Phương pháp làm một bài trang trí

Phương pháp tiến hành làm một bài trang trí

Muốn tiến hành làm một bài trang trí cơ bản, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu và nhận biết về các loại họa tiết trang trí, vì các họa tiết trang trí đó là cơ sở tạo nên các hình trang trí đó.

trang tri 1

Tất cả những hình trang trí đều dựa vào những cái có thực trong cuộc sống, được con người chọn lọc, tưởng tượng và diễn tả với những nét đẹp điển hình nhất. Nói đến trang trí, người ta thường nghĩ ngay đến các họa tiết hoa văn. Có thể chia ra làm 3 loại hình hoa văn cơ bản: Hoa văn hoa lá cách điệu; Hoa văn hình người hoặc vật cách điệu;

trang tri 2

Phải nghiên cứu thực tế, từ đó nắm bắt được đặc điểm của mẫu mới khai thác được hết những cái đẹp về đường nét, hình mảng, làm cơ sở sắp xếp độ đậm nhạt và màu sắc của vật để tạo nên họa tiết trang trí.

trang tri 3

Muốn vẽ được một bài trang trí cơ bản phải qua 3 bước tiến hành như sau:

1. Phác thảo: Phác thảo là vận dụng tổng hợp các nguyên tắc trang trí cơ bản dựa vào đặc điểm của từng thể loại để sắp xếp họa tiết sao cho phù hợp. Ví dụ: Với hình tròn thì các mảng họa tiết phải tập trung và xoay quanh trục (xu thế hướng tâm), nếu làm sai sẽ phá vỡ bố cục tròn, họa tiết rời rạc. Đối với hình vuông và hình chữ nhật, bố cục phải được khép kín tạo các góc chặt chẽ và hợp lý, nếu trong 2 hình này toàn sử dụng những khối hình trong sẽ làm mất đi tính chất của hình.

trang tri 4

Khi tìm phác thảo phải chú ý đến các khoảng trống do các hình đứng cạnh nhau tạo nên. Các khoảng trống chiếm vị trí rất quan trọng trong toàn bộ bố cục chung vì nó tạo nên nhịp cho toàn bộ các mảng hình và các họa tiết thành một thể thống nhất. Nên chia hình trang trí thành những mảng đều nhau qua các trục ngang, dọc, chéo góc, v.v…

trang tri 6

Vận dụng các nguyên tắc trang trí một cách linh hoạt để bố cục các mảng hình hợp lý, tạo được mảng chính, mảng phụ và có trọng tâm.

Trên cơ sở các mảng hình, ta đưa họa tiết hoa văn đối xứng qua trục ngang, trục dọc, chéo góc hoặc xoay tròn để tìm kiếm một hình đẹp và hợp lý nhất. Khi ghép hai hoặc bốn mảng hình sẽ tạo thành khoảng trống. Khoảng trống đó có thể gợi thành hình bông hoa cách điệu hoặc một con vật cách điệu. Phải triệt để khai thác để tạo thành một họa tiết mới minh họa cho điểm nhấn của hình trang trí đó.

Các bước phác thảo là giai đoạn tìm phác thảo đen trắng, bằng bút chì hoặc bột màu. Khi tìm phác thảo bằng các họa tiết và các mảng, cần phân bố đậm nhạt, nên vẽ nhiều phác thảo khác nhau trên cùng một ý. Ví dụ như lấy họa tiết cá hoặc chim thì phải sắp xếp theo nhiều ý đồ to nhỏ khác nhau, chọn cách sắp xếp họa tiết chính và phụ sao cho phù hợp. Các độ đậm nhạt đen trắng sẽ tương ứng với các màu để vẽ: nếu sử dụng 4 hoặc 5 độ đậm nhạt khác nhau thì khi vẽ phải dùng 4 hoặc 5 màu để thể hiện bài. Cần chú ý là dù ở giai đoạn phác thảo nhưng người vẽ phải có chủ định rõ ràng về nội dung. Làm nhiều phác thảo nhỏ với những ý đồ khác nhau về cách sắp đặt sẽ có điều kiện rút kinh nghiệm từ cái này sang cái khác để cuối cùng có một phác thảo với kết quả tốt nhất. Khi phác thảo nhỏ đen trắng đã được chọn, phải dựa vào sự phân bố của các mảng đậm nhạt để làm phác thảo màu, phác thảo màu phải trung thành với độ đậm nhạt chung của mẫu phác thảo đen trắng, nếu không màu sẽ bị sai lệch trọng tâm, thiếu tính chủ đạo trong toàn bộ bố cục.

2. Phóng to và tìm hình kỹ: Giai đoạn phóng to phác thảo lên bằng tỷ lệ thật là giai đoạn hai của bước phác thảo. Đây là giai đoạn rất quan trọng, cần cụ thể hóa các mảng hình. Những họa tiết trang trí khi ở trong chu vi nhỏ có thể đẹp nhưng khi phóng to ra thì những nhược điểm và các mặt hạn chế sẽ hiện lên rất rõ. Giai đoạn này cần đến sự sáng tạo và vận dụng kiến thức hiểu biết để tạo nên những hình trang trí đẹp.

Hình trang trí trên cho thấy 4 cánh bèo tạo thành một bông hoa, ở các khoảng trống trong bố cục nhỏ thì vừa độ, nhưng khi phóng to ra sẽ trở nên mỏng. Khoảng trống quá lớn làm mất đi sự chặt chẽ về bố cục. Trên cơ sở đó, ta làm cho những mảng lá lớn hơn với những nét mập hơn, hoa cũng được cách điệu một cách cụ thể và có chủ ý. Ba khoảng trống sẽ được đưa những hình kỷ hà vào khiến cho bố cục chung trở nên chặt chẽ và hoàn thiện.

trang tri 7 Hình 4 cánh bèo đặt cạnh nhau tạo thành một khoảng trống là hình một bông hoa

Ở giai đoạn phóng to và tìm hình kỹ rất cần sự hiểu biết về cách sắp xếp các mảng hình, sự phân bố các mảng to, nhỏ, đậm nhạt. Muốn vậy, người vẽ phải có ý thức tư duy sáng tạo cao, phải biết tìm tòi và dám làm. Không nên chỉ hạn chế trong một hoặc hai hình mà phải biết mở rộng, khai thác những hình thể đó, bắt buộc chúng phải đạt đến cái chuẩn cao nhất mà khả năng mình có thể làm được.

Bước phóng hình cần làm kỹ và rõ ràng cả các chi tiết đến khi thể hiện mới có cơ sở và không bị lúng túng.

3. Thể hiện: Trước khi thể hiện một bài trang trí, việc đầu tiên phải làm là căng giấy trên bảng để có được một mặt phẳng giấy căng đều không bị nhăn, bị rách. Dựa vào phác thảo màu đã được lựa chọn, ta chọn màu chủ đạo hoặc màu sẫm có vị trí tương đối lớn để quét nền trên mặt giấy. Khi nền đã khô hẳn, dùng bản hình đã được vẽ kỹ can lên mặt giấy đó.

Màu sắc trong trang trí là yếu tố quan trọng. Nhiệm vụ của màu vẽ là nâng cao và hoàn thiện một hình trang trí. Sự kết hợp khéo léo giữa các màu sẽ góp phần làm điều hòa, cân đối, thăng bằng trong bố cục và nêu bật ý đồ của người vẽ.

Trong trang trí phải có hình trọng tâm và hình thứ yếu (còn được gọi là mảng chính và mảng phụ). Mảng chính thường to và rõ, màu tươi và sáng hơn những vị trí khác nhưng phải được điều phối một lượng nhất định ra vị trí những mảng phụ đề màu không bị đơn điệu. Phải biết điều chỉnh độ đậm nhạt, màu nóng lạnh để gây hiệu quả cho bài vẽ.

Vẽ trang trí giống như vẽ tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh chân dung là phải giải quyết được độ đậm nhạt về ánh sáng và không gian. Nhưng vẽ trang trí phải có tính ước lệ, cách điệu hóa cao, màu sử dụng là những mảng bệt đặt cạnh nhau để tạo nên ánh sáng. Khi thể hiện các thể loại tranh khác gọi là vẽ màu, nhưng khi vẽ trang trí có thể gọi là tô màu vì vẽ trang trí cần sự cẩn thận, gọn gàng, sạch sẽ với những mảng màu sạch, mịn. Bơi vậy, trước khi thể hiện một bài trang trí cần chuẩn bị:

– Có bao nhiêu màu chủ đạo trong một phác thảo trang trí cần được thể hiện thì phải nghiền bằng ấy màu thật kỹ và nhuyễn, dùng đủ trong suốt quá trình làm bài, tránh pha đi pha lại nhiều lần màu sẽ không giống nhau và hiệu quả bài sẽ kém.

– Phần nền phải được quét màu thật phẳng và mịn với độ dính của keo vừa đủ trước khi can hình.

Tô màu trong trang trí phải đều, mượt, trong trẻo. Do vậy, khi vẽ cần lưu ý:

– Khi bôi mảng lớn dùng bút to và dẹt;

– Dùng loại giấy vẽ có khả năng hút nước tương đối tốt như giấy in báo hoặc crô-ki mỏng.

– Không nên tô đi tô lại nhiều lần, màu sẽ mất đi sự trong trẻo.

Trong toàn bộ bài trang trí, ta vẽ từng màu một. Sau đó mới chuyển sang màu khác để màu khỏi bị dây bẩn hoặc lan sang nhau. Tránh vẽ ngay bên cạnh những màu vẫn đang ướt, phải để màu se mặt hoặc khô hẳn mới đặt màu khác bên cạnh chúng.

– Khi vẽ xong toàn bộ các mảng màu, dùng bút nhỏ đi nét hoặc chi tiết và điều chỉnh những chỗ chưa ke gọn.

– Bài vẽ hoàn thành để khô hẳn, sau đó dùng thước kẻ và ê ke cắt rời ra khỏi bảng và dán lên mặt tờ giấy trắng cho ngay ngắn.

– Bài vẽ được trang trọng đặt trên mặt giấy, ta còn gọi là bo bài. Việc bo bài sẽ tôn giá trị của bài vẽ và có hiệu quả rõ rệt về chất lượng.

>>> Tính thống nhất trong trang trí nội thất

>>> Tính trang trí trong tranh lụa

>>> Hoa văn trang trí của người Mường