Kiến Ba Khoang: 5 điều bạn cần biết để phòng ngừa – Dizigone

Kiến ba khoang là loại côn trùng như thế nào? Tại sao Kiến ba khoang cắn lại nguy hiểm như vậy? Phải làm như thế nào để phòng ngừa Kiến ba khoang? Đây chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người khi tìm hiểu về bệnh do loài kiến này gây ra. Cùng chúng tôi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

kien-ba-khoang kiến ba khoang

I. Tổng quan về loài Kiến ba khoang

1. Đặc điểm nhận dạng

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus Fuscipes, thuộc họ Staphilinidae bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon dài như hạt thóc với chiều dài từ 1-1,2 cm, chiều ngang từ 2-3 mm.

Với 2 màu điển hình đỏ và đen, Kiến ba khoang dễ dàng nhận dạng với phần đầu và bụng dưới màu đen, trong khi phần ngực và bụng trên mang màu đỏ.

Phần đầu của kiến ba khoang khá nhỏ, có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Phần thân có 3 đôi chân, bụng chia đốt màu đỏ và đen.

Là loài có cánh, Kiến ba khoang có 2 cánh đôi cứng, che khoảng 3 -4 đốt bụng. Dưới cánh cứng có cánh lụa nên Kiến ba khoang là loài kiến có khả năng bay và tận dụng sức gió để bay lên cao.

Trong cơ thể loài này có 2 tuyến nọc độc chứa pederin – loại độc mạnh gấp 10 lần nọc Rắn hổ mang.

2. Tập tính

  • Kiến ba khoang thường được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cặm cặp, kiến nhốt hay kiến cong,… là loài phân bố rộng khắp thế giới, có khả năng bay và chạy rất nhanh. Một đặc điểm riêng biệt của loài kiến này chính là đuôi chúng thường cong lên khi chạy.
  • Chúng thường sống ở những vùng nước, ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ hay ruộng rau, những nơi đang xây dựng. Khi đến mùa mưa bão, chúng thường di chuyển đến những vùng khô ráo hơn như môi trường trường học, ký túc xá, khu trọ, nhà ở tập thể công nhân ở ngoại ô thành phố, ở những nơi có cỏ mọc xung quanh, thường sinh trưởng mạnh nhất ở khu vực phía Bắc vào khoảng tháng 10 (mùa lúa chính).
  • Tương tự các loài kiến có cánh khác, kiến ba khoang thường bị thu hút bởi ánh sáng xanh. Những ngày mưa lũ, chúng sẽ bay theo ánh đèn vào nhà cùng các loại côn trùng khác.
  • Khi bị đe dọa hoặc cảm thấy nguy hiểm, Kiến ba khoang thường có phản xạ tăng kích thước phần bụng, cử chỉ đe dọa như loài bọ cạp.
  • Nguồn thức ăn của loài này rất phong phú, đặc biệt là rầy nâu. Khi người dân phun hóa chất bừa bãi làm rầy nâu kháng thuốc, dẫn đến tình trạng số lượng kiến ba khoang cũng tăng lên khá nhiều.

3. Chu kỳ phát triển

Vào các tháng 9, 10,11 là thời gian sinh sản của Kiến ba khoang. Là loài côn trùng đẻ trứng, trứng thường được đẻ riêng rẽ ở những đường nứt trên mặt đất. Mỗi lần đẻ khoảng 18 – 100 trứng/ lần, bắt đầu đẻ trứng từ cuối tháng 4 hoặc giữa tháng 5 đến tháng 7.

  • Giai đoạn ấu trùng: Sau 3 – 19 ngày trứng nở thành ấu trùng với 2 giai đoạn
  • Giai đoạn 1: từ 4 ngày đầu tiên đến ngày thứ 22
  • Giai đoạn 2: từ ngày thứ 7 đến ngày 36
  • Giai đoạn nhộng: kéo dài từ 3 đến 12 ngày

Tổng chu kỳ hoàn thành vòng đời của Kiến ba khoang sẽ dao động từ 22 đến 50 ngày. Con trưởng thành và ấu trùng sẽ ăn các loài côn trùng khác nhỏ hơn và tuyến trùng trong đất, rau trong tự nhiên. Tuy nhiên, trứng và ấu trùng của Kiến ba khoang có thể bị tấn công bởi các loại côn trùng khác, điển hình chính là loài nhện.

II. Tại sao Kiến ba khoang đốt lại nguy hiểm?

Kiến ba khoang là loài côn trùng tuy rất nhỏ bé nhưng lại được đánh giá là loài mang độc cực mạnh và được xếp vào hàng nguy hiểm với con người. Chúng là loài không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, khi bạn vô tình chạm phải hoặc chà xát chúng, loại độc tố pederin – mạnh gấp 10 lần nọc rắn hổ mang có trong tuyến nọc của Kiến ba khoang sẽ để lại những tổn thương rất nghiêm trọng.

1. Ngứa rát, phồng rộp như bị bỏng

Do nọc độc của kiến ba khoang chỉ tiếp xúc 1 phần nhỏ với da,lượng độc tố truyền sang người qua vết đốt khá nhỏ nên vết đốt của kiến ba khoang không có khả năng gây tử vong. Tuy nhiên, Pederin có trong nọc kiến là một amin độc, có 2 vòng tetrahydropyran thường gây độc cho da. Nhiều nghiên cứu cho rằng, loại độc này có khả năng gây bỏng mạnh gấp 100-150 lần acid sunfuric đặc. Loại nọc độc này chiếm khoảng 0,025% trọng lượng cơ thể của kiến ba khoang. Nó thường lây nhanh khi người bệnh đập và chà sát kiến trên da, đặc biệt tổn thương nặng và lan rộng ở những vùng da mềm với diễn biến như sau:

  • Giai đoạn đầu: cảm giác ngứa ran xuất hiện ngay sau khi bị đốt. Sau 6-8 giờ tiếp theo, vùng da bị đốt sẽ xuất hiện các nốt mẩn rát đỏ.
  • Giai đoạn tổn thương: 12-24 giờ tiếp theo, vùng da bị đốt xuất hiện các vết tổn thương điển hình, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào nồng độ và thời gian phơi nhiễm. 3 ngày tiếp theo, các tổn thương bắt đầu đỡ bỏng và bong vảy.
  • Giai đoạn bong vảy: 5-7 ngày sau đó, vết thương bong vảy và có thể để lại sẹo nếu không bôi thuốc cũng như chữa trị kịp thời.

Tùy theo mức độ xâm nhập của chất độc vào da là nhiều hay ít, các vết thương do kiến ba khoang đốt được chia từ nhẹ đến nặng và trở thành bệnh viêm da tiếp xúc. Thậm chí, nếu vết thương không được vệ sinh và xử lý đúng cách, da sẽ bội nhiễm, nhẹ để lại sẹo hoặc nặng hơn là nhiễm trùng máu gây nguy hiểm cho tính mạng.

2. Viêm da tiếp xúc

  • Viêm da tiếp xúc có thể tại bất kỳ vị trí nào, nhưng thường xuất hiện ở các vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay,… Khi bị tổn thương ở mắt có thể gây sưng nề, trợt đỏ và chảy nước mắt. Những nơi như nách, bẹn, sinh dục… có thể sưng đau hơn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh.
  • Tại vị trí kiến ba khoang đốt hoặc bị chà xát, các phản ứng viêm da bắt đầu xuất hiện. Ban đầu với 1 hoặc vài đám da đỏ, dài như vết cào xước.Trường hợp bị viêm da nhẹ, bạn có thể chỉ cảm thấy rát ngứa, nổi một vài vết đỏ lấm tấm kèm theo đó là mụn nước, mụn mủ nhỏ… hơi phù nề, kích thước từ vài mm đến vài cm.
  • Người bệnh thường cảm thấy bỏng rát, ngứa tại vị trí viêm. Nặng hơn, bội nhiễm sẽ gây đau nhức rất khó chịu.Trường hợp nặng, tổn thương rộng hơn, bọng nước và bọng mủ nông lan rộng, trợt loét. Nặng hơn nữa có thể gây bội nhiễm, đau nhức và gây hoại tử hoặc để lại sẹo rất khó chữa và mất thẩm mỹ.
  • Một số trường hợp khi tổn thương lan rộng có thể gây đau nhức, sốt, mệt mỏi. Thậm chí nổi hạch ở cổ, nách, bẹn,..tùy vào vị trí bị Kiến ba khoang đốt.

Đây là một loại bệnh rất dễ nhầm với bệnh Zona. Tổn thương vẫn có thể tiếp tục lan ra các vùng da xung quanh nếu bạn gãi vùng da lành, nhất là các nếp gấp của da.

III. Cách loại bỏ ổ kiến ba khoang tại nhà

1. Sử dụng phấn diệt kiến, thuốc diệt côn trùng

  • Với thành phần chủ yếu là Deltamethrin 0,5%, bạn có thể sử dụng phấn diệt kiến để xua đuổi chúng bằng cách tạo nhiều đường song song, mỗi đường 2-3 cm nơi kiến thường qua lại hoặc trú ẩn. Tạo 2-3 vòng tròn xung quanh chân tủ để thức ăn hoặc thùng rác… Loại thuốc này dễ dàng được tìm thấy ở các đại lý hoặc tiệm thuốc. Một lưu ý nhỏ khi sử dụng phấn diệt kiến chính là cần rửa tay với xà phòng sau khi sử dụng chế phẩm, tránh để thuốc tiếp xúc với người, gia súc và thực phẩm.
  • Thuốc diệt kiến: Các sản phẩm thuốc diệt kiến đã và đang được sử dụng rất rộng rãi hiện nay vì tính hiệu quả và dễ sử dụng. Chất hóa học có trong thuốc xịt kiến sẽ làm tê liệt hệ thần kinh của Kiến ba khoang. Bạn có thể sử dụng thuốc xịt vào những nơi kiến hay ẩn náu như gầm giường, gầm tủ, các hốc, kệ trong nhà,… Tuy nhiên, cần lựa chọn các sản phẩm thuốc diệt kiến có thương hiệu, an toàn với sức khỏe. Đặc biệt, cần thận trọng khi sử dụng với gia đình có trẻ nhỏ.

2. Sử dụng bột Baking Soda

Baking Soda có thành phần chính là Natri Bicarbonate (NaHCO3). Baking Soda có rất nhiều công dụng hữu ích trong diệt côn trùng bằng các cách: đầu tiên, trộn baking soda với muối. Sau đó, rắc hỗn hợp này xung quanh nhà, đặc biệt là những nơi kiến hay các loại côn trùng thường tập trung tìm thức ăn. Khi Kiến ba khoang ăn phải hỗn hợp này, chúng sẽ bị trướng bụng và chết. Ngoài cách trên, bạn cũng có thể pha thêm baking soda cùng với giấm hoặc chanh và xịt xung quanh nhà cũng có tác dụng xua đuổi Kiến ba khoang rất tốt.

3. Treo sả hoặc xạ hương trong nhà

Loài kiến và các loại côn trùng khác rất ghét mùi sả cũng như xạ hương bởi thành phần của tinh dầu sả có chứa các hợp chất acid cực mạnh. Việc trồng sả, xạ hương hay sử dụng tinh dầu để đuổi Kiến ba khoang ra khỏi nhà là một biện pháp an toàn và được sử dụng khá phổ biến như:

  • Pha 7-8 giọt tinh dầu sả nguyên chất vào một lít nước, sau đó cho vào bình xịt và xịt vào các ngóc ngách trong nhà.
  • Pha tinh dầu sả vào nước lau sàn, sử dụng lau nhà hằng ngày.

4. Sử dụng bẫy đèn

Lợi dụng tính chất ưa sáng của loài Kiến ba khoang, bạn có thể bẫy chúng bằng cách đặt 1 chậu nước gần khu vực có bóng đèn sáng. Nước từ trong chậu phản xạ ánh sáng thu hút Kiến ba khoang, chúng sẽ rơi xuống chậu nước và chết. Để phương pháp này đạt được kết quả tốt nhất, bạn nên sử dụng các loại bóng đèn phát ra ánh sáng xanh, hoặc bóng đèn huỳnh quang để thu hút Kiến ba khoang hơn.

5. Dọn dẹp vệ sinh khu vực sinh sống thường xuyên

Dọn dẹp sân vườn, cành cây, cỏ mục, phát quang bụi rậm,…để Kiến ba khoang không có chỗ trú ngụ. Lau dọn sạch sẽ những khu vực thường xuyên có đồ ăn gây thu hút kiến bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

IV. Cách phòng tránh kiến ba khoang đốt

1. Trong gia đình

Các biện pháp hạn chế Kiến ba khoang vào nhà như:

  • Khi khu vực sống có xuất hiện kiến ba khoang, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng. Kiến ba khoang là loài bị thu hút bởi ánh sáng đèn huỳnh quang nên rất dễ bay vào nhà theo ánh đèn.
  • Sử dụng lưới cửa sổ và cửa ra vào phòng Kiến ba khoang cũng như các loại côn trùng khác theo ánh sáng bay vào nhà.
  • Ngủ màn để phòng chống tiếp xúc kiến ba khoang.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sống, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà.
  • Quan sát cẩn thận quần áo và khăn mặt trước khi dùng, tránh tiếp xúc với Kiến ba khoang ẩn nấp bên trong. Nếu vô tình nhìn thấy Kiến ba khoang trên người hay quần áo, đồ đạc trong nhà, không nên dùng tay trực tiếp giết chết hay chà xát chúng. Bạn nên thổi chúng ra xa hoặc dùng đồ vật hất chúng ra khỏi người.

Nâng cao sức đề kháng như:

  • Uống nhiều nước. Khi cơ thể có đủ nước, quá trình thải độc tố trong cơ thể tốt, sức đề kháng cũng được nâng cao. Đây là một biện pháp dự phòng cho sức khỏe của con người.
  • Thiết lập chế độ ăn giàu protein, đạm và các chất dinh dưỡng có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa,… để cơ thể có điều kiện sản xuất ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như ngứa ngáy, dị ứng.
  • Bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, E, các khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng như kẽm, selen…những nhân tố giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, giúp các vết sưng, ngứa chóng lành.

2. Ngoài cộng đồng

  • Hạn chế đứng dưới đèn đường, đứng dưới bóng đèn sáng ngoài công cộng. Nếu bắt buộc phải làm việc ở khu vực này, nên chú ý vì Kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở những nơi đèn sáng.
  • Khi làm việc ngoài vườn hay đồng ruộng, nhất là vào mùa sinh trưởng của Kiến ba khoang, nên sử dụng các phương tiện bảo hộ như quần áo dài tay, mũ nón, khẩu trang, ủng,…
  • Nên mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng có đồng ruộng, hoặc khu dân cư nhiều đèn hay công trình đang xây dựng.

V. Cách xử lý tổn thương da do kiến ba khoang đốt

Khi bị Kiến ba khoang đốt, cần nhanh chóng tiến hành xử lý vết thương để tránh da bị tổn thương. Vậy điều trị như thế nào là hợp lý nhất?

1. Loại bỏ chất độc

Ngay sau khi tiếp xúc với nọc Kiến ba khoang, nhanh chóng loại bỏ chất độc dính trên tay bằng nước sạch và xà phòng để tránh làm chất độc dính vào các vị trí khác trên cơ thể gây viêm da lan tỏa.

2. Điều trị tại chỗ

  • Ngay sau khi bị tổn thương: sử dụng nước muối sinh lí NaCl 9% rửa vùng da bị tổn thương 3-4 lần/ ngày để trung hòa độc tố. Pederin là chất rất dễ tan trong nước nên điều này sẽ giúp mức độ viêm da tiếp xúc nhẹ đi rất nhiều.
  • Khi các tổn thương đỏ, đau rát: sử dụng các thuốc làm dịu da, chống viêm như hồ nước, hồ Tetra-Pred hay các loại mỡ kháng sinh phối hợp với corticoid bôi 2-3 ngày/ lần. Tuy nhiên, đây là những tổn thương khá sâu, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc. Thay vào đó, bạn nên gặp các chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và chỉ định thuốc phù hợp với mức độ viêm da.
  • Trường hợp bọng nước, bọng mủ có thể sử dụng các dung dịch chấm màu milian, castellani, nước thuốc tím pha loãng…bôi 1-2 lần/ ngày để làm dịu vùng da bị tổn thương. Sau đó, bạn nên tới các cơ sở y tế da liễu khám và điều trị thêm.

Lưu ý: Hạn chế chà xát và gãi vào vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc vùng da lành với vùng da bị viêm. Không tự ý điều trị, tránh các biến chứng nặng hơn như bội nhiễm, thậm chí để lại sẹo sâu. Nếu đã thực hiện các bước sơ cứu trên nhưng vết thương không giảm mà lan rộng hơn, hoặc xuất hiện hiện tượng nhiễm trùng, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt để được xử lý kịp thời.

Trên đây là những điều cần lưu ý về loài Kiến ba khoang. Chỉ cần biết rõ các đặc điểm sinh thái của loài kiến này, bạn hoàn toàn có thể chủ động trong việc phòng tránh Kiến ba khoang cho bản thân và gia đình của mình. Đừng chần chừ khi cần tư vấn thêm về các vấn đề da liễu, hãy gọi ngay đến số Hotline 1900 9482. Chúng tôi, với đội ngũ dược sĩ lâu năm chuyên nghiên cứu và da liễu sẽ giải đáp thắc mắc về da liễu cho bạn.