Đọc Xong Rồi Quên Vậy Đọc Sách Có Tác Dụng Gì?

Đọc Xong Rồi Quên Vậy Đọc Sách Có Tác Dụng Gì?

Trong quá trình phát triển và xây dựng website List Sách, mình đã từng nhận được rất nhiều câu hỏi của nhiều bạn đọc như:

  • Tôi đọc xong nhưng không nhớ được những gì có trong sách. Vậy việc đọc có mang lại lợi ích?
  • Em đọc xong nhưng cỡ tháng sau là lại quên hết. Vậy đọc sách để làm gì?
  • Mình không nhớ được kiến thức có trong sách. Vậy đọc sách có tác dụng gì?

Vâng, trên đây là những câu hỏi mà mình nhận được rất nhiều từ trước đến nay, nên hôm nay cũng xin chia sẻ một bài viết ngắn để nói về vấn đề này dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân.

Thực ra cách đặt câu hỏi của mọi người ngay từ đầu đã có vấn đề. Cấu trúc mà bạn đang dùng cũng tương tự như câu hỏi: “Em cũng học tập như các bạn nhưng điểm của em vẫn thấp, vậy việc học của em có tác dụng gì?”. Thay vì vậy tại sao bạn không hỏi: “Em cũng học tập như các bạn nhưng vẫn bị điểm kém, vậy làm sao để cải thiện điểm số?”

Vâng, cách đặt câu hỏi sẽ thay đổi nhận thức cũng như hành vi của bạn hoàn toàn. Thay vì hỏi đọc sách có tác dụng gì vậy tại sao bạn không hỏi làm sao để ghi nhớ được những kiến thức có trong sách. Nên nhớ rằng, bạn đọc sách để có được những kiến thức trong sách chứ không phải để trả lời cho câu hỏi “tác dụng của việc đọc sách”.

MỘT SỐ THÓI QUEN ĐỂ GIÚP BẠN ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ VÀ GHI NHỚ TỐT HƠN

01. Thói quen sử dụng giấy note và bút dạ quang

Với một số bạn yêu sách thì có lẽ việc sử dụng giấy note và bút sẽ làm hỏng sách. Tuy nhiên với quan điểm cá nhân của mình thì sách là một công cụ giúp bạn có được tri thức chứ không phải là một vật báu để bạn trưng bày. Sách càng nhàu nát thì càng chứng tỏ bạn trân trọng những tri thức có trong sách, và đem đến giá trị to lớn hơn rất nhiều so với việc bạn giữ gìn nó như mới mà không hề nhớ những gì đã đọc.

Vậy sử dụng giấy note khi nào?

Có một sự thực rằng nếu bạn dùng bút dạ quang lên sách hay note lại vào giấy nhưng không một lần nào xem lại sau đó. Thì chắc chắn rằng việc làm này là vô ích. Vậy chỉ note lại khi biết chắc bản thân sẽ xem lại. Còn không thì hãy bỏ qua thói quen này vì nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng nó không giúp bạn ghi nhớ tốt hơn nội dung của sách.

02. Tạo một nên tảng tri thức có sự liên kết

Đầu tiên, hãy thử tưởng tượng những tri thức mà bạn biết là một cái cây. Mình tạm gọi là cây tri thức, vậy hãy sắp xếp mỗi nhánh cây là một lĩnh vực khác nhau: marketing, thiết kế, lập trình, copywriter, tâm lý học … (Một lưu ý nhỏ là nên phân nhánh những tri thức có sự liên kết và bổ khuyết cho nhau).

Giải thích đôi chút về sự liên quan của 5 lĩnh vực mà mình liệt kê ở trên:

  • Để lập trình được một ứng dụng di động trên nền tảng android, IOS thì mình phải biết thiết kế giao diện người dùng chuyên nghiệp – UI (User Interface)
  • Để ứng dụng được nhiều người biết tới, mình cần học về mảng marketing online như chạy quảng cáo, SEO từ khóa …
  • Một bài viết quảng cáo hiệu quả cần có những kỹ năng viết bài hấp dẫn người đọc – copywriter và hình ảnh đẹp mắt.
  • Bài viết hay thôi chưa đủ, còn cần phải hiểu được tâm lý người đọc từ đó dẫn dắt hành vì người đọc.
  • Một ứng dụng tốt và đẹp mắt thôi chưa đủ, còn cần hiểu được tâm lý hành vi của người sử dụng để đem đến trải nghiệm người dùng tốt – UX (User Experience),

Mỗi lần học được một kiến thức mới từ sách, hãy thêm một lá cây vào nhánh cây trí thức của lĩnh vực đó. Đừng bỏ qua những thông tin và kiến thức nhỏ bé, bởi nó sẽ là nền tảng giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.

Công cụ tốt nhất để bổ trợ cho trí tưởng tượng của bạn về cây tri thức là một cuốn sổ tay hoặc một số ứng dụng ghi chú trên điện thoại hay laptop như Evernote. Hãy phân chia rõ ràng như: từ trang 01 – 100: kiến thức về marketing, từ trang 100 – 200: kiến thức về lập trình, từ trang 200-300: kiến thức về tâm lý hoc … Đây chính là kỹ năng phân nhánh tri thức mà mình đang sử dụng để có thể ghi nhớ hiệu quả hơn.

Một điều sai làm trong cách ghi chú của phần lớn nhiều người đó là “ghi bất chấp”, không phân loại kiến thức, ghi hết trang này qua trang khác.

03. Học lại những gì đã từng đọc

Như bài viết mà List Sách từng đề cập trước đây về phương pháp ghi nhớ hiệu quả với đường quên lãng Ebbinghaus. Bạn cần phải học lại những gì đã đọc để có thể ghi nhớ vào bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn của mình.

Cái cây tri thức của bạn cần phải tưới nước để có thể tiếp tục duy trì sự sống. Từ việc phân nhánh tri thức ở thói quen số 2 mà bây giờ việc học lại những gì từng đọc sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Hy vọng với bài viết chia sẽ dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân ở trên đã giúp bạn định hình lại việc đọc sách cũng như cách để có thể ghi nhớ tốt hơn từ việc đọc sách.

DAIN – List Sách

Bài viết liên quan:

  • Sách hay giúp rèn luyện trí nhớ
  • Những cuốn sách hay nhất mọi thời đại