Cuộc bút chiến giữa Vũ Trọng Phụng và Tự Lực văn đoàn (1937) thực chất là cuộc đụng độ của hai khuynh hướng văn học: văn học lãng mạn của Tự Lực văn đoàn và “văn học tả chân”, văn học “vị nhân sinh” (tức văn học hiện thực phê phán) mà Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng là đại biểu. Lời phát biểu của Vũ Trọng Phụng trong một bài báo bút chiến với Tự Lực văn đoàn có thế coi là tuyên ngôn nghệ thuật của khuynh hướng văn học tả chân xã hội:
“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” (Báo Tương lai số 9 ngày 25.3.1937).
Bằng lối nói sắc sảo, Vũ Trọng Phụng đã vạch ra bản chất của dòng văn học lãng mạn. “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết”.
“Các ông” ở đây là các tác giả đại biểu của dòng Văn học lãng mạn trong Tự Lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… với những cuốn tiểu thuyết “Hồn bướm ma tiên”, “Đẹp”, “Trống mái” (Khái Hưng), “Đoạn tuyệt” (Nhất Linh), “Con đường sáng” (Hoàng Đạo). Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đã thoát li cuộc sống, tránh né những xung động, những mâu thuẫn xã hội gay gắt. Tất nhiên họ không đủ dũng khí để phản ánh mâu thuẫn giữa dân tộc và đế quốc mà ngay cả mâu thuẫn giai cấp nóng bỏng ở nông thôn họ cũng không nhìn thấy. Cái nhìn và cái tâm của các nhà văn lãng mạn là thi vị hóa cuộc sống cùng tầng lớp tiểu tư sản thành thị. Tư tưởng thì cải lương, hi vọng hão vào những cải cách của tầng lớp địa chủ mới, những cải cách chỉ có lợi cho chính giai cấp họ. Giọng văn bút chiến của Vũ Trọng Phụng không kém phần độc địa: “Anh đừng lừa dối anh và do thế, vô tâm lừa dối kẻ đồng loại. Anh không đủ tài trí mà mặc cho gái giang hồ một bộ y phục tối tân, cho gái ấy đeo hoa tai kim cương để ngồi bên lọ hoa hồng, một cốc thủy tiên, hay chậu cúc để mà cuôi cùng, hò hét rằng là một vị tân nữ lưu của một xã hội đã tiến hóa. Anh không tài nào mà ca tụng mãi mãi sự hư hỏng của đàn bà bằng những danh từ điêu trá của văn chương… Anh tưởng anh là vĩ nhân, té ra anh chỉ là một kẻ lắc đỉnh trầm trước cái đũng quần của gái đĩ” (Lời nói đầu phóng sự Lục xì).
“Tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết” có nghĩa là về nội dung thì nó thoát li hiện thực, trốn tránh sự thực, thực chất đó là thứ văn chương của tầng lớp trí thức mang ý thức hệ tư sản. Văn chương của họ quay lưng lại với cuộc đấu tranh xã hội, với số phận của con người, thi vị hóa cuộc sống hay nói như Vũ Trọng Phụng là chạy xa sự thực bằng những lời điêu trá của văn chương, về nghệ thuật nó là sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng, nó mê hoặc người đọc bằng những cốt truyện li kì, tình tiết éo le với những cuộc tình mùi mẫn lâm li. “Tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết” còn có nghĩa là văn chương là văn chương, “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Thứ văn chương đó, nhà văn Nam Cao đã gián tiếp phê phán trong truyện ngắn “Đời thừa” như sau: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”.
Đành rằng tiểu thuyết nào cũng xây dựng bằng hư cấu, nhưng phải hư cấu bằng chất liệu của đời sống, của quy luật vận động của xã hội, của lịch sử chứ không phải hư cấu theo sự tưởng tượng thuần túy của nhà văn theo quan điểm “tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết”.
Nhân vật Lộc trong tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” đúng là sản phẩm của một đầu óc chuyên tưởng tượng. Từ một thanh niên “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”, ích kỉ, hèn nhát bỗng trở thành khách chinh phu, từ bỏ vinh hoa phú quý, sẵn sàng “dấn thân vào con đường gió bụi”, đổi lòng yêu gia đình ra lòng yêu nhân loại, đem hết nghị lực tài trí ra làm việc cho đời. Tiểu thuyết “Con đường sáng” của Hoàng Đạo thì thi vị hóa một làng quê theo tư tưởng cải lương, đúng theo kiểu “tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết”.
Sau khi nêu lên quan điểm tiểu thuyết của các nhà văn Tự Lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng tuyên bố quan niệm văn chương của ông: “Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Ông tuyên bố một cách “sống sượng” mà vẫn không sợ các nhà văn lãng mạn bắt bẻ. Vì tuyên ngôn của ông đã có “bảo chứng”. Ông không đả động gì đến việc “hư cấu” của tiểu thuyết vì ông cho rằng đó là bài học vỡ lòng của người viết tiểu thuyết. Hàng chục cuốn tiểu thuyết lừng danh của ông đều là hư cấu. Nhân vật trong tiểu thuyết của ông là những con người thực ngoài đời đã được hư cấu nên nó thật hơn sự thật. Xuân Tóc Đỏ (Số Đỏ), Nghị Hách (Giông tố), Mịch (Giông tố)… đều là những con người thực ngoài đời, nhưng đã thành nhân vật tiểu thuyết, đã hư cấu, đã khái quát hóa, cá thể hóa. Theo Vũ Trọng Phụng, văn học trước hết phải là tấm gương phản chiếu trung thực đời sống xã hội. Cũng theo ông, chất liệu của tưởng tượng, của hư cấu là sự thực ở đời. Từ con người, tính cách, tâm lí cho đến cốt truyện cũng từ sự thực mà ra. Vũ Trọng Phụng diễn tả cực đoan như vậy là để cho vấn đề được nổi bật lên. Ông muốn nói đến những “sự thực ở đời” mà các nhà văn Tự Lực văn đoàn xa lánh.
“Bao nhiêu chuyện gì thanh cao, tao nhã, cao thượng của loài người, xin các ông cứ cố mà hương hoa khấn khứa! Tôi xin để cái phần ấy cho các ông.
Riêng tôi, xã hội này, tôi chỉ thấy là khốn nạn, quan tham, lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt mà cái xa hoa, chơi bời của bọn nhà giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền lầm than bị bóc lột. Lạc quan được, cho đời là vui, là không cần cải cách, cho cái xã hội chó đểu này là hay ho, tốt đẹp rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi, thế là giả dối, là tự lừa mình và di họa cho đời, nếu không là vô liêm sỉ một cách thành thực”.
Vũ Trọng Phụng muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời như tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đã phơi bày “bản chất chó” (chữ của Nguyễn Tuân) của bọn địa chủ cường hào ở nông thôn và nói lên nỗi thôìig khổ của người nông dân dưới hai tầng áp bức đế quốc và phong kiến. Như tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan tố cáo bọn quan lại tham nhũng, tàn ác, đểu cáng đã xô đẩy người nông dân vào “bước đường cùng”. Như tiểu thuyết của Nam Cao, người dân lương thiện bị tước quyền làm người (Chí Phèo), người trí thức ở thành thị thì “sống mòn”. Và còn gì “sự thực ở đời” bằng chính những tác phẩm tiểu thuyết của tác giả bản tuyên ngôn nghệ thuật này? Bọn địa chủ tân học bị một đòn trời giáng của Vũ Trọng Phụng (Giông Tố). Còn gì mỉa mai bằng hạng người cặn bã của xã hội, lưu manh, ma cô đã gặp thời trở thành “anh hùng cứu quốc” cái ác đã toàn thắng, khốn nạn thay! Phải chửi sả vào cái “xã hội chó đểu” đó như Vũ Trọng Phụng thì mới hả giận.
Qua lời nhận định sắc sảo, Vũ Trọng Phụng đã phê phán dòng văn học lãng mạn mà linh hồn của nó là Tự Lực văn đoàn đã thoát li thực tế. “chạy xa sự thực”, trốn tránh cuộc đấu tranh xã hội gay gắt và tuyên truyền cho lối sống cá nhân, ích kỉ. Ông cũng phê phán quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật mà các nhà văn Tự Lực văn đoàn đang sùng bái. Ông tuyên truyền cho quan điểm nghệ thuật của mình và các nhà văn hiện thực cùng chí hướng với mình: “Tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Quan điểm của Vũ Trọng Phụng gợi nhớ đến quan niệm của Bandắc, đại văn hào Pháp “Nhà văn là thư kí của thời đại”. Đó là những quan điểm tiến bộ, có ý nghĩa chiến đấu. Bằng quan điểm nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ đó, Vũ Trọng Phụng đã viết những tiểu thuyết nổi tiếng như “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”… mang lại vinh quang cho nền văn học nước nhà.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!