Các cách kiểm tra cấu hình máy tính | Phong Vũ Hỏi Đáp

Khi vừa sở hữu một chiếc máy tính mới trong tay, việc kiểm tra cấu hình máy tính là điều cần thiết nên làm ngay sau đó. Đây là thao tác giúp bạn kiểm tra được những thông số của chiếc máy tính bạn đang sở hữu, từ đó khiến bạn hiểu rõ hơn về nó và cân nhắc nên sử dụng như thế nào cho hiệu quả.Trong bài viết này, Phong Vũ sẽ hướng dẫn một số cách kiểm tra cấu hình máy tính mà bạn có thể sử dụng được.

1. Kiểm tra cấu hình máy tính không cần phần mềm

Đối với các dòng Macbook, iMac.

Cách kiểm tra cấu hình đối với các dòng máy tính của Apple đều rất đơn giản. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản thôi là bạn sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về cấu hình của máy.

Để kiểm tra cấu hình của các dòng máy Macbook, iMac thì bạn hãy làm theo hướng dẫn sau đây.

– Đầu tiên, nhìn lên góc trái bên trên của màn hình bạn sẽ thấy hình quả táo (logo của Apple) rồi chọn About this Mac.

– Tiếp theo, màn hình sẽ hiện ra một cửa sổ như hình dưới. Khi cửa sổ này mở lên, bạn sẽ phần Overview đầu tiên với những thông tin như:

+ Phiên bản của MacOS: Version 10.10.5

+ Loại máy: Macbook Pro (Retina, 13-inch, Early 2015)

+ Chip: 2.7 GHz Intel Core i5

+ RAM: 8GB 1867 MHz DDR3

+ Ổ cứng: Macintosh HD

+ Card đồ họa: Intel Iris Graphics 6100 1536MB

+ Số seri của máy: C02PDRM8FVH5

Để xem kĩ hơn những thông số về phần cứng của máy, hãy bấm vào dòng System Report ở bên dưới.

Sau đó máy sẽ hiện ra một cửa sổ mới, ở bên tay trái của cửa sổ gồm 2 phần lớn đó là HardwareNetwork. Ví dụ trong phần Hardware, máy sẽ hiển thị những thông tin về phần cứng của máy như thông số của RAM (mục Memory), Camera hay thông tin về phần đồ họa/ hiển thị (Graphics/Display),…

Đối với các dòng máy khác sử dụng hệ điều hành Windows

Đấy là đối với MacOS, còn với Windows thì sao? Để kiểm tra cấu hình máy của Windows, chúng ta có nhiều cách hơn so với MacOS.

Cách kiểm tra cấu hình máy tính bằng lệnh dxdiag

Cách đơn giản và thông dụng nhất mà được sử dụng thường xuyên đó là dùng lệnh dxdiag có sẵn của Windows. Với lệnh này, bạn có thể kiểm tra nhanh chóng những thông tin về một số phần cứng của máy như Chip, RAM, card đồ họa,…

Đầu tiên, bạn mở hộp thoại Run bằng tổ hợp phím Windows + R.

Sau đó, gõ lệnh dxdiag và ấn Enter để mở cửa sổ DirectX Diagnostic Tool.

Trong cửa sổ này, có 4 phần là System, Display, Sound, Input.

Ở phần System, bạn chỉ cần quan tâm đến một vài dòng thông số như hệ điều hành (Operating System); CPU (Processor); RAM (Memory); phiên bản DirectX (DirectX Version).

Ấn Next Page để sang phần tiếp theo là Display. Ở phần này, bạn sẽ biết được thông tin về card đồ họa mà máy bạn đang dùng.

Tiếp tục ấn Next Page để xem phần Sound (Âm thanh) và Input (các thiết bị kết nối với máy tính).

Sử dụng lệnh msinfo32

Mở hộp thoại Run như cách trên, rồi gõ lệnh msinfo32 vào và ấn Enter.

Hộp thoại System Information hiện lên. Trong cửa sổ này, ở bên trái có 4 phần nhưng bạn chỉ cần quan tâm đến mục System Summary, vì ở mục này bạn sẽ được thấy hầu hết các thông tin cần thiết về cấu hình máy của bạn. Còn nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn thì hãy click vào các mục ở dưới rồi đọc các thông số được ghi ở trong này.

Dùng Computer Properties để kiếm tra cấu hình máy tính

Đây là một cách kiểm tra cấu hình máy đơn giản nhất và cũng hay được sử dụng nhất.

Để kiểm tra cấu hình máy tính theo cách này, bạn ra ngoài Desktop, click chuột phải vào icon This PC và chọn Properties.

Tại đây, chúng ta sẽ biết được thông tin về hệ điều hành, thông số CPU, RAM, tình trạng kích hoạt của Windows, tên người dùng, tên máy tính và một số thiết lập hệ thống khác bên phía tay trái.

Trên đây là những cách kiểm tra cấu hình máy tính mà sử dụng những lệnh có sẵn của Windows. Nhưng ngoài những cách trên, muốn kiểm tra cấu hình máy tính thì vẫn còn cách dùng một phần mềm nổi tiếng đó là CPU-Z.

2. Sử dụng phần mềm CPU-Z để kiểm tra cấu hình máy tính

Có lẽ đối với những người sử dụng máy tính lâu năm thì sẽ không còn lạ gì với CPU-Z. Nhưng vẫn có nhiều người không biết đến phần mềm này có thể kiểm tra được chi tiết thông số của các phần cứng trong máy tính. Vậy hãy cùng Phong Vũ theo dõi cách xem thông số của các phần cứng bằng CPU-Z nhé.

Đầu tiên, bạn cần tải CPU-Z về theo đường link này. Bạn hãy chọn phiên bản phù hợp với máy của mình nhé.

CPU-Z sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về toàn bộ cấu hình của máy. Sau khi cài đặt chương trình CPU-Z, bạn sẽ thấy giao diện của CPU-Z xuất hiện với các thông số của máy tính gồm: CPU, Caches, Mainboard, SPD, Graphics, Bench và About. Mỗi một tab sẽ cho chúng ta biết những thông tin chi tiết về cấu hình của máy.

Tab CPU

Tab này cho cho chúng ta biết thông tin về tên CPU Intel Core i5 2520M, có tốc độ 2.50GHz. Tiếp đến, bên góc phải phía dưới có thông số Cores 2 Threads 4 biểu thị CPU có 2 nhân 4 luồng xử lý. Đây là những thông số mà bạn cần quan tâm, còn những thông số còn lại thì chúng ta không cần quá để ý đến nó lắm.

Tab Caches

Tab này cung cấp thông tin về bộ nhớ Cache của CPU (nói cách khác là bộ nhớ đệm).

Tab Mainboard

Tab này sẽ cho biết những thông tin về bo mạch chủ trên máy tính như tên hãng (Manufacturer), mẫu (Model), phiên bản BIOS (Version),…

Tab Memory

Tab này cung cấp thông tin về RAM bao gồm các thông số thường có của RAM như loại RAM là DDR3, dung lượng 4GB, tốc độ RAM là 665.1 MHz, sử dụng kênh Dual như hình dưới đây:

Tab SPD

Tab này cung cấp thông số cụ thể của từng khe cắm RAM trên máy tính.

Chúng ta có thể kiểm tra số lượng khe cắm RAM trên máy tính và thông số của RAM ở từng khe cắm. Nhấn chọn vào mũi tên xuống tại Slot #1, xuất hiện danh sách gồm Slot #1 và Slot #2. Tùy vào từng máy có lượng khe cắm RAM khác nhau, mà danh sách số lượng này sẽ khác nhau.

Tiếp đến để xem thông số của từng khe cắm, bạn chọn Slot # khe cắm đó. Nếu không có thông tin (những thông số mờ đi) nghĩa là chưa cắm RAM. Các thanh RAM không cần thiết phải cắm vào khe gần nhau.

Như trong ví dụ thì cả 2 Slot # 1 và Slot #2 đều được cắm RAM có dung lượng 2GB.

Tab Graphics

Tab này sẽ cung cấp thông tin chính xác về Card màn hình của máy tính. Tại giao diện chính của tab, nhấn chọn vào Display Device Selection sẽ xuất hiện danh sách Card màn hình có trên máy tính, gồm Card Onboard và Card rời. Ví dụ như ở đây, có 2 card màn hình được trang bị đó là Card onboard Intel HD Graphics 3000card rời NVIDIA NVS 4200M.

Card Onboard đều có ở các máy tính, có tên Intel(R) HD Graphics. Còn Card rời không nhất thiết phải có trên máy tính.

Tiếp đến, khi chúng ta nhấn chọn vào Card màn hình bất kỳ sẽ xuất hiện thông tin chi tiết về Card màn hình đó. Trong hình trên, Intel(R) HD Graphics 3000 có dung lượng là 512MB.

Tab Bench

Tab này có tác dụng là kiểm tra sức khỏe của CPU khi chạy các chế độ khác nhau.

Tab About

Đây cũng là tab cuối cùng của CPU-Z. Ở tab này thì nó hiển thị thông tin về phiên bản của CPU-Z, tác giả, trang chủ của phần mềm CPU-Z, hệ điều hành Windows đang sử dụng, DirectX. Ngoài ra, nếu bạn muốn lưu thông tin về cấu hình của máy, bạn có thể ấn vào một trong 2 ô Save Report (.TXT) Save Report (.HTML) để tải file save thông tin về dưới 1 trong 2 dạng là đuôi .TXT hoặc .HTML

Trên đây là một số cách kiểm tra cấu hình máy tính mà Phong Vũ muốn giới thiệu đến các bạn. Hãy nhớ rằng, khi bạn mua một chiếc máy tính mới hay nâng cấp thêm các linh kiện của máy thì hãy nhớ đến việc kiểm tra ngay cấu hình của máy sau khi thay đổi. Điều này sẽ giúp các bạn nắm bắt và quản lý được tài nguyên của máy hiệu quả hơn khi sử dụng.

Chúc các bạn thành công.