Từ nếp nhà xưa…
Nếp nhà truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ và sinh hoạt nên rất phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền thường có một số kiểu cấu trúc riêng. Tuy nhiên, 2 kiểu kiến trúc phổ biến nhất là kiến trúc hình thước thợ (gồm một gian chính, một gian phụ) và kiến trúc hình chữ môn (nhà chính ở giữa, 2 nhà phụ hai bên).
Kiến trúc nhà ở của người Việt xưa chịu ảnh hưởng sâu sắc, đậm nét của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hình thành nên kiến trúc bản địa: Người Việt thường chọn những vùng đồng bằng có nhiều bùn, nước thích hợp cho điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Đối với nhà ở, có thể chia làm ba dạng: Người nghèo thì lợp tranh, vách đất, nền đất, kèo cột làm bằng tre nứa; khá hơn thì làm nhà bằng gỗ (xoan), mái lợp rạ, cỏ tranh…, vách bằng bùn nhào rơm, nền đất hoặc lát gạch; người giàu có, sang trọng thì làm nhà bằng gỗ có chạm trỗ (lim, mít,…), mái lợp ngói, tường gạch, nền gạch…
Không chỉ phục vụ mục đích sinh tồn, ngôi nhà còn gắn với quan niệm thẩm mỹ, vì thế, cấu trúc nhà xưa thường 3 hoặc 5 gian. Xuất phát từ việc coi trọng ứng xử, kể cả ứng xử với không gian ngôi nhà, nên cha ông đã phân chia thành “chính” và “phụ” khá rõ rệt: nhà chính – nhà phụ; nhà trên – nhà dưới, gian chính – gian phụ.
Nhà chính thường có bố cục 3 gian và 2 chái, nhà phụ bố cục đơn giản, chỉ thuận theo sinh hoạt và kinh tế mà xây dựng. Đối với nhà chính, gian giữa được xem là nơi vượng khí, là trái tim của ngôi nhà. Bởi thế, gian này luôn dùng để thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Để tôn lên vẻ đẹp của gian chính, chủ nhân thường thiết kế, bài trí công phu, trên các cột, kèo đều có chạm trổ hoa văn tinh tế, cửa chính thường được thiết kế rất rộng, đôi khi có liếp che.
Điều này còn là sự hội tụ tâm sức, tài hoa và quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất nhà ở. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm của thế hệ đi trước. Sự kế thừa này đã làm cho ngôi nhà truyền thống bền vững suốt hàng nghìn năm, ngay cả khi ngôi nhà được làm mới, thì quan niệm cũ vẫn được gìn giữ. Từ mái ngói đơn sơ, không chút cầu kỳ đến hàng cột hiên khiêm nhường và đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong là cội nguồn và truyền thống. Chính vì thế mà ngôi nhà là một mảnh tâm hồn, là ký ức, là tình cảm gia đình vun vén từ bao đời của người Việt.
…đến chuyện nhà nay
Theo TS. KTS Phan Bảo An, quan niệm coi trọng đất đai – nhà ở với mục đích tạo dựng di sản và để lại cho con cháu tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã dần “mềm hóa” trong đời sống xã hội Việt Nam. Đến nay, đô thị Việt Nam đang tồn tại 3 dạng nhà ở, phổ biến là nhà biệt thự, không gian vườn rộng và biệt lập bao quanh hoặc trước sau; nhà phố – liền kề có mặt tiền bám sát đường giao thông và nhà ở dạng căn hộ chung cư. Cả ba loại hình nhà ở này tùy theo diện tích, tiện nghi, vật liệu xây dựng, vị trí mà có giá trị được phân thành nhiều hạng khác nhau. Trong đó, loại hình nhà ở dạng phố – liền kề, bám trục giao thông vẫn là xu hướng chính của quá trình chỉnh trang, quy hoạch đô thị. Đến khi đô thị phát triển, đặc biệt là các đô thị lớn, mật độ dân cư ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở ngày càng cấp bách, hình thái nhà ở dạng căn hộ trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị hiện đại.
Bên cạnh đó, TS. KTS Phan Bảo An cho rằng, trong không gian chật hẹp của đô thị với mật độ dân cư cao, loại hình nhà phố đang chiếm ưu thế nhưng nhà ở dạng căn hộ – chung cư sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Do đó, việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong nhà ở dạng căn hộ như chất lượng, hình thành ý thức và thói quen của người dân trong việc sử dụng các tiện nghi chung… và khai thác các đặc trưng của nhà phố để thiết kế, tạo lập không gian kiến trúc nội – ngoại thất của căn hộ chung cư, qua đó bố trí sắp xếp vị trí căn hộ phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, khai thác tối đa hiệu quả công năng… Điều này sẽ giúp cho người dân đô thị Việt dần hình thành lối sống, nếp nhà phù hợp với điều kiện phát triển đô thị hiện tại, có quan niệm thẩm mỹ phù hợp với truyền thống, thích ứng với hiện tại (ít nhất là trong điều kiện quỹ đất hẹp) để có được các mẫu nhà phù hợp với thiên nhiên, tích tụ nhiều vượng khí, có lợi cho sức khỏe và hài hòa giữa nét đẹp truyền thống – hiện đại.
Mỗi kiến trúc sư khi thiết kế, xây dựng căn hộ, nhà ở cũng cần hiểu rõ nếp nhà và quan niệm về tiểu gia đình của người Việt, từ đó lựa chọn giải pháp thiết kế không gian kiến trúc phù hợp với lối sống và bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam hiện đại.
Dù nhà ở của người Việt có thay đổi trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, nhưng quan niệm sống về nếp nhà vẫn còn được lưu giữ và việc kế thừa tôn thống, kế thừa di sản nhà ở luôn cần được quan tâm. Gìn giữ những nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống kết hợp hài hoà những giá trị văn hoá gia đình thời hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền tảng xã hội tốt đẹp, hình thành nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!