Cách dỗ trẻ sơ sinh gắt ngủ

Trẻ quấy khóc trước khi ngủ là tình trạng “ám ảnh” với bất kỳ bố mẹ nào trong quá trình nuôi con. Bé khóc đêm, khó ngủ không chỉ tác động đến sức khỏe của bé mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của cả gia đình.

1. Điểm mặt thủ phạm khiến trẻ quấy khóc nhiều trước khi đi ngủ

Trẻ quấy khóc nhiều là tình trạng rối loạn giấc ngủ hay gặp ở trẻ sơ sinh, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau điển hình như nguyên nhân sinh lý, bệnh lý hoặc các yếu tố bên ngoài tác động vào.

1.1 Nguyên nhân sinh lý khiến trẻ quấy khóc trước khi ngủ

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường giai đoạn REM (Rapid Eye Movement) chiếm 50% trong khi đó ở người lớn chỉ khoảng 25% nên trẻ hay có hiện tượng quấy khóc, không chịu ngủ vào ban đêm. Ở giai đoạn REM, hơi thở cùng với nhịp tim của trẻ sẽ nhanh hơn do khi này não bộ và các cơ quan hô hấp tăng hoạt động dù trẻ đang trong giấc ngủ. Do đó, trẻ sơ sinh thường khó ngủ và rất dễ bị giật mình, tỉnh giấc khi có tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất.

Ngoài ra, khi trẻ phát triển lớn hơn, vận động vào ban ngày tăng lên nhiều khi bé bước vào giai đoạn biết bò, biết đi,… cũng khiến trẻ khó ngủ hơn.

1.2 Nguyên nhân bệnh lý

Khi con có dấu hiệu khó ngủ thì bố mẹ đừng nên bỏ qua nhóm nguyên nhân bệnh lý, rất có thể cơ thể trẻ đang mắc phải những bệnh lý khiến bé cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ như là:

– Trẻ còi xương, thiếu canxi: đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hiện tượng khó ngủ ở trẻ sơ sinh. Việc thiếu hụt các vi chất cần thiết điển hình như kẽm, magie rất dễ khiến trẻ gặp bị rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, trẻ thiếu sắt hay gặp phải hội chứng chân không yên làm cơ thể trẻ mệt mỏi và hay ngủ ngày, từ đó sẽ rất khó ngủ sâu giấc về đêm.

– Đường hô hấp bị nhiễm khuẩn: các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm mũi xoang,… có thể ngăn cản quá trình hô hấp của bé, bé phải thở bằng miệng và dễ ngủ ngáy.

– Các bệnh lý nội khoa điển hình như trào ngược dạ dày thực quản hoặc các bệnh về tâm thần,… cũng có ảnh hưởng nhất định đến giấc ngủ của trẻ.

– Béo phì: bé quá cân so với tuổi khiến các nhóm cơ đường thở thường bị phì đại, gây khó khăn khi thở hoặc nuốt. Do vậy, trẻ hay phải thở bằng miệng nên khó ngủ hơn, dễ quấy khóc hơn.

1.3 Các yếu tố khác khiến trẻ quấy khóc trước khi ngủ

Bé đói bụng, khó chịu: với trẻ sơ sinh chưa có khả năng giao tiếp nên khóc là cách duy nhất để bé giao tiếp với bố mẹ. Chính vì thế, quấy khóc đòi bú là phản xạ đầu tiên của bé. Mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên, khoảng 2 tiếng một lần để đảm bảo dinh dưỡng cho con. Ngoài nguyên nhân đói bụng, cơ thể bé đang chịu quần áo chật, bỉm ướt, khiến trẻ không thoải mái.

Điều kiện phòng ngủ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Trẻ sơ sinh là độ tuổi nhạy cảm, hệ miễn dịch non yếu nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như: phòng ngủ quá nóng bức hay quá lạnh, ánh sáng nhiều, tiếng ồn lớn,… Khi đó, trẻ dễ bị kích thích hơn, hay giật mình, quấy khóc.

2. Mách mẹ mẹo đơn giản khắc phục tình trạng trẻ quấy khóc nhiều

Dưới đây là một số quy tắc hay được các bà mẹ áp dụng dựa theo kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh bởi các bác sĩ Nhi khoa.

2.1 Tập cho bé phân biệt ngày đêm

Cơ thể sinh học của trẻ sơ sinh phải mất một khoảng thời gian nhất định mới biết được đâu là ngày và đâu là đêm. Trong lúc này, cơ thể xuất hiện sự nhầm lẫn với môi trường bên ngoài và đây chính là lý do chính khiến bé ngủ nhiều vào ngày và quấy khóc không chịu ngủ ban đêm.

Vì vậy để giải quyết tình trạng trẻ quấy khóc gắt ngủ, mẹ cần giúp con bằng cách điều chỉnh đồng hồ sinh học với quy tắc “ban ngày động, đêm tối lặng”. Cụ thể, mẹ nên:

– Đánh thức trẻ vào 7 giờ sáng, không nên quá 8 giờ. Mẹ nên kết hợp cho ánh nắng vào phòng ngủ và bế con đến gần nguồn sáng tự nhiên.

– Cho trẻ bú nhiều và chơi, trò chuyện thường xuyên với con vào ban ngày.

– Vào ban đêm, mẹ cần tuyệt đối để phòng ngủ ít đèn và tĩnh lặng nhất có thể. Mọi hoạt động và lúc này nên diễn ra trong yên lặng kể cả việc thay tã, cho con bú để tránh làm bé gắt ngủ.

2.2 Cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm

Việc tắm nắng không chỉ giúp cơ thể bé khỏe mạnh hơn, tăng cường sức đề kháng mà còn giúp xương con chắc khỏe, ngăn ngừa bệnh còi xương một trong những tác nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Mẹ nên cho con tiếp xúc với ánh nắng vào buổi sáng sớm giúp cơ thể bé hình thành nên loại hoóc môn Melatonin, nhờ thế về đêm con sẽ ngủ ngon hơn.

2.3 Mẹ biết tín hiệu bé buồn ngủ

Ở một số trường hợp, trẻ quấy khóc nhiều là do quá buồn ngủ nên sinh ra gắt ngủ. Do đó, mẹ nên đọc được tín hiệu con buồn ngủ lúc nào để hạn chế trẻ gắt ngủ:

– Khoảng thời gian thức ngủ trung bình của trẻ.

– Bé có dấu hiệu: mắt lờ đờ, hay dụi mắt, tránh ánh sáng, nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó, ươn lưng, khóc nhiều …

2.4 Huấn luyện trình tự ngủ cố định cho bé

Trẻ càng ít tháng sẽ càng dễ thích nghi với trình tự ngủ do mẹ đặt ra. Điều quan trọng mẹ cần phải lưu ý là trình tự này cần được diễn ra đều đặn hàng ngày.

2.5 Bố mẹ nên lưu ý đến số giờ ngủ ban ngày của con

Nắm được giờ ngủ ban ngày theo độ tuổi của trẻ là việc có vai trò rất quan trọng, giúp mẹ biết khi nào bé nên thức và nên ngủ.

– Trẻ 0-1 tháng: ngủ tầm 4 giấc/ngày trong khoảng 30-45 phút

– Trẻ 2-4 tháng: 3 giấc/ngày và có thể thức được từ 1,5-2 tiếng.

– Trẻ 5-8 tháng: 2-3 giấc/ngày, con thức tối đa là từ 2-2,5 tiếng.

– Trẻ 9-12 tháng: ngủ 2 giấc /ngày, thức tối đa là từ 3-4 tiếng.

2.6 Tắm vào buổi chiều tối giúp bé ngủ ngon hơn

Sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể bé có xu hướng hạ xuống, nhờ đó bé có thể bắt được tín hiệu và trở nên buồn ngủ dễ hơn. Mẹ cũng cần phải lưu ý là tắm nước ấm cho bé để hiệu quả tăng cao.

Hiện tượng bé quấy khóc trước khi đi ngủ là tình trạng vô cùng phổ biến. Bố mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân để biết cách dỗ bé vào giấc ngủ ngon giấc.