Voucher, combo du lịch là gì?
Voucher hay combo là một gói dịch vụ du lịch, thường được chào bán với mức giá ưu đãi, hấp dẫn hơn các tour thông thường. Thông thường, khi mua voucher và combo, khách hàng sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí trước khi sử dụng dịch vụ.
Voucher du lịch thường do các hãng lữ hành hoặc cơ sở lưu trú hoặc cung ứng dịch vụ phát hành. Có loại voucher quy đổi ra phòng nghỉ, tặng dịch vụ hoặc khấu trừ trực tiếp vào giá niêm yết. Sản phẩm này chủ yếu hướng tới các nhóm khách lẻ và những du khách không muốn đi theo tour trọn gói của công ty lữ hành.
Các khách sạn bán voucher phòng nghỉ với giá ưu đãi nhằm kích cầu du lịch, đồng thời huy động trước một khoản vốn để vận hành. Thời gian sử dụng voucher cũng được ấn định, trải đều trong năm để duy trì công suất phòng. Vì vậy, voucher phòng nghỉ thường áp dụng cho ngày thường, dịp thấp điểm; còn ngày lễ, dịp cao điểm sẽ có thêm phụ phí. Voucher của các hãng lữ hành cũng dùng để kích thích nhu cầu của du khách, thường là giảm một số tiền nhất định vào giá tour hoặc tặng thêm các dịch vụ đi kèm trong tour.
Combo du lịch là loại hình khá giống với tour Free&Easy trước đây, bao gồm vé phương tiện di chuyển (máy bay, ô tô, tàu hỏa…) và phòng nghỉ, còn du khách tự túc tham quan, ăn uống. Ngoài ra, còn một số gói sản phẩm kết hợp các dịch vụ du lịch khác nhau cũng thường được gọi là combo, ví dụ như combo cáp treo kèm một bữa ăn, hoặc combo phòng nghỉ với dịch vụ đón/tiễn sân bay…Đây là loại hình ngày càng được các bạn trẻ yêu thích, vì sự tự do, riêng tư, không phụ thuộc vào lịch trình đoàn.
Combo hiện nay có hai hình thức, khởi hành cố định và khởi hành linh hoạt. Trong đó, combo khởi hành cố định thường do các doanh nghiệp lữ hành uy tín cung cấp, vì phải có thỏa thuận giữ chỗ từ trước với hãng hàng không và khách sạn để có thể đáp ứng các đoàn khách lớn. Combo khởi hành linh hoạt thường phục vụ các đoàn khách nhỏ, ít người, không cố định về ngày đi, ngày lưu trú. Đây là loại hình tiềm ẩn nhiều rủi ro vì ngoài các pháp nhân thì nhiều cá nhân cũng có thể đứng ra cung cấp dịch vụ này. Đặc biệt, nếu giao dịch qua mạng xã hội, nơi các cá nhân xuất hiện ẩn danh thì nguy cơ rủi ro càng tăng cao.
“Tiền mất tật mang” vì mua bán qua mạng
Không khó để tìm thấy các nhóm trao đổi, mua bán voucher, combo du lịch trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là các fanpage trên Facebook. Các cảnh báo lừa đảo, “bóc phốt” kẻ xấu cũng xuất hiện liên tục, nhất là khi mùa du lịch cao điểm đang tới gần.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, chị T.T.L (Hà Nội) cho biết, qua một nhóm facebook, chị giao dịch với một tài khoản có tên “Nga Nguyễn” để mua combo cáp treo Bà Nà tại Đà Nẵng. Người này chào bán với mức giá 780 nghìn đồng một người, bao gồm bữa ăn trưa và cáp treo. Tin tưởng, chị L. chuyển khoản 6 triệu đồng để đặt dịch vụ cho nhóm gia đình, tuy nhiên, người bán đã biến mất sau khi nhận được tiền. Chị L cho biết, do công việc bận rộn nên chị không có thời gian tìm hiểu nhiều về loại hình combo du lịch này và cũng chưa từng đi Bà Nà nên không nắm được giá dịch vụ.
“Vì quá bận nên tôi chỉ đăng bài lên nhóm facebook, thấy ai chào giá rẻ hơn thì tôi liên hệ và người bán cũng chủ động tư vấn ngay lập tức nên tôi thanh toán luôn để lo việc khác”. Được biết, cho đến nay chị L. không có cách nào đòi lại số tiền đã chuyển và sau đó chị phải dùng khoản tiền khác để mua dịch vụ tương tự.
Một trường hợp khác, chị L.P.T (Hà Nội) đặt combo nghỉ dưỡng tại Phú Quốc qua mạng xã hội. Dù đã thanh toán toàn bộ và nhận lời hứa hẹn của người bán, nhưng khi đến nơi gia đình chị không thể nhận phòng khách sạn như combo vì lý do người bán chưa thanh toán cho đơn vị này. Gia đình chị T. buộc phải tự tìm khách sạn khác để lưu trú, trong khi qua điện thoại người bán chỉ trình bày quanh co và không hỗ trợ được gì. Có phần may mắn hơn chị L., chị T. hiện đòi được một nửa số tiền đã thanh toán. Chị T. cho biết đang cùng với những nạn nhân khác để báo cáo lên cơ quan chức năng, xử lý theo quy định pháp luật.
Giá rẻ đi kèm rủi ro
Với cách vận hành của combo và voucher nêu trên, có thể thấy việc phải thanh toán toàn bộ chi phí trước khi sử dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, nếu như giao dịch với những đơn vị và cá nhân không có uy tín.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Hồ Xuân Phúc – Giám đốc Công ty Hanotours cho biết, giao dịch online giữa các cá nhân chỉ dựa trên cơ sở lòng tin chứ rất ít sự đảm bảo. Đánh trúng tâm lý “ham rẻ” của du khách nên hiện nay trên mạng xã hội các combo, voucher du lịch nhiều như “nấm mọc sau mưa” với rất nhiều kiểu quảng cáo với dịch vụ và mức giá khác nhau khiến khách hàng lạc vào “mê hồn trận”, từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
Theo ông Hồ Xuân Phúc, cách thức lừa đảo về combo, voucher của kẻ xấu là cố tình tạo ra sản phẩm giả với mức giá cực kỳ hấp dẫn tới mức không thể rẻ hơn, sau đó lừa người mua một khoản tiền lớn rồi biến mất. Vì giao dịch chỉ qua mạng xã hội nên người mua và người bán không biết nhau, việc chuyển tiền là giao dịch dân sự nên cũng khó quy kết trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Sau khi chuyển tiền, nếu người bán chặn số, hủy kết bạn thì người mua cũng không thể “cầu cứu” được ai.
“Chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội rất tinh vi. Kẻ xấu xây dựng hình ảnh đầy uy tín, với thông tin công việc rõ ràng, hình ảnh check-in du lịch sang chảnh khắp nơi, đôi khi mạo danh cả các đơn vị lâu năm trong nghề… Họ cũng tiếp cận khách hàng rất nhanh, trả lời rất chuyên nghiệp, vừa có khách hàng đăng bài là ngay lập tức giới thiệu, chào bán. Nhiều kẻ xấu còn chạy thành công nhiều sản phẩm đầu tiên để lấy danh tiếng, sau đó mới biến mất khi đã lừa được số tiền lớn” – ông Hồ Xuân Phúc phân tích.
Một kiểu rủi ro khác khi mua combo là khi người bán đã thu tiền của khách nhưng dịch vụ trả về lại không giống như quảng cáo. Đây có thể không phải chủ ý lừa đảo, nhưng do hạn chế về năng lực tổ chức nên người bán combo không thể đặt dịch vụ hàng không, khách sạn như đã cam kết. Vì người bán không cố tình lừa đảo nên thường người mua sẽ được hoàn trả toàn bộ hoặc từng phần số tiền đã thanh toán, tuy nhiên, vô vàn phiền toái và trải nghiệm tệ hại thì khách hàng vẫn là người chịu thiệt.
Liệu có tồn tại combo “siêu rẻ”?
Ông Đoàn Tuấn – Trưởng phòng Du lịch trong nước, Công ty CP Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco) cho biết, về bản chất thì đơn vị lữ hành hay cá nhân bán combo không thể “thích giảm bao nhiêu thì giảm”, mà mức giá được quyết định bởi các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, vui chơi giải trí…
Trong một số trường hợp thì voucher và combo có thể có giá rất rẻ. Hiện nay, sau Covid-19 rất nhiều khách sạn và hãng hàng không giảm giá để kích cầu du lịch, vậy nên có combo nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao mà giá chỉ bằng tiêu chuẩn 3 sao trước đây. Ngoài ra, vì voucher phòng nghỉ có hạn sử dụng, nên khi sắp hết hạn thì được “bán tháo” với mức giá rẻ hơn bình thường, có khi lên tới 30%.
Tuy nhiên, phải khẳng định trong lĩnh vực du lịch thì không có chuyện giá “siêu rẻ” đi kèm chất lượng tốt. Cùng một sản phẩm combo, mức chênh lệch giữa công ty lữ hành và cá nhân rao bán chỉ khoảng 5 – 10%. Lý do là dù lấy được giá gốc rẻ hơn các cá nhân, nhưng các pháp nhân phải nộp các loại thuế phí và chi phí vận hành công ty. “Thời điểm này các công ty bán combo chủ yếu để duy trì khách hàng, hiện diện thương hiệu và tạo công việc cho cán bộ nhân viên, chứ không đặt nặng về lợi nhuận. Vì vậy chênh lệch về giá giữa công ty và cá nhân sẽ không quá lớn, không thể có chuyện ‘combo siêu rẻ’ như quảng cáo trên mạng xã hội” – ông Đoàn Tuấn cho biết.
Lãnh đạo một doanh nghiệp giấu tên cho biết: “Để tạo ra combo cho khách, các doanh nghiệp lữ hành thường phải cam kết với khách sạn, hàng không một lượng khách nhất định. Từ đó, khách sạn và hàng không mới giảm giá cho công ty lữ hành. Còn với các cá nhân, nắm được tâm lý thích rẻ của phần đông du khách, đã đặt ra một mức giá thấp hơn doanh nghiệp để quảng cáo, trên cơ sở lấy giá vé ngày thường, giờ xấu của hàng không và giá phòng ngày thường của lưu trú. Trong quá trình tư vấn, mức giá sẽ điều chỉnh lại tùy theo giờ bay, đêm nghỉ của khách; khi đó giá combo có thể sẽ tăng cao hơn nhiều”.
Bài học và hệ lụy
Ông Đoàn Tuấn cho rằng, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều người bán uy tín có thể cung cấp combo, voucher cho khách hàng; đó là những cộng tác viên, hướng dẫn viên của các công ty và những người am hiểu, quan hệ tốt trong ngành du lịch. Điểm mạnh của những cá nhân này là chăm sóc khách lẻ rất tốt, tư vấn nhiệt tình 24/24 và phản hồi nhanh. Sau khi kiểm tra, xác minh được uy tín của người bán thì khách hàng có thể giao dịch theo cách này, tuy nhiên cần lưu lại bằng chứng để xử lý khi xảy ra sự cố.
Còn với những khách hàng ít kinh nghiệm, không có thời gian tìm hiểu, xác minh về người bán thì tốt nhất nên tìm đến các công ty lữ hành uy tín, lâu năm. Hiện nay có rất nhiều công ty lữ hành, khách hàng có thể tìm đến các doanh nghiệp đã đạt giải thưởng, được tặng bằng khen bởi các cơ quan, đơn vị uy tín như Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội… Khi giao dịch với các doanh nghiệp, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được cam kết bằng văn bản và được bảo vệ trước pháp luật.
Ông Hồ Xuân Phúc cho biết, trong ngành du lịch, mọi dịch vụ đều có giá trị thực, không có sản phẩm tốt mà quá rẻ; vì vậy du khách nên biết nghi ngờ, cân nhắc và kiểm tra lại nếu giá rẻ tới mức “giật mình” như vậy. Nếu mua các voucher, du khách nên kiểm tra kỹ các thông tin trên voucher thật, bao gồm thời hạn sử dụng, các điều khoản áp dụng, con dấu công ty phát hành và chữ ký tươi của đại diện doanh nghiệp. Ngoài ra, hình thức combo thường chỉ áp dụng cho khách lẻ, nhóm khách ít người. Nếu đoàn khách đông thì các cá nhân rất khó giữ vé máy bay mà phải thông qua các đại lý và công ty lữ hành.
“Trên mạng xã hội tràn lan các cá nhân bán tour, combo, voucher…, nếu đây là cộng tác viên của các công ty chân chính thì là việc làm tốt, giúp doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng và giúp khách hàng tiếp cận với những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng. Còn nếu là kẻ xấu sẽ làm thị trường hỗn loạn, khách hàng thấy sản phẩm trên mạng quá rẻ nên thất vọng khi tìm đến doanh nghiệp mà không có mức giá đó. Tâm lý thận trọng, mất lòng tin khiến doanh nghiệp và những người bán hàng uy tín khó làm việc với khách hàng sau này” – ông Hồ Xuân Phúc chia sẻ.
Tóm lại, bài học quan trọng nhất cho người tiêu dùng khi mua dịch vụ du lịch qua mạng là không ưu tiên giá rẻ, mà ưu tiên người bán uy tín; cần kiểm tra, xác minh kỹ và yêu cầu thêm các bằng chứng cam kết, ràng buộc. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về combo du lịch thì khách hàng nên tìm mua sản phẩm của các công ty du lịch uy tín, hoạt động lâu năm.
Các doanh nghiệp cũng cần rút ra bài học về quản lý nhân viên, cộng tác viên và đặc biệt là tìm phương pháp để tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội, chủ động khai thác thị trường mua bán dịch vụ trực tuyến rất tiềm năng này. Một khảo sát gần đây của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho thấy, việc đặt tour trực tuyến đang gia tăng tại Việt Nam (42% vào tháng 3/2021 so với 36% vào tháng 9/2020). Nhìn lại trường hợp của chị T.T.L, có thể thấy một bộ phận khách hàng hiện nay không nắm được thông tin về các công ty uy tín, vì vậy các doanh nghiệp nên tăng cường hiện diện và khẳng định thương hiệu trên các diễn đàn và trang mạng xã hội./.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!