Chất Liệu
Từ giấy vẽ tranh bậc thầy cổ điển tới tác phẩm in đương đại, giấy chủ yếu làm từ cellulose dưới dạng sợi cây nghiền mịn. Ở dạng tinh khiết nhất cellulose rất bền nhưng các chất phụ gia tham gia vào quá trình sản xuất là nguyên nhân khiến giấy hư tổn theo thời gian. Thông thường giấy thoái hóa do axit, axit làm sợi cellulose yếu đi.
Chất liệu, màu vẽ cũng là nguyên nhân gây hại. Màu vẽ là thành phần không bền vững: các hạt sắc tố có thể phai màu hoặc tối màu. Một số loại mực vẽ mất màu, ăn mòn giấy. Phấn tiên và chì than dễ bị dơ, nhòe. Màu vẽ nặng và dày như màu dầu, màu bột có thể bong, tróc.
Nguyên nhân gây hại
Bất kỳ sự phơi sáng nào cũng gây hại cho màu vẽ và giấy vẽ nhưng cách bao bọc và đóng khung bằng vật liệu kém chất lượng còn gây hại nhiều hơn. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Tác phẩm in, tranh chì, phấn màu, than, màu nước bị phá hủy do tiếp xúc với vật liệu làm khung không thích hợp. Ngoài ra, tranh có thể tổn hại do phục chế nghiệp dư, sử dụng kỹ thuật không thích hợp khi tương tác, bảo quản và trình diễn tranh.
Chất ô nhiễm trong không khí, như sulphur và chất dạng hạt cũng là nguyên nhân làm hỏng giấy và biến đổi màu vẽ.
Nhân tố sinh học như côn trùng, nấm mốc ảnh hưởng tới giấy nhưng chúng chỉ tác động mạnh khi yếu tố môi trường ở mức không kiểm soát được. Ví dụ độ ẩm hoặc nhiệt độ quá cao.
Dấu hiệu hư hại
Rất nhiều chủ sở hữu tác phẩm màu nước, tranh vẽ, bản đồ và tác phẩm in cổ đều vô cùng quen thuộc với loại đốm nâu không rõ hình thù được gọi là ‘foxing’. Đây là vết ố do vi khuẩn, nấm mốc gây ra, chủ yếu phát triển trên giấy chứa axit khi độ ẩm cao hoặc hạt kim loại trong quá trình sản xuất dính vào sợi giấy.
Một bức tranh màu nước của Edward Barnard bị đốm nâu
Tranh màu nước của JMW Turner bị bạc màu do phơi sáng
Giấy chuyển nâu, trở nên giòn khi bị gắn sát vào bìa cứng, bìa các tông làm từ sợi gỗ bẩn. Đây là nguyên nhân gây hại cho nhiều tác phẩm nghệ thuật lồng khung. Tác phẩm ố bẩn ở mặt sau, xuất hiện đường viền nâu hoặc vàng cam quanh gờ tranh, là nơi giấy vẽ bị acid ‘đốt’.
Vết ố vàng trên giấy thường xuất hiện thành từng mảng, có thể do keo hoặc băng dính dán tranh, ảnh vào khung. Bản thân băng dính đã là thành phần phá hại đáng kể vì chất kết dính ở băng dính dính chặt vào giấy không thể gỡ bỏ được.
Tờ giấy bạc ngân hàng Anh thế kỷ 18 hư hại do gắn vào bảng chứa acid và ố bẩn do băng dính.
Ánh sáng thúc đẩy sự thay đổi hóa học bên trong vật liệu, ảnh hưởng tới cấu trúc giấy và màu vẽ. Tùy thuộc vào chất lượng giấy, ánh sáng có thể làm giấy ngả vàng, giòn. Ánh sáng mạnh là nguyên nhân làm tranh màu nước có màu không đều, tranh vẽ mực mất dần nét vẽ chi tiết. Màu gốc của tranh chỉ còn lại ở phần dưới khung tranh, nơi không bị ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp.
Các loại giấy thủ công (giấy handmade) thường xuất hiện gợn sóng hoặc nếp nhăn trên bề mặt. Theo tự nhiên, giấy dịch chuyển tương ứng với sự thay đổi độ ẩm và tốt nhất ta không nên cản trở. Nếu bị gắn/dán vào mặt sau bằng cách không thích hợp, giấy dễ biến dạng, cong về phía mặt kính, nhăn hay thậm chí rách góc.
Điều bạn có thể làm
Bảo quản và trình diễn
Khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, tránh đụng tay vào tác phẩm, càng ít đụng càng tốt, giữ ngón tay xa tác phẩm. Tranh chì than và phấn màu cần đặc biệt chú ý vì tranh dễ bị nhòe hoặc dính màu dù chỉ với sức ép nhỏ nhất, nên xem xét tới việc đóng khung tác phẩm lâu dài để giảm ma sát, va chạm và tĩnh điện. Tranh vẽ mực dễ bị hỏng khi giấy nhăn. Không nên tác động trực tiếp vào tác phẩm in đương đại vì giấy in tinh khiết, không tỳ vết rất dễ nhiễm hơi ẩm và dầu từ da người. Nên đóng khung tác phẩm hoặc cho vào folder làm bằng giấy không chứa axit. Artsorb là loại vật liệu ngăn cách khá tốt, có tác dụng chống chất ô nhiễm trong không khí và sự thay đổi độ ẩm tương đối.
Để tác phẩm in, tranh vẽ tránh ánh nắng. Đặc biệt tránh ánh nắng hướng nam và cố gắng không treo tác phẩm ngay bên trong tường ngoài căn nhà. Nhiệt độ thấp làm hơi ẩm ngưng tụ dẫn tới nấm mốc phát triển bên trong khung. Ngược lại, bức xạ, thiết bị tản nhiệt hoặc đèn chiếu làm không khí khô nóng và bụi bẩn dễ tập trung vào dòng khí khô. Khi chọn địa điểm cất giữ tranh cần tránh tầng hầm ẩm thấp hoặc gác mái không được cách nhiệt. Tốt nhất là giữ tác phẩm ở nơi mát, điều kiện môi trường ổn định. Nhiệt độ lý tưởng từ 16°C -19°C, độ ẩm tương đối từ 45%-60%. Các tiêu chuẩn này nhiều khi không khả thi với điều kiện thông thường trong nhà, nhưng độ ẩm tương đối ổn định ở mức thấp (< 60%) làm giảm quá trình thoái hóa giấy và giảm nguy cơ bị nấm mốc, loài ký sinh phá hoại.
Trong trường hợp tác phẩm in hoặc tranh vẽ bị ướt nhiều, ví dụ bị ống nước vỡ bẳn vào, nên đặt tác phẩm lên giấy thấm ở nơi thoáng gió, đặt riêng rẽ nếu nhiều tác phẩm dính ướt. Cách này tốt hơn cách dùng nguồn nhiệt nhân tạo sấy khô. Trong trường hợp tác phẩm bị cháy hoặc ngập nước ở mức nghiêm trọng, nên liên hệ ngay với chuyên viên bảo tồn tác phẩm nghệ thuật.
Bao bọc và đóng khung
Nếu bạn tìm hiểu đôi chút về việc bọc viền và đóng khung tranh, có thể bạn đã biết nhiều hãng đưa ra loại khung và vật liệu bao bọc theo ‘tiêu chuẩn bảo tồn’. Nhưng cũng cần hiểu các tiêu chuẩn này chưa thống nhất hoàn toàn và chưa được áp dụng đồng bộ. Bạn vẫn phải tìm hiểu xem chính xác mình muốn bảo tồn tác phẩm nghệ thuật của mình như thế nào. Hãy yêu cầu nơi cung cấp vật liệu tuân thủ lời khuyên trong tập vựng Guidelines for Conservation Framing (Hướng dẫn đóng khung lưu trữ) của Viện Bảo tồn Giấy (IPC), hoặc tập vựng ‘Guidelines for conservation mounting and framing of works of art on paper’,(Hướng dẫn bo viền và đóng khung lưu trữ tác phẩm nghệ thuật trên giấy’) trên website của Icon: http://www.conservationregister.com. Hãy cho biết bạn muốn các câu trả lời tích cực cho năm câu hỏi sau. Cần sử dụng loại kính chống tia cực tím.
- Vật liệu bao bọc phía trước và sau có được làm từ tấm cứng 100% bông không? Đây là “tấm bảo tàng” (museum board), là vật liệu có chất lượng tốt nhất. Nếu không có “museum board” thì có tấm cứng từ bột gỗ tinh khiết không? Loại này là “tấm bảo tồn” (conservation board).
- Nếu không có tấm bọc hình cửa sổ hoặc bo viền thì kính có đặt cách mặt tranh không?
- Tác phẩm nghệ thuật có được gắn vào tấm bọc mặt sau bằng khớp giấy không chứa acid và băng dính hòa tan với nước không?
- Có lớp ngăn cách giữa tấm bọc mặt sau và tấm khung sau không?
- Khung có đủ dày cho tấm bọc, lớp ngăn cách và tấm khung sau? Có đủ chắc để gắn móc treo vào khung chứ không phải vào tấm khung sau?
- Nếu không chắc người làm khung đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên, bạn nên đề nghị chuyên viên bảo tồn giới thiệu nơi cung cấp khác đủ khả năng.
Điều bạn không thể làm
Khi đã quá muộn để ngăn chặn hư tổn và tác phẩm trên giấy đã có dấu hiệu hư hại, nhà sưu tập hầu như không thể làm được gì nhiều để bảo tồn và phục chế tác phẩm. Các phương thức truyền thống như dùng ruột bánh mì chấm, chùi bụi bẩn hay dùng băng dính thường dán chỗ rách chỉ rước thêm nguy hiểm.
Nên liên hệ với chuyên viên bảo tồn, họ sẽ đưa ra lời khuyên khả thi nhất để cứu tác phẩm. Với phương pháp chuyên nghiệp, bệnh tình của tác phẩm trên giấy có thể ổn định và tình trạng hư hại không phát triển thêm. Dù màu vẽ bị bạc không thể khôi phục về trạng thái rực rỡ ban đầu và vết ố nghiêm trọng cũng không thể biến mất mà chỉ giảm bớt, nhưng một chuyên viên bảo tồn giấy chuyên nghiệp có thể cứu chữa hầu hết mọi hư hại.
***
Nội dung trên đây chỉ mang tính chất giới thiệu, mình dịch từ leaflet của IPC (Viện Bảo tồn Giấy của Anh). Nội dung leaflet ban đầu được Catherine Rickman, chuyên viên bảo tồn, viết cho Ủy ban các Bảo tàng và Gallery (Museums and Galleries Commission), nay là Hội đồng Bảo tàng, Thư viện, và Lưu trữ (The Museums, Libraries, and Archives – MLA).
IPC cùng một số tổ chức khác đã hợp nhất thành Viện Bảo tồn (ICON), website: http://icon.org.uk/
Tóm lại cách giữ tác phẩm trên giấy được bền lâu là:
- Chọn loại giấy chất lượng để vẽ. Tốt nhất là hạng họa sĩ chuyên nghiệp và ít nhất có tiêu chuẩn acid-free (không chứa acid)
- Chọn màu vẽ chất lượng, nếu không màu vừa bạc nhanh vừa hại giấy
- Chọn vật liệu bo viền và khung tranh đảm bảo. Nếu không đóng khung thì cất tác phẩm vào hộp lưu trữ làm bằng giấy acid-free hoặc portfolio. Hộp và portfolio đều có bán tại các cửa hàng họa phẩm. Tác phẩm đặt ngăn cách nhau bằng giấy mỏng acid-free.
- Nếu treo tranh, tránh treo ở nơi có ánh nắng mạnh, nơi có nguồn nhiệt cao hoặc nơi ẩm thấp.
Thanh Hoa Art Supplies
15-Oct-2015
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!