Giới thiệu tổng quan về thành phố Cần Thơ

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vốn được mệnh danh là Tây Đô – Thủ phủ của miền Tây Nam bộ từ hơn trăm năm trước, giờ đây Cần Thơ đã trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của Việt Nam.

Cần Thơ đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa của vùng.

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Vị trí địa lý: TP. Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, cách TP. HCM 170km về hướng đông bắc (theo quốc lộ 1A), cách các đô thị lớn trong vùng ĐBSCL trong khoảng cự ly từ 60 – 120km, giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng về đường sông, đường bộ, đường biển, đường hàng không, trong tương lai là các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt, thông thương cả vùng, trong nước và quốc tế; phía đông giáp tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, phía tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía nam giáp tỉnh Hậu Giang và phía bắc giáp tỉnh An Giang.

Diện tích: 1.389,60 km²

Khí hậu: Cần Thơ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Độ ẩm trung bình là 83%, lượng mưa trung bình 1.635mm, nhiệt độ trung bình 27 °C.

Địa hình: TP. Cần Thơ nằm trong vùng đồng lũ nửa mở, có hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam, bao gồm 3 dạng địa hình: đê tự nhiên ven sông Hậu (hình thành dải đất cao và các cù lao dọc theo sông Hậu); đồng lũ nửa mở (thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, chịu ảnh hưởng lũ trực tiếp hàng năm); đồng bằng châu thổ (chịu ảnh hưởng triều là chính cùng với một số tác động tương tác của lũ cuối vụ).

Tổ chức hành chính: TP. Cần Thơ được chia làm 9 đơn vị hành chính, gồm 5 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh với tổng số thị trấn, xã, phường là 85, trong đó có 5 thị trấn, 44 phường và 36 xã (Tính thời điểm ban hành Nghị định số 12/NĐ-CP).

Dân số: 1,237 triệu người (năm 2014)

II. CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Tài nguyên đất

Trên địa bàn TP. Cần Thơ có 2 nhóm đất chính là đất phù sa và đất phèn.

– Đất phù sa: Có diện tích chiếm 84% tổng diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo sông Hậu, cách sông từ 8-12km, gồm 5 loại: đất phù sa bồi ven sông (chiếm khoảng 1,9%), đất phù sa đốm dĩ có gley (chiếm khoảng 58%), đất phù sa đốm dĩ (chiếm khoảng 15,3%), đất phù sa loang lổ (chiếm khoảng 4,9%), đất phù sa gley (chiếm khoảng 4,1%). Đây là một loại đất quý hiếm, cần thiết phải được cung cấp nước tưới, ưu tiên sản xuất lúa nước 2-3 vụ và sử dụng một phần diện tích nhỏ cho việc trồng cây ăn trái.

– Đất phèn: Có diện tích lớn thứ hai sau đất phù sa, chiếm 16% diện tích tự nhiên, gồm: đất phèn hoạt động nông (chiếm khoảng 2,5%), đất phèn hoạt động sâu (chiếm khoảng 7,0%) và đất phèn hoạt động rất sâu (chiếm khoảng 6,4%).

Tài nguyên nước

– Nước mặt: Nguồn nước mặt của TP. Cần Thơ khá dồi dào, nằm trong khu vực trung chuyển giữa nguồn và triều, lưu lượng nước trong thời kỳ đỉnh lũ ứng với tần suất 50% vào khoảng 12.800m3/s. Ngoài ra còn một số hệ thống kênh rạch quan trọng khác là các kênh rạch chuyển nước từ sông Hậu về biển Tây và bán đảo Cà Mau (kênh Cái Sắn, kênh Thốt Nốt, kênh Ô Môn – Thị Đội, Rạch Sỏi – Vàm Cống, kênh Xà No); các kênh song song với sông Hậu (trục Bốn Tổng – Một Ngàn) và các sông rạch tự nhiên ảnh hưởng triều (sông Cái Răng và các rạch triều nhỏ từ Trà Nóc đến Cái Cui). Trong thời gian qua, một số công trình thủy lợi, thủy điện được xây dựng mới chỉ làm thay đổi lượng nước theo mùa chưa làm thay đổi về tổng lượng nói chung.

– Nước ngầm: Nguồn nước ngầm phân bố khá rộng, nước ngọt phân bố chủ yếu ở các tầng chứa nước Pleitoxen, Pliocen, Miocen ở độ sâu 100 – 300m, nhưng có nơi 20 – 50m đã có nước ngầm, chất lượng khá tốt.

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP. Cần Thơ không nhiều, chủ yếu là vật liệu xây dựng như: sét làm gạch ngói, sét dẻo, cát san lấp, than bùn… được phân bố rải rác ở các quận, huyện, tiềm năng khai thác ít, phù hợp với quy mô khai thác vừa và nhỏ.

– Than bùn: Ở độ sâu 0,5 – 1,0m, trữ lượng khoảng 30.000 – 50.000 tấn, tập trung ở quận Ô Môn, Thốt Nốt, hiện chưa khai thác.

– Đất sét: 3 điểm trữ lượng đất sét tốt khoảng 16,8 triệu m3 để làm gạch ngói, phổ biến là tầng đất sét màu xám vàng có bề mặt dày 1 – 2m, phân bố rải rác ở khắp nơi. Riêng ở sông Ô Môn và sông Cần Thơ đất sét có màu vàng nhạt, xám xanh loang lổ khi khô thì cứng, chiều dày khoảng 2m, trữ lượng hàng triệu tấn.

– Cát san lấp: Tập trung ở khu vực sông Hậu và đoạn từ quận Thốt Nốt đến Phụng Hiệp, có trữ lượng khoảng 30 triệu m³.

Tài nguyên du lịch

– Du lịch tự nhiên: Với hệ thống sông rạch chằng chịt, những vườn cây ăn trái, những chợ nổi tấp nập trên sông (chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền)… đại diện cho vùng sinh thái phù sa ngọt, một vùng sinh thái tiêu biểu của ĐBSCL, TP. Cần Thơ có nhiều địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái như: cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Ấu, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, vườn cò Bằng Lăng, làng hoa Thới Nhựt…

– Du lịch nhân văn: Trên địa bàn TP. Cần Thơ có nhiều di tích lịch sử và các công trình văn hóa nổi tiếng như tượng đài Bác Hồ, bảo tàng Thành phố, bảo tàng Quân khu 9, đình Bình Thủy, bến Ninh Kiều, chùa Nam Nhã Đường…

III. HỆ THỐNG HẠ TẦNG

Cơ sở hạ tầng TP. Cần Thơ phát triển nhanh cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều công trình qui mô lớn, chất lượng cao được đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, cảng hàng không Cần Thơ, cảng Cái Cui; các khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới, trụ sở làm việc các cơ quan chính trị, hành chính, công an, quân sự các cấp, các công trình hạ tầng đô thị được hình thành, góp phần đổi mới diện mạo thành phố.

Giao thông

– Hệ thống giao thông đường bộ: Toàn thành phố có 2.762,84km đường, mật độ 2,3km/km² (nếu không tính đường xã ấp, toàn thành phố có 698,548km đường, mật độ 0,5km/km²); trong đó có 123,715km quốc lộ; 183,85km đường tỉnh; 332,87km đường huyện; 153,33km đường đô thị; 1.969,075km đường ấp, xã, khu phố. Với 3,98% mặt đường bê tông nóng, 26,26% nhựa, 27,74% rải đá, 17,44% cấp phối, còn lại là đường đất phần lớn sử dụng cho người đi bộ và xe 2 bánh với quy mô và tải trọng nhỏ.

– Hệ thống giao thông đường sông: Mạng lưới đường thủy trên địa bàn TP. Cần Thơ có tổng chiều dài 1.157km, trong đó có khoảng 619km có khả năng vận tải cho loại phương tiện trọng tải từ 30 tấn trở lên (độ sâu trung bình >2,5m), gồm : 6 tuyến do Trung ương quản lý (sông Hậu, sông Cần Thơ, kênh Cái Sắn, kênh Thị Đội, rạch Ô Môn, kênh Xà No) với tổng chiều dài 132,88km, đảm bảo cho phương tiện trọng tải từ 100 – 250 tấn hoạt động… và 4 tuyến đường sông do thành phố quản lý là kênh Thốt Nốt, kênh Bà Đầm, rạch Cầu Nhiếm, rạch Ba Láng với tổng chiều dài 81,45km, đảm bảo cho phương tiện trọng tải từ 30 – 50 tấn hoạt động. Ngoài ra, các tuyến đường sông do quận – huyện quản lý gồm 40 tuyến với tổng chiều dài 405,05km, đảm bảo cho phương tiện trọng tải từ 15 – 60 tấn hoạt động.

– Hệ thống giao thông hàng không: Sân bay Cần Thơ là sân bay lớn nhất khu vực ĐBSCL, đã chính thức đi vào hoạt động khai thác thương mại các tuyến quốc nội từ ngày 3 tháng 1 năm 2009 và mở các tuyến bay quốc tế vào cuối năm 2010.

– Hệ thống các công trình phục vụ giao thông: Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 24 tháng 4 năm 2010. Ngoài ra, hệ thống cảng của Cần Thơ đang được nâng cấp, gồm: cảng Cần Thơ (Cảng Hoàng Diệu) có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng 10 ngàn – 20 ngàn DWT; cảng Trà Nóc có 3 kho chứa lớn với dung lượng 40.000 tấn, khối lượng hàng hóa thông qua cảng có thể đạt 200.000 tấn/năm có thể tiếp nhận tàu 2.500 DWT. Đặc biệt, cảng Cái Cui là cảng mới được xây dựng có thể phục vụ cho tàu từ 10 ngàn – 20 ngàn DWT, có thể tiếp nhận tàu 20 ngàn DWT, khối lượng hàng hóa thông qua cảng là 4,2 triệu tấn/năm, đã hoàn thành công trình giai đoạn I vào tháng 4 năm 2006; đang triển khai đầu tư giai đoạn II. Sau khi thực hiện xong dự án nạo vét và xây dựng hệ thống đê tại cửa biển Quan Chánh Bố, cảng Cái Cui sẽ là cảng biển quốc tế tại TP. Cần Thơ.

Thông tin liên lạc :

+ Bưu chính: Chủ yếu do 1 doanh nghiệp nhà nước và hơn 24 doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn đảm nhận có hệ thống ổn định với 35 bưu cục, 48 điểm bưu điện văn hóa xã và 216 đại lý bưu điện, điểm giao dịch chuyển phát.

+ Mạng lưới viễn thông: Được hiện đại hóa, chất lượng đồng bộ, nhiều loại hình dịch vụ hiện đại được triển khai, chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thông tin liên lạc của vùng. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, Internet. Công nghiệp công nghệ thông tin có những chuyển biến mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc theo hướng số hóa, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp hoạt động; công nghệ phần mềm và nội dung số đang có 5 doanh nghiệp hoạt động.

Điện:

TP. Cần Thơ được cấp điện từ 2 nguồn chính là hệ thống điện lưới quốc gia qua đường dây 220 KV Cai Lậy-Trà Nóc và Cai Lậy-Rạch Giá và nguồn điện tại chỗ của Nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc do Trung ương quản lý.

Nguồn điện lưới quốc gia và Nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc cung cấp điện cho toàn thành phố qua đường dây 110 KV và các trạm biến áp Cần Thơ, Thốt Nốt, khu công nghiệp Cần Thơ, Đài Phát thanh Nam Bộ, Bình Thủy, Long Hòa Trên địa bàn có 1.665 trạm phân phối với tổng dung lượng 282.695 KVA; lưới hạ thế có tổng chiều dài đường dây 1.712 km.

Ngoài nguồn cung cấp trên, thành phố được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất cho 4 nhà máy 2.700MW, bao gồm: Ô Môn 1: 600MW, Ô Môn 2: 720MW; nhà máy điện FO/khí 660MW và Ô Môn 4: 720MW dự kiến hoàn thành cả 4 nhà máy vào năm 2013. Trong đó, tổ máy số 1- nhà máy Ô Môn I đã đưa vào vận hành vào năm 2009.

IV. TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA CẦN THƠ

1. Công nghiệp

Công nghiệp là thế mạnh quan trọng của thành phố Cần Thơ, đang được phát triển với nhiều ngành nghề, sản phẩm đa dạng. Các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố là: chế biến lương thực – thực phẩm, thủy sản, dược phẩm, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng…

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thành phố Cần Thơ ưu tiên hợp tác phát triển các ngành: công nghiệp chế biến nông, thủy sản; ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí gia công kim loại: đóng tàu, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất thiết bị toàn bộ, máy móc và thiết bị nông nghiệp, cơ điện tử, sản xuất phụ tùng, chi tiết máy…; ngành công nghiệp hóa chất bao gồm cả hóa chất cơ bản, phân bón và hóa dầu, khí đốt, hóa dược, hóa mỹ phẩm; ngành công nghiệp nhựa (nhựa gia dụng, bao bì, chai lọ, ống, nhựa kỹ thuật…); ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, nội dung số; ngành công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Với những thế mạnh đó, Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

2. Thương mại

Với vị trí là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ là nơi tập trung nguồn nguyên liệu chế biến, trung chuyển, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại cho vùng và các tỉnh trong cả nước để thực hiện mậu dịch với các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 97 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm hơn 50%; thị trường châu Phi 26%, thị trường Mỹ khoảng 11%, EU khoảng 10%, châu Úc 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Cần Thơ.

Thành phố hiện có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, trứng muối, giày- dép, da thuộc, lông vũ, sắt thép, đinh dây…Trong đó, hai mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là: gạo (năm 2013 xuất 900.000 tấn, giá trị hơn 464,8 triệu USD), thủy sản (năm 2013 xuất 163.000 tấn, giá trị 432,5 triệu USD).

tính tới thời điểm hiện nay, Cần Thơ có 102 chợ được phân bố ở khắp các địa phương; 11 siêu thị đang hoạt động hiệu quả, thu hút khá đông khách hàng trong và ngoài thành phố đến tham quan, mua sắm; 1 chợ đầu mối chuyên canh lúa gạo cấp khu vực do Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đầu tư tại quận Thốt Nốt.

3. Du lịch

TP. Cần Thơ phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, và lợi thế của vùng đồng bằng sông nước. Các loại hình du lịch được chú trọng phát triển tại Cần Thơ như:

– Du lịch sinh thái sông nước thông qua việc tổ chức các tour du lịch thăm chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, thăm các cù lao cây trái Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc hoặc du thuyền men theo dòng sông, ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ sông Hậu, thưởng thức các món ăn đặc sản quê hương, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ hay đưa du khách len lỏi vào kênh rạch chằng chịt ghé thăm vườn cây ăn trái.

– Du lịch vườn với vườn cò Bằng Lăng và hệ thống các điểm, khu du lịch vườn đa dạng các chủng loại và dịch vụ du lịch như: homestay, cùng làm nông dân, tìm hiểu nền văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn…

Mặt khác, những năm gần đây, Cần Thơ còn chú trọng phát triển các loại hình du lịch mới như văn hóa truyền thống; du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm… Bên cạnh đó, ẩm thực của Cần Thơ rất phong phú mang đặc trưng của vùng đất Nam Bộ là nét văn hóa được nhiều du khách tìm hiểu, khám phá, trong tương lai sẽ là một loại hình du lịch có tiềm năng phát triển.

4. Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiêp của thành phố Cần Thơ tiếp tục phát triển theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn, ứng dụng khoa học công nghệ với các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường.

– Lúa là cây trồng có lợi thế của thành phố. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2013 là trên 236.538ha, năng suất bình quân đạt 5,79 tấn/ha, sản lượng đạt trên 1.370.354 tấn, trong đó tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đạt trên 80%.

– Thủy sản là lĩnh vực có nhiều tiềm năng của thành phố với diện tích nuôi trồng năm 2013 là 14.000 ha, sản lượng đạt 184.143 tấn. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh là 900 ha, sản lượng 151.204 tấn.

Ngoài ra, các hoạt động trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đạt được kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2020, Cần Thơ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển cây giống, con giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho khu vực.

(Tổng hợp)