Máy ấp trứng Mactech – Nhiều cá nhân nuôi gia cầm nhỏ lẻ hoặc nuôi làm cảnh thường có nhu cầu ấp trứng số lượng nhỏ. Giải pháp để ấp trứng số lượng ít chính là dùng các loại máy ấp trứng mini hoặc làm máy ấp tứng tự chế để ấp. Trong bài viết này, Mactech sẽ hướng dẫn các bạn về kỹ thuật làm máy ấp trứng tự chế tại nhà đảm bảo trứng nở đều, con khỏe mạnh.
Hướng dẫn kỹ thuật làm máy ấp trứng tự chế tại nhà
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Thùng xốp có nắp đậy (giá 7 – 10k rất dễ mua ngoài chợ).
- Một túi trấu nhỏ (các bạn nuôi gia cầm thường có sẵn).
- Bóng đèn sợi đốt 25W hoặc công suất cao hơn tùy kích thước thùng xốp (giá khoảng 10 – 15k).
- Phích cắm, dây điện, đui đèn (giá khoảng 25k).
- Nhệt kế + ẩm kế (giá khoảng 50 – 200k).
- Khay đựng nước (tận dụng bát hoặc khay nhựa đều được).
Các bước thực hiện:
Bước 1: Dùng thùng xốp để làm buồng ấp
Tùy vào nhu cầu ấp nhiều hay ít, các bạn có thể dùng thùng xốp to hoặc nhỏ khác nhau. Điều quan trọng là thùng xốp phải có nắp đậy kín để đảm bảo nhiệt trong thùng xốp không bị thoát ra ngoài ảnh hưởng đến quá trình ấp.
Sau khi chọn xong thùng xốp, các bạn đục khoảng 2 đến 3 lỗ nhỏ bằng ngón tay ở mặt bên của thùng xốp để làm lỗ thông gió cho buồng ấp. Vì trứng khi ấp phôi vẫn cần phải hô hấp nên nhất định phải có không khí lưu thông nếu không phôi sẽ bị ngạt chết.
Bước 2: Lắp bóng đèn
Dùng đui đèn, dây điện, phích cắm và bóng đèn lắp lại với nhau để làm nguồn nhiệt cho máy ấp. Đục một lỗ nhỏ ở mặt bên hoặc gần miệng thùng xốp để luồn dây điện bóng đèn qua, phần bóng đèn cho vào bên trong thùng xốp.
Nếu dùng thùng xốp nhỏ các bạn có thể dùng bóng đèn 25W, nếu dùng thùng xốp to thì có thể dùng bóng đèn 60W hoặc 2 bóng 25W cũng được. Chú ý không để bóng đèn sát vào thùng xốp vì nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bị cháy. Nên treo bóng đèn hoặc có chụp đèn để bóng không sát vào thùng xốp là tốt nhất.
Bước 3: Đặt khay nước và rải trấu
Sau khi lắp bóng đèn xong, các bạn rải một lớp trấu vào trong thùng xốp. Mục đích rải trấu để trứng không bị lăn bên trong thùng xốp, giữ được ví trí đặt trứng cố định.
Đổ nước vào khay mà các bạn đã chuẩn bị sau đó đặt vào một bên góc của thùng xốp. Khay nước này dùng để tạo ẩm cho buồng ấp vì trứng khi ấp vẫn cần độ ẩm khoảng 55 – 65%. Nhiều bạn thường đặt khay nước ngay bên dưới bóng đèn để tăng khả năng bay hơi nước. Cách này cũng rất tiện nhưng không an toàn cho lắm. Mactech khuyên các bạn nếu muốn tăng khả năng bay hơi của nước có thể dùng khay nước có mặt thoáng (miệng khay) rộng hơn là được.
Bước 4: Kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm
- Đặt nhiệt kế và ẩm kế vào bên trong thùng xốp cách xa vị trí của đèn nhất sau đó đậy kín nắp của thùng xốp.
- Cắm điện cho bóng đèn để tạo nguồn nhiệt và để khoảng 1 – 2 giờ cho nhiệt độ và độ ẩm bên trong thùng xốp ổn định.
- Kiểm tra thông số của nhiệt kế và ẩm kế để điều chỉnh các thông số của buồng ấp cho phù hợp. Ví dụ, nhiệt độ thích hợp nhất trong buồng ấp để ấp trứng gà là 37,5 – 37,8 độ C, độ ẩm vào khoảng 55 – 65%. Nếu nhiệt độ quá thấp, các bạn có thể dùng bóng đèn có công suất cao hơn. Nếu nhiệt độ cao quá, các bạn có thể cân nhắc dùng bóng đèn công suất nhỏ hơn hoặc đục thêm 1 – 2 lỗ trên thùng xốp để tản bớt nhiệt. Nếu độ ẩm quá thấp thì nên thay khay nước có mặt thoáng rộng hơn, nếu độ ẩm quá cao thì thay khay nước có mặt thoáng bé hơn.
- Điều chỉnh cho đến khi các thông số trong thùng xốp phù hợp thì tiến hành ấp thử.
Bước 5: Tiến hành ấp thử và theo dõi các thông số
Để tiến hành ấp thử, trước hết dùng nhiệt kế để xác định vị trí đặt trứng. Thường nhiệt độ bên trong thùng xốp không đều, nơi gần bóng đèn nhiệt độ sẽ cao hơn nơi xa bóng đèn nên chúng ta cần xác định vị trí có nhiệt độ phù hợp nhất để ấp trứng. Để xác định vị trí này chúng ta làm như sau:
- Đặt nhiệt kế cách xa bóng đèn nhất và kiểm tra nhiệt độ.
- Cho nhiệt kế vào gần bóng đèn dần rồi ghi lại nhiệt độ.
- Đánh dấu những vị trí có nhiệt độ phù hợp nhất để ấp (37,5 – 37,8 độ C).
Đặt trứng vào vị trí có nhiệt độ phù hợp đã được đánh dấu sau cho đầu to hướng lên trên, đầu nhỏ hướng xuống dưới. Đậy nắp thùng xốp và tiến hành ấp thử. Sau 2 – 4 giờ, các bạn mở nắp thùng xốp để đảo trứng. Vì máy ấp trứng tự chế không có cơ chế đảo trứng nên các bạn cần phải đảo tay. Khi đảo trứng, các bạn kiểm tra luôn nhiệt độ và độ ẩm trong buồng ấp để có thể điều chỉnh kịp thời.
Một vài chú ý khi ấp trứng máy máy ấp trứng tự chế
- Các loại máy ấp trứng tự chế thường không có cơ chế đảo trứng tự động nên các bạn cần chú ý đảo trứng bằng tay.
- Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và khả năng thông gió của buồng ấp để đảm bảo điều kiện ấp tốt nhất cho trứng.
- Với mỗi loại trứng khác nhau sẽ có quy trình ấp khác nhau. Các bạn nên hiểu rõ kỹ thuật ấp trứng để tăng tỉ lệ nở khi ấp bằng máy ấp trứng tự chế.
- Lần đầu ấp các bạn chỉ nên ấp thử vài ba quả, sau lần ấp đầu các bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm và có thể ấp với số lượng nhiều hơn vào những lần sau.
Như vậy, với hướng dẫn trên, các bạn hoàn toàn có thể tự làm máy ấp trứng tự chế tại nhà vừa đảm bảo được điều kiện lý tưởng để ấp trứng mà lại vừa tiết kiệm chi phí. Tuy máy ấp trứng tự chế có khá nhiều hạn chế nhưng nếu bạn nắm vững kỹ thuật ấp trứng thì tỉ lệ nở vẫn rất cao. Chúc các bạn thành công với máy ấp trứng tự chế.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!