch ngầm, đã và đang được chúng ta phát huy hiệu quả, vấn đề là nó được biểu hiện dưới một hình thức mới, trong tình hình mới mà thôi.
Phát huy khí thế hào hùng của những ngày tháng Ba lịch sử, chúng ta càng thấy được giá trị của “lòng dân” đối với sự nghiệp xây dựng quê hương, chúng ta tự hào về thành phố Đà Nẵng “trung dũng, kiên cường” trong chiến đấu; sáng tạo và đột phá trong xây dựng.
Nhìn về tương lai, thành phố chúng ta có nhiều thời cơ, thuận lợi song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mục tiêu “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” không phải là mục tiêu quá xa vời song không phải dễ dàng đạt được.
Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phát huy hơn nữa tinh thần “muôn người như một”, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo mỗi cấp, mỗi ngành phải năng động, sáng tạo, đổi mới xây dựng phong cách nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, phải biết trăn trở, âu lo và tháo gỡ những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải gần dân, sát dân hơn nhằm lắng nghe ý kiến của dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
Xét cho cùng, khi có chủ trương đúng, khi “ý Đảng, lòng dân” hòa điệu cùng nhau, khi quyền lợi của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm thì bất cứ chủ trương nào, dù khó đến đâu, đều có thể tạo nên tinh thần “muôn người như một”, là động lực tiên quyết để chúng ta xây dựng Đà Nẵng thân yêu.
Có như vậy, chúng ta mới không lấy làm hổ thẹn trước vong linh những lớp cha anh đã đóng góp máu xương, hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từng làm nên chiến công ngày 29-3-1975, trên mảnh đất Đà Nẵng Anh hùng bên bờ sông Hàn thơ mộng và giàu chất sử thi này.
NGUYỄN THANH QUANG, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!