Quy trình thi công cọc khoan nhồi bằng hình ảnh mới nhất 2020 (dễ hiểu nhất) – xaydungthuchanh.vn

Cọc khoan nhồi với ưu điểm có sức chịu tải lớn, thi công được tại hầu hết các địa chất khác nhau, hiện nay được áp dụng rộng rãi trong các thiết kế nhà cao tầng, các công trình lớn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quy trình thi công cọc khoan nhồi bằng hình ảnh thực tế nhé.

Sơ đồ các bước chính quy trình thi công cọc khoan nhồi tổng quát

1. Định vị tim cọc, lưới trục, mốc cao độ

Công tác định vị tim cọc, lưới trục, mốc cao độ được tiến hành đầu tiên ngay khi có mặt bằng bàn giao. Hiện nay máy toàn đạc được sử dụng rộng rãi nhất trong công tác trắc đạc này.

Công tác trắc đạc định vị tim, mốc cao độ

2. Ép ống vách (casing)

Sau khi định vị tim cọc bằng máy trắc đạc, người ta sử dụng máy ép rung để ép ống vách xuống vị trí cần khoan cọc. Ống vách có tác dụng định vị và giữ thành miệng hố khoan, nếu không có ống vách thì khi khoan dễ bị dịch chuyển tim cọc và sập thành đất xung quanh xuống hố. Địa chất càng yếu càng cần sử dụng ống vách dài hơn, chiều dài phổ biến của ống vách là 6m, 9m, 12m.

Ép ống vách (ống casing) bằng máy rung

2. Khoan tạo lỗ

Ống vách sau khi đã ép xong sẽ được nghiệm thu tim, độ thẳng đứng, cao độ sau đó sẽ tiến hành khoan cọc. Ứng với mỗi loại địa chất kỹ sư và người điều khiển máy khoan sẽ sử dụng các loại gầu khoan phù hợp. Trong quá trình khoan dung dịch bentonite hoặc polymer được bơm đồng thời vào hố khoan để giúp giữ thành hố. Bentonite ngậm cát trong khi plymer không ngậm cát, sử dụng polymer sẽ giúp quá trình thổi rửa làm sạch đáy cọc tốt hơn. Tiến độ chất lượng hố khoan phụ thuộc vào tay nghề, kiến thức của thợ lái máy khoan. Đối với các dự án có địa chất phức tạp như có cát chảy, hang caster có thể sử dụng phương pháp khoan hạ ống vách qua vị trí này để giữ thành, bentonite không bị tụt. Ở nước ta một số vùng gần biển địa chất thường có hang caster, Quảng Ninh là ví dụ điển hình nhất.

Công tác khoan tạo lỗ

4. Vét lắng đáy

Sau khi đã đạt cao độ, sẽ tiến hành vét lắng đáy hố khoan, sử dụng gầu vét lắng đáy.

Vét lắng đáy hố khoan

5. Lắp đặt, hạ lồng thép

Lồng thép được lắp đặt trong bãi gia công cốt thép, lắp đặt đầy đủ cả ống siêu âm, con kê bảo vệ. Sau đó từng đoạn lồng thép được hạ xuống hố khoan, chiều dài từng lồng thép phụ thuộc vào chiều dài cần cẩu phục vụ, thông thường người ta hạ từng lồng thép dài 11,7m xuống hố sau đó tiến hành nối các lồng thép tiếp theo. Lưu ý mối nối sử dụng thường có tối thiểu 30% nối cóc bu lông để đảm bảo không bị tuột lồng thép trong quá trình hạ lồng thép cũng như đổ bê tông. Hiện nay ít tư vấn cho phép mối nối hàn chập vì lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng thép.

Lắp đặt lồng thép trên bãi gia công

Lồng thép trên bãi gia công đã lắp đặt nghiệm thu xong

Hạ lồng thép

Nối lồng thép sử dụng cóc bu lông

6. Lắp đặt ống đổ bê tông (ống Tremie)

Sau khi hạ lồng thép, tiến hành hạ ống đổ bê tông hay còn gọi là ống Tremie, chúng được nối với nhau bằng ren, đảm bảo kín khít. Chiều dài từng đốt ống đổ bê tông này sẽ được tính toán để phù hợp với chiều sâu hố khoan, sao cho ống đổ bê tông luôn ngậm trong bê tông một đoạn 1,5m – 2m trong quá trình đổ bê tông. Việc này đảm bảo chất lượng bê tông không bị lẫn bùn đất (phần bùn đất được dâng dần lên trên).

Lắp đặt ống đổ bê tông (ống Tremie)

7. Thổi rửa lắng đáy cọc sau khi hạ ống đổ bê tông

Sau khi lắp đặt xong ống đổ bê tông, tiến hành lắp đặt hệ thống ống thổi rửa luồn vào ống đổ bê tông, sau đó tiến hành bơm áp suất cao để thổi rửa sạch mùn bùn đáy cọc. Lấy mẫu nước thoát ra bên trên để thí nghiệm đến khi đạt độ sạch nghiệm thu.

Thổi rửa lắng đáy cọc sau khi hạ ống đổ bê tông

8. Đổ bê tông cọc khoan nhồi

Sau khi nghiệm thu thổi rửa đáy cọc, tiến hành đổ bê tông cọc khoan nhồi. Đa số các dự án mặt bằng rộng rãi có thể bố trí ô tô đi lại được sử dụng biện pháp đổ xả, đổ trực tiếp từ xe bồn bê tông vào phễu đổ bê tông. Trường hợp xe không đi lại được thường sử dụng biện pháp đổ bê tông bằng bơm tĩnh hoặc bơm động tùy dự án.

Đổ bê tông cọc khoan nhồi (đổ xả)

9. Rút ống vách và lấp đất đầu cọc (kết thúc thi công cọc nhồi)

Sau khi bê tông đủ cường độ nhất định, tiến hành rút ống vách, cắt thép treo lồng (thép râu) và lấp đất đầu cọc khoan nhồi. Có thể dùng đá, cát hoặc đất để lấp, việc này chỉ để đảm bảo an toàn khi đi lại không bị tụt xuống hố.

Rút ống vách cọc khoan nhồi bằng máy rung

Chi tiết đầu cọc khoan nhồi (bê tông bẩn, lấp đất/ cát đầu cọc)

10. Đập đầu cọc (thuộc giai đoạn thi công móng)

Công tác đập đầu cọc thuộc giai đoạn thi công móng, sau khi thi công đào đất. Phần cọc khoan nhồi được bớt lại 100mm (con số kinh điển) để ngậm vào đài móng cùng với râu – thép chủ cọc khoan nhồi. Một số dự án còn có thanh trương nở quấn quanh đầu cọc khoan nhồi để chống thấm trước khi đổ bê tông móng.

Đập đầu cọc khoan nhồi

Đây là biện pháp đập và vận chuyển bê tông đầu cọc khoan nhồi lên (đục rỉa xung quanh, sau đó lắc gãy bê tông)

Chi tiết thanh trương nở chống thấm xung quanh cọc, không nhiều dự án yêu cầu làm việc này

Kết bài:

Vậy là mình đã chia sẻ xong quy trình thi công cọc khoan nhồi phổ biến nhất hiện nay. Nếu bạn muốn theo đuổi nghề QS để rút lui về văn phòng làm khi có tuổi hoặc làm công việc này ngay từ đầu thì có thể tham khảo thêm những chia sẻ của mình trên trang chủ nhé.