Vảy nến da đầu là một tình trạng viêm mạn tính xảy ra ở vùng da đầu. Bệnh này do nhiều yếu tố tác động với nhau gây nên. Biểu hiện của bệnh là da đầu xuất hiện các mảng đỏ và tróc vảy trắng. Vảy nến da đầu gây tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh thực sự hiệu quả. Trong bài viết này, bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền sẽ chia sẻ đến bạn đọc các thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh.
1. Vảy nến da đầu là gì?
Vảy nến là một tình trạng viêm da mạn tính. Khi đó người bệnh xuất hiện các mảng màu đỏ ở một vị trí hoặc trên toàn cơ thể. Trên bề mặt các mảng đỏ này có vảy trắng như nến (đèn cầy) nên còn được gọi là vảy nến.
Vảy nến có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể như: da đầu, rìa chân tóc, đầu gối, cùi chỏ, cẳng tay hoặc cẳng chân. Nếu bệnh xuất hiện ở da đầu thì sẽ trở thành bệnh lý vảy nến da đầu. Khi đó, người bệnh có nhiều mảng đỏ và tróc vảy trắng như nến ở da đầu.
Vảy nến da đầu khá phổ biến trong dân số, nó chiếm tỷ lệ 2-3%. Bệnh xuất hiện ở nam và nữ như nhau. Mặc dù trẻ em có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường xảy ra hơn ở người trưởng thành.
Bệnh lý vảy nến gây nhiều khó khăn cho người mắc phải. Bệnh tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và vẫn chưa có phương pháp tối ưu giúp chữa khỏi bệnh.
2. Nguyên nhân gây vảy nến da đầu?
Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến da đầu rất phức tạp. Các yếu tố di truyền, rối loạn hệ miễn dịch và yếu tố môi trường tương tác với nhau và gây ra bệnh.
Di truyền
- Các nhà khoa học đã xác định được một số gen có liên quan đến bệnh lý vảy nến da đầu. Khi các gen này bị ảnh hưởng thì sẽ khởi phát bệnh và gây ra triệu chứng.
- Bệnh vảy nến da đầu có liên quan đến di truyền. Vì thế nếu cha mẹ hoặc anh chị trong gia đình mắc bệnh thì con cái của họ có khả năng cao bị mắc bệnh giống như vậy.
Rối loạn hệ miễn dịch
- Bệnh vảy nến da đầu có liên quan đến tế bào lympho T. Lympho T là một loại tế bào miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể. Khi các tác nhân lạ từ môi trường xâm nhập cơ thể, Lympho T sẽ nhận diện và tiêu diệt chúng.
- Trong trường hợp mắc bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh bị rối loạn. Lúc này, tế bào Lympho T nhận diện lầm tế bào da bình thường của cơ thể là tác nhân lạ. Các tế bào Lympho T sẽ tiêu diệt tế bào da và gây nên tình trạng viêm da mạn tính.
Môi trường
Những yếu tố từ môi trường là nguyên nhân khởi phát và thúc đẩy bệnh nặng hơn.
- Viêm họng, viêm da hoặc nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn có thể làm khởi phát vảy nến da đầu. Một số trường hợp nhiễm HIV cũng có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Sử dụng thuốc điều trị sốt rét, kháng sinh tetracycline, thuốc chứa thành phần lithium, corticoid có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
- Các chấn thương, sang chấn ở da đầu kể cả vết thương nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
- Chế độ ăn uống thiếu thiếu vitamin D có thể là yếu tố khởi phát bệnh.
- Thường xuyên căng thẳng, lo âu tạo điều kiện cho bệnh vảy nến da đầu xảy ra.
- Hút thuốc lá hay nghiện rượu là yếu tố khởi phát bệnh hoặc làm cho bệnh trở nên nặng hơn.
Các yếu tố liệt kê ở trên gây ra vảy nến da đầu và làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên chỉ một yếu tố đơn lẻ không gây ra bệnh mà có sự tương tác giữa nhiều yếu tố với nhau.
3. Triệu chứng của vảy nến da đầu?
Khi bị vảy nến da đầu, người bệnh thường sẽ có những biểu hiện như sau:
- Da đầu có các mảng màu đỏ tươi, hình tròn hay hình đa cung và giới hạn rõ với vùng da thường.
- Trên mảng đỏ có nhiều vảy trắng xếp chồng lên nhau, dễ tróc và bể vụn.
- Kích thước của các mảng rất thay đổi từ vài milimet đến vài centimet.
- Các mảng đỏ thường vượt qua đường chân tóc và lan xuống trán hoặc cổ.
- Các mảng viêm da này có thể gây ngứa hoặc không kèm theo triệu chứng nào khác.
- Vị trí trên da đầu thường xuất hiện vảy nến là ở những nơi bị chấn thương, kích thích hay cọ xát như vết gãi. Hiện tượng này được gọi là dấu hiệu Koebner đặc trưng ở người bệnh vảy nến.
- Rụng tóc có thể xảy ra ở người bị vảy nến da đầu. Tuy nhiên tóc sẽ mọc trở lại khi da đầu được điều trị.
4. Chẩn đoán vảy nến da đầu?
Bác sỹ da liễu sẽ thăm khám và đánh giá các biểu hiện ở da đầu. Dấu hiệu chính của bệnh là những mảng đỏ tươi, tróc vảy, có thể có ngứa hoặc không. Có thể bị rụng tóc kèm theo và tóc sẽ mọc lại sau khi được điều trị.
Trong trường hợp các triệu chứng khó xác định và khó phân biệt với các bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ sinh thiết vùng da đầu bị tổn thương giúp chẩn đoán chính xác vảy nến.
5. Vảy nến da đầu có lây không?
Vảy nến da đầu khiến cho cơ thể người bệnh trông kém thẩm mỹ. Vì thế nhiều người vẫn còn e ngại trong việc giao tiếp với người bệnh. Điều này càng tạo cho họ tâm lý bị xa lánh, ghê sợ. Một sự thật cần được khẳng định là bệnh vảy nến da đầu không lây nhiễm từ người này sang người khác. Chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân mà không bị lây bệnh. Vì vậy, mọi người không cần phải cách ly hay xa lánh người bệnh. Tránh tạo cảm giác bị kỳ thị, gây ảnh hưởng tâm lý không tốt cho người mắc bệnh vảy nến.
6. Diễn tiến của vảy nến da đầu?
Rất khó để dự đoán tiến triển của bệnh vảy nến da đầu. Một số trường hợp bệnh ổn định, tổn thương chỉ xuất hiện ở da đầu. Một số trường hợp khác tổn thương da lan rộng xuống vùng trán hoặc cổ. Cũng có trường hợp bệnh tự nhiên hết nhưng lại tái phát. Nhìn chung, hiếm khi nào bệnh khỏi hẳn hoàn toàn.
Tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà sức khỏe tổng quát của người bệnh bị ảnh hưởng hay không. Các biến chứng có thể xảy ra ở người bệnh vảy nến da đầu bao gồm:
- Viêm khớp: một số người bệnh vảy nến da đầu có biểu hiện viêm khớp. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các khớp với biểu hiện viêm cứng cột sống, viêm đa khớp… Nếu tình trạng viêm khớp kéo dài dễ dẫn đến cứng khớp hoặc biến dạng khớp.
Biến chứng khác:
- Nhiễm trùng vùng da đầu bị vảy nến xảy ra ở những đối tượng không biết cách chăm sóc da đầu khi bị viêm.
- Trường hợp hiếm, vùng da đầu bị vảy nến có thể bị ung thư hóa.
7. Điều trị bệnh vảy nến da đầu?
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Điều này gây khó khăn và chán nản cho người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị vẫn có ý nghĩa giúp ngăn chặn bệnh trở nặng hơn, nhiễm trùng hoặc rụng tóc. Cả bác sỹ và người bệnh đều cần phải kiên trì trong trị liệu để kiểm soát bệnh hạn chế tái phát.
Các phương pháp giúp kiểm soát bệnh bao gồm:
Thuốc bôi
- Anthralin: kem bôi anthralin sử dụng bôi lên vùng da đầu trong một thời gian ngắn rồi gội sạch lại.
- Calcipotriene: thuốc này được điều chế dưới dạng kem bôi, xà phòng hoặc thuốc mỡ. Calicipotriene bao gồm vitamin D có hiệu quả trong điều trị bệnh.
- Betamethasone và calcipotriene: sự kết hợp giữa hai thành phần này giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh vảy nến.
- Tazarotene: thuốc này có dưới dạng gel hoặc xà phòng giúp giảm viêm và giảm đỏ.
- Cần lưu ý bôi thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng hoặc tự ý ngưng thuốc làm cho bệnh khó kiểm soát.
Thuốc uống
- Methotrexate: là loại thuốc uống giúp giúp kiểm soát hệ miễn dịch của cơ thể và ngăn chặn tình trạng viêm da. Thuốc cũng giúp làm chậm tình trạng viêm khớp ở người bị vảy nến.
- Retinoid: là nhóm vitamin A giúp giảm viêm và giảm hình thành vảy.
- Cylosporine: giúp kiểm soát hệ miễn dịch của cơ thể và giảm viêm tương tự như methotrexate.
- Kháng sinh: sử dụng trong trường hợp xảy ra biến chứng nhiễm trùng ở vùng da đầu bị vảy nến.
- Một số loại thuốc uống có thể gây tác dụng phụ ở gan, thận, xương. Vì vậy cần xét nghiệm toàn bộ trước và trong quá trình điều trị để kịp thời phát hiện và xử lý tác dụng phụ.
Chiếu ánh sáng
- Chiếu ánh sáng UVB, UVA có thể kết hợp với sử dụng thuốc giúp tăng hiệu quả kiểm soát bệnh. Chú ý che chắn kỹ những vùng dễ bị tổn thương như mắt, cơ quan sinh sản và những vùng không bị vảy nến, đặc biệt là vùng mặt.
- Các tác dụng không mong muốn của phương pháp này bao gồm đỏ da, ngứa, khô da, lão hóa da do ánh sáng và có thể bị ung thư da.
8. Phòng bệnh vảy nến?
Vì bệnh có liên quan đến gen và di truyền nên cha mẹ bị vảy nến da đầu thì con cái của họ dễ bị giống như vậy. Đối với những ai có người thân trong gia đình mắc bệnh cần thực hiện những điều sau để phòng bệnh xảy ra:
- Chế độ ăn uống giàu vitamin và chất dinh dưỡng. Hạn chế những thực phẩm nhiều chất béo.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá.
- Tránh làm tổn thương, trầy xước da.
- Luôn giữ gìn tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng kéo dài.
- Không tự ý sử dụng các thuốc chứa thành phần corticoid mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Bảo vệ da đầu trước tác hại của ánh sáng mặt trời.
Ngoài các phương pháp điều trị, chế độ ăn phù hợp cũng giúp hạn chế tốt bệnh vảy nến. Nhấn vào đây để biết: Bệnh vảy nến: Nên và không nên ăn gì?
Vảy nến da đầu gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh còn giới hạn và chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Các bạn hãy tiếp tục cùng YouMed tìm hiểu các phương pháp giúp điều trị và kiểm soát bệnh nhé!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!