Mang trên mình hương vị thơm ngon độc đáo với nhiều công dụng vô cùng tốt cho sức khỏe và có khả năng làm đẹp tuyệt vời, đã từ lâu rau tía tô là món ăn được chị em phụ nữ vô cùng yêu thích.
Vậy liệu loài rau quốc dân này có thực sự tốt như lời đồn và trồng nó dễ hay khó? Hãy cùng tìm hiểu với Nông nghiệp phố qua bài viết sau nhé!
1. Tía tô là cây gì?
Rau tía tô hay còn được gọi là Tử tô, Tô ngạnh, Tô diệp, có tên tiếng Anh là Perilla mint và được cho là có nguồn gốc từ vùng núi Himalayas trải dài đến vùng Đông Nam Á.
Đây là một loại cây thân thảo, có chiều cao trung bình từ 0,5 – 1 m. Đặc biệt toàn thân cây tía tô đều có tinh dầu thơm và lông. Lá tía tô mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám.
Tía tô có rất nhiều giống khác nhau từ màu cho đến hình dạng lá. Nhưng giống tía tô có giá trị cao nhất là tía tô lá xoăn, loài rau này đã và đang được các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc vô cùng yêu thích.
Hoa tía tô mọc ở đầu cành, nhỏ xinh, có màu trắng tinh khiết hay tím mộng mơ tùy theo từng giống khác nhau. Khi hoa tàn sẽ cho ra những quả tía tô bé, hình cầu.
2. Công dụng tuyệt vời mà tía tô đem lại
Được xem là một loại rau gia vị, có mùi thơm lạ, đặc trưng không thể lẫn vào đâu được nên lá và hạt tía tô đều được dùng trong ngành ẩm thực của rất nhiều nước, đặc biệt là nước Ấn, Hoa, Hàn, Nhật.
Còn ở nước ta, tía tô chủ yếu được sử dụng lá dùng làm rau ăn sống, trộn các món gỏi hay tỉnh thoảng cũng chế biến thành các món nấu chin như canh cà bung, dùng cuốn chả nướng tương tự như chả lá lốt.
Không những vậy, nhờ chứa nhiều tinh dầu có tính kháng khuẩn cao cùng với nhiều loại vitamin A, B1, B4, B6, C…và chất khoáng sắt, kẽm… nên tía tô có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh da liễu, gồm cả bệnh mề đay, vì tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm và tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tim.
Đồng thời nhờ hàm lượng tanin và glucoside có trong lá tía tô mà thực phẩm này còn có tác dụng chống viêm, chữa lành vết loét, cải thiện tình trạng vết sẹo và giảm sự gia tăng lượng axit trong dạ dày.
Và một trong những tác dụng không thể bỏ qua ở loài rau này là nó có thể hỗ trợ chữa bệnh gút vô cùng hiệu quả. Do đó nếu nhà bạn có thành viên bị mắc loại bệnh này thì việc thêm tía tô vào thực đơn bữa ăn hằng ngày là một giải pháp chữa bệnh tự nhiên vô cùng hiệu quả.
Ngoài ra, có thể bạn chưa biết tía tô còn được gọi là thiên thần hộ mệnh cho giới chị em phụ nữ, nhất là ở Nhật Bản từ thời xa xưa. Bởi vì nó không chỉ chứa một lượng calo vô cùng thấp, hỗ trợ giảm cân hiệu quả mà tía tô còn có khả năng làm trắng da, giúp bạn sở hữu một làn da mềm mại, trắng sáng như mơ ước.
3. Kỹ thuật trồng rau tía tô tại nhà đơn giản dễ như chơi
a. Thời vụ trồng tía tô thích hợp
Tía tô có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên tạo đầy đủ mọi điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng thì bạn nên trồng cây vào vụ Xuân khoảng từ tháng 2 – 4 và vụ Thu từ tháng 8 – 9, khi tiết trời ấm áp, không quá nắng đan xen những cơn mưa nhẹ.
b. Chuẩn bị giống
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống tía tô từ lá thẳng cho đến xoăn. Do đó dựa vào sở thích ăn uống của mình mà bạn có thể chọn được giống rau thích hợp.
Sau khi mua về bạn nên lưu ý một điều rằng để tăng độ ẩm cho hạt có thể nảy mầm thì bạn nên tiến hành ngâm hạt giống trong nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) trong 2 – 5 giờ. Tiếp theo bạn đem hạt giống đã ngâm đi rửa sạch rồi ủ khăn ấm đến khi hạt có giấu hiệu nảy mầm thì đem đi gieo ngay.
c. Chuẩn bị dụng cụ trồng
Đầu tiên bạn cần chuẩn bị dụng cụ trồng là thùng xốp hoặc chậu trồng có độ sâu tương đối lớn như các loại chậu nhựa mềm vì rau tía tô có thân hình và chiều cao vượt bậc hơn so với các loại rau gia vị khác. Tuy nhiên phải là chậu có lỗ để cây có thể thoát nước tốt tránh ngập úng.
d. Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng tía tô phải đáp ứng đủ tiêu chí là sạch, tương đối tơi xốp, có hàm lượng dinh dưỡng cơ bản nhất và đặc biệt là phải khả năng giữ nước và thoát nước tốt.
Do đó bạn có thể phối trộn đất theo công thức 3 đất sạch : 3 phân hữu cơ (phân trùn quế, phân bò, phân gà… đã qua xử lí) : 2 giá thể trấu hun : 2 giá thể mụn dừa.
Tuy nhiên để có thể tiết kiệm thời gian, công sức và không phải đắng đo suy nghĩ nên chọn loại phân bón hay giá thể nào mới phù hợp cho cây của mình thì bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên dùng cho rau ăn lá.
Đây là đất được phối trộn dựa trên các nguồn nguyên liệu hữu cơ thiết yếu cho cây trồng, đồng thời trải qua quá trình ủ vi sinh giúp kích thích hệ vi sinh vật phát triển toàn diện và hạn chế tối đa mầm bệnh gây hại, vô cùng thích hợp cho những người bận rộn hay chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc trồng cây.
Sau khi đã chuẩn bị xong thì bạn tiến hành cho tất cả chỗ đất đã chuẩn bị vào trong dụng cụ trồng, chú ý là không cho quá đầy để khi trồng đất không bị đổ ra ngoài và chúng ta cũng dễ dàng chăm sóc hơn.
e. Tiến hành trồng
Rau tía tô có thể trồng bằng phương pháp giâm cành, tuy nhiên khả năng sống sót rất thấp thì tía tô rất dễ bị mất nước. Do đó cách trồng tía tô tốt nhất là bạn ươm hạt rồi cấy cây con ra đất trồng. Như thế cây của bạn sẽ được trồng với mật độ phù hợp và nhanh chóng phát triển.
Giá thể ươm hạt bạn có thể sử dụng giá thể ươm hạt Sfarm, giá thể mụn dừa, giá thể trấu hun… Sau đó bạn cho giá thể vào các khay nhựa, khay xốp ươm hạt chuyên dụng, đặt hạt vào giữa các lỗ rồi phủ nhẹ lại bằng giá thể ươm.
Thường xuyên tưới nước để tạo độ ẩm thích hợp cho hạt nhanh chóng nảy mầm. Khi cây lên được 2 – 3 lá thật, thân đã khá cứng cáp thì đem trồng ra đất trồng đã chuẩn bị.
Đầu tiên, để tạo độ ẩm cần thiết cho đất bạn nên tưới một lớp nước vừa phải và xới đất lên cho thật đều. Sau đó cấy cây con với khoảng cách cây cách cây hàng cách hàng 10 – 15 cm. Tiếp đến bạn nên tiến hành che nắng cho cây bằng rơm rạ hay mụn dừa, lưới che nắng cho cây tránh tình trạng mất nước.
4. Chăm sóc rau tía tô dễ hay khó?
a. Chế độ nước
Theo kinh nghiệm trồng trọt từ ngàn xưa thì ông bà ta đã có câu : “Nhất nước, nhị phân, tam cần, tứ giống.” Do đó để tía tô nhà bạn đạt hiệu quả cao như mong đợi thì việc tưới nước sao cho hợp lí là điều rất quan trọng.
Khi mới trồng để tăng khả năng nảy mầm và sống sót, tránh bị mất nước khi còn yếu bạn nên tưới ngày 2 lần sáng chiều. Còn vào thời điểm khi cây đã lớn và bắt đầu sinh trưởng phát triển khỏe mạnh thì bạn có thể tưới 1 – 2 ngày tưới cây 1 lần và có thể điều chỉnh tùy theo thời tiết.
Tuy nhiên nếu có thời gian rảnh vào buổi sáng thì bạn nên tưới cây vào thời điểm này hơn buổi chiều tối, vì tưới nước quá đẫm vào chiều tối chính là một điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh tấn bệnh sinh sôi.
b. Hàm lượng dinh dưỡng
Đa số các loài rau gia vị đều khá nhạy cảm với phân bón vô cơ, đồng thời nếu hàm lượng phân bón này dư quá nhiều sẽ khiến cho rau gia vị không giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị đặc trưng vốn có.
Do đó khi trồng để đảm bảo rau thu hoạch thực sự là rau sạch thì bạn có thể không cần bón phân vô cơ cho cây mà thay vào đó có thể bổ sung dinh dưỡng bằng cách sau.
Sau khi trồng cây khoảng 10 – 15 ngày thì rau đã bắt đầu ra lá, rễ cũng tương đối ổn định. Lúc đó bạn có thể sử dụng các loại phân bón hữu đã qua xử lí như phân bò, phân gà Nhật, phân trùn quế, phân hữu cơ Bounce Back…
Đồng thời kết hợp cùng các loại phân bón lá hữu cơ hấp thụ nhanh chóng hơn như phân đạm cá, rong biển, phân bánh dầu dạng nước… bón định kì 2 tuần/ lần và lưu ý rằng sau khi bón phân phải tưới lại bằng nước sạch để đảm bảo cây không bị cháy lá.
c. Sâu bệnh hại
Bệnh gỉ sắt
Đây là một loại bệnh rất thường gặp ở tía tô do nấm Puccinia nakanishikii gây ra. Ban đầu vết bệnh chỉ là chấm nhỏ màu vàng, sau đó lớn dần tạo thành những ổ nổi có kích thước khoảng 1mm. Khi bệnh nặng sẽ thấy lấm tấm những u nhỏ cỡ hạt tấm trên mặt lá, bên trong chứa đầy chất bột màu nâu đỏ như màu gạch non.
Cách khắc phục bệnh này là bạn phải thường xuyên dọn cỏ, tưới nước một cách hợp lí và có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm bệnh để phun xịt cho cây như Antracol, Ridomil Gold, Daconil…
Sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, rầy xanh…
Tía tô thuộc họ hàng nhà bạc hà nên loài rau gia vị này có một hương thơm vô cùng đặc trưng. Do đó khi trồng thì bạn nên yên tâm một điều rằng tía tô rất ít bị sâu hại tấn công. Tuy nhiên thỉnh thoảng trên cây cũng xuất hiện một số loài sâu hại như sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, rầy xanh…
Khi thấy sự xuất hiện của chúng trên vườn rau nhà mình, bạn có thể dùng tay bắt trực tiếp hoặc sử dụng dịch tỏi, Neem Chito, dầu khoáng SK Enspray 99 EC, Bio – B…
5. Thu hoạch
Thời gian sinh trưởng của tía tô tương đối ngắn, chỉ sau khi trồng 40 ngày là bạn có thể thu hoạch những cành tía tô thơm ngon rồi đấy. Khi thu hoạch bạn có thể dùng tay để nhổ nguyên cây hoặc cắt thân cây để gốc lại từ 5 – 7 cm cho cây phát triển tiếp.
Chưa dừng lại ở đó, trồng một lứa có thể cho thu hoạch quanh năm, vì vậy sau khi thu hoạch xong bạn nên tiếp tục thực hiện chế độ chăm sóc để tía tô có đủ khả năng phát triển vào những ngày sau đó nhé!
⫸ Xem thêm: Bật mí tất tần tật cách trồng rau sam tại nhà siêu dễ
⫸ Xem thêm: Tuyệt chiêu trồng sả tại nhà lớn nhanh như thổi
⫸ Xem thêm: Kỹ thuật trồng rau ngót trong thùng xốp tại nhà siêu đơn giản
Việc trồng rau tía tô tại nhà thật đơn giản và nhanh chóng phải không? Vậy tại sao bạn không thử bắt tay vào trồng ngay một chậu tía tô để bổ sung vào thực đơn cho gia đình thêm dồi dào sức khỏe nào? Nông nghiệp phố chúc bạn thành công và hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau.
Nông Nghiệp Phố – chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 986
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!